“I Am đàn Bà” Và Một Thế Giới “nửa đàn ông Là đàn Bà”

“I am đàn bà” tức là “Tôi là đàn bà” – cái tên nửa Tây nửa ta này mở đầu tập sách đã phần nào giới thiệu cái ý tưởng nói về “phận đàn bà”, thế giới đàn bà với những bi hài, đớn đau của nó, và cũng nhắc chúng ta nhớ đến một nhà văn nữ có cách viết khá bạo liệt đã xuất hiện cách nay gần 20 năm với chùm truyện ngắn viết về đàn bà như “Truyện một người đàn bà”, “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ”.

Cách viết bạo liệt và một cách nhìn thẳng thắn vào sự việc, vào những vấn đề xã hội có tính chất ảnh hưởng đến những số phận con người, nhất là thân phận phụ nữ trong các truyện ngắn dào dạt đời sống đã làm nên chỗ đứng của cây bút nữ này.

Với “I am đàn bà” tập truyện gồm mười truyện ngắn này, Y Ban thêm một lần khẳng định mặt mạnh, hướng đi riêng của chị. Cũng phải nói ngay rằng: với cách viết khá “thẳng thắn” về cả những vấn đề khó nói như tình dục, cách viết bươn bả cho nữ quyền, và cả cách nói thẳng vào mặt trái của con người (nhất là nhân vật nam), Y Ban không hẳn nhận được nhiều sự đồng tình, đôi khi cả sự phản ứng (nhất là của phái mạnh), thế nhưng chắc chắn rằng cách nhìn thông minh, hóm hỉnh cùng sự hoà trộn của một trái tim nhân bản, yêu thương của chị với các nhân vật của mình sẽ làm bạn đọc không dễ quên.

“I am đàn bà” – tên tập sách cũng là tên truyện ngắn mở đầu báo hiệu sự kiện nóng của cả tập truyện. Câu chuyện bắt đầu bằng hình ảnh một người đàn bà thuần Việt bởi lòng nhân từ, dù nhà rất nghèo, vẫn sẵn sàng nuôi “người dưng” – một đứa trẻ bị bỏ rơi, trong sự phản ứng của bao người. Rồi vì nghèo, người đàn bà ấy thay chồng đi kiếm tiền, đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan.

Ở nơi đất khách quê người, với công việc là làm “ô sin”, chị bị nhốt vào một căn nhà như một hoang đảo – nơi chỉ có chị và người đàn ông bị liệt và câm. Ngôn ngữ bất đồng, không tiếp xúc với xã hội, thế giới của chị chỉ còn lại là hết lòng chăm sóc người xa lạ bằng nghĩa vụ kẻ làm thuê và đặc biệt là bằng thiên chức làm mẹ, làm chị thuần khiết.

Như một bí ẩn khoa học, người bệnh đàn ông kia bỗng hồi phục một phần thân thể, đặc biệt là hồi phục cái “chất người” nguyên thủy. Việc gì phải xảy ra đã xảy ra: cái carmera tự động của bà chủ đặt ở góc nào đó đã tố cáo chị, chị bị đưa ra toà với tội danh “quấy rối tình dục”. Trước vành móng ngựa, chị không biết cãi cho mình, chỉ biết nói mỗi câu: I am đàn bà và lời cầu khẩn không bị cắt lương để gửi về cho chồng con… Câu chuyện bỏ lửng như một tiếng than buồn.

Thân phận người đàn bà Việt – đây là tứ lớn cho hầu hầu hết các câu chuyện trong tập sách. Ngoài một số truyện nói về người đàn bà Việt trong vẻ đẹp nhân hậu, thuần phác (như trong truyện “Cái Tý”), hay cả trong những ấm ớ dễ thương (như trong “Gà ấp bóng”) còn lại nhiều nhân vật nữ của Y Ban khắc khoải, vô vọng trên con đường đi tìm một cuộc sống ấm no, một tình yêu hoàn thiện trong một thế giới “nửa đàn ông là đàn bà” còn biết bao bất trắc…

Truyện ngắn gây sửng sốt trong tập sách là cái truyện có cái tên rất ngắn là “Tự”. Dưới màu mè có vẻ như là viết về sex nhưng sau đó là những chuyện cười ra nước mắt. Nhân vật chính là một phụ nữ đầy khao khát. Chị ta có một người chồng nhất mực yêu thương vợ con, sung mãn trong tình dục, bỗng mất khả năng làm chồng do một sang chấn tâm lý (do hoàn cảnh nhà ở chật chội, chung đụng, không có góc riêng vợ chồng), vì hổ thẹn mà bỏ đi biệt tăm. Người vợ từng chờ đợi, chị thăng tiến trong sự nghiệp, nhưng vẫn khao khát một tình yêu có cả tình dục hoàn hảo.

