Hình Tượng Hổ Trong Các Nền Văn Hóa - Tạp Chí Sông Hương

Ban biên tập Gửi bài viết Liên hệ quảng cáo Trang chủ Huế luôn luôn mới SỰ KIỆN Phòng chống dịch COVID-19 (new) 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Tình Sông Hương Văn Thơ Nghiên Cứu & Bình Luận Câu chuyện hôm nay Văn hoá nghệ thuật Festival Huế Kiến trúc Âm nhạc Sân khấu Mỹ thuật Nhiếp ảnh Văn học dân gian Đất và người Huế bốn phương Nhìn ra thế giới Nhịp cầu di sản Trang viết đầu tay Trang thiếu nhi Góc Hoài niệm SỐ ĐẶC BIỆT CHUYÊN ĐỀ Giá sách Sông Hương Tác phẩm hay Thông tin Cơ quan - Doanh nghiệp Tác giả - Tác phẩm Giá sách Sông Hương Nghiên Cứu & Bình Luận Hình tượng hổ trong các nền văn hóa 15:20 | 28/01/2022

HUỲNH THẠCH HÀ Mau lẹ, hung hãn, đáng sợ, quyến rũ, có lẽ là những từ thường dùng khi nói về loài hổ. Hổ còn có nhiều tên gọi khác như cọp, ông Ba mươi, ông vằn, chúa sơn lâm…

Hình tượng hổ trong các nền văn hóa Ảnh: internet

Trên thế giới, tùy từng nền văn hóa mà loài hổ hiện ra với nhiều ý nghĩa khác nhau. Hình tượng hổ bên cạnh sự quyền uy đáng nể, cùng với nhận thức về mỹ thuật và nghệ thuật (vẻ đẹp uyển chuyển, tiềm ẩn nội lực) khiến chúng có đủ những phẩm chất để trở thành một linh vật của tôn giáo, tín ngưỡng và được thờ phụng nghiêm cẩn. Theo quan niệm nhân gian, loài hổ là vừa biểu tượng của sức khỏe, may mắn… vừa thuộc những quan niệm tiêu cực như quái vật bóng tối, sự xảo trá hay điên dại. Hổ trong các nền văn hóa trên thế giới Trong tự nhiên, hổ là một loài động vật thuộc họ mèo lớn, là động vật ăn thịt đứng đầu bảng với bản tính hung hãn, dũng mãnh, can trường, hiên ngang… vì vậy chúng trở thành biểu tượng của sự hùng cường, có sức mạnh vô song. Nhắc đến hổ, người ta liên tưởng ngay đến một loài thú dữ ăn thịt sống với tiếng gầm khiến muôn loài khiếp sợ. Hổ còn thể hiện phẩm chất của kẻ săn mồi siêu đẳng khi biết chớp thời cơ và vồ lấy ngay khi con mồi mất cảnh giác, bản năng này được con người xem là biểu tượng của sự quyết đoán, mạnh mẽ, lạnh lùng và dứt khoát. Chúng còn được biết đến với phẩm chất hành sự cẩn trọng, luôn quan sát, nghe ngóng tình hình, khi thời cơ không thuận lợi và bất trắc thì thu mình rút lui một cách lặng lẽ để bảo toàn sức lực, tránh phiền phức, không quá ham mồi mà mắc bẫy của những kẻ săn thú. Vì vậy, loài hổ gợi lên những hình ảnh về sức mạnh và sự hung dữ của một động vật săn mồi thông minh, và trở thành biểu tượng của đẳng cấp chiến binh. Trong sử sách và các truyền thuyết Trung Hoa, người ta nhiều lần gọi Ngũ Hổ là những toán chiến binh dũng cảm, bảo vệ vương quốc. Hổ trắng xuất hiện là dấu hiệu của đức độ nhà vua. Hổ còn là động vật của phương Bắc, của Đông chí, triệt tiêu được các ảnh hưởng độc hại tại nơi chúng xuất hiện. Hổ còn là vật cưỡi của Tiên Ông. Trong đạo Phật, sức mạnh của Hổ tượng trưng cho sức mạnh đức tin, của nỗ lực tinh thần, vượt qua rừng rậm tội lỗi, được biểu thị bằng một rừng tre.1 Ở một số nước theo đạo Hindu như Ấn Độ, Nepal, Indonesia… người dân quan niệm da hổ là một chiến quả của thần Shiva. Hổ là vật cưỡi của Shakti (vị thần đại diện quyền lực, khả năng, sức mạnh sáng tạo), của năng lượng thiên nhiên mà Shiva đã không phục tùng và chế ngự được. Ở Malaysia, thầy lang có phép hóa thành hổ. Nên nhớ rằng ở toàn bộ vùng Đông Nam Á, con Hổ - Tổ phụ huyền thoại được xem như là thầy truyền pháp. Chính hổ dẫn các tín đồ mới vào rừng để truyền phép, thực tế là giết họ rồi hồi sinh. Với người Ghiliak ở Siberia, hổ được xem như một con người đích thực, là con người tạm thời khoác hình dáng hổ. Trong Chiêm tinh học, cung Hổ Cáp (từ 23.10 đến 21.11) là cung thứ tám của Hoàng đạo, chiếm chỗ giữa của quý thu, khi gió lột hết những chiếc lá nhuốm vàng, loài vật và cây cối sửa soạn cho một cuộc sống mới; là biểu tượng đồng thời của sự kháng cự, sự lên men, sự chết, sự năng động và cứng rắn, đấu tranh với biểu tượng bầu trời có chủ hành tinh là sao hỏa.2

