Hệ Thống Chống Bó Cứng Phanh ABS | Chevy An Thái - Genesys

Đang lái xe mà gặp một tình huống nguy hiểm trước mặt, phản ứng tự nhiên của chúng ta là đạp mạnh chân thắng, xiết cứng dàn bánh xuống mặt đường. Tuy nhiên, do nguyên lý quán tính, chiếc xe đang chạy nhanh không dễ gì đứng lại ngay được, dàn bánh xe bị xiết cứng vẫn cố lê thêm một đoạn nữa, với tiếng rít chói tai của cao su nghiến trên mặt đường, rồi khói và mùi khét do bánh xe bốc cháy tỏa ra. Lúc đó, tài xế không còn điều khiển được tay lái, chiếc xe phóng đi loạng choạng, và nguy cơ một tai nạn khác rất dễ xảy ra.

Để thích ứng với tình huống này, bước vào những năm 1970, các nhà sản xuất xe hơi đã chế tạo ra hệ thống thắng ABS (Anti-Locking Brake System), giúp bánh xe không bị khóa cứng khi thắng gấp, nhất là trên những mặt đường trơn ướt hoặc đóng băng, nhờ đó tài xế có thể tiếp tục điều khiển được tay lái, đưa xe vào vị trí an toàn trong tình trạng khẩn cấp. Và tất nhiên là nó rất hiệu quả. Cho đến nay, ABS mỗi ngày mỗi cải thiện và đã có mặt trong hầu hết các loại xe lưu hành trên đường phố. Tuy nhiên, cùng với cảm giác an toàn gia tăng, nhiều tài xế lại có tâm lý ỷ lại, mất cảnh giác và sự cẩn trọng cần thiết khi lái xe. Đó là điều đáng tiếc nhất trong số những khuyết điểm đương nhiên của bất cứ một phát kiến kỹ thuật nào, kể cả ABS.

Phần sau đây chúng ta sẽ phân tích vài nét cơ bản của hệ thống ABS, và đề cập những gì cần làm để tận dụng ích lợi của kỹ thuật an toàn này.

Cấu tạo cơ bản của ABS

Trong những điều kiện chạy và thắng bình thường, tài xế không cảm thấy có gì khác biệt giữa một hệ thống ABS và hệ thống tiêu chuẩn không-có-ABS. Chỉ trong những lúc thắng gấp, ABS mới phát huy tác dụng, khi đó bàn thắng sẽ rung mạnh với những cái nhồi đập cao hơn, tiếp nối bởi một tiếng “click” nghe thấy khá rõ ràng.

Hệ thống ABS tiêu chuẩn bao gồm những thành phần sau đây:

Hydraulic Control Unit (HCU): Bộ Điều Khiển Thủy Lực.

Anti-lock Brake Control Module: Bộ Điều Khiển ABS (chống bó cứng phanh)

Front Anti-lock Brake Sensors/Rear Anti-lock Brake Sensors: Bộ cảm biến bánh trước/Bộ cảm biến bánh sau.

Cơ chế hoạt động của ABS được giải thích một cách đơn giản như sau:

- Khi tài xế đạp gấp chân thắng, dầu thắng sẽ được đẩy vào trong bộ Điều Khiển Thuỷ Lực HCU, và được ép lại tại đây để nâng cao áp suất trước khi đưa dầu đến các bộ phận thắng trong mỗi bánh xe.

- Trong khi phân tích những dữ liệu do bộ cảm biến tại các bánh xe cung cấp, nếu Bộ Điều Khiển ABS “cảm thấy” một chiếc bánh nào đó sắp bị khóa cứng, thì nó sẽ đóng Valve không cho dầu đổ xuống đó nữa, và mở Valve khi cần thiết cho dầu thắng lưu thông trở lại, bảo đảm cho bánh xe lăn đều trong khi giảm tốc, tránh tình trạng bánh bị khóa cứng.

- Từ vận tốc 20km/h trở lên, ABS sẽ tự động vận hành, và chúng ta sẽ nghe một tiếng “click” bên trong máy. Khi xe di chuyển với vận tốc dưới 20km/h, ABS sẽ tự ngưng hoạt động.

- Nếu ABS trục trặc, xe vẫn tiếp tục hoạt động với hệ thống thắng tiêu chuẩn. Thông thường khi đèn vàng trên đồng hồ ABS sáng lên, cho biết có trục trặc, đó là lúc hệ thống tự động được chuyển về trạng thái tiêu chuẩn, và chúng ta phải biết rằng hệ thống chống bó cứng phanh ABS không còn hiệu quả trong những lúc thắng gấp nữa.

- ABS hoạt động chủ yếu nhờ vào dầu thắng. Nếu vì lý do nào đó dầu trong hệ thống không đầy đủ, ABS sẽ không còn hiệu quả.

Trên đây chỉ là những phác thảo rất cơ bản về cơ chế ABS. Điều quan trọng là chúng ta tận dụng được những gì từ kỹ thuật này hầu làm tăng sự an toàn của chúng ta trên đường phố?

