Hội Thảo Quốc Tế: "Hài Hoà Hoá Pháp Luật Trong Xây Dựng Cộng đồng ...

            Một trong những thách thức đối với việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và phát triển Cộng đồng sau 2015 là thực hiện các Hiệp định chung của ASEAN trong đó có yêu cầu về hài hòa hóa pháp luật để thúc đẩy quá trình hội nhập sâu, rộng của khu vực. Trong bối cảnh đó, Hội thảo được tổ chức dưới hình thức diễn đàn nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các học giả EU và ASEAN với các đại biểu Quốc hội, đại diện các cơ quan và các học giả Việt Nam về hài hòa hóa pháp luật trong ASEAN và các vấn đề liên quan đến hài hoà hoà pháp luật với ASEAN của Việt Nam.

          Chủ trì Hội thảo gồm có ông Nguyễn Sĩ Dũng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và ông Ngô Đức Mạnh – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối Ngoại của Quốc hội.

          Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu là thành viên của một số Uỷ ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội một số tỉnh khu vực miền Trung, Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, đại diện Ban thư ký ASEAN, các chuyên gia pháp lý, đối ngoại và kinh tế của Việt Nam, đại diện một số Bộ, ngành liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, các Sở, Ban, Ngành các tỉnh miền Trung, đại diện các trường Đại học, Viện nghiên cứu khu vực miền Trung và phía Nam, và đại diện một số Vụ trực thuộc Văn phòng Quốc hội.

          Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia về hài hoà hoá pháp luật của Châu Âu và ASEAN như Giáo sư Panos Koutrakos – Đại học Thành phố Luân Đôn (Anh); Giáo sư Helen Xanthaki – Viện nghiên cứu pháp luật cao cấp, Đại học Luân Đôn (Anh); ông Un Sovannasam – Phòng Dịch vụ pháp lý và Hiệp định, Ban Thư ký ASEAN (Indonesia); Luật sư Anthony Amunategui Abad – Chuyên gia luật thương mại, Giám đốc Trung tâm Ateneo về Luật Kinh tế quốc tế, Trường Luật Ateneo De Manila (Phi-lip-pin); bà Regina Padilla Geraldez – Thư ký Hiệp hội Luật ASEAN và các chuyên gia của Việt Nam như PGS. TS. Nguyễn Bá Diến – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS. TS. Nguyễn Như Phát – Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; PGS. TS. Hoàng Phước Hiệp – Nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp; GS. TS. Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN; TS. Nguyễn Bá Bình – Phó trưởng khoa Pháp luật quốc tế, Đại học Luật Hà Nội, ông Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế; bà Phạm Chi Lan – chuyên gia kinh tế; TS. Nguyễn Thanh Tú – Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp và ông Hoàng Văn Phương – Trưởng ban ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương.

          Chủ đề các phiên của Hội thảo có tính xuyên suốt, bổ trợ cho nhau. Trong đó, các bài tham luận được sắp xếp nhằm đối chiếu, so sánh giữa mô hình của EU và ASEAN để có thể tìm hiểu, kế thừa những kinh nghiệm quý, đồng thời tìm ra những điểm đặc thù của ASEAN để thảo luận và đề xuất các giải pháp phù hợp.  

          Trong hai ngày làm việc tích cực, sôi nổi, Hội thảo đã nghe 11 bài tham luận, 10 ý kiến bình luận và 28 lượt ý kiến phát biểu thảo luận. Một số nội dung cơ bản được trao đổi trong Hội thảo như sau:

          1. Về nhận thức chung về hài hoà hoá pháp luật trong hội nhập khu vực

          Các đại biểu và các chuyên gia tham dự Hội thảo đã chia sẻ quan điểm về vai trò then chốt của hài hoà hoá pháp luật trong tiến trình hội nhập khu vực. Theo đó, hội nhập được coi là một quá trình đòi hỏi sự trao đổi, thoả thuận và thoả hiệp giữa các chủ thể về mặt chính sách. Tuy nhiên, hài hoà hoá pháp luật thông thường được tiến hành ở ba cấp độ: (i) hài hoà hoá về mặt chính sách, (ii) hài hoà hoá về quy trình làm luật, và (iii) quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật chung đối với việc xây dựng văn bản pháp lý.

          Hài hoà hoá pháp luật, trước hết, phải được đảm bảo bằng các thiết chế và cơ chế phù hợp. Các chuyên gia EU còn nhấn mạnh đến vai trò của Toà án Công lý Châu Âu trong việc hài hoà hoá pháp luật của Cộng đồng và pháp luật các quốc gia thành viên. Thứ hai, hài hoà hoá phải có mục tiêu về mặt chính sách rõ ràng. Thứ ba, hài hoà hoá có thể dễ dàng được thiết lập ở một số lĩnh vực nhất định nhưng thường không phù hợp với những lĩnh vực nhạy cảm về chính sách mà các nước thành viên không muốn từ bỏ quyền kiểm soát của quốc gia như chính sách công, an ninh công cộng, sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ môi trường hoặc các mục tiêu lợi ích công khác. Đây là một kinh nghiệm quan trọng rút ra từ tiến trình hội nhập của châu Âu.  

          2. Về các vấn đề hài hoà hoá pháp luật trong việc hình thành và phát triển của Cộng đồng ASEAN

          Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi về những khó khăn trong quá trình hội nhập của ASEAN và các vấn đề liên quan đến hài hoà hoá pháp luật trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Thời gian qua, hội nhập về pháp lý của ASEAN mặc dù đã có những bước tiến mới nhưng được đánh giá là còn chưa hiệu quả do hài hoá hoá pháp luật trong ASEAN phải dựa trên nền tảng về thể chế của Hiến chương ASEAN và trên nguyên tắc cơ bản của ASEAN về chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp, đồng thuận và thống nhất trong đa dạng. Đây là các yếu tố cần phải cân nhắc trong quá trình hài hoà hoá pháp luật ASEAN.

          Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định ASEAN khác với EU về cơ bản, đặc biệt là mô hình pháp luật Cộng đồng. Hiện nay, chưa có một điều khoản chính thức nào trong các thoả thuận của ASEAN về mô hình hài hoà hoá pháp luật. Tuy nhiên, ASEAN cũng đã có nhiều nỗ lực trong hài hoà hoá pháp luật tự nguyện thông qua Nhóm công tác kiểm tra các vấn đề hài hoà hoá pháp luật thương mại quốc tế của ASEAN. Bên cạnh vấn đề thương mại, các chuyên gia đánh giá có một số vấn đề khác cũng cần được tiến hành hài hoà hoá pháp luật như: lao động nhập cư, đánh cá bất hợp pháp, và vấn đề khủng bố, v.v.

          Các chuyên gia cũng đề cập đến vai trò của AIPA trong tiến trình hài hoà hoá pháp luật của ASEAN. Theo đó, AIPA đã có định hướng thúc đẩy liên kết nội khối qua việc hài hoà hoá pháp luật giữa các nước thành viên trên một số lĩnh vực nhằm hỗ trợ Chính phủ các nước ASEAN thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Chính vì vậy, nghị viện các nước ASEAN với tư cách là thành viên AIPA và với tư cách là cơ quan lập pháp quốc gia phải nỗ lực hơn nữa trong tổ chức rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật còn nhiều khác biệt, tiệm cận với những yêu cầu chung trong việc hài hoà hoá pháp luật của ASEAN.

          3. Về khó khăn và thuận lợi đối với Việt Nam trong hài hoà hoá pháp luật ASEAN

          Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đánh giá rằng hài hoà hoá pháp luật của Việt Nam với các quốc gia thành viên ASEAN có những thuận lợi và cơ hội phát triển cho Việt Nam bên cạnh những khó khăn nhất định. Hài hoà hoá pháp luật với ASEAN có thể giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm chi phí giao dịch/kinh doanh và rủi ro pháp lý, tăng cường hội nhập về quan hệ kinh tế - văn hoá – xã hội và an ninh – quốc phòng của Việt Nam với các thành viên khác trong ASEAN. Việt Nam đang có những thuận lợi về nhận thức đối với hội nhập khu vực, về yêu cầu đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, và về sự tích cực tham gia, hợp tác của Việt Nam với các thiết chế quốc tế về pháp luật.

          Bên cạnh đó, Việt Nam cũng gặp phải những thách thức từ bên trong và bên ngoài trong quá trình hài hoà hoá pháp luật khu vực. Trước hết, Việt Nam gặp phải khó khăn khi thể chế của ASEAN chưa đầy đủ để đảm bảo hài hoà hoá pháp luật và vấn đề hài hoà hoá pháp luật liên quan đến Cộng đồng an ninh – chính trị và Cộng đồng văn hoá – xã hội của ASEAN vẫn chưa được quan tâm và triển khai đúng mức. Về phía Việt Nam, cơ sở pháp lý cho việc triển khai hài hoà hoá pháp luật với khu vực vẫn chưa cụ thể, rõ ràng. Ngoài ra, khả năng hài hoà hoá pháp luật còn gặp phải thách thức khi năng lực cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực này còn thiếu và yếu.

          4. Về một số giải pháp nhằm thúc đẩy hài hoà hoá pháp luật trong ASEAN

          Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đóng góp một số giải pháp và kiến nghị nhằm tiến hành và thúc đẩy hài hoà hoá pháp luật trong khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng như sau:

          Một là, Việt Nam cần chủ động và tích cực hơn nữa trong vấn đề hài hoà hoá pháp luật, cụ thể là tham gia vào hoạt động của Nhóm công tác kiểm tra các vấn đề hài hoà hoá pháp luật thương mại quốc tế của ASEAN;

          Hai là, Việt Nam cũng cần nhanh chóng và tích cực tham gia vào các thiết chế đa phương về pháp luật và các điều ước quốc tế về pháp luật;

          Ba là, Nghị viện các quốc gia thành viên ASEAN phải nỗ lực trong việc tổ chức rà soát các quy định pháp lý hiện hành và sửa đổi, bổ sung để đảm bảo hài hoà hoá pháp luật, tuy nhiên, cần lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên để tiến hành hài hoà hoá trước;

          Bốn là, mỗi quốc gia trong ASEAN cần chú trọng nâng cao năng lực cán bộ, chuyên gia nghiên cứu pháp lý và xây dựng pháp luật, tăng cường hiểu biết lẫn nhau về pháp luật của các nước thành viên;

          Năm là, đối với Dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi),  cần quy định rõ về danh nghĩa gia nhập, thẩm quyền quyết định gia nhập, thứ bậc và mối quan hệ của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong hệ thống pháp luật quốc gia.

 

Hài hoà hoá pháp luật phục vụ hội nhập khu vực ASEAN là vấn đề liên quan mật thiết tới vai trò của Nghị viện/ Quốc hội các quốc gia thành viên. Chính vì vậy, trên cơ sở kết quả của Hội thảo, Thư viện Quốc hội kính đề nghị lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho phép biên tập, tổng hợp thành tài liệu tham khảo để cung cấp tới các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII.

 

* Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Từ khóa » Cấu Trúc Nguồn Của Pháp Luật Cộng đồng Asean