Hoạt động Giao Tiếp Bằng Ngôn Ngữ - Củng Cố Kiến Thức

I. Thế nào là hoạt động giao tiếp (HĐGT) bằng ngôn ngữ?

- Khái niệm:

HĐGT là hoạt động trao đổi tư tưởng, tình cảm, thông tin giữa con người với con người trong xã hội. Giao tiếp được thực hiện bằng nhiều loại phương tiện, trong đó ngôn ngữ là phương tiện quan trọng nhất.

- Các nhân tố chính trong HĐGT bằng ngôn ngữ:

+ Nhân vật giao tiếp: Gồm người nói và người nghe.

+ Nội dung giao tiếp (thông tin trong văn bản nói, viết).

+ Mục đích, hoàn cảnh giao tiếp: Thời gian, không gian, văn hóa, lịch sử, xã hội...

+ Phương tiện và cách thức giao tiếp.

1. Đọc đoạn văn bản (SGK) và trả lời câu hỏi.

a). Các nhân vật giao tiếp trong hoạt động giao tiếp trong văn bản gồm: Vua Trần Nhân Tông, các bô lão và những người khác.

b). Trong hoạt động giao tiếp trên, người nói và người nghe luôn đổi vai cho nhau. Lúc đầu vua Trần Nhân Tông là người nói, các bô lão là người nghe, sau đó, các bô lão là người nói "Xin bệ hạ cho đánh", "Thưa, chỉ có đánh"... "Đánh! Đánh!”.

+ Người nói đầu tiên là vua Trần Nhân Tông thực hiện hành động "Trịnh trọng hỏi". Khi mọi người đáp (trở thành người nói) thì có hành động "xôn xao, tranh nhau nói".

+ Lần thứ hai, vua trở thành người nói và động tác kèm theo là "nhìn những khuôn mặt đẹp lồng lộng, hỏi lại lần nữa"; còn những người nghe là các bô lão, cuối cùng trở thành người nói qua hành động "... tức thì, muôn miệng một lời".

c). Hoàn cảnh giao tiếp

+ Địa điểm tại điện Diên Hồng.

+ Thời gian thời vua Trần Nhân Tông, khi đó nước ta đang bị đế quốc Nguyên - Mông đe dọa xâm lăng.

d). Hoạt động giao tiếp trên hướng vào nội dung thảo luận nhiệm vụ quốc gia khi có giặc ngoại xâm. Vấn đề cụ thể trong hoạt động giao tiếp trên là: Nên hòa (đầu hàng) hay nên đánh?

e). Mục đích cuộc giao tiếp nhằm kêu gọi các bô lão, thông qua các bô lão để động viên, khích lệ toàn dân quyết tâm đánh giặc cứu nước và mục đích giao tiếp đó đã đạt được.

2. Trong bài Tổng quan văn học Việt Nam:

a). Các nhân vật giao tiếp bao gồm những người biên soạn SGK và giáo viên, học sinh toàn quốc. Những người tham gia giao tiếp có độ tuổi từ 15 tới 65; nghề nghiệp của họ gồm giáo sư, tiến sĩ và học sinh lớp 10 THPT.

b). Hoàn cảnh giao tiếp trong nhà trường, có chương trình, có tổ chức, kế hoạch dạy học.

c). Nội dung giao tiếp thông qua văn bản gồm các bộ phận cấu thành của văn học Việt Nam, phác họa tiến trình phát triển của lịch sử văn học và những thành tựu.

d). Mục đích của hoạt động giao tiếp:

+ Về phía người viết: Cung cấp cho học sinh những tri thức cơ bản về nền văn học Việt Nam.

+ Về phía học sinh được tiếp thu những kiến thức về văn học Việt Nam.

e). Phương tiện ngôn ngữ có đặc điểm nổi bật là dùng phương pháp khoa học phối hợp thuyết minh, trong đó chủ yếu là phong cách khoa học. Văn bản được kết cấu thành các phần mục rõ ràng, trong đó có các đề mục lớn, nhỏ được trình bày mạch lạc, chặt chẽ...

II. Luyện tập

1. Phân tích các nhân tố giao tiếp trong câu ca dao:

“Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng:

- Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?”.

a). Nhân vật giao tiếp trong câu ca dao trên là một chàng trai và một cô gái.

b). Thời gian là vào một đêm trăng thanh, thích hợp với những cuộc chuyện trò tình tứ của nam nữ, của những buổi hát đối, hát ghẹo, hát giao duyên trong sinh hoạt dân ca.

c). Nhân vật anh nói về việc "Tre non đủ lá" dùng để "đan sàng". Mục đích là ướm hỏi, tỏ tình (nghĩa hàm ẩn; người đã đủ lớn khôn, nên kết duyên).

d). Cách nói của chàng trai rất tế nhị, phù hợp với đối tượng và mục đích giao tiếp.

