Hình Tượng Hổ Trong Văn Hóa Một Số Quốc Gia

Bạch hổ - vị thần hộ mệnh trong văn hóa Hàn Quốc

Hình tượng con hổ ảnh hưởng rất sâu đậm trong văn hóa Hàn Quốc. Hổ mang hơi hướng thần thoại và luôn tồn tại trong cuộc sống người dân Hàn Quốc như một vị thần giám hộ. Con hổ tượng trưng cho lòng dũng cảm và sức mạnh. Tuy là loài dũng mãnh, hung tợn trong thế giới động vật hoang dã nhưng trong quan niệm dân gian Hàn Quốc, hổ vẫn là loài vật thân thiết với con người. Hình tượng hổ được đưa vào đời sống hàng ngày và tôn là linh vật bảo vệ cho loài người.

Người Hàn Quốc đặc biệt thần phục loài hổ trắng. Theo họ thì sau khi được tôi luyện trong vũ trụ, con hổ đã được trút bỏ lốt cũ để trở thành hổ trắng, một giống vật thiêng, không bao giờ hại người. Hổ trắng chỉ hung tợn với kẻ cầm quyền gây tội ác. Đối với người Hàn Quốc thì màu trắng của hổ được kỳ vọng là tín hiệu của may mắn. Người dân tin rằng khi cầm theo bùa bạch hổ thì được bảo vệ khỏi mọi rủi ro; dân gian cho rằng hổ là loài vật át được khí vận xấu nên người Hàn hay mặc áo in hình hổ để có được sự khởi đầu tốt đẹp cho năm mới.

Trung Quốc: Hổ sinh ra đã là vua

Trong văn hóa Trung Quốc, hổ là biểu tượng của sự uy quyền và dũng mãnh. Trong Hán tự, những vết vằn trên trán hổ giống với chữ 王(Vương) vì vậy người dân Trung Hoa tin rằng hổ sinh ra vốn dĩ đã là vua. Bên cạnh đó, hổ cũng thường được dùng để chỉ những nhân vật xuất chúng, chẳng hạn các vị tướng giỏi, có chiến tích lẫy lừng thường được tôn vinh là “hổ tướng”, những đứa trẻ có tài năng hơn người thường được gọi là “tiểu hổ”. Các vật dụng thời xưa cũng ít nhiều gắn với tên của loài vật này như hổ trướng, hổ phù. Hình mặt hổ được dùng phổ biến để trang trí giáp, trụ của các quan văn, quan võ trong triều đình.

Người Trung Quốc còn thể hiện sự tôn thờ, gắn bó với hổ bằng cách sử dụng hình ảnh của loài vật này để bày tỏ kỳ vọng của mình về những điều tốt đẹp. Không chỉ là biểu tượng của sự dũng cảm, hạnh phúc và quyền lực, hổ còn được coi là một loài vật thiêng mang lại may mắn, có thể xua đuổi tà ma. Theo truyền thống, người ta tin rằng trẻ em đội mũ, đi giày thêu hình mặt hổ vào năm mới sẽ xua đuổi được tà ma. Truyền thống này vẫn tồn tại cho đến ngày nay ở các vùng nông thôn Trung Quốc.

Hổ gắn liền với các vị thần ở Ấn Độ

Loài hổ đã xuất hiện trong văn hóa Ấn Độ khoảng hơn 5.000 năm trước. Từ bao đời nay, loài vật này đã trở thành biểu tượng của sự oai phong, lẫm liệt, quyền lực và gắn liền với lòng dũng cảm. Hổ là một trong những động vật được khắc họa trên con dấu Pashupati của nền văn minh sông Ấn. Hình ảnh con hổ cũng xuất hiện trên phù hiệu, con dấu và đồng xu của Vương triều Chola. Quốc huy của Vương triều Pandya cũng in hình những con hổ.

Hình tượng con hổ có một vị trí quan trọng trong thần thoại Hindu, gắn liền với các vị thần tối cao trong văn hóa Ấn Độ.Trong tranh tượng của đạo Hindu, da hổ là một chiến tích của thần Siva và hổ là vật cưỡi của thần Shakti. Thần Durga - nữ thần của quyền lực và sức mạnh cũng cưỡi hổ trong cuộc chiến chống lại ác quỷ Parvati. Ở miền Nam Ấn Độ, hổ là bạn của vị thần Ayyappan. Trong Phật giáo Ấn Độ, hổ cùng với khỉ và hươu là những ba linh vật thiêng liêng nhất. Con hổ biểu tượng cho sức mạnh của niềm tin chiến thắng mọi trở ngại, tượng trưng cho lời răn dạy từ bỏ tham, sân, si và ác nghiệp của đạo Phật.

