Hãy Làm Rõ ý Kiến: Trong Tác Phẩm Tự Sự Như Tiểu Thuyết, Truyện Ngắn ...

Có ý kiến cho rằng: “Trong tác phẩm tự sự như tiểu thuyết, truyện ngắn hay tác phẩm kịch, nhân vật bao giờ cũng là yếu tố mang nghĩa thể hiện các giá trị nhân sinh”

Anh (chị) hãy bàn luận về ý kiến  trên.

  • Mở bài:

Nhà văn Phê-đin từng cảm thán về tác phẩm “Phục sinh” của văn hào Lev Tolstoy rằng: “Nhekhliudop là một công cụ tinh vi, sắc bén – ngoài Nhekhliudop ra, không ai có thể vạch ra tốt hơn những bí mật của bọn người nhà nước đang nắm giữ chính quyền, cũng như những bí mật của tâm hồn người Nga đang bị bóp nghẹt dưới chế độ Nga hoàng…Hãy thay thế Nhekhliudop bằng một nhân vật khác, và như vậy “Phục sinh” cũng mất theo”. Phải chăng, nhân vật văn học chiếm một vai trò hết sức quan trọng đối với sự sống còn của tác phẩm? Phải chăng, qua mỗi nhân vật ta sẽ hiểu hơn về những triết lý, giá trị của cuộc đời, sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về thời đại? Thật vậy, “trong tác phẩm tự sự như tiểu thuyết, truyện ngắn hay tác phẩm kịch, nhân vật bao giờ cũng là yếu tố mang nghĩa thể hiện các giá trị nhân sinh”.

  • Thân bài:

Văn học không thể thiếu nhân vật vì đó chính là phương tiện, là công cụ để người nghệ sĩ bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề nhức nhối của xã hội, những “giá trị nhân sinh” trong cuộc sống. Qua hình tượng nhân vật, bạn đọc sẽ có nhận thức đúng đắn và sâu sắc hơn về cuộc đời. Hay nói cách khác, nhân vật văn học chính là chìa khóa để độc giả “hiểu biết, khám phá và sáng tạo thực tại xã hội” (Phạm Văn Đồng). Có thể nói rằng, nhân vật nghệ thuật chính là con thuyền chuyên chở những gửi gắm, tâm tư của người nghệ sĩ, để khi cập bến, bạn đọc sẽ nhận ra những bài học quý giá để hiểu đời hơn, hiểu mình hơn. Đã hoàn toàn chính xác khi nói rằng: “Trong tác phẩm tự sự như tiểu thuyết, truyện ngắn hay tác phẩm kịch, nhân vật bao giờ cũng là yếu tố mang nghĩa thể hiện các giá trị nhân sinh”.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã cho rằng: “Văn học và cuộc đời là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”. Phải chăng, nghệ thuật muôn đời vẫn mãi hướng ngòi bút về con người, lấy con người làm đối tượng để phản ánh? Chính số phận, tình cảm, suy tư của những con người được nhà văn thể hiện là thứ đọng lại sâu sắc nhất trong tâm hồn độc giả. Sẽ ra sao nếu người nghệ sĩ quên đi tầm quan trọng của con người đối với văn chương để rồi tìm kiếm những thứ quá xa vời, huyễn hoặc? Người đọc tìm đến nghệ thuật như thể tìm đến một suối nước trong lành để được nếm trải những kiếp người, những phận đời, những hoàn cảnh khác nhau để được hiểu con người hơn, để sống như một con nguời chân chính. Để đáp lại tình cảm đó, làm sao nhà văn có thể xây dựng nên những nhân vật một cách cẩu thả, hời hợt, mỗi nhân vật ra đời phải là kết tinh của cả một quá trình học hỏi, tìm tòi những sự thực ở cuộc đời.

Có ý kiến cho rằng tác phẩm văn học phải khắc họa nhân vật “mang nghĩa thể hiện các giá trị nhân sinh”. Vậy “giá trị nhân sinh” ở đây là gì và tại sao văn chương phải phản ánh nó? Vấn đề nhân sinh là những thứ vốn tồn tại khắp mọi nơi trong cuộc sống chúng ta, chỉ vì đôi lúc chúng ẩn khuất đằng sau những bộn bề lo toan nên vô tình ta không nhìn thấy. Đó cũng là lí do vì sao nhà văn có nhiệm vụ giúp độc giả khám phá những chân lý, và nhân vật văn học là công cụ giúp họ hoàn thành sứ mệnh ấy.

