Tiếng Việt Có Mơ Hồ, Thiếu Chính Xác? :: Suy Ngẫm & Tự Vấn
Có thể bạn quan tâm
Trong bài này tôi chỉ đề cập tới hiện tượng mơ hồ – một câu có ít nhất hai cách hiểu, chứ chưa bàn tới kiểu người khôn ăn nói “nửa chừng”, hay làm trai cứ “nước hai” mà nói. Thứ tiếng nào cũng có những câu mơ hồ. Tiếng Việt không là ngoại lệ.
Đã từng có quan niệm “tiếng Việt là thứ tiếng của thi ca, tiếng Anh – thứ tiếng của thương mại, tiếng Pháp – thứ tiếng của ngoại giao”. Quan niệm xưa cũ này vừa khen lại vừa chê tiếng Việt: một thứ ngôn ngữ nhiều hàm ý thích hợp với đặc thù “ý tại ngôn ngoại” của ngôn ngữ thơ ca, nhưng cũng chính vì thế mà thiếu chính xác, mơ hồ trong diễn đạt.
Ngôn ngữ nào cũng mơ hồ
Hẳn bạn biết không ít truyện cười do có những câu không biết hiểu thế nào cho đúng. Nghe câu “Ba về làng hỏi vợ” quả là chúng ta không biết Ba về làng để cầu hôn hay xin ý kiến bà xã.
Năm 1969, trong một quyển sách nghiên cứu về ngữ pháp tạo sinh trong tiếng Anh, R. Jacobs và P. Rosenbaum đã chỉ ra câu tiếng Anh sau đây có sáu cách hiểu: “The seniors were told to stop demonstrating on campus”. Còn Iu. Aprexjan, nhà ngôn ngữ học Nga trong quyển sách Những quan niệm và phương pháp của ngôn ngữ học cấu trúc hiện đại xuất bản năm 1966 đã đưa ra một câu tiếng Nga có tới… 32 cách giải thích khác nhau kia đấy! Theo phép chuyển tự chữ Nga sang chữ Latinh câu này như sau: “Splochenie rabochikh brigad vyzvalo osuzhdenie tovarishcha ministra” (sự hợp nhất – của công nhân – của các đội – đã gây ra – sự phán xét – của đồng chí – của bộ trưởng).
Có sự mơ hồ do những từ đồng âm. Khi ông thầy bói gieo cho bà lão móm tính chuyện đi bước nữa một quẻ “Lợi thì có lợi (nhưng răng không còn)” ấy là ông đã chơi chữ trên hai từ lợi đồng âm. Số lượng từ đồng âm trong nhiều ngôn ngữ lớn gấp nhiều lần so với tiếng Việt. Tiếng Hàn chẳng hạn. Trong tiếng Hàn có rất nhiều từ gốc Hán. Tiếng Hán có bốn thanh, còn tiếng Hàn thì không. Mà chữ Hàn là thứ chữ ghi âm. Thế là rất nhiều từ Hán cùng vần khác thanh khi vào tiếng Hàn liền trở thành những từ đồng âm. Người Hàn đọc chữ Hàn nhiều khi cũng chẳng hiểu đích thực nghĩa. Ví dụ: có nhiều tiếng Hàn phát âm là sung nên khi viết từ Samsung công ty này đã phải chữ Hán tinh vào sau chữ sung để người đọc hiểu rằng Samsung là tam tinh. Logo của Samsung là ba ngôi sao.
Giữa các ngôn ngữ tự nhiên có những kiểu mơ hồ giống hệt nhau.
Mơ hồ ở cấp độ cụm từ. Một cụm từ có thể dùng thể hiện nhiều kiểu quan hệ ngữ pháp khác nhau. Đây là hiện tượng mơ hồ ngữ pháp. Khi viết “sự phê bình truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan” chúng ta đã tạo ra một cụm từ mơ hồ. Người đọc không biết nên hiểu là “Nguyễn Công Hoan viết bài phê bình các truyện ngắn” hay “người ta phê bình các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan”. Tương tự danh ngữ tiếng Anh the shooting of the hunters, tiếng Pháp le tir des chasseurs hoặc tiếng Nga strel’ba okhotnikov đều có thể hiểu là sự bắn là của người đi săn mà cũng có thể hiểu là sự bắn người đi săn.
Mơ hồ ở cấp độ câu. Lấy câu so sánh làm ví dụ. Khi viết: “Tôi cũng thích trà như càphê” thì trà và càphê là hai đối tượng mà tôi thích như nhau. Khi viết: “Tôi cũng thích trà như anh” thì trà là đối tượng mà cả anh và tôi đều thích. Còn câu “Tôi cũng thích cô ấy như anh” chấp nhận cả hai cách giải thích nên nó thành mơ hồ. Hoặc là cô ấy và anh là hai người mà tôi thích như nhau. Hoặc là tôi và anh thích cô ấy như nhau. Trong tiếng Pháp và tiếng Anh, lối so sánh này cũng mơ hồ y hệt như vậy.
