Hiểu Văn Học - Hiểu Cuộc Sống | Trường THPT Vĩnh Viễn TPHCM

Nguyễn Thị Mai Hương (Lớp 12A1 trường THPT Vĩnh Viễn)

Cuộc sống và văn học - hai thứ ấy chẳng khi nào tách rời nhau, chúng gắn liền với nhau như có một mối quan hệ khăng khít. Cuộc sống hiện lên trong văn học, văn học phản ánh hiện thực cuộc sống con người. Và điều ây vốn từ lâu đã là một khẳng định không thể chối bỏ. Bởi vậy khi bạn hiểu được văn học thì cũng là lúc bạn hiểu được cuộc sống, hiểu được tình cảm, cảm xúc con người giấu trong từng trang sách, biết được quá khứ lẫn hiện tại đã có thay đổi gì và cảm nhận tương lai. Văn học nó gắn liền với thực tại của đời sống con người, nó là đời sống tâm hồn người viết, là nơi chứa đựng mọi cảm xúc khó nói, khó diễn tả.

Từng nghe ai đó nói rằng: “Hương nhụy trong mát và ngọt lành của cuộc sống chính là văn học”. Văn học và cuộc sống gắn liền với nhau ví như con ong cần mẫn cả cuộc đời gắn liền với công việc tìm mật ngọt từ nơi những bông hoa xinh đẹp. Văn học - bằng vai trò, chức năng và tác dụng diệu kì của mình, đã tiếp xúc, thu nhặt những chất liệu từ cuộc sống để khám phá, tái hiện và nâng cuộc sống lên một tầm cao mới, để tìm đến những giá trị chân- thiện- mỹ của cuộc đời. Bởi “cuộc đời chính là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu) . Văn học lấy chất liệu từ ngôn từ của chính cuộc sống, trải qua quá trình chọn lọc, thêm thắt để trở thành những tác phẩm tượng trưng cho đời sống hiện thực.

Mấy ai có thể định nghĩa được trọn vẹn hai chữ "Văn học" hay hiểu rõ chất nghệ thuật mà văn học chứa đựng. Nếu nói đến hai khái niệm ấy thì quả thực có vô vàn cách nói, cách diễn đạt tùy theo cảm nhận của từng người. Văn học là sự uyển chuyển, mềm mại, đưa ta từ cảm xúc này đến cảm xúc khác, giống như một dải lụa nhẹ tựa mây bồng, như làn nước xanh trôi lững lờ, chứa đựng nhiều cảm xúc như mơ hồ, bâng khuâng, mông lung, cất trong ấy còn là những quan điểm, những tư tưởng gần gũi, dễ hiểu, những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống mà người viết gửi đến các độc giả của mình. Với thi hào người Pháp - Charles Dubos thì "Văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng", còn với Thạch Lam thì "Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn". Nói một cách đơn giản thì văn học là một hình thái xã hội, là hình thức để các tác giả phản ánh hiện thực cuộc sống, một loại hình nghệ thuật, dùng ngôn từ để thể hiện với chức năng phản ánh và tái tạo cuộc sống qua lăng kính mang tính chủ quan của tác giả. Một người nghệ sĩ phải biết nhìn cuộc sống bằng đôi mắt toàn diện, theo nhiều khía cạnh khác nhau, nhìn thấu được những điều khó khăn của cuộc sống chứ không phải chỉ nhìn dưới con mắt dễ dãi, bằng phẳng. Như Thạch Lam đã nói "Một nhà văn thiên tài là người muốn cảm nhận mọi vẻ đẹp man mác của vũ trụ". Chỉ có vậy văn học mới phát sinh và phát triển trên nền tảng cuộc sống xã hội. Và cũng vì thế mà “cuộc đời chính là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học.”