Nhà văn Ý Claudio Magris đã nhận xét: “Văn học không quan tâm đến những câu trả lời mà nhà văn đem lại mà chỉ quan tâm đến những câu hỏi do nhà văn đặt ra, và những câu hỏi này luôn luôn rộng hơn bất kỳ một câu trả lời nào”. Đến với mỗi tác phẩm, ta không thể là một độc giả thụ động chỉ biết chấp nhận những triết lý mà nhà văn đưa ra, ngược lại, họ phải tìm tòi và khám phá không ngừng để trả lời những câu hỏi mà người nghệ sĩ mở ra nơi số phận của nhân vật. Có bao giờ khi tìm đến một tác phẩm, ta bỗng cảm thấy hình như bản thân mình cũng cho chút niềm vui khi thấy nhân vật hạnh phúc? Có bao giờ ta đọc một áng văn, dõi theo cuộc đời một nhân vật để rồi cất lên câu hỏi: “Sao số phận họ lại bế tắc và khốn khổ như vậy?” hay “Sao cái ác lại lộng hành như thế?”,… Mỗi câu hỏi được đưa ra là một lần bạn đọc đến gần hơn với nhân vật, họ muốn lý giải những khúc mắc, những câu hỏi về cuộc đời của nhân vật ấy, để rồi từ đó sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa con người và thời đại. Marxim Gorki đã nói: “Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên tôi tách khỏi con thú để lên tới gần con người”, bởi lẽ, khi một câu hỏi được giải đáp, độc giả sẽ hiểu về chính mình nhiều hơn.

Lỗ Tấn – một văn sĩ Trung Hoa với nhiều sáng tác vẫn mãi ám ảnh độc giả về những biến tướng, ung nhọt trong xã hội Trung Quốc thời bấy giờ. “A.Q chính truyện” là một trong số đó. Nhân vật A.Q được nhà văn xây dựng như một tấm gương không chỉ phản ánh cho một tầng lớp của xã hội mà còn mang tính dân tộc, tính nhân loại. A.Q được mô tả là một người nông dân nghèo khổ, hằng ngày đi lang thang khắp làng Mùi để làm thuê làm mướn. Cả cuộc đời A.Q là một con số “0” tròn trĩnh, là một chuỗi ngày tháng bị khinh miệt, ghét bỏ, đến nỗi người làng Mùi không giao tiếp với y bằng lời nói mà bằng gậy gộc, bằng những cái cười đùa, bằng những cái tát nảy lửa.

Nhưng nếu dừng lại ở đó, “A.Q chính truyện” sẽ đơn thuần là một lời kết án cho sự vô cảm, thiếu tình người của nhân dân Trung Quốc thời xưa. Lỗ Tấn đã tinh tế hơn khi gắn cho nhân vật A.Q một chứng bệnh-“phép thắng lợi tinh thần”. A.Q luôn ảo tưởng về một quá khứ giàu sang, huy hoàng, luôn khoe khoang về tổ tiên mình dù lai lịch của y rất đỗi mơ hồ, “tên, họ, quê quán đều mập mờ”. Đánh bạc bị lấy mất tiền, A.Q lại tự an ủi mình rằng: “Cứ cho là con nó cướp của bố nó đi” rồi lại tự cho mình là “đồ con sâu”. Ngay cả khi bị xử tử, dẫu có hơi hoảng nhưng y vẫn tự trấn tĩnh: “người ta sinh ra trong trời đất, trước sau cũng có thể một lần bị chặt đầu”.

Tình huống đặt ra đầy trớ trêu, nghịch lý. Sẽ có người cho rằng A.Q mất trí, A.Q không tỉnh táo, A.Q đã mê muội rồi. Thế tại sao Lỗ Tấn lại khắc họa một A.Q mù quáng như vậy? Sao không tạo nên một A.Q cam chịu số phận bi thảm để được người đời họ thương, họ mến? A.Q chết vì sao, phải chăng vì y mãi đến cuối đời vẫn chưa tỉnh ngộ, vẫn bị “phép thắng lợi tinh thần” thôi miên bản thân để giúp chính mình vượt qua nghịch cảnh, để dễ dàng chấp nhận sự thất bại để mỉm cười sống tiếp.