Tận dụng những lợi ích của ABS

Trái với sự suy nghĩ của đa số, hệ thống ABS không giúp chúng ta ghìm bánh xe lại nhanh hơn bình thường. Công dụng chính của ABS là: Giúp tài xế làm chủ được tay lái trong khi thắng gấp do bánh xe không bị khóa cứng; làm được như vậy cũng đã là một công trạng lớn. Bởi vì, nếu bánh xe bị khóa cứng trong lúc di chuyển, tài xế sẽ không còn điều khiển được tay lái, xe sẽ bị đẩy đi theo quán tính, khó có thể tránh khỏi tai nạn.

Để tận dụng được tất cả những ích lợi về an toàn của hệ thống ABS, chúng ta cần phải biết sử dụng đúng cách. Sau đây là một ít lời khuyên của Liên Hiệp Giáo Dục ABS (ABS Education Alliance)

Những điều nên làm

Khi phải thắng khẩn cấp, ấn mạnh và giữ chân trên bàn thắng để duy trì áp lực liên tục và vững vàng để phát huy tác dụng của ABS trong lúc bẻ tay lái đưa xe về vị trí an toàn. Đừng “bơm” chân trên bàn thắng, cho dù có cảm thấy nhịp rung của nó. Trong một số loại xe tải hạng nhẹ, ABS chỉ được trang bị cho dàn bánh sau, và dàn bánh trước vẫn có thể bị xiết và khóa lại như trong các xe không có ABS. Khi trường hợp đó xảy ra, tài xế cần phải nhấc chân khỏi bàn thằng vừa đủ để giải tỏa một chút áp lực cho bánh trước lăn đều ngõ hầu có thể điều khiển được tay lái.

Giữ khoảng cách “ít nhất 3 giây” với xe trước mặt, hoặc xa hơn nữa trong những tình trạng nguy hiểm. Khi lái xe trên những quãng đường trơn ướt hoặc đóng băng, tài xế vẫn phải cực kỳ cẩn trọng và tăng thêm khoảng cách với xe trước mặt, chứ không thể ỷ lại vào ABS.

Cần phải dành thời gian tập lái và tập sử dụng ABS. Làm quen với nhịp đập của bàn thắng khi ABS được khởi động. Có thể vào những bãi đậu xe trống để tập dùng ABS trong trường hợp phải thắng gấp.

Nên hiểu rõ sự khác biệt giữa hệ thống ABS trên 4 bánh trong những và ABS trên dàn bánh sau. Hệ thống ABS trên 4 bánh thường được tìm thấy trong những loại xe chở khách, được thiết kế với mục đích duy trì khả năng điều khiển tay lái của tài xế trong những lúc phải thắng gấp. Hệ thống ABS trên dàn bánh sau, vốn chỉ có trong các loại xe tải hạng nhẹ, được thiết kế để duy trì sự ổn định hướng đi của xe và tránh cho xe khỏi bị trợt sang ngang.

Những điều cần tránh

Đừng bao giờ ỷ y với hệ thống ABS mà lái xe một cách cẩu thả hoặc hung hăng hơn so với xe không có ABS.

Đừng bao giờ phóng nhanh trong lúc bẻ “cua”, đổi lane, hoặc biểu diễn tay lái bằng cách vòng vèo uốn lượn. .. tất cả đều là không an toàn đối với bất cứ loại xe nào. Vận tốc là một yếu tố quan trọng. Lái xe quá nhanh, thì dù ABS có phản ứng nhanh lẹ cách mấy cũng không thể giúp chúng ta triệt tiêu được sức đẩy của quán tính. Mặc dầu bánh xe không bị khóa, xe không trợt đi, bạn có thể bẻ tay lái sang phải hay sang trái, nhưng lực đẩy của quán tính vẫn đưa bạn sang một hướng khác.

Đừng “bơm” chân trên bàn thắng, vì làm như vậy hệ thống ABS sẽ mở tắt liên tục. Khi gặp trường hợp nguy cấp, ABS sẽ tự “bơm” giúp chúng ta với một tốc độ nhanh và hiệu quả hơn nhiều, giữ cho bánh xe khỏi bị khóa lại, giúp tài xế điều khiển tay lái dễ dàng hơn.

Đừng quên bẻ tay lái khi xe lâm vào tình huống nguy hiểm. ABS chỉ tạo điều kiện cho chúng ta điều khiển tay lái, chứ không thể lái thay chúng ta được.

Đừng hoang mang khi nghe tiếng động hoặc nhịp đập nhè nhẹ của bàn đạp khi nhấn thắng trong hệ thống ABS. Đây là dấu hiệu bình thường, cho tài xế biết là ABS đang vận hành.

Theo: http://khoahoc.tv

Muốn bội thu doanh số, bùng nổ thương hiệu? Liên hệ ngay Hotline: 0906 632 486 hoặc Yêu cầu tư vấn

Từ khóa » Hệ Thống Chống Bó Cứng Abs