Lý Lan Muốn Góp ý Với Y Ban Về 'I Am đàn Bà' - VnExpress
Có thể bạn quan tâm
Anh Vân -
- Vì sao cuốn sách mới nhất của chị lại mang cái tên "Tiểu thuyết đàn bà"?
- Đây là cuốn sách về những người đàn bà đi tìm kiếm những người đàn bà. Họ có thể là người mẹ, người vợ, người chị, người con, sống trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều vươn lên sống bằng tình cảm và nghị lực của mình.
Nhà văn Lý Lan. Ảnh: Anh Vân. |
- Nhưng không chỉ có chuyện về người đàn bà, nội dung chiến tranh lồng vào tác phẩm của chị cũng khá nặng, vì sao thế?
- Khoảng năm 1991, khi chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất xảy ra, đất nước mình đang thời kỳ mở cửa, mọi người như quên hẳn chiến tranh trước những đổi thay ồ ạt của thực tại. Giai đoạn đó, tôi có viết truyện ngắn Con ma, nói về sự ám ảnh của chiến tranh. Tôi nghĩ rất nhiều về đề tài này và chấp bút viết một cuốn sách nhưng không hoàn thành vì bận rộn.
Sau đó, tôi đi học ở Mỹ. Đến năm 2001, khi vụ 11/9 xảy ra, tôi lôi bản thảo cũ ra ngồi viết lại. Tôi muốn viết điều gì đó với tinh thần phản chiến, về sự đau khổ và ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp do chiến tranh mang đến cho người phụ nữ.
- Tâm trạng khi viết cuốn sách của chị ra sao?
- Như tôi đã nói ở trên, ý nghĩ viết một cuốn sách về thân phận người phụ nữ sau chiến tranh đã đến với tôi từ hơn mười năm trước. Từ thời gian đó đến nay, tôi thủng thẳng viết, không gấp gáp. Viết rồi sửa, sửa rồi lại viết mà vẫn chưa hài lòng. Cuối cùng tôi quyết định đem in vì nó đã thành hình hài. Nếu sửa hoài thì biết đến bao giờ là hoàn thiện.
Tôi có đưa bản thảo cho vài người bạn từng có tuổi thơ trải qua chiến tranh, và họ nói cuốn sách khiến họ xúc động.
Tôi từng viết nhiều cuốn dài hơi như Lệ Mai (sau này dựng thành phim Đất khách), hay Nơi bình yên chim hót. Nhưng đó là những kịch bản phim nhiều hơn mang chất văn học. Còn Tiểu thuyết đàn bà, tôi xem là cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình.
- Lần đầu tiên thật sự bắt tay viết một cuốn tiểu thuyết, chị gặp những khó khăn gì?
- Tôi luôn quan tâm đến việc phải viết sao cho có tính hấp dẫn để độc giả có thể theo từ đầu đến cuối câu chuyện mà không bỏ dở nửa chừng.
Có đến 60-70% dân số Việt Nam hiện nay là người trẻ, và chiến tranh không còn là một phần quan trọng trong cuộc sống của họ. Vì thế, có thể đề tài này không hấp dẫn họ.
Mà tôi lại hy vọng có nhiều độc giả trẻ đọc sách mình. Do vậy, bên cạnh tuyến nhân vật nữ nhà văn và những người mẹ, người chị sau cuộc chiến... tôi còn tâm huyết với nhân vật Không Bé, một cô gái lớn lên trong thời bình, cưới người chồng Mỹ và ra nước ngoài sinh sống như một sự chạy trốn nghèo khó và ước vọng đổi đời. Nhưng tại vùng đất hứa này, cô lại liên tục vấp phải những nhọc nhằn, tủi nhục.
- Không ít đoạn miêu tả cảnh làm tình cũng như sinh hoạt của nhân vật trong truyện chị được miêu tả bằng ngôn ngữ quá tự nhiên. Chị dự đoán độc giả sẽ phản ứng thế nào?
- Cầm bút ở độ tuổi này, tôi tự cảm thấy mình có một chút kinh nghiệm trong vài pha kỹ thuật khi viết. Những chỗ bạn thấy "quá tự nhiên" là những chỗ tôi dụng công muốn nó tự nhiên đúng với ngữ cảnh trong câu chuyện.
Chẳng hạn những cảnh âu yếm, hay chửi nhau giữa vợ chồng Ted và nhân vật nữ Không Bé, không phải tôi không thể dùng ngôn ngữ cho mềm hơn. Nhưng 7-8 năm sống ở Mỹ, tôi đã quan sát thấy ngôn ngữ bình dân, phim ảnh, truyền hình hay nói chung là "văn hóa phổ thông" ảnh hưởng rất lớn đến lời ăn tiếng nói và lối sống của người Mỹ. Và họ đã yêu nhau, trò chuyện với nhau và chửi nhau như thế thì viết khác đi sẽ rất giả.