Nhưng chị đã gặp những ai? Người đàn ông thứ hai là một quan chức, tưởng rằng biết yêu, nhưng hoá ra chỉ là một gã phong tình, hay trăng hoa với đàn bà ở những nhà nghỉ rẻ tiền. Gã đến nơi hẹn hò với món quà là những bịch sữa vơ vội ở một hội nghị và có thói quen rất ghê rợn là đập vào mông đàn bà mà lẩm bẩm” Quý lắm đấy, quý lắm đấy”. Còn người đàn ông thứ ba là một giáo sư văn hóa, hay nói về “văn hoá”, “văn hóa tình dục” nhưng mù tịt về văn hoá làm người đàn ông cho ra hồn…

Hành vi đi tìm tình yêu của người đàn bà đầy bi lụy ê chề, vì chị chỉ gặp một thứ tình dục ê chề. “Liệu pháp… tự” của người đàn bà là một lời cảnh báo về một xã hội thiếu những người đàn ông biết cống hiến, biết yêu…

Không hiểu sao khi đọc “I am đàn bà” của Y Ban, tôi nhớ đến tiểu thuyết “Nửa đàn ông là đàn bà” của nhà văn Trung Quốc Trương Hiền Lượng. Cùng khai thác về sự chi phối của bản năng gốc đối với hành động của con người, Trương Hiền Lượng kể chuyện về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, cần có bài học để lại, thì Y Ban viết về những cái manh nha, cái có thể xảy ra trong một khát vọng dựng xây một xã hội tốt đẹp hơn cho mỗi người, nhất là những người đàn bà, để họ được làm người của “phái đẹp” với đúng ý nghĩa của nó. Chỉ hơi tiếc rằng cách khai thác chi tiết và xây dựng nhân vật đôi khi còn đơn giản, chưa phong phú, các nhân vật và chi tiết đôi khi trùng lặp và chưa được đẩy tới cùng. Tất nhiên, sự so sánh này cũng là khập khiễng.

Nhà văn Lê Minh Khuê: Tôi đọc “I am đàn bà”… cho vui!

Y Ban ngoài đời nghĩ và nói nhiều chuyện buồn cười và cũng có cách đưa những chuyện ấy vào truyện ngắn thật giỏi, vui, sinh động. Mỗi nhà văn có một đặc sản, đặc sản của Y Ban là sự vui vẻ, nhìn cuộc sống một cách hồn nhiên, vô tư để giải tỏa những nỗi buồn nhưng vẫn rất sâu sắc, nhiều nghĩ ngợi.

Trong “I am đàn bà”, có những người phụ nữ chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng vì con nhưng cũng có những người phụ nữ không cam chịu hoàn cảnh, rất táo bạo và sẵn sàng bứt phá. Những người đàn bà sẽ đẹp lên, tốt lên nếu họ được sống bên những người đàn ông tốt, gặp được những tình cảm lớn. Đằng này, họ lại gặp phải toàn những người xấu, nên mới táo bạo, phá phách, mới đi gây gổ với xung quanh… Có lẽ là vì họ không có những tình cảm lớn ngăn họ lại.

Đọc cả tập truyện ngắn này, tôi thấy Y Ban luôn bênh vực những người phụ nữ bị thiệt thòi, bị hiểu nhầm. Cho dù Y Ban có gọi họ là những “thị”, những “y”… thì người đọc vẫn cảm nhận thấy sự xót thương của nhà văn cho thân phận những người đàn bà.