Cảnh săn hổ ở Mãn Châu - Ảnh: wiki

Theo một số nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản thì hổ đứng hàng thứ ba trong 12 con giáp, mang tên Dần trong lịch Can chi, là con vật đứng hàng thứ ba sau Chuột (Tý) và Trâu (Sửu). Khi chiết tự, “Dần” trong chữ tượng hình Trung Hoa có hình dáng của một con mãnh hổ trong tư thế như đang xông tới với đôi mắt trừng trừng đầy uy phong. Biểu tượng chi Dần mang nhiều ý nghĩa triết lý nhân văn sâu sắc. Tháng Dần là tháng Giêng, đầu xuân, đầu năm mới, tháng mà 3 khí dương (của trời) cân bằng với 3 khí âm (của đất), do đó cũng là tháng mở đầu của con người (nhân sinh ư dần), là sự hòa hợp giữa trời - đất và con người, là sự cân bằng âm - dương, nóng - lạnh từ nội tạng. Tính cách con giáp của hổ đại diện cho một năm mạnh mẽ nhất về sức khỏe, sung mãn về làm ăn kinh tế, mở mang về học vấn và tính vượng khí của trục Dần - Thân đầy sức chi định. Trong nhân tướng học, hổ là con vật linh thiêng, đầy uy quyền nên thường được thờ phụng như biểu tượng của quyền lực, công danh học hành và sự tăng tiến trong kinh doanh. Người tuổi Dần thường có tính cách liều lĩnh, thích mạo hiểm, thích làm những việc động trời gây sự chú ý. Họ có tính tập trung cao, khi đã làm việc thì quên hết mọi thứ xung quanh, luôn hành sự bằng tất cả sức lực và tinh thần. Người tuổi Dần phức tạp và khó đoán nhất trong 12 con giáp. Họ nhiệt tình, tốt bụng, hào phóng và vui nhộn. Đồng thời lại rất độc lập, bốc đồng, và đôi khi khá ích kỷ. Họ thích được hoạt động và thử những điều mới bất chấp rủi ro. Hổ hộ mệnh sẽ bảo vệ và truyền cảm hứng cho họ khi thực hiện bất cứ điều gì. Trong khoa địa lý cũng như trong thuật luyện đan Trung Quốc, hổ đối lập với rồng; nhưng nếu trong trường hợp đầu, nó là một biểu tượng bất cát, thì trong trường hợp thứ hai, nó là biểu thị một yếu tố tích cực, tinh lực, đối lập với yếu tố ẩm ướt, thụ động, như là chì đối lập với thủy ngân, khí đối lập với tinh dịch. Nếu như người châu Âu cho rằng sư tử là vua của muôn loài với những ảnh hưởng sâu đậm về văn hóa và biểu tượng, thì trong quan niệm người châu Á, hổ mới là chúa tể của rừng xanh, là linh vật được đưa vào các gian thờ. Từ xưa đến nay, theo quan niệm tâm linh, khi thờ hổ, con người đều sẽ cảm nhận được sự an toàn của sự che chở. Hình thức thờ phụng loài hổ rất đa dạng tùy vào từng quốc gia, cộng đồng người ở khắp châu Á, gắn liền với truyền thống văn hóa của từng vùng miền. Một số dân tộc theo tín ngưỡng bái vật giáo (Totem giáo) tôn thờ hổ như tổ tiên của tộc người mình như Oroquen, Nanai, Tungus. Trong tín ngưỡng dân gian của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, xu