Hiện Tượng Mơ Hồ Và Văn Học Trào Phúng - Tạp Chí Sông Hương

Ban biên tập Gửi bài viết Liên hệ quảng cáo Trang chủ Huế luôn luôn mới Phòng chống dịch COVID-19 (new) SỰ KIỆN 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ VỌNG RA BIỂN Tình Sông Hương Văn Thơ Nghiên Cứu & Bình Luận Câu chuyện hôm nay Văn hoá nghệ thuật Festival Huế Kiến trúc Âm nhạc Sân khấu Mỹ thuật Nhiếp ảnh Văn học dân gian Lễ hội Ca dao - Cổ tích Đất và người Huế bốn phương Nhìn ra thế giới Nhịp cầu di sản Trang viết đầu tay Trang thiếu nhi Góc Hoài niệm SỐ ĐẶC BIỆT CHUYÊN ĐỀ Giá sách Sông Hương Tác phẩm hay Tác giả - Tác phẩm Giá sách Sông Hương Ca dao - Cổ tích Hiện tượng mơ hồ và văn học trào phúng 10:21 | 13/10/2011 NGUYỄN ĐỨC DÂN Có một giai thoại về Nguyễn Khuyến như sau: Làng Cổ Ngựa có ngôi đền thờ thánh mẫu thu hút khá nhiều người đến lễ bái. Nhằm kiếm chác đám người mê tín, hào lý trong làng xuất quỹ xây lại đền to hơn, đẹp hơn. Hiện tượng mơ hồ và văn học trào phúng Chân dung cụ Nguyễn Khuyến - Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Biết rõ ý đồ này, cụ Nguyễn Khuyến gửi đôi câu đối xuống cúng thánh, mừng làng: - Mỹ nhân như ngọc, hành vũ, hành Phong, anh linh mạc trắc (Nghĩa là: Người đẹp như ngọc, làm gió, làm mưa, thiêng không lường hết). - Tế thế kỳ âm, hộ dân hộ quốc, thượng lại vô cùng (Nghĩa là: Âm đức cứu đời, giúp dân, giúp nước, ơn đội vô cùng). Lời ca ngợi thánh mẫu thật sự nghiêm túc chăng? Ngày xưa viết không có dấu phẩy ngăn cách các từ, và mấy ông chức sắc đã tái mặt khi đọc lại: - Mỹ nhân như ngọc hành… - Tế thế kỳ âm hộ… *** Thế đấy, đành rằng nói và viết phải rõ ràng, chính xác. Nhưng cũng có khi người ta cần nói và viết cho … mơ hồ, vì người ta muốn… mơ hồ. Giai thoại trên đây là một ví dụ. Người viết muốn mơ hồ không vì họ theo kinh nghiệm sống cũ kỹ “Người khôn ăn nói nửa chừng. Để cho người dại nửa mừng nửa lo”. Và cũng không phải vì họ theo phương châm xử thế “Làm trai cứ nước hai mà nói”. Vì một người bình thường, trung thực thì không cần phải đưa ra những điều lập lờ, như quan niệm của Na-pô-lê-ông Bô-na-pac: “một hiến pháp tốt nhất là hiến pháp mập mờ tới mức tối đa”. Nhưng khi ông thầy bói gieo quẻ cho bà cụ móm tính chuyện “đi bước nữa” thì lại cần nói lập lờ. “Lợi thì có lợi (nhưng răng không còn)” Và đấy cũng là những khi người ta muốn thể hiện tài năng chơi chữ của mình bằng cách ghép những từ đồng âm vào một câu “Hôm qua, qua nói, qua qua mà qua không qua”. Và đấy cũng là khi quan thị lỡn quan vũ và bị đối đáp lại: - Vũ cậy mạnh, vũ ra, vũ múa, vũ gặp mưa, vũ ướt cả lông. - Thị vào hầu, thị đứng, thị trông, thị cũng muốn, thị không có ấy. *** Trong cuộc sống và trong văn học, mỗi khi muốn gây cười, chúng ta cần tạo ra những tình huống mơ hồ để người nghe, người đọc hiểu một đằng, hiểu theo cái lẽ thông thường