Văn học bắt nguồn từ cuộc sống thông qua những từ ngữ, hình ảnh, những bút pháp nghệ thuật mà tác giả đã tài tình vận dụng để phản ánh. Chính cuộc sống bao la, diệu kì với bao trăn trở, suy tư này lại mang tới chất liệu vô giá, phong phú và trở thành “nơi xuất phát” cho văn học. Bởi “Văn học là con đẻ của đời sống” (Chế Lan Viên), hay “Văn học không phải chỉ là chuyện văn chương mà thực chất là chuyện đời” (Tố Hữu). Văn học là nguồn sống, là linh hồn, là hơi thở của cuộc đời này. Nói như vậy, nhưng không phải nghệ thuật và văn học là sao chép hoàn toàn từ ngôn ngữ đời thực, hay những gì thuộc về thế giới thực ấy. Văn học nghệ thuật là sự sáng tạo, mang chất riêng và cái nhìn của người nghệ sĩ, mỗi một tác phẩm là một câu chuyện, một cảm nhận khác nhau về đề tài, chủ đề, góp nhặt từng chút từ đời sống con người. Hình ảnh anh Chí trong tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao là một điển hình "Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời… Rồi hắn chửi đời… Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại… Rồi hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đã đẻ ra cái thân hắn, đẻ ra cái thân thằng Chí Phèo…". Tác phẩm ấy đã ánh lên nỗi xót xa, thương cảm cho cuộc đời, số phận của anh Chí - hiện thân của người nông dân bị bần cùng hóa, lưu manh hóa, sâu trong đó cũng chính là hình ảnh người nông dân hiền lành, chất phác bị cái xã hội phong kiến thối nát chèn ép, đè bẹp số phận. Cũng qua tác phẩm ấy mà ta thấy được bộ mặt xấu xa, tàn ác của bọn cường hào ác bá trong xã hội xưa, chúng đã dẫm đạp lên nhưng mơ ước, mong muốn, khao khát của một con người, biến anh Chí từ người nông dân hiền lành thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại, khiến ai cũng phải khiếp sợ. Ngay cả ước mơ lương thiện, một mái ấm gia đình cũng dìm chết cái hi vọng mong manh của anh Chí. Từ đó, ta thấy được, nhà văn Nam Cao quả là một người tinh tế, ông đã rất tài tình trong việc sáng tạo nên số phận bi thương của nhân vật Chí để qua đó thể hiện nỗi căm phẫn, bất đồng với cái xã hội mục nát kia, thể hiện sự cảm thông, thương xót cho số phận người nông dân bất hạnh. Từ tác phẩm ấy, ông cũng thể hiện rõ quan niệm của bản thân" Sống đã rồi hãy viết, hãy hòa mình vào cuộc sống vĩ đại của nhân dân.”

"Nhìn thấy cái khác thường trong cái bình thường và cái bình thường trong cái khác thường - đó là phẩm chất của những nhà nghệ sĩ đích thực", theo lời của nhà văn Paustovsky. Bằng phong cách nghệ thuật của bản thân, văn học sẽ lay động đến từng góc khuất của cuộc sống đề tìm ra những viên ngọc tuyệt phẩm bên trong tâm hồn của mỗi người. "Văn học trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật", đây là một quan niệm đẹp vô cùng của Biêlinxki. Hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi" của nhà văn Lê Minh Khuê đã khiến ta thấy cuộc sống thời chiến tuy khó khăn, nguy hiểm cách mấy thì những người con gái phá bom mở đường kia vẫn luôn lạc quan, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh và họ vẫn luôn nở trên môi một nụ cười duyên dáng chẳng chút mệt nhoài. Nhà văn ấy đã lấy tác phẩm của mình làm cách thức để tuyên truyền Cách mạng, mang tư tưởng của đất nước đến gần với mỗi người độc giả thông qua hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong, bà đã đem bầu máu nóng của mình tiếp thêm sức cho nhân loại. Đồng quan điểm, nhà văn Vũ Trọng Phụng cũng từng nói ''Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thật ở đời". Đúng vậy! Văn học không phải chỉ là phát hiện rồi ngợi ca những vẻ đẹp, niềm tự hào đối với đất nước mà còn phải biết nhìn ra sự mất mát, bi thương mà ngay chính cuộc sống thực đem lại. Hình tượng chị Dậu - người đàn bà với tình yêu to lớn không màng tính mạng đã đứng dậy để đấu tranh chống lại bọn cường hào áp bức. Nhưng đâu ai thấu được rằng, trong cái sự mạnh mẽ ấy của chị, đã có lúc chị cảm thấy bất lực, cắn dứt lương tâm tận tay bán đi đứa con gái của mình, bán đi những chú chó từng là bạn để có tiền nộp sưu thuế cho chồng, cứu chồng khỏi tay tử thần ác nhân. Nghe từng tiếng khóc nấc, thút thít của đứa con còn quá nhỏ, cứ gặng hỏi mãi mà chị đau nhói đến tận tâm can, tim như quặn thắt lại trước lồng ngực, lúc ấy chị như sụp đổ hoàn toàn, chẳng biết nên nói gì hơn lúc này "U nhất định bán con đấy ư? U không cho con ở nhà nữa ư? Khốn nạn thân con thế này. Trời ơi!... Ngày mai con chơi với ai? Con ngủ với ai?”. Tác phẩm ''Tắt đèn'' của Ngô Tất Tố là tác phẩm hay và cảm động tình cảm gia đình thiêng liêng biết nhường nào, đến cuối tác phẩm, khép lại là hình ảnh chị Dậu chạy ra khỏi nhà của lão địa chủ, chị chạy vào khoảng không bao la tăm tối "Đen như mực, đen như cái tiền đồ của chị vậy''. Từ tác phẩm này mà ta càng thêm thấu hiểu được nỗi đau đớn đến tột cùng của người, nỗi bất hạnh, thống khổ đến tận cuối đời của người nông dân lam lũ - những người bị coi thường và bị xem là tận cùng của đáy xã hội xưa. Nếu như ta thấy thương cho chị Dậu bao nhiêu thì ta lại càng cảm thấy phẫn nộ bộ mặt bọn quan lại, cường hào ác bá, những con người tán tận lương tâm.

