Kể Chuyện Cọp ở Miền Tây - Báo Cần Thơ Online

Trong cuộc khẩn hoang vùng đất Nam Bộ, con cọp ghi đậm dấu ấn với bối cảnh: “Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua/um”. Cọp ở Nam Bộ có cọp đồng bằng và cọp ở miệt núi cao, với những đặc tính riêng. Với dân gian ÐBSCL, cọp đồng bằng với môi trường sinh sống là rừng thiêng nước độc, sình lầy thuở khẩn hoang, vừa thân thuộc, vừa là mối đe dọa cuộc sống. Mấy câu chuyện thú vị về cọp được lan truyền trong dân gian ÐBSCL nói lên điều đó.

Thờ Ông Hổ ở đình Bình Thủy, Cần Thơ.

Cọp Cà Mau

Nói về thuở khẩn hoang, nếu như miền Trung có câu “cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” thì vùng Ca Mau lại có câu “cọp Cà Mau, hàu Ðá Bạc”. Vùng đất Cà Mau xưa với rừng rậm ngút ngàn, hệ thực vật bản địa phong phú tạo môi trường sống thuận lợi cho cọp.

Trong “Cà Mau xưa”, tác giả Huỳnh Minh - Nghê Văn Lương nhận xét rằng, cọp Cà Mau không dữ như cọp núi. Nhiều khi đi ăn ong, đốn đuôn hay đốn lá, róc lạt, đốn cây… có rủi mà gặp cọp thì nạt lớn vài tiếng chúng sẽ cong đuôi chạy mất. Cọp chỉ dữ khi đói quá, lắm khi vào trong xóm bắt heo, gà, có khi cả con người để ăn thịt. Sách thuật lại câu chuyện, lần nọ cọp bắt heo của nhà thím Khiều, hai lần bắt cháu ông giáo Hậu và ông thân Hương hào Gố... Vì vậy, bà con vùng Cà Mau không dám gọi đích danh cọp mà gọi là “Ông Thầy”, “Ông Hổ”, “Hia Khại”, “Hia Cọp”, hay “Hương Quản”…

Thời xưa, cọp nhiều nhất ở vùng Cái Bát, Trèm Trẹm, Năm Căn. Người dân truyền tai câu chuyện về chị nọ ở miệt Cái Bát, con khóc ban đêm hoài, dỗ không nín nên bồng con sát vách nhà lá, đưa chân con ló ra ngoài lỗ chó mà la đổng: “Cọp bắt mày!”. Rủi sao, đang lúc đi phía ngoài cọp nghe thấy, thò chân vô chụp đứa bé tha đi mất. Từ đó về sau, không ai còn dám nói gỡ: “Cọp bắt mày”, “Cọp tha mày”, “Cọp vật mày”...

Cách lý giải địa danh Cái Cấm ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, cũng có liên quan tới cọp với câu chuyện thú vị. Ðó là tư liệu về việc lịch sử thành lập Nhà thờ công giáo Cái Cấm và vùng đất Cái Cấm thuở khẩn hoang. Ngày nọ ông Hội Núi - người dân trong xóm - đi đốn lá, thình lình thấy cọp đang ngồi nhìn ông. Ông chẳng màng, cứ chuyện ai nấy làm. Ðến giờ Ngọ, cọp vào bọng cây ngủ trưa, ông lấy gốc cây đẽo thành cái nút chai khổng lồ nhét vào bọng cây nhốt cọp bên trong, thức giấc cọp nhảy lung tung. Ông nạt cọp, cọp nằm im vâng theo. Ðến giờ Thân, trước khi về, ông thả cọp ra, đường ai nấy đi.

Chuyện khác lại kể, ở lung Cò Ðiếu, nơi tả ngạn rạch Cái Cấm, ông Ba Chánh - là dân địa phương - đang đi xuồng liền bị 2 con cọp kéo lái xuồng hù dọa. Ông Ba la lên cầu cứu dân làng nên cọp bỏ đi. Nhớ lại, ông Ba giật mình vì hồi đầu hôm qua, ông đã vô tình mạ lỵ “Ông Ba Mươi”, làm cọp nghe được nên giận, muốn dạy ông bài học. Vậy nên, ở Cái Cấm truyền nhau thơ rằng:

“Mới nghe qua địa danh Cái Cấm,

Quan khách rằng chắc lắm tai ương.

Mặc dầu chưa được am tường,

Chắc là cọp dữ nhiễu nhương hại người”

Nói đến cọp Cà Mau, sẽ là thiếu sót nếu không kể về câu chuyện đỡ đẻ cho cọp. Thật ra, mô-típ đỡ đẻ cho cọp không phải hiếm, chúng tôi sưu tầm hơn 10 truyện nội dung tương tự, trải dài từ vùng duyên hải Nam Trung Bộ vào tới vùng Cà Mau. Tuy nhiên, câu chuyện ở miệt Tân Lộc, Thới Bình, Cà Mau khá thú vị. Nhân vật chính là bà Ðệ, được dân gian gọi là “Bà mụ trời”, sống hồi nửa đầu thế kỷ XIX. Tên bà ngày nay còn được đặt cho một ngã ba sông, gọi là ngã ba Bà Ðệ, nơi hợp lưu giữ sông Bạch Ngưu và kinh Giồng Kè. Ngôi đình Tân Lộc gần đó được Sắc phong Bổn cảnh Thành hoàng vào năm 1852, thời vua Tự Ðức, cũng được bà con quen gọi là Ðình Bà Ðệ.