của tình huống, nhưng bất ngờ tác giả lại đưa ra một cách hiểu hoàn toàn ngược lại, đảo lộn mọi dự đoán. Tưởng rằng khen lại hóa ra chê, đoán rằng tốt lại hóa thành xấu; tưởng chân thành, khiêm tốn lại hóa ra khách sáo, kiêu căng; ngỡ ăn uống từ tốn lại hóa thành tham lam vô độ… Những tình huống mâu thuẫn, bất ngờ ấy sẽ gây ra tiếng cười. Tạo tình huống mơ hồ cũng là một nghệ thuật để gây cười. Xin dẫn ở đây một chuyện: “Có một người thường hay tìm dịp chơi xỏ quan huyện tham nhũng. Quan căm tức lắm, nhưng chưa có dịp trả thù. Một hôm có người đệ đơn lên kiện anh ta. Thừa dịp, qua sai lính đi tróc nã người nọ. Đoán được ý quan, người ấy dắt đứa con trai nhỏ theo đến công đường. Tới nơi, quan huyện thét lính đánh anh ta. Người ấy bèn nói với đứa con rằng: “Con đứng lui ra mà xem quan sắp đánh bố quan sắp đánh bố đấy!” Biết mình lại bị xỏ, quan càng tím mặt”. Trong chuyện trên, có dẫn theo đứa con thì câu quan sắp đánh bố mới trở thành mơ hồ: quan sắp đánh bố quan hay là đánh bố đứa trẻ? Hiện tượng mơ hồ được sử dụng chủ yếu trong văn học trào phúng, trước hết là văn học dân gian. Trong ngôn ngữ có kiểu mơ hồ nào thì kiểu đó cũng được tận dụng để gây tiếng cười. Chúng ta sẽ điểm ở đây vài kiểu mơ hồ thường gặp nhất. Trước hết, thế nào là một biểu thức mơ hồ? Khi nói “Cô chị có chồng, cô em chửa”, thì chúng ta đã có một câu mơ hồ ; chúng ta có hai từ chửa, một với nghĩa chưa có chồng, một với nghĩa là mang bầu. Do đó câu trên có hai cách hiểu. Với câu tiếng Pháp J'aime ta femme autant que toi (tôi cũng yêu vợ anh như anh), về mặt cấu tạo từ vựng thì hoàn toàn rõ ràng, nhưng chuyển sang cấp độ ngữ pháp thì lại có hai cách hiểu: - Tôi cũng yêu vợ anh như yêu anh. - Tôi cũng yêu vợ anh như anh yêu vợ anh. Vậy câu tiếng Pháp trên đây, và câu tiếng Việt tương ứng, đều là những câu mơ hồ, một cách khái quát, một biểu thức là mơ hồ nếu nó có một cách biểu hiện ở cấp độ ngôn ngữ khác. Có hai từ khác nhau về nghĩa, nhưng lại đọc như nhau thì hai từ đồng âm này có thể gây ra mơ hồ. Ấy thế mới sinh chuyện: “Một tốp thí sinh mượn bà hàng cơm cái vạc để thổi cơm. Hôm sau họ mang cái cò đến trả. Tất nhiên, bà hàng kiện quan. Nghe bọn học trò trình bày quan phán: Mượn cái vạc, trả cái cò cũng được chứ sao! Bà hàng tức quá liền kêu “Nhưng vạc của con là vạc đồng!” Bọn học trò ranh mãnh đáp “Bẩm quan, cò của chúng con cũng là cò đồng, đâu phải cò nhà ạ!”