Tôi Sợ Những Hố đen Trong Tâm Hồn… - CAND

- Chúc mừng nhà văn Nguyễn Đình Tú với tiểu thuyết "Cô Mặc Sầu" đã đoạt giải B cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Theo quan sát của tôi, Nguyễn Đình Tú là nhà văn cập thời, biết cách thích ứng với thị hiếu đọc thời đại tiêu dùng, thời mà sách tất yếu cũng là một thứ hàng hóa, và văn học buộc phải cạnh tranh khốc liệt trước sự bành trướng của các lĩnh vực văn hóa giải trí nghe nhìn…

+ Vâng, vì tôi cũng thường xuyên đặt mình vào vị trí của người đọc và chính tôi cũng bị các lĩnh vực văn hóa nghe nhìn "bủa vây", cho nên tôi thường nghĩ, khi nào thì mình thoát ra được khỏi sự bủa vây đó để dành thời gian cho sự đọc, nhất là đọc sách văn học.

- Tiểu thuyết "Cô Mặc Sầu" của anh, theo tôi, vừa gây khoái thú giới trẻ bởi những câu chuyện của họ như chuyện phượt, chuyện mạng xã hội, chuyện tình sinh viên, chuyện phi công trẻ và máy bay bà già, chuyện khách đồng tính và người mẫu nam, chuyện Sơn Tùng M-TP và "Em của ngày hôm qua", chuyện cướp giết…, vừa có khả năng hấp dẫn giới trí thức bởi họ gặp trong đó những dữ liệu tương thích với các lý thuyết văn học mới mẻ như nhân học văn hóa, sinh thái tự nhiên - tinh thần, và cả thấp thoáng dấu ấn của hậu thực dân nữa… Nghề văn xem ra càng ngày càng lắm công phu, nhỉ?

+ Văn học nói chung đã khác trước, không ngừng vận động và thay đổi. Người viết tiểu thuyết hôm nay không thể không có những suy tư trước sự đổi mới trang viết của mình. Nghệ thuật vốn dĩ là sáng tạo, nhưng là "sáng tạo trên sự sáng tạo" nên luôn luôn khó khăn. Trong khi giẫm phải vết chân của người đi trước là tự sát thì không có cách nào khác, người viết phải tìm đường đi mới cho mình. Con đường ấy do nhà văn mở ra, nhưng hấp dụ được người khác đi theo mình thì không dễ chút nào. Người mở đường có khi gục ngã mà con đường vẫn chưa thành hình. Nhưng hoặc là chết vì viết không có gì mới hoặc là chấp nhận gục ngã và đứng dậy đi tiếp trên con đường mình mở ra, nhà văn phải lựa chọn thôi, để mà hy vọng rằng mình có thể tìm đến khu vườn văn học theo lối riêng của mình.

Tác phẩm "Cô Mặc Sầu" vừa đoạt giải B cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài ''Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống''.

- Trước đây bạn đọc gặp một nhà văn Nguyễn Đình Tú ham mê chơi cấu trúc, đặc biệt là ở tiểu thuyết "Phiên bản", nhưng đến tiểu thuyết "Cô Mặc Sầu" lần này anh trình ra lối viết giản dị, dễ đọc, rồi nhiều chi tiết, sự việc người đọc đã biết trước đó nhưng anh vẫn chủ ý bồi thêm, tường minh thêm ở phần "Báo cáo thỉnh thị án" tiếp sau. Với sự thay đổi chiến thuật tự sự này, anh có nghĩ là mình đã vô tình làm giảm tính chất phiêu lưu của sự đọc và tính cô nén của tác phẩm hay không?

+ Trong một tác phẩm, sự lặp lại một cách vô ý là do cái vụng của người viết, còn nhắc đi nhắc lại một cách có chủ ý thì đó là nghệ thuật tự sự mà nhà văn muốn trình ra trước độc giả. Không phải sự cô nén nào cũng hay và không phải sự dàn trải nào cũng dở, cái chính là hiệu quả thẩm mĩ cuối cùng mà người đọc nhận được từ tác phẩm. Nếu có cái gọi là "phiêu lưu của sự đọc" ở tác phẩm này thì sự phiêu lưu đó luôn được tôi "hãm" lại bởi quá trình thám hiểm cuốn sách còn nhiều sự mời gọi ở phía trước, và người đọc luôn bị "thách thức cảm hứng" cho đến khi trang cuối cùng hiện ra.

