Nguồn Của Pháp Luật Quốc Tế Là Gì? Khái Quát Các Loại Nguồn Của ...
Có thể bạn quan tâm
Mục lục bài viết
- 1 1. Nguồn của pháp luật quốc tế là gì?
- 2 2. Cơ sở pháp lý xác định nguồn của Luật quốc tế:
- 3 3. Nguồn cơ bản của Luật quốc tế:
- 3.1 3.1. Điều ước quốc tế:
- 3.2 3.2. Tập quán quốc tế:
- 3.3 3.3. Nguồn bổ trợ:
- 3.4 3.4. Mối quan hệ giữa nguồn cơ bản và nguồn bổ trợ:
1. Nguồn của pháp luật quốc tế là gì?
Luật quốc tế được hiểu là hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật, được các quốc gia và chủ thể khác của Luật quốc tế thỏa thuận tạo dựng nên, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa quốc gia và các chủ thể đó trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế.
Sự hình thành của Luật quốc tế khác với trình tự xây dựng luật quốc gia, bởi việc hình thành luật quốc tế là quá trình mang tính chất tự nguyện của các quốc gia, thể hiện sự tự điều chỉnh quan hệ lập pháp mà các quốc gia tiến hành theo phương thức thỏa thuận công khai qua quan hệ điều ước hoặc mặc nhiên thừa nhận luật tập quán.
Khái niệm nguồn của luật quốc tế được hiểu dưới hai khía cạnh:
– Về mặt pháp lý, nguồn của luật quốc tế là hình thức chứa đựng các quy phạm luật quốc tế. Việc viện dẫn, áp dụng các loại nguồn của luật quốc tế hiện vẫn tuân theo cách xác định truyền thống như Khoản 1 Điều 38 Quy chế Tòa án công lý quốc tế quy định, theo đó, Luật quốc tế có 2 loại nguồn là nguồn thành văn (điều ước quốc tế) và nguồn bất thành văn (tập quán quốc tế).
– Về mặt lý luận: nguồn của luật quốc tế là phạm trù pháp lý gắn với quá trình hình thành các quy định của luật này. Từ đó cần có sự phân biệt giữa nguồn của luật quốc tế (chứa đựng quy phạm luật quốc tế) với những phương tiện hỗ trợ như án lệ, các học thuyết của các luật gia có trình độ cao, hành vi pháp lý đơn phương của quốc gia.
Về cơ bản, hai dạng nguồn thành văn và bất thành văn được chủ thể luật quốc tế viện dẫn, áp dụng khác với cách viện dẫn, áp dụng của luật quốc gia. Các chủ thể luật quốc tế có thể thỏa thuận trong việc viện dẫn đến nguồn nào trong số những điều ước mà các bên ký kết hiện là thành viên hoặc tập quán quốc tế hiện hành khi áp dụng giải quyết một quan hệ pháp luật cụ thể.
Nguồn của luật quốc tế trong Tiếng Anh là “Source of international law”.
2. Cơ sở pháp lý xác định nguồn của Luật quốc tế:
Theo Khoản 1 Điều 38 Quy chế Tòa án quốc tế:
Tòa án, với chức năng là giải quyết phù hợp với luật quốc tế các vụ tranh chấp được chuyển đến Tòa án, sẽ áp dụng:
1. Các điều ước quốc tế, chung hoặc riêng, đã quy định về những nguyên tắc được các bên đang tranh chấp thừa nhận;
2. Các tập quán quốc tế như những chứng cứ thực tiễn chung, được thừa nhận như những quy phạm pháp luật;
3. Nguyên tắc chung của luật được các quốc gia văn minh thừa nhận
4. Với những điều kiện nêu ở điều 59, các án lệ và các học thuyết của các chuyên gia có chuyên môn cao nhất về luật quốc tế của các quốc gia khác nhau được coi là phương tiện để xác định các qui phạm pháp luật.
3. Nguồn cơ bản của Luật quốc tế:
3.1. Điều ước quốc tế:
+ Cơ sở pháp lý: Công ước Viên 1969 về Luật điều ước quốc tế.
+ Định nghĩa: Điều ước quốc tế được xác định là thỏa thuận quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia và các chủ thể luật quốc tế và được luật quốc tế điều chỉnh, không phụ thuộc vào việc thỏa thuận đó được ghi nhận trong một văn kiện duy nhất hay hai hoặc nhiều văn kiện có quan hệ với nhau, không phụ thuộc vào tên gọi cụ thể của những văn kiện đó.