Truyện rằng, bà Ðệ là bà “mụ vườn” rất mát tay, dù ca sanh khó đến mấy bà cũng đỡ thành công. Ngày nọ, bà nghe tiếng thở hồng hộc sau nhà, liền cầm đèn ra coi thì một con cọp lớn tha bà chạy sâu vào rừng. Người nhà và lối xóm tưởng cọp tha bà đi ăn thịt, nên khóc thương. Ai ngờ sáng hôm sau bà trở về an lành, và kể về chuyện cọp đực tha bà vô rừng để đỡ đẻ cho cọp cái. Sáng hôm sau nữa, trước nhà bà Ðệ có con heo rừng to đùng, do cọp tha tới để trả ơn bà. Thấy vậy, dân làng cất miếu thờ cọp, miếu đó tới nay vẫn còn ở vùng Tân Lộc.

Chuyện Hương Cả Cọp

Chức Hương Cả có từ những năm đầu thế kỷ XX, nằm trong Hội đồng Hương chức, do người Pháp lập ra để quản lý các địa phương ở Nam Kỳ. 12 chức trong Hội đồng Hương chức là Hương Cả, Hương Sư, Hương Chủ, Hương Trưởng, Hương Chánh, Hương Giáo, Hương Quản, Hương Bộ, Hương Thân, Xã Trưởng, Hương Hào và Chánh Lục Bộ. Trong đó, Hương Cả là chức cao, tới lệ cúng Kỳ yên thì hưởng xôi thịt ê hề, mà trong các vụ xử kiện tụng thì quyền quyết định là tối thượng.

Từ tâm lý e sợ cọp, người Nam Bộ thuở xưa đã bầu cọp làm Hương Cả, tục danh Hương Cả Cọp. Vì vậy, trong rất nhiều cách giải thích về việc tại sao người con lớn trong gia đình Nam Bộ không gọi là con cả như ở Bắc Bộ mà gọi là con thứ hai, một lý giải được nhiều người nhắc là do kiêng kỵ ông Cả cọp nên “nhường Ông một bước”, con cái đứng hàng thứ hai. Cách lý giải này cũng là một kiểu dân gian hóa trong tín ngưỡng thờ cọp.

Nói về chuyện cử cọp làm Hương Cả, có nhiều giai thoại hay. Cũng chiếu theo lệ, làng Song Phước ở tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre xưa), tìm người giữ chức Ðại Hương Cả, đứng đầu Ban Hội tề, để giải quyết việc làng xã. Quyền thì cao, chức lại trọng mà ai cũng từ chối bởi trước đó hễ ai lên làm ông Hương Cả thì liền tối đêm đó cọp vật chết. Mấy người chết oan, Ban Hội tề mới nghĩ đến việc cử cọp làm Hương Cả. Bàn chuyện đã thành, các ông sắm lễ ra gốc da cổ thụ của làng để khấn vái. Cùng với đầu heo, tờ cử ông Cả Cọp được viết rồi cuộn tròn trong ống tre. Cúng vái xong, các ông về; ngày hôm sau thì lễ vật và tờ cử đã mất. Ông cọp đã chấp nhận chức Hương Cả.

Trong bài viết “Tín ngưỡng thờ cọp ở Ðồng Tháp Mười” của tác giả Nguyễn Thanh Thuận, đăng trong “Văn hóa dân gian Nam Bộ” (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2017), kể lại chuyện bầu Hương Cả Cọp hằng năm, được quy định trong “Minh điều hương ước”. Lễ bầu Cả Cọp phải có lễ vật là heo sống và tờ cử. Tác giả chép lại tờ cử Hương Cả Cọp của thôn Tịnh Thới (nay thuộc phường 6, TP Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp), có đoạn: “Việc cất cử thường dành cho bậc Sơn Quân. Khí thiêng ngưng tụ, ở chốn lớn lao, sức mạnh khó lường, cọp là vua trong giống thú, người tặng là chi chúa sơn lâm, chức giữ núi sông lớn nhỏ, quyền coi hổ dữ, ác lang”. Sau khi bày tỏ lòng kính trọng, ngưỡng vọng Sơn Quân, dân làng kính cáo: “Nay bổn xã nhơn dân các hạng, cử ông làm Trùm Cả toàn thôn, mãi sửa sang phò hộ trong làng, sừng sững tảo tai trừ họa, mênh mông diệt ác trừ hung”. Ðiều thú vị trong tờ cử này là, sau khi ca ngợi khí khái chúa tế sơn lâm, và cử làm Hương Cả, dân làng lại “nhắc nhở”, răn đe cọp phải làm trọn nhiệm vụ mình được giao và đã nhận: “Nếu chúa Hổ chẳng tròn nhiệm vụ, để ác lang làm hại trong thôn, tội rõ sẽ tâu lên Thượng Ðế, trước Ngọc Hoàng nơi điện Linh Tiêu, ắt sẽ có quỷ thần trợ lực, hình luật chẳng tha!”.

* * *

Tín ngưỡng thờ cọp cho thấy sự đa dạng văn hóa trong đời sống và tín ngưỡng dân gian Nam Bộ. Người Nam Bộ thuở khẩn hoang sẵn sàng đối đầu với cọp để cuộc sống bình yên, nhưng cũng cất miếu thờ cọp, cử cọp làm Hương Cả để bày tỏ lòng tôn kính. Sự huyền thoại, đôi khi nhân cách hóa, loài cọp trong đời sống dân gian Nam bộ phần nào cho thấy sự đồng hành của loài động vật này trong cuộc khẩn hoang của tiền nhân.

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Từ khóa » Chuyện Cọp Thành Tinh