hướng đồng nhất mình với hổ phổ biến với các mức độ khác nhau. Cụ thể, có nhiều tộc người xem hổ là tổ tiên của mình, bản thân người dân trong tộc chính là hậu duệ của loài hổ, trường hợp này hổ hiện thân là thần khai tổ, là tổ phụ, thần hộ mệnh cho con người. Hay theo quan niệm của người Nanai, khai tổ của họ là do một người con gái kết hôn với hổ rồi sinh ra, cho nên họ phải thờ cúng hổ, tôn sùng hổ như một vị thần tối cao, không được săn bắt hổ lấy thịt, lấy da. Người Tungus, một dân tộc ở vùng Tây Bá Lợi Á gọi giống hổ Mãn Châu là Amba với ý nghĩa tôn xưng như Ông hay Ông già bởi họ xem hổ Siberia là vị thần gần gũi và luôn cho rằng hổ là Tổ phụ, ông cha của mình. Ở những nơi thịnh hành Shaman giáo thì hổ mang tính chất thánh thiêng và hòa trộn trong các nghi lễ thần bí. Ở nhiều nơi khác, hổ được thờ phụng trong những không gian vật thể tín ngưỡng như đình, đền, miếu, chùa, ban thờ thông qua những nghi thức cúng tế, tranh thờ, tượng thờ và mỹ thuật tâm linh. Một số dân tộc còn tôn thờ hổ như thần giám hộ (như Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, hổ đóng vai trò là Thần bảo hộ), thượng đẳng phúc thần, thần hộ mệnh, môn thần, được xem là phúc thần (thần may mắn). Nhưng mặt khác, hổ cũng được tôn thờ nhằm mục đích tránh tai ương vì là một ác thú nguy hiểm. Một truyền thuyết Hy Lạp được Plutarque thuật lại, giải thích tại sao người ta đặt tên Tigre (con hổ theo tiếng Pháp) cho một con sông ở Mésopotamie (Lưỡng Hà). Con sông đó trước kia tên là Sollax. Để quyến rũ một thần sông núi châu Á là Alphésibée mà thần say mê, Dionysos đã hóa thành hổ. Chạy đến bờ sông, Alphésibée không thể trốn đi đâu được nữa nên đã bị con ác thú túm lấy và đưa sang bên kia. Con trai họ, Médès, là bán thần được lấy tên đặt cho dân tộc Médes, còn con sông được đặt là Tigre để tưởng nhớ nữ thần sông núi và vị thần đã hợp thân trên bờ sông này. Theo những truyền thuyết khác bắt nguồn từ Babylone, sông Tigre sinh ra từ đôi mắt Mardouk, Đấng Tạo hóa, cùng lúc với sông Euphrate. Trong Kinh Thánh, đó là một trong 4 con sông của thiên đường trên thế gian. Một số dân tộc còn quan niệm rằng hổ có thiên tư linh mẫn, có thể nghe được, biết được những điều người ta nghĩ, có tính thù dai, sẽ nhớ và tấn công người nào đã đánh chúng, nhất là thần hổ báo thù thì vô cùng khốc liệt, nhiều con hổ được cho là hóa thân của những vong hồn hổ đã bị giết trước đó trở về báo thù dân làng. Mặt khác, một số dân tộc xem hổ là quái vật của bóng tối và tuần trăng mới, hổ cũng là một trong những hình tượng của thượng giới, thế giới của sự sống và ánh sáng chớm nở. Hổ xuất hiện trong giấc