Hoàn Cảnh Sáng Tác Và ý Nghĩa Của "Paris Có Gì Lạ Không Em" (thơ ...

Nhạc phẩm Paris Có Gì Lạ Không Em được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ từ thơ của Nguyên Sa, là thi sĩ đã bắt đầu làm thơ từ khi du học ở Pháp. Khi về lại nước nhà, những bài thơ về Paris của ông đã lần lượt ra mắt công chúng trên các mặt báo, từ đó Nguyên Sa khẳng định vị trí của mình trên văn đàn, người ta gọi ông là thi sĩ của tình yêu.

Thơ của Nguyên Sa trong trẻo, trữ tình và mát lành như một dòng suối tắm đẫm tâm hồn cả một thế hệ tuổi trẻ, đặc biệt là giới trí thức và sinh viên học sinh Sài Gòn thập niên 1960-1970. Từ khi Ngô Thụy Miên phổ những nhạc phẩm từ thơ của Nguyên Sa như Áo Lụa Hà Đông, Tình Khúc Tháng 6, Tuổi Mười Ba, Nắng Paris Nắng Sài Gòn, Paris Có Gì Lạ Không Em, thơ của Nguyên Sa mới đi vào lòng tất cả mọi người, cả trí thức lẫn bình dân.

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã bày tỏ: “Mình đọc và ngâm thơ Nguyên Sa nhiều nhất từ khi còn đi học nên nó đã thấm vào hồn mình”. Và lẽ nhờ vậy nên mối giao duyên từ những bài thơ Nguyên Sa được Ngô Thụy Miên phổ nhạc vào thập niên 1970 đã đem lại cho âm nhạc Việt Nam những ca khúc hay đầy chất lãng mạn thi ca.

Paris Có Gì Lạ Không Em là một trong 3 bài thơ chia ly được Nguyên Sa viết tặng cho vùng đất mà ông xem như là máu thịt, cảm thấy ray rứt khi sắp phải lìa xa. 3 bài thơ lần lượt là Tiễn Biệt viết năm 1953, Paris viết năm 1954 và Paris Có Gì Là Không Em viết năm 1955.

Bài thơ Tiễn Biệt viết cho những cuộc chia ly nhỏ nhen nhúm khi Nguyên Sa rời Paris để về ở các vùng lân cận. Ông gọi Paris là về, còn đi những nơi khác là đi: Người về đêm nay hay đêm mai, Người sắp đi chưa hay đi rồi…

Sau 7 năm du học tại Pháp, vào tháng 12 năm 1954, Nguyên Sa kết hôn với cô bạn gái tên Nga rồi rời Paris chỉ vài ngày sau đó. Không thể níu kéo thêm, nên ông đã viết những dòng này trong bài thơ mang tên Paris (sau này được nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành ca khúc Mai Tôi Đi):

Mai tôi ra đi chắc trời mưa Tôi chắc trời mưa mau Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội Nhưng chậm thế nào cũng phải xa nhau…

Khi về đến Sài Gòn năm 1955, Nguyên Sa vẫn hỏi thăm Paris: “Paris Có Gì Lạ Không Em?”.

nguyên tác bài thơ

Phải đến gần 20 năm sau đó, một nhạc sĩ trẻ mang tên Ngô Thụy Miên đã phổ nhạc cho bài thơ này và trở thành một hiện tượng.

Paris có gì lạ không em? – Câu hỏi tưởng như bình thường để thăm hỏi thôi, nhưng khi làm câu mở đề cho một bài nhạc thì hàm ý yêu thương hỏi han về nơi đã xa. Paris có gì lạ không, ngoài tháp Eiffel soi bóng bên giòng sông, những lâu đài phố cổ khiến cho khách du hoài niệm về thời huy hoàng của đế chế, những bàn ghế lắng thời gian của quán café thơ mộng vỉa hè. Và Paris có gì lạ không khi còn lại em một mình đi ngang vườn Luxembourg nghe ngàn lá đổ. Mai anh sẽ về lại, em có còn ngoan như những ngày yêu thương ấm nồng mùa xuân lá hoa vương đầy ngõ cũ phố xưa.

