Lỗi Câu Mơ Hồ | Báo Giáo Dục Và Thời đại Online
Có thể bạn quan tâm
Viết câu mơ hồ
Trước đó, cùng kiểu rút tít giật gân như vậy, tiêu đề một bài báo khác cũng gây xôn xao dư luận không kém: “Bất ngờ bà chủ khách sạn cao nhất Phú Yên vừa được rao bán 500 tỷ đồng”, khiến nhiều bạn đọc hoang mang, băn khoăn: “Bà chủ này cũng được giá nhỉ?!”.
Những tiêu đề báo chí/ cách diễn đạt tương tự như trên được giới chuyên môn xếp vào loại câu mơ hồ.
“Mơ hồ” là “không rõ ràng thế này hay thế kia”, còn tiêu đề báo chí mơ hồ “là hiện tượng mà với một cấu trúc ngôn ngữ có thể hiểu theo hai hoặc hơn hai cách, nó tạo ra 2 - 3 cách hiểu một bài báo mà sự thực bài đó chỉ có một nội dung”. Đây là một loại lỗi nghiêm trọng trong diễn đạt, giao tiếp cần phải sớm khắc phục.
Phần lớn câu mơ hồ rơi vào trường hợp lỗi “sai quy chiếu”, tức là lỗi câu có cấu trúc buộc người đọc hiểu một vật hay một người này, trong khi người viết muốn chỉ một vật hay một người khác; tác giả định nói cái này mà bị người đọc hiểu thành cái kia; gây nên tình trạng chập cấu trúc câu, dẫn đến hệ quy chiếu bị lẫn lộn khi xác định chủ từ, chủ ngữ trong câu.
Nhìn lại khoảng thời gian hơn 40 năm trước, những kiểu bảng hiệu/ thông báo “mơ hồ” gây hài hước cho người xem, từng xuất hiện không ít, kiểu như: “Nhận xay bột trẻ em”, “Cửa hàng chất đốt phụ nữ”, “Bán thịt cán bộ hưu trí”…
Hoặc câu chuyện vui về một em bé học bài, đọc vang vang: “Rắn là loài bò..., rắn là loài bò..., sát không chân..., sát không chân...”, gây hoang mang, hoảng hốt cho phụ huynh.
Trong một lần nghe lãnh đạo ngành Giáo dục của một tỉnh Tây Nguyên huấn thị, người viết bài này từng “hết hồn”, tưởng mình bị chửi, khi vị quan chức ấy bỗng đột ngột cao giọng: “Cha các đồng chí... (ngừng giọng, nhìn khắp lượt hội trường), mẹ các đồng chí... (cao giọng, ngưng lại để lấy hơi)... đã từng hy sinh cho chúng ta có ngày hôm nay!”.
Có không ít tiêu đề báo chí gần đây phạm lỗi mơ hồ mà ta dễ dàng nhặt ra:
“Cán bộ y tế chém đồng nghiệp và vợ ngay tại trung tâm y tế”,
“Em trai của chủ nhà tử vong cùng hai con bỏng nặng”,
“Trưởng công an xã xin nghỉ việc vì lương thấp khiến vợ đòi ly dị”,
“Bác sĩ BV Mắt Trung ương gác chân lên ghế nói gì?”,
“Cha mẹ mất, ba đứa trẻ vật lộn trong căn nhà dột nát giữa Sài Gòn”…
Tất cả các trường hợp trên đã mắc lỗi vô ý trong diễn đạt, phát ngôn, tạo lập văn bản, gây nên cách hiểu mơ hồ về ngữ nghĩa, không đúng với ý đồ của người viết/ người nói. Kiểu câu mơ hồ, thoạt trông tưởng tương đồng nhưng bản chất lại khác hoàn toàn với cách nói lấp lửng nước đôi thường được sử dụng một cách cố ý, phổ biến trong cuộc sống và văn chương bình dân Việt Nam.
Ăn nói lấp lửng
“Lấp lửng” là “có tính chất mập mờ không rõ ràng một cách cố ý, để cho muốn hiểu cách nào cũng được”.
Trong kho tàng dân gian người Việt có vô vàn những câu ca dao, tục ngữ, truyện cười có chứa các yếu tố, tình tiết, từ ngữ... mang tính chất lập lờ nước đôi một cách cố ý như vậy, tạo thành một biện pháp tu từ hàm ẩn hẳn hoi chứ không phải phạm lỗi vô tình mà tạo nên tình huống mơ hồ nữa! Nó được sử dụng trong văn học và đời sống, nhằm chơi chữ, trào lộng, hay châm biếm người/sự việc nào đó. Đó là những phát ngôn phiếm chỉ, nội hàm không xác định được các yếu tố ai, việc gì, ở đâu, lúc nào..., cứ lập lờ nước đôi, như kiểu “hôm qua, ai, bên đường, hôm nao...” trong bài ca dao “Anh đi anh nhớ quê nhà...”.
Phê phán bà lão đã già mà còn ham hố chuyện chồng con, tác giả dân gian mỉa mai bằng cách dùng biện pháp chơi chữ đồng âm từ “lợi” trong bài ca dao quen thuộc:
Bà già đi chợ Cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi (1) chăng?
Thầy bói gieo quẻ nói rằng
Lợi (2) thì có lợi nhưng răng không còn.
