Hệ Thống Chống Bó Cứng Phanh ABS Là Gì? - VOV Giao Thông

Tại các dòng xe hơi hiện nay đều được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS nhằm hỗ trợ cho việc lái xe an toàn và hiệu quả hơn. Ấy thế mà ở trên Huyndai Grand i10 - "ông vua" xe hạng A tại thị trường Việt Nam lại dính lỗi sự cố hệ thống chống bó cứng phanh ABS.

Mà nguyên nhân chủ yếu là do cảm biến ABS ở phanh xe bị hỏng và cách duy nhất là buộc người dùng phải thay thế cảm biến.

Tuy nhiên, không phải là ai cũng quan tâm nhiều đến ABS, đặc biệt là nữ giới. Thậm chí, nhiều người lái xe hàng ngày còn không biết xe mình được trang bị hay không và nó hoạt động như thế nào?

Điều này cũng dễ hiểu, bởi như Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) chia sẻ, ABS là công nghệ xa lạ với hầu hết mọi người. Vì ABS không thể thay thế tài xế mà hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ năng của người điều khiển, còn ABS chỉ là công cụ hỗ trợ: “Trong các tình huống khẩn cấp, tài xế phải loại bỏ kiểu phanh truyền thống (nhấn rồi nhả) và thay bằng phương pháp tốt hơn (nhấn và lái), bởi ABS đã làm hộ việc chống bó cứng bánh. Nhiệm vụ lúc này của tài xế chỉ là điều khiển sao cho xe an toàn nhất”.

Bảng so sánh xe có trang bị ABS và không trang bị ABS

Hệ thống chống bó cứng phanh ABS là gì?

ABS ra mắt tại Mỹ những năm cuối thập niên 1970 và được coi là thiết bị an toàn có khả năng giảm đáng kể số vụ tai nạn giao thông và mức độ nghiêm trọng. Thông qua các cuộc thử nghiệm, ABS cho thấy sự hiệu quả và cần thiết cho các xe trong thời điểm hiện tại.

ABS (hay còn gọi Anti-Locking Brake System) – có thể hiểu đơn giản là hệ thống chống bó cứng phanh, đây là tính năng an toàn chủ động được trang bị trên ô tô hiện nay để giảm thiểu tối đa tổn thất và bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Nếu để ý, xe được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS sẽ có đèn tín hiệu trên bảng điều khiển. Nhưng cần lưu ý, nếu ô tô được trang bị ABS mà đèn tín hiệu không sáng sau khi bật chìa khóa trong khoảng 3 giây, thì bạn cần phải tìm hiểu nguyên nhân và điều chỉnh.

Cấu tạo của ABS

Thông thường, nếu không để ý đến ký hiệu của hệ thống bó cứng phanh ABS thì người điều khiển sẽ không cảm nhận được xe có trang bị hệ thống này hay không. Bởi khi vận hành xe và sử dụng phanh trong điều kiện bình thường, người điều khiển sẽ không cảm nhận được rõ. Nhưng khi xảy ra sự cố và phanh xe làm việc trong điều kiện đột ngột, hệ thống chống bó cứng phanh ABS mới phát huy hết công dụng của nó.

Cấu tạo của ABS gồm ECU (bộ phận điều khiển thủy lực), bộ điều khiển chống bó cứng phanh, đèn cnảh báo ABS, bộ cảm biến bánh trước/bánh sau ô tô, thiết bị điều áp… Có rất nhiều loại hệ thống phanh ABS như hệ thống phanh ABS khí nén hay thủy lực…

Nguyên lý làm việc của ABS

Hệ thống này hoạt động theo nguyên tắc xử lý các thông tin từ cảm biến trước và sau của bánh xe để đưa ra lệnh đóng/mở van dầu. Ví dụ, khi tài xế đạp mạnh vào chân phanh, dầu thắng sẽ được đẩy đến các bộ phanh ở mỗi bánh xe.

Lúc này ECU sẽ thu thập, xử lý thông tin từ các cảm biến và khi thấy dấu hiệu có bánh xe sắp bị khóa cứng, van sẽ đóng không cấp dầu thắng đến nữa. Thay vào đó, dầu phanh sẽ được bơm lại nhằm giữ cho xe tiếp tục lăn bánh trong quá trình giảm tốc chậm từ từ, giúp bánh xe không bị bó cứng.

Xe không có ABS sẽ bị mất lái trong khi xe có ABS vẫn giữ được hướng đi theo ý muốn. Tuy nhiên, ABS không làm hộ tài xế mà hoàn toàn phụ thuộc kỹ năng của người điều khiển, ABS chỉ là công cụ trợ giúp

Tác dụng của ABS

Thông qua các cuộc thử nghiệm trên mọi cung đường dưới các điều kiện thời tiết, nếu xe không trang bị ABS, khi tài xế nhấn chân phanh một cách đột ngột, bánh dẫn hướng sẽ bị cứng và không thể điều khiển được, dẫn đến tình trạng mất lái và gây nguy hiểm. Còn khi được trang bị hệ thống ABS, nó sẽ giúp quá trình phanh được trơn tru và an toàn hơn.

Lưu ý, ABS chỉ kích hoạt ở những tình huống phanh khẩn cấp và chân phanh sẽ rung giật để báo cho tài xế biết nó đang hoạt động.

Một số lưu ý về hệ thống ABS

Khi xảy ra tình huống khẩn cấp, nếu xe được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS thì tài xế cần giữ chắc tay lái, thả lỏng vai và cần đạp phanh dứt khoát, không nhấp nhả liên tục vì đó là nhiệm vụ của hệ thống ABS trên xe. Lợi ích hàng đầu của ABS là cho phép tài xế tiếp tục kiểm soát được hướng lái và chống hiện tượng trượt khi phanh gấp.

Việc thay đổi kích thước lốp xe cũng ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ABS. Nguyên nhân là bởi thay đổi kích thước lốp sẽ làm biến đổi tốc độ bánh, dẫn đến các thông số gửi sai số liệu khiến ABS làm việc không hiệu quả. Do đó, hãy tham khảo kỹ hướng dẫn trước khi thực hiện bất kỳ sự thay đổi nào.

Từ khóa » Hệ Thống Chống Bó Cứng Abs