Ban đầu, chúng ta đối với A.Q là một thái độ chán ghét. Chúng ta ghét A.Q tại sao lại cứ nhốt mình trong ảo giác như thế? Chúng ta ghét A.Q tại sao lại lừa dối và huyễn hoặc chính bản thân mình? Nhưng càng đọc, chúng ta càng thương nhân vật này hơn, càng nhận ra Lỗ Tấn chính là người thợ gốm đại tài khi tạc nên bức tượng A.Q mang đậm ý nghĩa tố cáo. A.Q dùng “phép thắng lợi tinh thần” để chuyển bại thành thắng, hắn lườm nguýt kẻ thù, cho mình là bố người khác, tự đánh mình mà lại có cảm tưởng là mình đánh người khác. “Liều thuốc tinh thần” ấy khiến A.Q vui, đã cứu vớt A.Q khỏi nỗi nhục nhã bị người đời khinh rẻ nhưng nó không làm A.Q hạnh phúc, đó mới là bi kịch.

Chính nỗi bất hạnh cuộc đời A.Q đã vén bức màn đen tối của xã hội thời bây giờ. A.Q chính là sản phẩm, một sản phẩm điển hình nhất của xã hội nửa thuộc địa, nửa phong kiến đầy quái thai, biến tướng. “Phép thắng lợi tinh thần” ấy phải chăng là căn bệnh của riêng mỗi A.Q, không, đó là căn bệnh chung của nhân dân Trung Hoa khi họ luôn cho rằng: văn minh vật chất phương Tây cao thật nhưng văn minh tinh thần Trung Quốc còn cao hơn. Họ sống trong hoài niệm về sức mạnh quá khứ, cố gắng dùng chút sức lực cuối cùng để níu kéo thứ uy quyền đã mất để tự trấn an bản thân. Nhưng càng tự cổ vũ bản thân, càng sống trong vỏ bọc tinh thần ấy thì họ càng bị giằng xé bởi chính thực tại phũ phàng.

Rồi sẽ có nhiều A.Q nữa, họ cũng sẽ sống trong cảm giác đắc thắng, rồi cũng sẽ chết đi như A.Q thôi. Lỗ Tấn tạo nên A.Q không chỉ để vẽ nên một bức tranh thời đại đầy kì dị mà còn như một hồi chuông cảnh tỉnh, gọi thức sự tỉnh táo của người dân Trung Hoa. Như thế, A.Q đích thực là nhân vật “mang nghĩa thể hiện các giá trị nhân sinh” vì qua đó, nhà văn đã cứu vớt những con người thoát khỏi “căn bệnh A.Q”.

Nếu như bạn đọc nhớ tới A.Q như một nhân vật vô cùng đáng thương, phải sống với “phép thắng lợi tinh thần” để chống chọi những đổi thay của xã hội thì khi đến với tác phẩm “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” của Nguyễn Huy Tưởng, ta lại bắt gặp một Vũ Như Tô rất khác. Vũ Như Tô khác với A.Q ở chỗ ông là người tài hoa, có khát khao và hoài bão, nhưng điểm chung giữa họ là cuộc đời đều rơi vào bi kịch. Qua lời kể của Đan Thiềm, Vũ Như Tô hiện lên với tài năng đạt đến mức độ siêu phàm, có thể “chỉ vẩy bút là chim, hoa đã hiện lên trên mảnh lụa thần tình biến hóa như cảnh hóa công”. Ông muốn trổ hết tài năng để xây dựng cho đất nước một tòa lâu đài vĩ đại “bền như trăng sao” để cho dân ta “nghìn thu còn hãnh diện”.

Nhưng trong hoàn cảnh thực tại, ước mơ ấy lại hóa phù phiếm, nó sang trọng đấy, nhưng lại đi ngược với cuộc sống nhân dân, nó đẹp đẽ nhưng đẫm máu như một “bông hồng ác”. Và ngay chính tận cùng của hoài bão ấy, Vũ Như Tô bị đẩy vào bi kịch đầy đau đớn. Người nghệ sĩ tài hoa ôm trong mình giấc mộng xây dựng đài Cửu Trùng để “tranh tinh xảo với hóa công”, nhưng làm sao có thể hoàn thành giấc mộng nếu nó đem lại đau khổ cho nhân dân.

