Hình Tượng Con Hổ Trong Mỹ Thuật Dân Gian Của Người Việt

  • Đi tìm những con hổ trong phật giáo

Trong các tác phẩm chạm khắc trên đá, trên gỗ ở đình chùa miếu am, hổ cũng được khắc họa dưới hình tượng của một linh vật đặc biệt, nhưng đồng thời cũng lại là biểu tượng về sự chế ngự được sức mạnh thiên nhiên của con người.

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, Hổ là một loài động vật ăn thịt hoang dã và hung dữ không thể thuần dưỡng. Hổ cũng là loài vật có nhiều tên gọi nhất như: ông cọp, ông hùm, chúa tể sơn lâm để tỏ lòng kính sợ, nhưng đồng thời cũng lại gọi Hổ là ông Kễnh, ông Hầm để hàm chỉ sự ngạo nghễ ngang tàng của giống loài. Bởi vậy nên chúng gắn bó chặt chẽ với đời sống của người Việt trên nhiều phương diện.

DBCAND13-Hình tượng con Hổ trong mỹ thuật dân gian của người Việt -0

Hổ hiện diện từ những nỗi lo của cuộc sống thường nhật rồi đi vào tôn giáo tín ngưỡng với những hình thức biểu tượng đa dạng phong phú. Đây chính là cách con người nghĩ ra để khuất phục uy quyền, chi phối sự hung dữ, đồng thời cũng là để tiến một bước tiếp theo là mượn uy linh của loài vật này mà trừ tà, trấn trạch cầu phúc cho đời sống nhân sinh. 

Hổ trong những bức tranh dân gian Việt Nam

Hổ trong những bức tranh dân gian là một trong những biểu tượng đặc sắc của mỹ thuật truyền thống ở Việt Nam. Các bức tranh như: Ngũ Hổ, Độc Hổ (hắc Hổ, bạch Hổ, thanh Hổ, xích Hổ, hoàng Hổ) của dòng tranh dân gian Hàng Trống; Thanh Long – bạch Hổ của dòng tranh dân gian Kim Hoàng; ông Hổ của dân gian làng Sình; Hổ thần tướng của dòng tranh Kính Nam Bộ. Với những cách thể hiện khác nhau, mỗi dòng tranh dân gian lại chứa đựng thông điệp khác nhau của nền văn hóa cổ phương Đông.

Sớm nhất trong những bức tranh kể trên có lẽ là những bức tranh Hổ/ ngũ Hổ của nghệ thuật dân gian Hàng Trống xuất hiện khoảng hơn 400 năm trước. Các tác phẩm này là kết quả của sự hội tụ các luồng tư tưởng văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng vùng miền ở Việt Nam, phản ánh tín ngưỡng tối cổ của người Việt thờ những thế lực tự nhiên.

Tuy nhiên những tác phẩm này là sự bồi đắp hình ảnh hình tượng để có được một tác phẩm mang tính toàn thiện thể hiện ra quan niệm về vũ trụ tương sinh. Trong bức tranh Ngũ Hổ, Hổ vàng được đặt làm nhân vật trung tâm với dáng vẻ đầy uy quyền. Trên đầu Hổ là chòm sao Đại Hùng Tinh. Chân trước con vật này giữ một tấm bài vị với 4 chữ “Pháp đại uy linh”.

DBCAND13-Hình tượng con Hổ trong mỹ thuật dân gian của người Việt -0

Bên phải là năm thanh gươm, bên trái là năm lá cờ lệnh. Xung quanh là bốn con Hổ với các màu tượng trưng cho bốn phương trời đất: phương Bắc màu đen; phương Nam màu đỏ; phương Tây màu trắng, phương Đông màu xanh, chầu về trung tâm là màu Vàng theo một vòng ngũ hành tương sinh. Kim (hổ trắng) sinh Thủy, Thủy (Hổ đen) sinh Mộc, Mộc (Hổ xanh) sinh Hỏa, Hỏa (Hổ đỏ) sinh Thổ, Thổ (Hổ vàng) sinh Kim. Ngoài ra đối với các hệ màu sắc này, người xưa còn gửi gắm vào đó những thông điệp ẩn tàng như: Hoàng Hổ - màu vàng thể hiện sự ổn định, bền vững, lâu dài.

Thanh Hổ - màu xanh thể hiện sự êm đềm dịu dàng và tượng trưng sự phát triển nảy nở sinh sôi. Bạch Hổ - màu trắng thể hiện sự mạnh mẽ, tượng trưng cho sự khởi phát bứt phá. Xích Hổ - màu đỏ thể hiện sự năng động, vui vẻ, hạnh phúc. Hắc Hổ - màu đen thể hiện sự thanh thản, điềm tĩnh, tượng trưng cho trí tuệ và sự thông minh.

Không chỉ với cách thức bố cục trình bày một cách khúc triết theo trật tự từ trong ra ngoài, từ cao tới thấp, từ chính đến phụ dựa trên nguyên lý ngũ hành mà phần nền của tác phẩm cũng mang đậm sắc thái tượng trưng. Phía trên là trời mây ngũ sắc vần vũ, chính giữa là mặt trời tượng trưng cho sự quang minh chính đại, phía dưới là những mỏm núi cao lưng trời, nơi những con Hổ hiển thị uy linh. Tất cả như gợi lên một cảm giác về sự trang nghiêm linh ứng.