Paris có gì lạ không em? Mai anh về em có còn ngoan Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ Em có tìm anh trong cánh chim…

Không bày tỏ cụ thể niềm nhớ nhung khi xa cách, nhưng thính giả cảm nhận được mùa xuân của tình yêu đôi lứa đã đi qua ngập tràn hoa lá. Không trực khởi hỏi em có nhớ anh không mà là “Em có tìm anh trong cánh chim”. Tìm anh trong cánh chim bay hay tìm anh trong cánh thời gian vỗ cánh xa dần ngày yêu dấu? Ngôn ngữ ca từ chắp cánh cho tâm hồn người thưởng thức bay xa đến phương trời diễm mộng…

Paris có gì lạ không em? Mai anh về giữa bến sông Seine Anh về giữa một giòng sông trắng Là áo sương mù hay áo em?

“Paris có gì lạ không em” được nhắc lại nhiều lần để lưu luyến mãi Paris, dù xa nhưng luôn ở trong lòng. Một kinh đô ánh sáng Paris đầy kỷ niệm của tác giả, khi đã thành câu thơ câu hát đi vào lòng người rồi thì Paris không còn là một địa danh riêng dành cho ai cả, mà trong từng tâm sự riêng của mỗi người.

Nghe Thái Thanh hát Paris Có Gì Lạ Không Em năm 1974

Mai anh sẽ trở về giữa bến sông Seine chảy qua lòng kinh thành hoa lệ và cổ kính, giòng sông thơ mộng của Pháp được ví như giòng sông Hương chảy qua kinh thành Huế của Việt Nam. Bởi là giòng sông thi ca nên dễ hiểu khi tác giả cho là “anh về giữa một giòng sông trắng”. Về giữa giòng sông trắng ngắm lớp áo sương mù rồi tự hỏi là áo sương hay là áo của em? Hình ảnh của người yêu được hình tượng khoác lên màu áo sương mù và mây trời lảng đãng làm cho tình yêu thanh thoát, ý nghĩ về người yêu sang trọng đẹp đẽ và cao thượng hơn.

Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay Tóc em anh sẽ gọi là mây Ngày sau hai đứa mình xa cách Anh vẫn được nhìn mây trắng bay.

Mai về, anh sẽ cầm lấy tay em, sẽ gọi tóc em là mây trời để tình em mãi trở thành vĩnh cửu dù sau này có cách xa. Ý niệm về thời gian quá khứ và hiện tại không còn khi mây trắng mãi bay qua trời khách du lãng đi qua. Người ta thường nói thi sĩ vừa đa tình vừa chung tình, dù sau này cuộc đời ra sao, cuộc tình cách trở nhưng khi tóc em đã hóa thành mây trời rồi thì mãi buông xõa xuống hết cuộc đời anh. Không cần phải nói yêu em nhớ em suốt đời cho ngôn từ trở nên cải lương sến súa, hình ảnh mây trắng bay được hình tượng như tóc em sẽ mãi ở bên đời, trắng tinh hoài nét đẹp thiên thu.

Nghe Vũ Khanh hát

Paris có gì lạ không em? Mai anh về mắt vẫn lánh đen Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm Chả biết tay ai làm lá sen.

Mai về, anh vẫn còn ánh mắt của em như sao trời lấp lánh, để “vẫn hỏi lòng mình là hương cốm. Chả biết tay ai làm lá sen”. Cốm là một đặc sản của làng Vòng ở Hà Nội, cốm luôn được gói trong hai lớp lá. Lá dáy là lớp gói bên trong cho cốm luôn có được độ ẩm cần thiết. Lớp lá sen phía bên ngoài thì giữ được mùi thơm của cốm. Tác giả đã cho lòng mình là hương cốm, phải cần có lá sen để ủ giữ hương thơm lâu dài, và đã pha chút tinh nghịch khi hỏi: “Chả biết tay ai?”. Còn tay ai nữa ngoài tay người yêu đã làm lá sen cho “hương cốm lòng mình” thơm mãi hương tình yêu, hương thời gian ở lại mãi trong thi ca và trong lòng người thưởng thức.

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã cho rằng thơ Nguyên Sa đã bàng bạc trong tâm hồn mình suốt mấy chục năm sáng tác. Mối giao hưởng nghệ thuật kỳ diệu giữa thơ nhạc này đã để lại những ca khúc phổ thơ tình Nguyên Sa bất hủ để lại cho đời. Và hai tác giả tài hoa Nguyên Sa và Ngô Thụy Miên về đến được “giữa một giòng sông trắng”: giòng sông thi ca và âm nhạc…

Bài: Trương Đình Tuấn Nguồn: nhacvangbolero.com

Từ khóa » Bài Thơ Paris Có Gì Lạ Không Em