. Mấy anh học trò có chữ (nhưng có hay chữ không thì chưa rõ) đã đánh tráo cái từ đồng đứng trong hệ thống đồng, sắt, thép… thành cái từ đồng thuộc hệ thống đồng, bãi, ruộng, nương… Đó là giai thoại. Nhưng chuyện có thật là cụ Nguyễn Khuyến có làm đôi câu đối nổi tiếng tặng quan võ bảng Long, một ông bảng chột mắt: - Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại. - Triều đình cữ mục, anh hùng chỉ có một ngươi thôi. Hai từ ngươi khác nhau đã làm cho câu cuối có hai nghĩa, mà nghĩa nào cũng hợp. Thế mới là Tam nguyên Yên Đổ! Chúng ta gặp khá nhiều chuỗi hai tiếng có thể hiểu là một từ song tiết, mà cũng có thể hiểu là một tổ hợp hai từ. Có một giai thoại về ông bạn tham ăn: - Bố cháu đâu? - Đang đánh chén! - Ở đâu? - Ở bờ ao. Ông khách chạy vội ra bờ ao, thấy chủ nhà đang ngồi rửa chén. (Thế có chán không kia chứ!) Giai thoại này được xây dựng trên chuỗi từ mơ hồ đánh chén, nó có thể hiểu là một động từ, mà cũng có thể hiểu là một tổ hợp động từ, danh từ. Những lối chơi chữ dùng kiểu mơ hồ này chúng ta gặp nhiều lắm: “Sầu riêng ai bán mà mua!”… (ca dao). “Họ định đoạt lương của người khác”… Rất gần với hiện tượng trên đây, là hiện tượng mơ hồ trên cấp độ ngữ nghĩa. Cụm xem được có hai nghĩa liên quan với nhau. Người ta có thể tạo ra một tình huống cười vì có sự nhầm lẫn giữa cái khả năng vật lý “có thể nhìn thấy” với sự đánh giá tác phẩm vào loại “kha khá” ở nghĩa của cụm xem được: “Có nhiều người xúm quanh một tờ báo tường. A thấy B xem bài báo của mình, bèn hỏi: A- Cậu thấy tờ báo này thế nào? B- Chỉ có bài của cậu là xem được. A- (Tưởng bở) - Cậu quá khen! B- Thật ra mình chỉ được đọc mỗi bài của cậu. Những bài khác, người ta xúm xem đông quá nên không xem được!” Nói về hiện tượng mơ hồ cú pháp, là hiện tượng một chuỗi từ có nhiều cách kết hợp các thành phần ngữ pháp khác nhau, chúng ta đặc biệt lưu ý tới hiện tượng mơ hồ do dấu phẩy gây ra. Một chức năng đặc biệt của dấu phẩy là để phân cách những thành phần không kết hợp trực tiếp với nhau. Thiếu dấu phẩy, câu dễ dàng trở thành mơ hồ. Có hàng loạt giai thoại quanh cái dấu phẩy (và tương ứng trong ngôn ngữ nói là những giai thoại liên quan tới sự ngừng, sự ngắt giọng). Xin nêu vài chuyện: “Trong một đám ma nọ, có một cô gái khóc cha rất thảm thương: Cha ơi con đẻ cha ra làm gì! Bây giờ cha chết ai thì nuôi u?!” Nghe vậy, người ta phải che tay lên miệng, cố giấu đi một nụ cười. Sau hỏi ra, mới biết cô gái khóc thế này: Cha ơi, con đẻ, cha ra (thăm) làm gì. Nếu như cái ngắt giọng nức nở không hợp lý trong đám tang có thể gây ra tiếng cười thì cái ngừng giọng hết hơi, thều thào lúc hấp hối có thể gây ra những bi kịch (vẫn là giai thoại cả thôi): “Có một thanh niên chí hiếu và đạo đức. Sau khi cha qua đời, trở nên rượu chè, đánh bạc và rất hay đi … ăn cắp. Một hôm bà mẹ quở mắng và than phiền đứa con không biết nối chí cha. Anh con trai thưa: Con luôn luôn nghe lời cha dặn lúc lâm chung, mẹ ạ. Cha dặn sao con làm vậy. Cha dặn: - Đừng hút thuốc … uống rượu con nhé! - Đừng đánh cờ… đánh bạc con nhé! - Đừng ăn trộm… ăn cắp con nhé! Con đâu dám hút thuốc, đánh cờ và ăn trộm?” Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng mơ hồ cú pháp này là cách hiểu về phạm vi tác động của các từ phủ định đừng, chẳng, không, chưa… (Trong tiếng Việt, chưa có những công trình nghiên cứu về phạm vi tác động của các từ này): khi nói “đừng ăn trộm, ăn cắp con nhé!” chúng ta có thể hiểu là “đừng ăn trộm, đừng ăn cắp”, nhưng cũng có thể hiểu là “đừng ăn trộm, mà đi ăn cắp”, nghĩa là hiểu rằng từ đừng không tác động vào động từ thứ hai. Tương tự, câu “Hắn không uống và gắp liên tiếp” có hai cách hiểu, một là ăn uống từ tốn và hai là tham ăn vô cùng. Vì viết không có dấu phẩy, nên vai trò của người “giải mã”, nghĩa là vai trò của ông đồ, mới xuất hiện và nổi lên trong các giai thoại văn học. Hai lời quan phê dưới đây, có cùng cấu trúc: - Phó hồi cải giá bất đắp phu cựu - Ngưu canh tác bất đắc thực nhục. Nhưng ở câu thứ nhất thì thầy đồ bình luận: quan cho phép đi lấy chồng khác, quan phê “Phó hồi cải giá” mà! Còn ở câu thứ hai thì thầy đồ lại tán rằng quan cho phép ăn thịt, vì quan phê “trâu cày không được” (ngưu canh tác bất đắc!) vậy thì… thực nhục (ăn thịt)! Cái cụm từ Hán - Việt “bất đắc” đã thế, cái cụm từ thuần Việt “không được” lại còn lôi thôi hơn, vì hai từ không và được có thể tách rời nhau, đi với những phần khác nhau. Chính vì vậy mà câu “khi uống bia không được pha đường” có tới ba cách hiểu, tùy theo dấu phẩy đặt sau từ bia, từ không hay từ được. Có những hiện tượng mơ hồ là sự kết hợp của nhiều kiểu mơ hồ khác nhau. Chúng ta nêu ở đây một lối chơi chữ dựa trên sự mơ hồ từ vựng và cú pháp: Khói thì được ăn, ăn chả được Chả muốn được ăn, chả được ăn! Hiện tượng mơ hồ được dùng trong văn học ở mọi thứ tiếng. Vì tiếng cười có một đặc điểm chung là được bật ra từ sự bất ngờ. Không có gì tốt hơn là dùng hiện tượng mơ hồ ngôn ngữ để gây ra sự bất ngờ. Xin dẫn hai ví dụ về chuyện cười liên quan tới hiện tượng mơ hồ. Trong văn học dân gian Nga cũng có chuyện vì viết thiếu dấu phẩy nên một chàng trai đã được cứu thoát: Một tên vua độc ác, đã ra lệnh xử tử một chàng trai dũng cảm và thông minh. Và vua phán “Kaznit' nelzja' pomilovat' ”, vua định nói là “Kaznit' nel' zja pomilovat' ” (xử tử, không ân xá). Nhưng chàng trai lại "hiểu" rằng vua đặt dấu phẩy sau từ nel, zja, nghĩa là nhà vua nói rằng "không thể xử tử" (Kaznit' nel' zja) phải ân xá. Chàng kêu với lính canh như vậy, và đã thoát nạn. Trong truyện Viên mỡ bò, văn hào Pháp Môpaxăng đã dùng hiện tượng mơ hồ trên cấp độ ngữ âm để gây cười: Có nhân vật Loiseau, tên riêng này đồng âm với từ tiếng Pháp con chim (l'oiseau). Trong tiếng Pháp, hai động từ bay và ăn cắp đồng âm, đều là voler. Do vậy mà hai câu L' oiseau vole (con chim bay) và Loiseau vole (thằng Loadô ăn cắp) là đồng âm. Trong truyện Viên mỡ bò, Loiseau là nhân vật hay ăn cắp. Và Môpaxăng đã dùng hiện tượng mơ hồ trên đây, mơ hồ trên cấp độ ngữ âm, khi cho một nhân vật đề nghị mọi người chơi trò "L' oiseau vole" (chim bay), để gây cười và mọi người khoái trá vì hiểu Loiseau vole chính là "Loiseau ăn cắp". Huế, tháng 3-1985. N.Đ.D (17/2-86)