Ngay thời khắc Cửu Trùng Đài bị cháy, Vũ Như Tô mới nhận ra sự thực về giấc mộng lớn đã tan tành, ông hét lên đầy kinh hoàng và tuyệt vọng: “Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!”. Nỗi đau vỡ mộng hóa thành tiếng kêu khắc khoải, bi thiết, Vũ Như Tô đã chết trước khi ra pháp trường- chết về ước mơ và hoài bão. Cái chết của Vũ Như Tô khép lại tác phẩm nhưng lại mở ra muôn vàn câu hỏi cho bạn đọc về mối quan hệ giữa người nghệ sĩ và nhân dân, giữa nghệ thuật và cuộc sống.

Vậy nên hay không nên xây Cửu Trùng Đài? Đối với Vũ Như Tô, sự lựa chọn nào cũng dẫn đến cái chết: hoặc chấp nhận cuộc sống cam chịu mà phí tài trời, hoặc hy sinh cả mạng sống để đổi lấy ước mơ,… Phải chăng, sự chết chính là cái giá vô cùng đau đớn mà người nghệ sĩ phải trả cho sự dấn thân tìm kiếm bản ngã, tìm kiếm ý nghĩa sự tồn tại của chính mình.

Vậy Vũ Như Tô phải hay người giết Vũ Như Tô phải? Xuyên suốt cả tác phẩm là những lượt lời trao đổi qua lại nhưng thực chất các nhân vật dường như độc thoại, vì lẽ họ không tìm được tiếng nói chung. Nhân dân đứng trên nỗi khổ, nhìn Cửu Trùng Đài như cái ác đáng bị tiêu diệt nhưng Vũ Như Tô lại đứng trên lý tưởng, nhìn đài Cửu Trùng như cái đẹp. Bi kịch giáng xuống cả cái đẹp và cái thiện: khi cái đẹp dửng dưng mọc rễ từ máu và nước mắt của cái thiện, nó sẽ bị cái thiện bức tử, còn cái thiện, khi nó nhảy múa vui vẻ trên cái xác rực lửa của cái đẹp, nó cũng đã đốt cháy và hủy diệt chính mình.

Những câu hỏi này được mở ra từ bi kịch của Vũ Như Tô nhưng ngay cả tác giả, ngay cả chính nhân vật này cũng không thể tìm ra lời giải đáp. Có lẽ rằng, mỗi bạn đọc tìm đến với tác phẩm, khi họ hòa mình vào số phận nhân vật, đặt để bản thân mình trong hoàn cảnh đó mà suy xét, họ sẽ tìm được câu trả lời cho chính mình. Và như vậy, ở tác phẩm “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”, Vũ Như Tô chính là nhân vật đích thực, là “yếu tố mang nghĩa thể hiện các giá trị nhân sinh”.

Cả A.Q hay Vũ Như Tô đều hoàn thành trách nhiệm của một nhân vật nghệ thuật, đó là nơi bạn đọc có thể soi rọi vào mà nhìn nhận chính mình, là tấm gương phản chiếu thực tại, là “cuốn sách giáo khoa của đời sống” giúp ta khám phá ra nhiều chân lý. Nhà văn ơi, xin anh đừng dựng nên những bức tượng vô hồn, những nhân vật không mang nhiều ý nghĩa mà hãy nhớ rằng: “Các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải giản đơn là những bản dập của những con người sống mà là những hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả” (Bertolt Brecht). Còn về phía bạn đọc, anh đừng để văn chương trôi qua tâm trí mình cách vô nghĩa, hãy sống với nhân vật, vì từ đó, anh sẽ hiểu hơn về cuộc đời.

  • Kết bài:

Điều gì đã làm nên sức sống mãnh liệt của văn chương? Mỗi nhân vật là một cuộc đời riêng, là một viên gạch nhỏ làm nên bức tường thành nghệ thuật vững chắc. Qua mỗi nhân vật ta thấy cả một tầng lớp, một giai cấp, một thời đại, thậm chí có nhân vật vượt lên khỏi thời đại, có ý nghĩa nhân loại, vĩnh cửu sống mãi với thời gian.

  • Qua một tác phẩm văn học mà em đã đọc, đã học, hãy trình bày tác động của tác phầm ấy đối với em
  • Chứng minh: “Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài…” (Hoài Thanh)
  • Hãy làm rõ nhận định của Nguyễn Khải: “Văn chương có quyền nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”

Từ khóa » Cuối Cùng Truyện Ngắn Cũng Như Tiểu Thuyết