Hiểu đúng Về Filler Và Silicone Lỏng - Tạo Hình Thẩm Mỹ

Làm thế nào để chị em làm đẹp an toàn, không rơi vào tình trạng vì thiếu hiểu biết mà tiền mất tật mang? Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đưa ra những lời khuyên.

Phóng viên: Thưa bác sĩ, có thể hiểu khái quát về công nghệ làm đẹp bằng filler như thế nào, ưu điểm và nhược điểm của nó? 

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn: Filler có thể hiểu là chất làm đầy, dùng trong thẩm mỹ để lấp đầy khuyết điểm của cơ thể (nâng mũi, xóa nhăn, độn cằm…). Làm đẹp bằng filler đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới, rầm rộ ở Việt Nam từ vài năm nay, được ưa chuộng vì thời gian thao tác nhanh, thân thiện với cơ thể, không cần phẫu thuật, cải thiện thẩm mỹ tức thì.

* Rất nhiều chị em vì ham rẻ chích filler nhưng thực chất lại là silicon lỏng. Có trường hợp điển hình nào bác sĩ tiếp nhận trong thời gian gần đây do chích phải filler dỏm ở các cơ sở kém uy tín, dẫn tới biến chứng?

- Cách đây hai ngày chúng tôi vừa tiếp nhận một nam thanh niên bị biến chứng do nâng mũi bằng filler tại spa. Theo tôi biết, spa không được phép làm kỹ thuật này. Do quá trình thao tác không đảm bảo, sau 72 giờ chích filler, bệnh nhân bị biến chứng, hoại tử vùng da mũi và thuyên tắc mạch vùng đáy mắt. Khả năng bệnh nhân bị mất thị lực vĩnh viễn.

Trước đó không lâu, chúng tôi tiếp nhận một ca nâng ngực bị biến chứng. Kết quả chụp MRI cho thấy, chất được chích vào ngực nữ bệnh nhân này là silicon lỏng. Chị này còn bị biến chứng thuyên tắc phổi. Rất may mắn, chúng tôi đã cứu kịp.

* Filler và silicon lỏng có gì khác nhau?

- Mọi người chưa hiểu đúng về filler. Filler là chất làm đầy nói chung. Silicon lỏng cũng là một dạng filler. Trước đây người ta sử dụng silicon lỏng trong thẩm mỹ nhưng sau đó nhận ra rất khó kiểm soát được sự di chuyển của chất này khi bơm vào cơ thể. Mặt khác, silicon lỏng còn làm viêm cốt hóa các mô hạt. Chính vì thế, silicon lỏng bị cấm dùng trong ngành thẩm mỹ nhưng vẫn được sử dụng trong y khoa. Filler hiện nay dùng trong thẩm mỹ có hai dạng: filler tự thân (mỡ, cơ, biểu bì da, mô của chính khách hàng) và filler sinh học tổng hợp từ các chất sinh học khác nhau.

* Làm cách nào để khách hàng nhận biết được dung dịch được chích cho mình là filler thật hay là silicon lỏng? Khi chích vào khách hàng có thể tự cảm nhận các dấu hiệu của filler và silicon không?

- Chỉ có một cách duy nhất để tự bảo vệ mình, đó là hãy đến những cơ sở thẩm mỹ hợp pháp, có số đăng ký giấy phép hoạt động. Nếu làm ở những chỗ thiếu uy tín như spa, tiệm uốn tóc, thậm chí có người còn chích filler ở khách sạn, nhà riêng rồi bảo đó là filler xách tay từ nước ngoài, thì không thể đảm bảo an toàn. Đối với bác sĩ thẩm mỹ, phân biệt các loại filler sau khi chích thông qua thời gian bán hủy của nó. Silicon lỏng thì không tiêu được, còn các loại filler an toàn có thời gian bán hủy từ 6 tháng - 1 năm.

* Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực làm đẹp, bác sĩ có lời khuyên nào chỉ dẫn cho người dân để không ham rẻ mà chuốc họa? 

- 1ml filler giá nhập vào tính riêng nguyên liệu chưa có các chi phí đi kèm dao động từ 3-4 triệu đồng. Để làm đầy mắt, dùng hết từ 1-2ml filler tùy từng trường hợp. Nói như vậy không có nghĩa, filler cứ có giá cao thì an toàn. Nhiều khi hàng giả nhưng họ đẩy giá lên cao thì khách hàng cũng không thể biết được. Chỉ có cách duy nhất là hãy làm đẹp tại những cơ sở hợp pháp.

* Hiện tượng bầm tím sau khi chích filler có nguy hiểm không? Phải chăng do kỹ thuật viên thao tác trúng cơ gây biến chứng?

- Người thực hiện chích filler phải là bác sĩ chuyên ngành thẩm mỹ. Hiện tượng bầm tím sau khi chích filler vẫn có thể xảy ra do lúc thao tác chích trúng mạch máu nhỏ. Điều này không đáng ngại, trong chuyên môn vẫn có cách xử lý. Tuy nhiên, nếu tay nghề yếu, làm ở những cơ sở chui, chích trúng mạch máu lớn và mạch máu quan trọng ở vùng mắt, não thì có thể gây ra biến chứng không thể phục hồi. Như tôi đã dẫn chứng ở trên, dù không phải silicon lỏng, bệnh nhân vẫn có nguy cơ mù mắt vì chích trúng mạch máu đáy mắt.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Theo: phunuonline

Từ khóa » Silicon Dạng Lỏng Là Gì