Ngôn ngữ văn chương của Y Ban đang bị “báo chí hóa”, nhưng theo tôi với những câu chuyện ấy thì phải có ngôn ngữ báo chí ùa vào mới vui, mới tải được những vấn đề mà nhà văn đề cập nếu không thì truyện dễ nhạt, đọc cũng khó “vào”. Trong tập này tôi thích truyện “Gà ấp bóng” bởi đây là một câu chuyện khá lãng mạn của Y Ban: nhẹ nhàng, nữ tính mà sâu sắc. Với tôi, đọc “I am đàn bà” là đọc cho vui, nhưng đây vẫn là một bước tiến của Y Ban và chị đã nói hộ phụ nữ khao khát có được những tình cảm lớn trong đời.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Bề bộn mà táo bạo!

Ở “I am đàn bà”, Y Ban trình làng một lối viết khác hẳn cái thời “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ”. Nó hiện thực hơn, nó là sự đúc kết những quan sát, trải nghiệm của chị trong cuộc sống. Có thể nói “I am đàn bà” bề bộn mà táo bạo. Với những người yêu câu chữ chau chuốt thì sẽ không thích, thậm chí có người đã “đánh”, nhưng theo tôi những người trẻ thì sẽ thích đọc bởi vì họ có thể tìm thấy hình bóng hay những suy nghĩ của mình trong đó. “Báo chí hóa” ngôn ngữ văn chương chưa hẳn là không tốt vì với ưu thế là “mạnh, nhanh, trực diện” nó dễ dàng tái hiện cuộc sống gấp gáp, sôi động, thậm chí là xô bồ hiện nay. Tất nhiên, cũng giống như anh nhảy cao luôn có một mức xà cao hơn chờ đợi, vì thế mong ở một nhà văn một tác phẩm hay hơn thế là điều tất yếu. Giá như Y Ban có thời gian dừng lại để lắng hơn, sâu đằm hơn thì vẫn tốt hơn. Tôi vẫn nói đùa với bạn bè rằng, nếu như Y Ban lấy cái tên thật là Phạm Thị Xuân Ban làm bút danh của mình, thì rất có thể chị có một dòng văn khác. Bởi vì, chính cái tên Y Ban đã là một sự tốc lực, mà văn chương thì lại cần nhiều sâu đằm!

Nhà văn Thùy Dương: Y Ban cứ là Y Ban!

Không phải đến bây giờ mà từ lâu rồi thân phận những người đàn bà Việt Nam vẫn ám ảnh tôi. Người ta bảo sinh ra làm người đã khổ. Làm đàn bà khổ gấp hai lần. Với “I am đàn bà” của Y Ban – thêm một sự đồng cảm xót xa với cái thân phận đàn bà, với những người đàn bà trong những hoàn cảnh éo le, cơ cực, những góc tăm tối. Và có lẽ ở những nơi khốn khổ ấy – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng- chính văn chương mới “cứu chuộc” họ. Tôi thích truyện “Tự” bởi trong đó là một cảnh đời được dồn nén. Nhiều hiện thực được phơi bày. Mỗi nhân vật nam xoay quanh người đàn bà ấy có tính cách riêng, hoàn cảnh riêng và một đặc trưng riêng của thời anh ta sống. Tôi luôn cho rằng – qua mỗi nhân vật, nhà văn có thể giúp độc giả nhìn thấy một tầng lớp xã hội, một thời đại, thậm chí một dân tộc. Tất nhiên điều này cực kỳ khó. Nhưng trong văn chương luôn luôn là những khai phá để đi đến cái đích của mình. Dù cho sự khai phá ấy đôi khi không làm cho bạn đọc hay chính tác giả hài lòng.

Trong “I am đàn bà” ngôn ngữ và phong cách vẫn rất chi là Y Ban! Và đấy chính là thương hiệu của chị ấy. Chị ấy sống như thế nào thì ngôn ngữ văn chương cũng dữ dội như thế. Không kiểu cách màu mè. Bản năng một cách hồn nhiên.

Có lần Y Ban hồn nhiên kể với tôi rằng, một nữ họa sĩ nhận xét nếu má Y Ban bớt đỏ thì sẽ không còn là Y Ban nữa. Tôi cũng đồng tình với nhận xét ấy, chỉ thêm vào đôi lông mày hơi xếch. Vậy thì chúng ta còn đòi hỏi gì hơn nữa. Y Ban cứ là Y Ban và điều đó đã là đáng quý trong khu rừng văn chương rậm rạp này rồi.

Xem thêm: SEX Trong I am đàn bà – Tính dục hay là nghệ thuật

Từ khóa » Truyện Ngắn I'm đàn Bà