- "Cô Mặc Sầu" mở ra không gian tộc người sau những đỉnh núi mù sương, một mặt không ngừng mời hút du khách nhiều tiền trong và ngoài nước bởi những phong cảnh đẹp mê hồn, một mặt phơi bày ra tất cả tính chất tiêu điều, rách rưới và bất an bất ổn bởi đói nghèo, bởi sự hoành hành của các loại hình tội phạm. Nghĩa là có sự lệch pha, đối cực khốc liệt giữa "ánh trăng lừa dối" và "tiếng đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than"… Anh bình luận gì thêm về cái nghịch lý đáng suy ngẫm này?

+ Đấy chính là cuộc đời. Vén mây thấy núi, sau núi lại có mây. Cứ vén từng lớp màn cuộc sống lên, bạn đọc sẽ thấy vô vàn những điều bí ẩn trong đó, nhà văn đang giúp bạn đọc nhìn sâu vào đời sống này bằng cách riêng của mình mà thôi.

- "Cô Mặc Sầu" là một tiểu thuyết đa diễn ngôn, trong đó nổi lên hai lớp chủ đề chính: nhóm tệ nạn vùng cao và không gian văn hóa tộc người. Anh có thể trình bày quan điểm nghệ thuật của mình về cái gọi là văn học đề tài - loại hình tác phẩm mà nhiều người tỏ ra không mấy mặn mà?

+ "Cô Mặc Sầu" hiện diện trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây như một tác phẩm tiếp theo của tôi về đề tài công an. Nếu phải nói đến hai chữ đề tài, thì có hai lý do để tôi trở đi trở lại với đề tài tạm gọi là "hình sự" này. Thứ nhất, tôi yêu thích các hoạt động phòng chống tội phạm nói chung, công việc của những chiến sỹ Công an nói riêng, bởi nó hội tụ đủ các yếu tố thiện - ác, tốt - xấu, cao cả - thấp hèn, anh hùng, bội phản, hỉ, nộ, ái, ố... của cuộc đời, xét cho cùng đó chính là những mối quan hệ cốt lõi mà muôn đời con người và văn học quan tâm. Thứ hai, cứ mỗi khi chuẩn bị viết một tác phẩm mới, tôi lại nhớ đến những phản hồi của bạn đọc, họ luôn nhắc nhở tôi rằng họ chờ đợi những cuốn tiếu thuyết kiểu như "Hồ sơ một tử tù" hay "Phiên bản", tức là họ muốn tôi tiếp tục những cuốn sách về đề tài hình sự.

Đấy là chia sẻ đôi chút về đề tài. Nhưng với một nhà văn chuyên nghiệp thì mọi đề tài chỉ là cái cớ để họ cầm bút lên trải lòng mình về cuộc đời này mà thôi. Khi sáng tác, tôi luôn tâm niệm rằng, tôi đang viết về những thân phận người...

- Đúng vậy, đằng sau tất cả, cái đọng lại lâu và sâu nhất trong người đọc ở "Cô Mạc Sầu" vẫn là những câu hỏi về cái gọi là kiếp người, về cái gọi là hạnh phúc ở đời. Con người ta, suy cho cùng, không ai là "không thấy mình cô đơn, không thấy mình bất hạnh, không thấy mình đối mặt với một hố đen sâu hoắm trong tâm hồn" (trang 331). Câu chuyện này nó ám ảnh anh đến vậy sao, vì tôi thấy nó cứ trở đi trở lại trong các tác phẩm của anh?

+ Tôi luôn đối diện với sự sợ hãi. Và tôi tự hỏi con người ta sợ nhất điều gì. Không phải đói, khát, thất học, bệnh tật hay những tổn thương thực thể, mà là những "hố đen" trong tâm hồn họ. Hố đen ấy chính là nỗi bất hạnh bên trong mỗi cá thể, là cái sự "Khổ" như đạo Phật đã chỉ ra, là nỗi sợ hãi bản năng muôn thuở của loài người. Và cả cuộc đời con người ta cứ loay hoay đi làm cái việc là "vá" những hố đen trong lòng mình lại, tức là tìm lấy sự thanh thản, là mong "hết khổ", là chống lại muôn ngàn sự sợ hãi có tên và không tên, là đạt tới cảnh giới của thiền. Nhưng chả ai thoát được nỗi sợ hãi mang tên Con Người cả. Vì thế, các tiểu thuyết của tôi luôn trào dâng nỗi sợ hãi vốn được biểu hiện bằng những hành động vượt thoát chính mình. Chính trong quá trình vượt thoát ấy, con người ta sa vào trạng thái cô đơn và mềm yếu. Văn học chính là sự gọi tên những mềm yếu ấy của con người.

- Cảm ơn nhà văn Nguyễn Đình Tú đã chia sẻ.

Từ khóa » Cái đen Là Cuộc Sống