“Lợi” (1) là tính từ chỉ “cái có ích mà con người thu được”, đồng âm với danh từ “lợi” (2) chỉ một bộ phận trong khoang miệng con người: Bộ “nướu răng”, là “phần thịt bao giữ xung quanh chân răng”, ý nói: Bà sẽ gặp được một ý trung nhân cũng già không kém bà, tuy bộ lợi (tất nhiên) vẫn còn nguyên nhưng hàm răng đã “sơ tán” hết!
Hoặc trong quan hệ tình cảm nam nữ, khi gặp tình huống khó nói thẳng được, chàng trai đành phải nói xa nói gần, lấp lửng đặt vấn đề:
Trời xanh, bông trắng, nhụy huỳnh,
Đội ơn bà ngoại đẻ má, má đẻ mình
dễ thương!
Để khen một cô gái đẹp mà mình muốn tỏ tình, thật khó nói thẳng bằng lời, dễ trở nên vô duyên, bị từ chối. Thế nên, chàng trai đã nói lấp lửng, vừa nhớ ơn bà ngoại và má, vừa khen cô gái dễ thương, anh chàng lại cố tình gọi được tiếng ngoại, tiếng má - như bản thân cô gái nọ thường dùng, mà thông thường, cách gọi như vậy, chỉ diễn ra khi hai người đã nên duyên chồng vợ!
Nhưng đặc sắc nhất có lẽ phải kể đến câu ca dao “tán tỉnh” thần sầu, kinh điển:
Còn trời, còn nước, còn non,
Còn cô bán rượu, anh còn say sưa!
Chắc chắn rằng, giả sử như gặp tình huống: Hoặc người bán rượu là ông già/ bà lão, hoặc tác giả câu ca dao là anh chàng bợm rượu suốt ngày say khướt, bét nhè thì câu ca dao trên không có cơ hội ra đời và lưu truyền trong dân gian đến ngày ngày nay!
Riêng kiểu nói lập lờ nước đôi “say sưa” lấp lửng giữa hai trạng thái: Say rượu “bị ngây ngất, choáng váng, nôn nao do tác động của rượu” hoặc say mèm “say rượu đến mức như bủn rủn cả chân tay, không gượng được nữa”. Cách hiểu thứ hai là say tình, say hoa đắm nguyệt “say đắm sắc đẹp đến mức như đã mất lý trí và không còn biết gì đến xung quanh nữa” hoặc say như điếu đổ “yêu, thích đến mức mê mẩn, không còn biết gì nữa”... thì quả là tuyệt ngôn!
Sử dụng phù hợp cảnh huống
Trong lúc yêu cầu quan trọng bậc nhất trong giao tiếp là nói, viết phải rõ ràng, chính xác thì hiện tượng nói, viết sai tiếng Việt hiện nay không chỉ tràn lan ở ngoài xã hội mà còn phổ biến trong nhà trường, biểu hiện ở các bình diện: Ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, phong cách…. trong đó có lỗi câu mơ hồ.
Nói, viết câu mơ hồ suy cho cùng cũng là một hiện tượng tất yếu của các ngôn ngữ tự nhiên, tùy trường hợp vô tình tạo nên lỗi sai hay cố ý sử dụng như một phương thức, biện pháp nghệ thuật.
Cần tránh trường hợp nhiều khi vô tình chúng ta tạo nên những câu mơ hồ tai hại, phản lại ý đồ của chính mình; nhưng đồng thời cũng khuyến khích sử dụng biện pháp tu từ nói lấp lửng tạo hàm ý để đạt hiệu quả giao tiếp tối ưu trong những cảnh huống, ngữ cảnh cần thiết..
Quan tâm đến hiện tượng lỗi câu mơ hồ cùng kiểu nói lấp lửng cố ý trong cuộc sống và văn chương không chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết mà còn rất hữu ích về phương diện ứng dụng tạo hiệu quả cao trong giao tiếp, nhằm góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Từ khóa » Câu Mơ Hồ Là Gì
-
BàI 4: CÂu Sai, CÂu Mơ HỒ 1- Câu Sai 1- Khái Niệm - Quê Hương
-
Câu Mơ Hồ Trong Văn Bản Pháp Luật Việt Nam: Nghiên Cứu Từ ...
-
Sự Mơ Hồ Về Cú Pháp Là Gì?
-
Câu Mơ Hồ Là Gì?
-
Tiếng Việt Giàu Đẹp - Trần Đức Dân ~ Chương 3 # Mobile
-
Sự Khác Biệt Giữa Sự Mơ Hồ Cấu Trúc Và Từ điển (Ngôn Ngữ)
-
CHƯƠNG III HIỆN TƯỢNG CÂU MƠ HỒ TRÊN BÁO IN VÀ CÁCH ...
-
Định Nghĩa Và Ví Dụ Về Sự Mơ Hồ Cú Pháp - Ngôn Ngữ - EFERRIT.COM
-
Tiếng Việt Có Mơ Hồ, Thiếu Chính Xác? :: Suy Ngẫm & Tự Vấn
-
Giáo án Ngữ Văn 12 Về Câu Sai, Câu Mơ Hồ Trong TV
-
Hiện Tượng Mơ Hồ Và Văn Học Trào Phúng - Tạp Chí Sông Hương
-
Định Nghĩa Và Ví Dụ Về Sự Mơ Hồ Trong Ngôn Ngữ - Nhân Văn 2022
-
[PDF] Các Kiểu Loại Truyện Cười Do Mơ Hồ Cú Pháp (minh Họa Qua Tiếng ...
-
[PDF] THUYẾT GIẢI MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP MƠ HỒ NGHĨA CÂU TIẾNG ...