2. Đọc đoạn đối thoại (giữa em nhỏ A Cổ với một ông già) SGK.

a). Các nhân vật đã thực hiện hành động nói cụ thể như chào, nói, thưa…

b). Trong lời nói của ông già, cả ba câu đều là câu hỏi, nhưng mục đích không phải đều để hỏi. Câu 1 (A cổ hả?) là câu hỏi thay chào, đáp lại lời chào của A cổ; câu 2 (Lớn tướng rồi nhỉ?) là lời khen, dùng để biểu thị tình cảm, không mang tính nghi vấn. Chỉ có câu 3 là có mục đích hỏi.

c). Lời nói của các nhân vật bộc lộ thái độ, tình cảm và quan hệ trong giao tiếp:

+ Tình cảm giữa hai người rất thân mật, tin cậy lẫn nhau.

+ Thái độ: Cậu bé rất kính trọng ông già, ông già rất quý mến cậu bé.

+Hai người tuy tuổi tác cách xa nhưng có quan hệ rất tốt.

3. Đọc bài thơ Bánh trôi nước (SGK) và thực hiện các yêu cầu:

a). Mục đích, vấn đề giao tiếp:

+ Nữ sĩ Hồ Xuân Hương miêu tả, giới thiệu bánh trôi nước với mục đích nói về thân phận của mình.

+ Con người có bề ngoài hấp dẫn nhưng số phận lại bất hạnh, không được chủ động quyết định hạnh phúc, tuy nhiên vẫn giữ được tấm lòng, phẩm chất trong mọi hoàn cảnh. Tất cả được diễn tả bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh (trắng, tròn, bảy nổi ba chìm, lòng son).

b). Căn cứ để lĩnh hội, cảm nhận bài thơ:

+ Căn cứ vào từ ngữ, hình ảnh trong bài thơ.

+ Căn cứ vào cuộc đời của nữ sĩ để hiểu và cảm nhận bài thơ. Xuân Hương có tài, có tình nhưng số phận trớ trêu nên gặp bất hạnh. Hai lần lấy chồng thì cả hai lần "cố đấm ăn xôi lại hẩm". Tuy nhiên dù trong hoàn cảnh nào, bà vẫn giữ gìn phẩm chất của mình.

4. Viết đoạn văn thông báo về nội dung làm sạch môi trường.

+ Yêu cầu viết thông báo ngắn nhưng phải có mở đầu, kết thúc.

+ Đối tượng giao tiếp là học sinh toàn trường.

+ Nội dung giao tiếp là làm sạch môi trường.

+ Hoàn cảnh giao tiếp là hoàn cảnh nhà trường và ngày môi trường thế giới.

5. Phân tích các hoạt động giao tiếp qua bức thư Bác Hồ gửi học sinh cả nước nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 9/1945 (SGK).

a). Bác Hồ với tư cách là Chủ tịch nước viết thư gửi học sinh toàn quốc. Người nhận là học sinh, thế hệ chủ nhân tương lai của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

b). Trong hoàn cảnh nước ta vừa giành được độc lập và chuyển từ chế độ phong kiến sang chế độ dân chủ độc lập, rất cần nhân tài, do đó, sự cố gắng học tập, nỗ lực phấn đấu của những công dân tương lai có vai trò quan trọng.

+ Người viết (Bác Hồ) là người từng trải, có kinh nghiệm từ nhiều nước văn minh, mong muốn cho đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.

+ Học sinh lần đầu tiên được học trong nhà trường của nước nhà độc lập.

c). Nội dung bức thư phân tích ý nghĩa của ngày khai trường đầu tiên và động viên học sinh tích cực học tập, phấn đấu vì tương lai tươi sáng của đất nước.

+ Bộc lộ niềm vui sướng vì học sinh thế hệ tương lai được hưởng cuộc sống độc lập.

+ Nhiệm vụ và trách nhiệm của học sinh đối với đất nước.

+ Sau cùng là lời chúc của Bác đối với học sinh.

d). Mục đích của bức thư là chúc mừng học sinh nhân ngày khai trường và cổ vũ tinh thần học tập của các học sinh, từ đó xác định nhiệm vụ nặng nề nhưng vẻ vang của học sinh.

e). Cách viết vừa là bức thư, vừa là lời kêu gọi, gợi mở cho học sinh suy nghĩ về trách nhiệm thiêng liêng của mình. Lời văn của bức thư giản dị, gần gũi với học sinh.

Từ khóa » Nhân Vật Giao Tiếp Có Vai Trò Và đặc điểm Gì