Văn học là nơi để ta tìm lại sự bình yên, khơi gợi trong ta những tình cảm tốt đẹp, mang đầy giá trị nhân văn, giúp ta thêm trân trọng biết bao tình cảm gia đình thiêng liêng, tình yêu đất nước nồng nàn, trân trọng những giá trị sống của bản thân và cả mọi người xung quanh. Tất cả các tác phẩm, qua từng giai đoạn, thời đại đều có đôi phần thay đổi nhưng về bản chất thì vẫn như vậy, vẫn mang trong mình đầy giá trị cao cả với một sứ mệnh thiêng liêng. Tất cả các tác phẩm hay trên thế giới này, từ thơ ca đến vân xuôi, đến tùy bút, tản mạn, đều xoay quanh cuộc sống hiện thực, con người.

Văn học không chỉ là để phản ánh mà nó còn khiến ta càng thêm yêu quê hương, yêu cội nguồn của chính mình.

"Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về"

( Đất Nước_Nguyễn Đình Thi)

Khiến chính bản thân ta cảm thấy căm phẫn, xót xa trước cảnh nước nhà bị tàn phá bởi quân giặc:

"Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn

Ruộng ta khô

Nhà ta cháy"

(Bên kia sông Đuống Hoàng Cầm)

Tất cả những giá trị văn học trên đều là điều mà văn học đi và hướng đến. Quá đó ta cũng thấy được trách nhiệm của người nghệ sĩ, không chỉ là viết để phục vụ cảm xúc bản thân mà còn là viết để phục vụ cuộc sống. Và chính họ đã sáng tác ra những tác phẩm văn học xuất sắc, trở thành những tuyệt tác của quê hương, đất nước. Để có thể viết lên được những tác phẩm ấy vừa mang tính hiện thực, vừa mang tính nghệ thuật, tượng trưng thì người nghệ sĩ cần phải biết trau dồi cho bản thân một lượng kiến thức rộng lớn, biết chọn lọc từ ngữ, để có thể hiểu và đi vào sâu hơn từng khía cạnh của cuộc sống chứ không phải là nghĩ gì viết nấy.

Văn học tác động đến cuộc sống của chúng ta. Văn học có thể khiến ta thay đổi tâm trạng, thay đổi mạch cảm xúc của bản thân, khiến cho ta bị hút vào cái thế giới văn chương lúc nào chẳng hay. Và văn học nó có quan hệ mật thiết đến cuộc sống. Đọc một tác phẩm, hiểu được những gì tác phẩm ấy viết và truyền đạt đến cho ta, thì ta sẽ lại hiểu thêm được về nhiều điều trong cuộc sống. Đọc một tác phẩm đừng chỉ là đọc một lần rồi gấp nó lại cất đi, như vậy bạn sẽ chẳng tìm được điều gì mà còn cảm thấy thật vô nghĩa, hãy đọc đi đọc lại, tự mình nghiền ngẫm từng câu chữ, tự mình tìm tòi ra điều ý nghĩa, thông điệp mà tác giả gửi đến, lúc đó ta sẽ thấy tác phẩm này hay biết nhường nào. «Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có… » (Nam Cao).

Khi bạn đọc và thấu hiểu được những trang sách văn chương cũng tức là bạn đang giữ lấy cho mình những kiến thức về cuộc sống đời thường. Văn chương lấy cảm hứng từ hiện thực cuộc sống và con người chính là nhân tố quan trọng nhất đề gắn kết văn học với cuộc sống.

Hiểu văn học bạn sẽ hiểu cuộc sống xung quanh!

Từ khóa » Cái đen Là Cuộc Sống