mơ khiến người ta lo sợ khi thức dậy. Sự xuất hiện đó khơi lại các nỗi khiếp sợ của con người khi ác thú đến gần. Bên cạnh những ý niệm ngưỡng mộ dành cho hổ thì trong dân gian nhiều nước vẫn tồn tại luồng ý niệm sợ hãi, khinh ghét với ý muốn chế phục loài hổ, xuất phát từ nỗi khiếp sợ về sự phá hoại của hổ đối với con người như một loài vật ăn thịt người, giết hại gia súc, vật nuôi, gieo rắc nhiều tai ương cho con người. Hổ tượng trưng cho ý thức trở nên u tối, do bị tràn ngập bởi làn sóng những ham muốn sơ đẳng nổi lên không kìm giữ được. Nhưng nếu với hình ảnh hổ đấu tranh chống lại những động vật hạ đẳng, những con vật bò sát, thì lại trở thành một hình ảnh cao đẳng của ý thức; còn nếu hổ chiến đấu chống lại sư tử hay đại bàng sẽ là hình ảnh của bản năng nổi giận đang tìm cách thỏa cơn giận, bất chấp mọi điều cấm kỵ. Hổ trong nền văn hóa Việt Việt Nam là nơi có môi trường phù hợp cho sự phát triển của loài hổ (phân loài hổ Đông Dương) như khí hậu nhiệt đới ẩm, có nhiều rừng rậm, đồi núi, nên chúng xuất hiện nhiều trong rừng rậm ở nhiều tỉnh. Vì thế, hình ảnh con hổ trong nền văn hóa dân gian Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng và đặc sắc. Ít nơi nào con hổ lại có nhiều tên gọi như ở Việt Nam. Điều này chứng tỏ vị trí quan trọng của chúng trong đời sống văn hóa của người dân. Trong dân gian, với những đẳng cấp và giai tầng khác nhau, người ta gọi hổ là: hùm, cọp, ông kễnh, ông hầm, ông ba mươi, bà um... Khi nhận ra vị trí của hổ trong rừng, người ta còn gọi chúng là “Chúa sơn lâm” uy quyền, sau đó được nhấn mạnh thêm là “Chúa tể sơn lâm”. Dù là con vật hoang, ít khi được thuần phục nhưng hổ có sự gắn bó chặt chẽ với người dân Việt trong đời sống thường nhật và tôn giáo từ ngày xưa. Từ trên mặt trống Đồng đến các miếu đền cho thấy sự gắn bó từ nghìn đời này của loài hổ với người dân Việt Nam. Người Việt ở một số vùng, ngoài việc thờ cúng tổ tiên, thần rừng, thần núi, thì người dân còn lập miếu thờ hổ. Hình bạch hổ được chạm khắc ở ngay bình phong vào chính điện thờ. Người dân còn quan niệm thờ cúng hổ thần cầu bình an, mùa màng tươi tốt. Ở một số tộc người vùng núi, người ta còn quan niệm hổ không chỉ trừ tà mà còn ngăn ngừa được ma rừng. Tùy địa phương, tùy sinh hoạt, quan hệ giữa người và hổ không đồng nhất ở các vùng miền. Tuy rằng ở đâu cũng sợ cọp, kiêng dè, nhưng dường như người Bắc Bộ kinh sợ cọp hơn người miền Nam, trong cách tiếp cận với Thần Hổ có phần khác nhau. Các tỉnh phía Bắc có nơi sùng bái hùm thiêng, thờ phụng đến mê tín. Trong khi người dân miền Nam cũng sợ cọp, nhưng chỉ là nỗi sợ hãi cụ thể, vật chất mà không sùng tín.