Có thể dẫn ra hàng loạt kiểu mơ hồ giống nhau giữa các ngôn ngữ tự nhiên. Tuy nhiên, ngôn ngữ nào cũng có những kiểu mơ hồ đặc thù. Cách đây hơn 50 năm, nhà văn hoá Phan Khôi đã “kiểm thảo đại danh từ” tiếng Việt. Theo ông, nó rắc rối quá. Vào một nhà lạ chẳng biết xưng hô thế nào với từng người cho phải phép, cho hợp với quan hệ tôn ti của họ trong gia đình ấy. Nhưng chính vì cách xưng hô khá tinh tế và mang màu sắc tôn ti, trọng – khinh, thân – sơ… này mà số lượng những câu mơ hồ liên quan đến lớp đại từ sở hữu ở tiếng Việt ít hơn hẳn so với các tiếng Nga, Anh, Pháp – những ngôn ngữ có lớp đại từ trung hoà về sắc thái nghĩa.
Vì sao nói tiếng Việt chính xác?
Nếu thiếu từ ngữ diễn đạt những khái niệm mới thì chúng ta vay mượn. Điều này đã và đang xảy ra với mọi ngôn ngữ. Vấn đề còn lại chỉ là khả năng diễn đạt chính xác của tiếng Việt. Tuy có những hiện tượng mơ hồ, nhưng phần lớn khi đặt trong tình huống giao tiếp cụ thể, hiện tượng mơ hồ đều mất đi. Hãy lấy hai câu khác nhau đúng một phụ âm cuối: “Chú tôi bị Mỹ bắn trong lúc đi càn” và “Chú tôi bị Mỹ bắn trong lúc đi cày”. Về lý thuyết hai câu này đều mơ hồ: Mỹ hay chú tôi đi càn/đi cày? Nhưng trong thực tế không có chuyện “Mỹ đi cày” ở Việt Nam nên câu sau là rõ ràng.
Hơn nữa, tiếng Việt có những phương thức diễn đạt chính xác và rõ ràng nội dung cần thông báo. Đó là phương thức dùng dấu câu, dùng trật tự từ, dùng từ hư, từ đồng nghĩa, thay đổi cấu trúc câu… Một ví dụ: “Ba đã biếu thầy giáo chủ nhiệm lớp bảy quyển sách mới mua hôm qua”. Nếu muốn nói rõ “bảy quyển sách” chứ không phải là “Thầy giáo chủ nhiệm lớp bảy”, và đây là “sách mới” chứ không phải là “mới mua” thì chỉ cần thêm hai dấu phẩy: Ba đã biếu thầy giáo chủ nhiệm lớp, bảy quyển sách mới, mua hôm qua. Nếu muốn nói là “biếu hôm qua” chứ không phải “mua hôm qua” thì chỉ việc đảo trật tự: Hôm qua ba đã biếu thầy giáo chủ nhiệm lớp, bảy quyển sách mới mua. Nếu muốn nhấn mạnh tới mới mua thì hãy dùng cách thêm/thay từ: Hôm qua ba đã biếu thầy giáo chủ nhiệm lớp, bảy quyển sách vừa mới mua.
Thực tế, chúng ta đã và đang dùng tiếng Việt để diễn đạt chính xác những văn bản quan trọng về ngoại giao, quân sự, thương mại, luật pháp… Tiếng Việt có đầy đủ khả năng diễn đạt chính xác những điều cần bộc lộ.
Bài này chưa bàn đến cách khai thác hiện tượng mơ hồ trong ngôn từ nghệ thuật.
Từ khóa » Câu Mơ Hồ Là Gì
-
Lỗi Câu Mơ Hồ | Báo Giáo Dục Và Thời đại Online
-
BàI 4: CÂu Sai, CÂu Mơ HỒ 1- Câu Sai 1- Khái Niệm - Quê Hương
-
Câu Mơ Hồ Trong Văn Bản Pháp Luật Việt Nam: Nghiên Cứu Từ ...
-
Sự Mơ Hồ Về Cú Pháp Là Gì?
-
Câu Mơ Hồ Là Gì?
-
Tiếng Việt Giàu Đẹp - Trần Đức Dân ~ Chương 3 # Mobile
-
Sự Khác Biệt Giữa Sự Mơ Hồ Cấu Trúc Và Từ điển (Ngôn Ngữ)
-
CHƯƠNG III HIỆN TƯỢNG CÂU MƠ HỒ TRÊN BÁO IN VÀ CÁCH ...
-
Định Nghĩa Và Ví Dụ Về Sự Mơ Hồ Cú Pháp - Ngôn Ngữ - EFERRIT.COM
-
Giáo án Ngữ Văn 12 Về Câu Sai, Câu Mơ Hồ Trong TV
-
Hiện Tượng Mơ Hồ Và Văn Học Trào Phúng - Tạp Chí Sông Hương
-
Định Nghĩa Và Ví Dụ Về Sự Mơ Hồ Trong Ngôn Ngữ - Nhân Văn 2022
-
[PDF] Các Kiểu Loại Truyện Cười Do Mơ Hồ Cú Pháp (minh Họa Qua Tiếng ...
-
[PDF] THUYẾT GIẢI MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP MƠ HỒ NGHĨA CÂU TIẾNG ...