Các bài mới Tín ngưỡng thần linh trong truyện kể dân gian về biển, đảo Nam Trung Bộ (17/01/2024) "Đọc xuôi như thế đã xuôi chưa?" một câu hỏi, hai câu trả lời (04/05/2022) "Đọc xuôi" như thế đã "xuôi" chưa? (31/12/2021) Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong văn học dân gian xứ Huế (29/10/2021) Thời gian nghệ thuật trong truyện cổ tích (10/03/2020) Đọc xuôi một bài ca dao nói ngược (21/02/2020) Sự kiện hát đối đáp và chủ nghĩa dân tộc: một quan sát tri thức Việt Nam đầu thế kỷ XX (16/08/2019) Bản chất của lối nối vòng trong đồng dao (27/12/2018) Về một câu tục ngữ liên quan đến bốn làng quê xứ Huế có cùng mô hình cấu trúc với nhiều câu tục ngữ ở các nơi khác (30/06/2017) Phân định giữa truyện truyền kì với truyện cổ tích thế tục (30/08/2016) Các bài đã đăng Chàng Lờng với lão Bay Bưm (07/10/2011) Hai câu chuyện ngụ ngôn về mèo (29/01/2011) Tục pộôc xu (đi sim) của người Pacô xưa (27/01/2011) Một số mô-típ trong truyện cổ Kơ-tu (14/01/2011) Mấy suy nghĩ về quan hệ hỗ tương giữa hai dòng thơ ca dân gian Bình Trị Thiên - Quảng Nam (10/01/2011) “Không chồng mà chửa mới ngoan” (21/09/2010) Chuột - hình tượng độc đáo trong văn học (16/09/2010) Truyền thuyết sông Đa-Krông (25/08/2010) Các phương thức lạ hoá trong nghệ thuật biểu đạt truyện cười (26/07/2010) Chùm ca dao chiến sĩ Trường Sơn (17/03/2010) Tạp chí Sông Hương Số 429 (T.11-24) Số 428 (T.10-24) » Năm 1983 » Năm 1984 » Năm 1985 » Năm 1986 » Năm 1987 » Năm 1988 » Năm 1989 » Năm 1990 » Năm 1991 » Năm 1992 » Năm 1993 » Năm 1994 » Năm 1999 » Năm 2000 » Năm 2001 » Năm 2002 » Năm 2003 » Năm 2004 » Năm 2005 » Năm 2006 » Năm 2007 » Năm 2008 » Năm 2009 » Năm 2010 » Năm 2011 » Năm 2012 » Năm 2013 » Năm 2014 » Năm 2015 » Năm 2016 » Năm 2017 » Năm 2018 » Năm 2019 » Năm 2020 » Năm 2021 » Năm 2022 » Năm 2023 » Năm 2024 Góc ảnh đẹp Những khoảnh khắc Huế 09SDB-24 Bạn đọc nhiều Học viện Âm nhạc Huế khai giảng năm học mới và trao bằng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Huế khai giảng năm học mới và trao bằng tốt nghiệp Trang thơ Trần Ngọc Mỹ Trang thơ Trần Ngọc Mỹ Kỳ nghỉ phép thứ bảy Kỳ nghỉ phép thứ bảy Văn chương như là đức tin tôn giáo Văn chương như là đức tin tôn giáo Văn bia mộ Đương Nhậm hầu Lê Viết Sinh - một di sản quý triều Tây Sơn Văn bia mộ Đương Nhậm hầu Lê Viết Sinh - một di sản quý triều Tây Sơn Quảng cáo

Tòa soạn: 09 Phạm Hồng Thái, thành phố Huế Điện thoại: 0234. 3686669 (Trị sự) - 3822338 (VP) - 3846066 Ban Biên tập: songhuongtapchi@gmail.com Ban Trị sự: tapchisonghuong.vn@gmail.com

© Bản quyền thuộc về Tạp chí Sông Hương ® Ghi rõ nguồn "Tạp chí Sông Hương Online" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Từ khóa » Câu Mơ Hồ Là Gì