Bên cạnh các tác phẩm tranh dân gian kể trên, hình tượng con Hổ còn được sử dụng trong các tranh bùa chú trấn trạch. Cặp tranh Thanh Long – Bạch Hổ của dân gian Kim Hoàng là một ví dụ điển hình. Rồng xanh chầu bên trái, Hổ trắng phục bên phải thì mọi tà ma đều tránh xa. Không những vậy sự thị hiện của rồng chầu Hổ phục còn đem lại sinh khí tốt tươi cho gia chủ - một thuật phong thủy rất phổ biến trong văn hóa dân gian Việt Nam.

Ngoài ra các chiếc bùa trấn trạch hiện nay vẫn thường xuyên được sử dụng khi làm lễ tân gia, nhập trạch, ta vẫn thấy hình tượng con Hổ được hiện diện, dù rằng cuộc sống của người Việt đã vô cùng hiện đại. Dẫu không còn liên quan đến núi rừng nhưng việc trấn trạch bằng hình tượng một con Hổ ngồi khoan thai một chân đưa lên phía trước thị uy, chính là sự mượn oai Hổ – Linh Hùm để xua đuổi tà ma, chướng khí, ngõ hầu mang đến một cuộc sống bình an.

Hổ trong nghệ thuật điêu khắc dân gian Việt Nam

Khác với những tranh dân gian, Hổ trong các tác phẩm điêu khắc chạm khắc ở các di tích của người Việt thường được sáng tạo ra không theo bất cứ một khuôn mẫu nào. Điển hình như thế kỷ XIII, trong khu lăng mộ của nhà Trần, con Hổ ở lăng Trần Thủ Độ vô cùng nổi tiếng bởi cách tạo hình đầy chất hiện thực với những quan sát tinh tế từ các khối hình, lưng, bụng, gân cơ khiến cho con vật không chỉ biểu thị được uy dũng của mình mà còn như hàm chứa trong đó tinh thần, hào khí Đông A của nhà Trần.

Đến hệ thống lăng mộ vua Lê ở Lam Kinh thế kỷ XV, con Hổ vẫn tiếp tục là một vật linh được hiện diện trong điêu khắc thứ hai bên đường thần đạo với những dáng vẻ vô cùng sinh động. Hổ ở lăng Lê Lợi, dù có một tỷ lệ khiêm tốn hơn nhiều so với tác phẩm kể trên nhưng với lối điêu khắc đậm chất dân gian, con Hổ này được tạo hình đầy hóm hỉnh, vui tươi và gần gũi.

Sang đến thế kỷ XVI, hình tượng con Hổ dường như sống dậy trong các điêu khắc chạm khắc đình làng. Điển hình như đình Tây Đằng, Chu Quyến, hình tượng này đã làm nên những dáng vẻ mới. Điêu khắc Thần tướng cưỡi hổ là một tác phẩm điêu khắc gần như độc lập đặt trên đầu dư cột cái vừa như mượn uy linh của hổ để trấn át tà ma nhưng đồng thời cũng lại phô bày ra sức mạnh của con người có thể thuần phục, chế ngự, chiến thắng được thiên nhiên.

Bức chạm người đánh cọp trên ván mê cột trốn cũng mang hàm ý như vậy khi con Hổ ở phía trước ngoái đầu nhe nanh gầm gừ, người đánh Hổ ở phía sau tay nắm đuôi, tay cầm con dao, tư thế võ tướng tưởng chừng như nhỏ bé, nhưng lại mang trong mình sức mạnh vô song.

Có thể nói trong nghệ thuật chạm khắc đình làng, dường như hình tượng con Hổ đã được cởi bỏ hoàn toàn những lề thói tạo hình có tính khuôn phép được qui định trong những bức tranh thờ để diễn tả những hoạt động sống vô cùng sinh động và thực tế của dân gian. Các cảnh như đấu Hổ, săn Hổ, rồi hội nhập Hổ vào trong các hoạt cảnh chạm tứ linh: Long – Ly – Qui – Phụng, Long – Hổ trùng phùng đã góp phần làm sinh động thêm cho tâm thức dân gian về hình tượng này. 

Có thể nói trong mỹ thuật dân gian của người Việt, hình tượng con hổ đã trở thành một hình tượng chồng xếp những lớp lang văn hóa. Từ những bức tranh thờ cho đến những tác phẩm điêu khắc, chạm khắc sinh động, Hổ góp phần phản ánh tín ngưỡng tối cổ của người Việt nhưng đồng thời trong xã hội hiện đại ngày nay, hình tượng Hổ vẫn hiện diện và đóng góp vào cuộc sống nhân sinh ấy những giá trị tích cực.

  • Bí mật nghề chăm sóc "chúa sơn lâm"

Từ khóa » Hình Tượng Con Hổ Trong Văn Hóa