Tranh Ngũ hổ - một hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Ảnh: internet

Hổ cũng là đối tượng nghệ thuật hấp dẫn được thể hiện trên các vật dụng sinh hoạt thường ngày, nơi thờ tự, nhà cửa. Trong xây dựng các công trình thờ tự, nhà ở, các thầy phong thủy căn cứ trên địa thế để tìm ra thế đất Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ. Hữu Bạch Hổ là vị trí bên phải, nơi trú ẩn của hổ trắng, tượng trưng cho phương Tây, hành Kim, tương ứng với mùa thu. Nếu Thanh Long mang lại điều may mắn, tốt lành thì Bạch Hổ như linh vật canh giữ và bảo vệ sự tốt lành, may mắn đó. Đặc biệt lưu ý Bạch Hổ không nên cao hơn Thanh Long vì khí thể Bạch Hổ ngẩng đầu quá cao sẽ lấn át Thanh Long, mất cân đối phong thủy khiến vùng đất kém đi sự may mắn và phúc lành cho gia chủ. Ngoài ra, hình ảnh con hổ đi vào nền văn hóa dân gian Việt Nam với nhiều biểu hiện, hình thức phong phú và đặc sắc. Theo thống kê sơ bộ, người Việt Nam có hơn 1.200 câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca liên quan tới hổ. Hổ còn là đề tài trung tâm của nhiều câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, huyền thoại, giai thoại. Truyện Trí khôn của ta đây nhắc về câu chuyện trí tuệ chiến thắng sức mạnh. Tục ngữ Hổ dữ không nỡ ăn thịt con nói về tình cha mẹ dành cho con cái. Mong muốn con cháu giỏi giang, làm vinh hiển gia đình, đất nước thì có câu: Hổ phụ sinh hổ tử… Con hổ còn xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam và những bức tranh thờ Hàng Trống đã trở thành mẫu mực trong tranh Việt Nam. Tranh Ngũ hổ Hàng Trống là loại tranh khắc gỗ in trên giấy, có kích cỡ 0,55 m x 0,75 m, vẽ 5 con hổ được bố cục cân đối trên mặt giấy với nhiều dáng vẻ: con thì đứng, con thì ngồi, con cưỡi mây lướt gió… Với cách thức sáng tạo của riêng mình, các nghệ nhân Hàng Trống không chỉ tạo nên nét riêng cho dòng tranh, mà đã làm bật lên sức sống nội tại của nhân vật. Điều này người xem rất dễ dàng nhận thấy thông qua các nhân vật hổ: Những khối thân chắc khỏe, những dáng ngồi, thế đứng đường bệ, oai phong với những chiếc đuôi như đang ve vẩy hoặc uốn vồng lên để đập xuống đất mà bật chồm lên. Những con mắt hổ hừng hực nội lực của loài mãnh chúa. Màu sắc trong tranh Ngũ hổ là một thế giới hòa sắc, lộng lẫy, uy linh nhưng vẫn khu biệt với năm màu: xanh, đỏ, trắng, vàng, đen tượng trưng cho ngũ hành. Tranh 5 ông hổ quây quần quanh một điện thờ hương khói vấn vít, chầu vào trung ương để che chở bảo hộ. Trong quan niệm võ thuật xưa, loài hổ biểu trưng cho sức mạnh, được dùng cho ngành võ bị, trang trí áo quan võ, miếu võ quan. Trong chế độ phong kiến, khi rồng được dùng làm biểu tượng dành riêng cho vua chúa thì hổ được xem là biểu tượng của quan lại (quan võ). Và đến thế kỷ XIX, hình tượng con hổ trong văn hóa Việt Nam thời nhà Nguyễn đã có sự thể hiện đa sắc, đa diện từ sự lan tỏa một cách trừu tượng qua vị trí địa lý trong phong thủy đến định hình trong kết cấu kiến trúc, tên gọi di tích cụ thể, hay khắc dấu trên Cửu đỉnh... Tất cả đã góp phần khẳng định vị trí hình tượng con hổ trong văn hóa Việt. Dù có nhiều quan niệm khác nhau về loài hổ ở nhiều dân tộc trên thế giới nhưng chúng đều là loài động vật tuy hoang dã nhưng rất quen thuộc với con người. Chúng vừa có những đặc tính tốt như mạnh mẽ, thông minh tựa một chiến binh, kẻ bảo hộ, vừa thể hiện những mặt nguy hiểm, đen tối như một điều dĩ nhiên của sự vật. Nhìn chung, dù ở vùng đất nào, cộng đồng nào thì loài hổ cũng ngự trị với một vị thế tâm linh khả kính và hằn sâu trong tâm thức văn hóa từng vùng. H.T.H (TCSH396/02-2022) --------------------------- 1, 2, 3 Jean Chevalier, Alain Gheerbant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, (Đà Nẵng: Trường Viết văn Nguyễn Du, 2002), 441, 442.