- Chị nghĩ khi một người phụ nữ viết văn thì sẽ thế nào?
- Phụ nữ viết văn rất khác nam giới. Nhưng là giới nào viết văn đi nữa thì cũng đều muốn tác phẩm của mình đạt đến chữ Người nói chung.
Vì vậy, tôi luôn tự hỏi, tại sao khi một nhà văn nam viết một tác phẩm về đàn ông thì mọi người có thể hình dung, khái quát lên thành thân phận con người. Nhưng thường khi người phụ nữ viết về một người phụ nữ, người ta chỉ nghĩ "À, đó là một nhân vật nữ". Tại sao với một giới thì có thể khái quát thành cả nhân loại, còn giới kia chỉ là một nửa nhân loại?
Khi tôi đọc truyện ngắn I'm đàn bà của nhà văn Y Ban, tôi rất thích. Chị ấy là một nhà văn rất có tài, có tâm. Nhưng đến cái đoạn gần kết, khi người đàn bà trong truyện đứng trước tòa nói "I'm đàn bà" để biện hộ cho hành vi của mình, tôi thấy hẫng. Nếu là tôi, tôi sẽ nói "I'm Người". "I'm đàn bà" mang lại cảm giác kêu gọi lòng thương hại hay van xin. Mà việc gì phải thế! Nếu một người đàn ông rơi vào hoàn cảnh trong truyện thì anh ta cũng hành xử như người đàn bà kia thôi.
- Đoạn kết của "Tiểu thuyết đàn bà" chưa thỏa mãn độc giả về số phận của các nhân vật, nhất là nhân vật Không Bé, cô gái Việt lấy chồng Mỹ và chịu giằng xé giữa hai nền văn hóa. Chị nói sao?
- Tôi không cố ý làm cho câu chuyện có vẻ dở dang, nhưng thật sự tôi cũng lúng túng chưa biết kết thúc như thế nào cho thỏa đáng. Chủ đề cuốn sách đã kết thúc, nhưng câu chuyện thì chưa, và tôi luôn ấp ủ mình sẽ tiếp tục viết những cuốn sách khác về thân phận những người đàn bà như thế.
- Là một nhà văn nữ Việt Nam sống và định cư tại Mỹ, chị gặp thuận lợi và khó khăn gì?
- Được sống trong một nền văn hóa thứ hai, hoàn toàn khác biệt với nơi mình sinh ra và lớn lên, là một cơ hội làm phong phú thêm ngòi bút. Nhưng để giữ cho mình vẫn là mình, mỗi năm tôi đều dành thời gian vài tháng sống hẳn trong nước. Vì càng đi ra ngoài mới càng thấy mình càng cần phải trở về với mình, với gốc gác, quê hương, nguồn cội.
- Sau bộ "Harry Potter", chị dự định dịch bộ truyện thiếu nhi thế giới nào khác?
- Ban đầu, tôi nhận lời mời của NXB Trẻ dịch cuốn Tunnels, tác phẩm nổi tiếng của hai nhà văn Anh Rodorick Gordon và Brian Williams. Nhưng vì không thỏa thuận trong việc ký hợp đồng, và cũng vì để có thời gian hoàn thành Tiểu thuyết đàn bà, tôi không tiếp tục dịch cuốn đó nữa. Trong thời gian tới, nếu tìm được tác phẩm nào đáng công giới thiệu với độc giả Việt Nam, tôi sẽ tiếp tục công việc dịch thuật.
Anh Vân thực hiện
Từ khóa » Truyện Ngắn I'm đàn Bà
-
I Am Đàn Bà - Y Ban - Truyện Ngắn - Thư Viện Việt Nam
-
I' AM ĐÀN BÀ, Tập Truyện Của Y BAN
-
I Am Đàn Bà - Y Ban # Mobile
-
: I Am Đàn Bà - Nhà Xuất Bản Phụ Nữ
-
“I Am đàn Bà” Và Một Thế Giới “nửa đàn ông Là đàn Bà”
-
“I Am đàn Bà” Và Một Thế Giới “nửa đàn ông Là đàn Bà”
-
I Am Đàn Bà Truyện Ngắn Hay Trò Chuyện Đêm Khuya - YouTube
-
Y Ban Và “I Am đàn Bà” - Tiền Phong
-
I AM ĐÀN BÀ ÁNH TRĂNG : GÓC NHÌN PHÂN TÂM HỌC - 123doc
-
(Review Sách) I Am Đàn Bà – Y Ban - Spiderum
-
I Am đàn Bà - Kilopad
-
PHÂN TÂM HỌC TRONG VĂN HỌC. I'M ĐÀN BÀ – Y... | Facebook
-
I AM ĐÀN BÀ ÁNH TRĂNG : GÓC NHÌN PHÂN TÂM HỌC - Tài Liệu Text
-
I'm đàn Bà | DA VÀNG BLOG