Người Ấn Độ tin rằng hổ là loài vật có thể xua đuổi tà ma quỷ quái. Hổ còn đóng vai trò là “kẻ gác đền” trong rừng già, canh giữ châu báu. Vì vậy, để biểu tượng cho quyền lực, các vị lãnh chúa thường trang trí một tấm da hổ trong phòng hoặc ngồi trên một tấm da hổ khi tiếp khách. Những đứa trẻ trong các gia đình giàu có thường hay đeo một chiếc răng hổ như một loại bùa phép để tránh tà ma và để khỏe mạnh. Đàn ông đeo răng hổ trên cổ để thể hiện sự nam tính, sức khỏe và lòng dũng cảm.

Hổ là biểu tượng của quốc gia Malaysia

Đại diện cho sức mạnh và lòng dũng cảm, hổ Mã Lai từ lâu đã trở thành niềm tự hào và là biểu tượng quốc gia của Malaysia. Hình ảnh con hổ xuất hiện trên quốc huy Malaysia với ý nghĩa là thần hộ mệnh giúp đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Hổ cũng xuất hiện trên logo biểu tượng của một số cơ quan nhà nước như: cảnh sát Hoàng gia Malaysia, Ngân hàng Maybank, hãng ô tô Proton, liên đoàn bóng đá Malaysia. Ở một số khu vực, người ta còn đặt biệt danh cho hổ là “Pak Belang”, nghĩa là “quý ngài lông vằn” để thể hiện sự tôn quý.

Hổ cũng xuất hiện trong nhiều câu chuyện dân gian và tục ngữ Malaysia, trong đó có câu thành ngữ nổi tiếng “cúi mình như mèo, nhảy như hổ”, một thành ngữ dùng để nói về một người trầm lặng nhưng dũng cảm. Trong kỳ SEA Games 29 được tổ chức tại Kuala Lumpur, hổ cũng chính là linh vật của đại hội thể thao, tượng trưng cho tinh thần trung thực, đoàn kết.

Hổ - vị chúa sơn lâm trong văn hóa Việt

Với đặc thù là miền nhiệt đới ẩm, có nhiều rừng rậm, đồi núi, Việt Nam là nơi có môi trường phù hợp cho sự phát triển của loài hổ. Theo đó, hình ảnh con hổ đã trở nên quen thuộc và đi vào nền văn hóa dân gian Việt Nam một cách phong phú, đa dạng và đặc sắc. Ít nơi nào con hổ mang nhiều tên gọi như ở Việt Nam. Người Việt kính sợ hổ, thường gọi bằng ông Ba Mươi, ông Cọp, ông Hổ, ông Khái, ngài, chúa tể sơn lâm, chúa sơn lâm, chúa tể rừng xanh, mãnh hổ rừng xanh, mãnh chúa sơn lâm, mãnh hổ… Điều đó chứng tỏ vị trí quan trọng của nó trong đời sống văn hóa của người dân.

Hình tượng con hổ đã xuất hiện từ lâu trong văn hóa của cư dân Việt. Cụ thể, những chiếc trống đồng Đông Sơn cách đây khoảng 2500 - 3000 năm tuổi trên mặt trống đã xuất hiện hình con hổ, điều này cho thấy con hổ đã gắn bó hàng nghìn đời nay với người dân Việt Nam với sự trân trọng và sau này được nhân dân thờ cúng trong các miếu, đền. Con hổ còn xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt trong tranh thờ Hàng Trống từ lâu đời nay.

Theo thống kê sơ bộ, người Việt Nam có hơn 1.200 câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca liên quan tới hổ. Hổ còn là đề tài trung tâm của nhiều câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, huyền thoại, giai thoại.

Mặt khác, dù là con vật hoang, rất ít khi được thuần phục nhưng hổ đã có sự gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người dân Việt, trong đời sống thường nhật và tôn giáo. Nó không chỉ là biểu tượng của sức mạnh mà còn mang quyền uy chi phối của kẻ anh hùng.

Từ khóa » Hình Tượng Con Hổ Trong Văn Hóa