+ Các yếu tố xác định giá trị pháp lý: Về hình thức và nội dung, điều ước quốc tế thường được thể hiện dưới dạng văn bản, không phụ thuộc vào tên gọi (công ước, hiệp ước, hiệp định, hiến chương,…). Kết cấu của điều ước quốc tế bao gồm các chương, mục, điều, Khoản cụ thể, nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các chủ thể ký kết, tuy nhiên kết cấu đó cũng không phải là kết cấu bắt buộc, có những văn bản không có từng điều Khoản cụ thể, và thường là các Tuyên bố thành lập các tổ chức quốc tế
Ví dụ như Tuyên bố Băng Cốc 1967; Về chủ thể của điều ước quốc tế là chủ thể luật quốc tế, bao gồm quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc dân tộc đang đấu tranh giành quyền dân tộc tự quyết , chủ thể đặc biệt; Quá trình hình thành văn bản điều ước quốc tế phải được điều chỉnh bằng các quy định của luật quốc tế và tuân thủ các quy phạm Juscogens
+ Giá trị pháp lý: Điều ước quốc tế là hình thức pháp luật cơ bản chứa đựng các quy phạm luật quốc tế để xây dựng và ổn định các cơ sở pháp luật cho các quan hệ pháp luật quốc tế hình thành và phát triển; là công cụ, phương tiện để duy trì và tăng cường các quan hệ hợp tác quốc tế giữa các chủ thể; đảm bảo pháp lý quan trọng cho quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể luật quốc tế,…
Ví dụ về điều ước quốc tế: Công ước về quyền trẻ em (1989); Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948; Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự ASEAN (2004),…
3.2. Tập quán quốc tế:
+ Định nghĩa: Tập quán quốc tế là hình thức pháp lý chứa đựng quy tắc xử sự chung, hình thành trong thực tiễn quan hệ quốc tế và được các chủ thể luật quốc tế thừa nhận là luật.
+ Yếu tố tạo nên tập quán quốc tế và sự áp dụng một quy tắc với tư cách là một tập quán: Một là, yếu tố vật chất, là sự tồn tại của thực tiễn quốc tế, tức là có quy tắc xử sự được hình thành trong thực tiễn quan hệ của các quốc gia. Thực tiễn này phải là sự lặp đi lặp lại của các sự kiện hoặc hành vi pháp lý một cách thống nhất trong sinh hoạt quốc tế (theo cách hiểu truyền thống) hay thực tiễn đó là những quy tắc hình thành từ thực tiễn ký kết, thực hiện điều ước quốc tế hay các thực tiễn khác. Hai là, yếu tố tinh thần, là sự thừa nhận của chủ thể luật quốc tế đối với quy tắc xử sự đã hình thành là quy phạm pháp luật quốc tế.
+ Giá trị pháp lý: Hình thành và phát triển các quy phạm luật quốc tế; điều chỉnh các quan hệ pháp luật quốc tế giữa các chủ thể.
Ví dụ về tập quán quốc tế: tập quán trong xác định đường cơ sở trên biển; tập quán về ưu đãi ngoại giao,…
3.3. Nguồn bổ trợ:
– Các nguyên tắc pháp luật chung:
+ Định nghĩa: Là những tư tưởng chính trị, pháp lý mang tính chỉ đạo, bao trùm có giá trị bắt buộc chung (Juscogens) đối với mọi chủ thể luật quốc tế.
+ Nguyên tắc pháp luật chung chỉ áp dụng sau điều ước quốc tế và tập quán quốc tế với mục đích giải thích hoặc làm sáng tỏ nội dung luật quốc tế.
Ví dụ về nguyên tắc pháp luật chung: nguyên tắc luật không có hiệu lực hồi tố, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, gây thiệt hại thì bồi thường.
– Phán quyết của Tòa án công lý quốc tế Liên hợp quốc:
+ Định nghĩa: Phán quyết của Tòa án công lý Liên hợp quốc là kết quả của hoạt động xét xử thể hiện tại các bản án hoặc kết quả tư vấn thực thi pháp luật của Tòa án công lý Liên hợp quốc.
+ Ý nghĩa: làm sáng tỏ nội dung của quy phạm pháp luật quốc tế hiện hành, tạo tiền đề để hình thành các quy phạm mới trong luật quốc tế và có tác động đến quan niêm, cách ứng xử của các chủ thể quan hệ pháp luật quốc tế, bổ sung những khiếm khuyết của luật quốc tế trong chừng mực nhất định.
– Nghị quyết của tổ chức quốc tế Liên chính phủ: bao gồm nghị quyết có hiệu lực bắt buộc và nghị quyết không có hiệu lực bắt buộc đối với các thành viên.