Các bài mới Tìm lại trang sử bóng đá Huế trước năm 1945 (16/12/2024) Văn chương như là đức tin tôn giáo (08/11/2024) Phản ánh và sáng tạo (28/10/2024) Về bản Nôm Kim Vân Kiều tân truyện 金雲翹新傳, Liễu Văn Đường khắc in năm 1880 mới được phát hiện (07/10/2024) Giản Tư Hải - Ngọn hải đăng của truyện trinh thám Việt Nam đầu thế kỷ XXI (06/09/2024) Kiểm duyệt sách ở Trung Kỳ trước năm 1945 (16/08/2024) Những nét tương đồng giữa Phan Bội Châu và Trần Thiên Hoa qua một số tác phẩm (06/08/2024) Mấy nét về màu sắc dân tộc ở trong sáng tác của Thạch Lam(1) (19/07/2024) Đi một vòng Trái Đất lại về bên trẻ thơ qua mùa Hè, Thu, Đông, tuần hoàn Xuân sẽ đến (28/06/2024) Trần Huy Liệu với báo chí (19/06/2024) Các bài đã đăng Để làm "sáng giá" và "sang giá" tác phẩm văn học (*) (25/01/2022) Mấy vấn đề về thi pháp truyện ngắn Thạch Lam (19/01/2022) Thơ Huế những năm đầu thế kỷ XX (1900 - 1945) (12/01/2022) Sứ mệnh kẻ sĩ trước nghĩa Cần Vương (06/01/2022) “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”: Kiến tạo định chế văn hóa mới ở Việt Nam những năm đầu lập quốc, 1945 - 1948 (29/12/2021) Nguyễn Cư Trinh, thơ văn và tư tưởng (23/12/2021) Thơ Miên Triện, 10 bài (07/12/2021) Đọc thơ là “đọc” hình tượng/ văn hóa (26/11/2021) Một số vấn đề về dạy và học tiếng Việt ở trường phổ thông (20/11/2021) Gặp gỡ Tưởng tượng (17/11/2021) Tạp chí Sông Hương Số Đặc Biệt (T.12-24) Số 429 (T.11-24) » Năm 1983 » Năm 1984 » Năm 1985 » Năm 1986 » Năm 1987 » Năm 1988 » Năm 1989 » Năm 1990 » Năm 1991 » Năm 1992 » Năm 1993 » Năm 1994 » Năm 1999 » Năm 2000 » Năm 2001 » Năm 2002 » Năm 2003 » Năm 2004 » Năm 2005 » Năm 2006 » Năm 2007 » Năm 2008 » Năm 2009 » Năm 2010 » Năm 2011 » Năm 2012 » Năm 2013 » Năm 2014 » Năm 2015 » Năm 2016 » Năm 2017 » Năm 2018 » Năm 2019 » Năm 2020 » Năm 2021 » Năm 2022 » Năm 2023 » Năm 2024 Góc ảnh đẹp Những khoảnh khắc Huế 12SDB-24 Bạn đọc nhiều 10 sự kiện nổi bật của Huế năm 2024 10 sự kiện nổi bật của Huế năm 2024 Trang thơ Trần Ngọc Mỹ Trang thơ Trần Ngọc Mỹ Văn chương như là đức tin tôn giáo Văn chương như là đức tin tôn giáo Chuyện nhỏ ở một thành phố Chuyện nhỏ ở một thành phố Người lên núi và biến mất Người lên núi và biến mất Quảng cáo

Tòa soạn: 09 Phạm Hồng Thái, thành phố Huế Điện thoại: 0234. 3686669 (Trị sự) - 3822338 (VP) - 3846066 Ban Biên tập: songhuongtapchi@gmail.com Ban Trị sự: tapchisonghuong.vn@gmail.com

© Bản quyền thuộc về Tạp chí Sông Hương ® Ghi rõ nguồn "Tạp chí Sông Hương Online" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Từ khóa » Hình Tượng Con Hổ Trong Văn Hóa