+ Con đường hình thành có thể là sự thỏa thuận giữa các thành viên, quá trình thỏa thuạn này diễn ra trên cơ sở quy chế tương ứng của tổ chức và đưa đến kết quả là hình thành các nghị quyết có tính chất khuyến nghị. Ví dụ: như Nghị quyết của Liên hợp quốc, Nghị quyết của ASEAN,..
+ Ý nghĩa: giải thích và áp dụng quy phạm luật quốc tế, tạo tiền đề cho việc tham gia ký kết và thực hiện điều ước quốc tế. Những nghị quyết có tính chất bắt buộc sẽ là nguồn luật được viện dẫn để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên của tổ chức.
Ví dụ: Phán quyết của Tòa án quốc tế trong vụ giải quyết tranh chấp ngư trường giữa Anh và Nauy năm 1951.
– Hành vi pháp lý đơn phương của quốc gia
+ Định nghĩa : hành vi pháp lý đơn phương của quốc gia là hành vi pháp luật độc lập thể hiện ý chí của một chủ thể luật quốc tế về cả hai phương diện hình thức và nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiên, với mục đích tạo ra các kết quả nhất định trong các quan hệ quốc tế.
+ Biểu hiện:
– Hành vi công nhận là hành vi thể hiện minh thị hoặc mặc thị ý định xác nhận một tình hình hoặc 1 yêu cầu nào đó là phù hợp với pháp luật và truyền thống của quốc gia, điển hình là hành vi công nhận quốc gia mới.
– Hành vi cam kết là hành vi tạo ra các nghĩa vụ mới bằng cách thức đơn phương chấp nhận ràng buộc với một nghĩa vụ pháp lý vì quyền lợi của một chủ thể khác.
– hành vi phản đối là các thức để quốc gia thể hiện ý chí không công nhận một yêu cầu hoặc một thái độ xử sự của chủ thể khác.
– Hành vi từ bỏ là hành vi thể hiện ý chí độc lập của chủ thể tự nguyện từ bỏ các quyền hạn nhất định.
– Các học thuyết về luật quốc tế:
+ Định nghĩa: là quan điểm của các học giả nổi tiếng về các vấn đề pháp luật quốc tế.
+ Con đường hình thành: phân tích các quy phạm luật quốc tế, trình bày các quan điểm, các luận cứ về khoa học pháp lý quốc tế,…
+ Ý nghĩa: hỗ trợ cho việc xây dựng và thực hiện luật quốc tế thuận lợi hơn
Ví dụ: “Luật các quốc gia” của J.Bierly được viết vào năm 1928; “khái niệm về Luật” của H.L.A.Hart được viết vào năm 1961,…
3.4. Mối quan hệ giữa nguồn cơ bản và nguồn bổ trợ:
– Nguồn bổ trợ là cơ sở hình thành nên nguồn cơ bản.
– Nguồn bổ trợ là phương tiện giải thích, làm sáng tỏ nội dung của nguồn cơ bản.
– Nguồn bổ trợ được sử dụng để điều chỉnh các quan hệ luật quốc tế trong trường hợp không có nguồn cơ bản điều chỉnh.
Từ khóa » Cấu Trúc Nguồn Của Pháp Luật Cộng đồng Asean
-
Phân Biệt Nguồn Của Pháp Luật Cộng đồng ASEAN Với ... - 123doc
-
[PDF] PHÁP LUẬT CỘNG ĐỒNG ASEAN - Trường Đại Học Nam Cần Thơ
-
Giáo Trình Pháp Luật Cộng đồng ASEAN - Trường Đại Học Luật Hà Nội
-
So Sánh Pháp Luật Cộng đồng ASEAN Với Công Pháp Quốc Tế Và ...
-
Trên Cơ Sở Phân Tích Và Bình Luận Về Các Loại Nguồn Luật, Là - Prezi
-
Phân Biệt Nguồn Của Pháp Luật Cộng đồng ASEAN Với ... - Thevesta
-
Pháp Luật Cộng đồng ASEAN Mang Bản Chất Luật Quốc Tế
-
[PDF] Hiến Chương Của Hiệp Hội Các Quốc Gia đông Nam á
-
Hội Thảo Quốc Tế: "Hài Hoà Hoá Pháp Luật Trong Xây Dựng Cộng đồng ...
-
Cơ Cấu, Tổ Chức Của ASEAN
-
Mục Tiêu, Nguyên Tắc Và Phương Thức Hoạt động Chính Của ASEAN
-
Hành Trình Cộng đồng Văn Hóa - Xã Hội ASEAN: Nhìn Lại Và đi Tới