Khai Khẩn "mảnh đất Hái Ra Vàng" - Báo Nhân Dân

Từ "quay clip cho vui"…

Cách đây 5 năm, khi còn đang học cao học tại Anh, những video nhòe nhoẹt và ngại ngùng đầu tiên được Trần Lê Thu Giang (hay được cộng đồng mạng biết đến với tên Giang Ơi) đăng tải lên YouTube. "Lúc đó, mình chỉ muốn làm video để gia đình và bạn bè ở Việt Nam cập nhật tình hình của mình, cũng là để ghi lại những kỷ niệm, sau này xem lại cho vui", Giang hồi tưởng. Song, dần dần trở nên tự tin hơn và giàu kỹ năng hơn, Giang cũng làm video "đều tay" hơn, cho đến khi cảm thấy có đủ đam mê cũng như quyết tâm để đi theo công việc này "toàn thời gian" (full-time).

Thời điểm đó, trên mạng xã hội cũng dần "hot" lên những YouTuber giống như Giang Ơi, thu hút người xem từ những video chia sẻ trải nghiệm, các giá trị về tinh thần, tư tưởng, quan điểm, phong cách, lối sống... Hơn nữa, bởi còn là ngành mới, nên hầu hết content creator chọn cách làm việc như một freelancer (người hành nghề độc lập). Họ có thể làm việc mọi nơi, mọi lúc, cho mọi khách hàng, tự do chọn chủ đề, vượt qua các giới hạn không gian, thời gian, văn hóa...

Nhưng ngược lại, cũng có không ít khó khăn, rào cản đòi hỏi những người sáng tạo nội dung phải tìm cách vượt qua. Trần Hải Sơn - khi mới "chân ướt chân ráo" làm những video đầu tiên về trải nghiệm các sản phẩm công nghệ, nhớ lại: "Hồi ấy, cả nhóm chúng mình phải tự bỏ tiền đi Singapore, xếp hàng, ngủ bờ ngủ bụi để mua được những chiếc điện thoại iphone mới nhất, sớm nhất, để về quay clip. Đôi khi, do máy móc không chuẩn bị tốt, còn phải đi xin tư liệu từ những bạn làm YouTube nước ngoài". Còn với Nguyễn Hồng Hạnh (Hạnh Chee), YouTuber chuyên mảng ẩm thực, thì với mỗi clip đều "phải tự lên kịch bản, mà nội dung phải bắt trend (xu hướng), liên hệ khách mời, địa điểm nếu cần. Hầu hết là tự mình phải chủ động".

… đến một công việc nghiêm túc

Theo số liệu từ NapoleonCat (công cụ đo lường các chỉ số Mạng xã hội) về thống kê Người dùng mạng xã hội tại Việt Nam, hiện có hơn 76 triệu người sở hữu ít nhất một tài khoản Facebook, theo sau là YouTube với khoảng 60 triệu người dùng. Nền tảng mới nổi lên mạnh mẽ trong giới trẻ là TikTok cũng nhanh chóng có được khoảng 20 triệu người đăng ký.

Bối cảnh này giúp ngành sáng tạo nội dung dần được mở ra không giới hạn, từ báo chí, marketing, quảng cáo, mạng xã hội cho tới các nội dung trong ngành giải trí, truyền hình và các lĩnh vực liên quan, khiến cho cơ hội việc làm dành cho các content creator cũng rộng mở hơn. Nhiều freelancer cũng đã "đầu quân" cho các công ty truyền thông quảng cáo, hay bộ phận truyền thông của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân… Ngành sáng tạo nội dung nhanh chóng trở thành một trong những xu hướng lựa chọn nghề nghiệp hàng đầu của giới trẻ.

Tiến sĩ Đỗ Anh Đức, Chủ nhiệm Bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết: "Ngay từ những năm đầu đại học, các bạn sinh viên đã đi làm rất nhiều rồi. Thậm chí, họ còn có quyền lựa chọn nơi muốn làm phù hợp với năng lực và nguyện vọng của bản thân. Xét ở góc độ nào đấy, tôi thấy đây chính là cơ hội tốt dành cho sinh viên".

Với thế hệ Gen Z (thế hệ đến tuổi trưởng thành trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21), đây được xem là công việc nghiêm túc có thể tạo ra nguồn thu nhập ổn định. L.P.L, mới học năm thứ ba Trường đại học Kinh tế quốc dân, nhưng đã có một năm là content creator trong lĩnh vực làm đẹp, hé lộ: "Tùy vào độ nổi tiếng của content creator mà mức giá cho mỗi clip của chúng tôi cũng khác nhau, có thể dao động từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng".

Chưa kể, khái niệm "người tiêu dùng chủ chốt" - KOC cũng mở ra một "cánh cửa" mới: Người làm sáng tạo nội dung sẽ chia sẻ về cảm nhận sử dụng sản phẩm (đa dạng từ quần áo, mỹ phẩm, cho đến đồ nội thất…). Cứ mỗi người xem mua sản phẩm đó thông qua đường dẫn được chia sẻ, thì người làm sáng tạo nội dung sẽ được hưởng một phần tiền lợi nhuận. Ông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Elite PR School, khẳng định: "Điều này giúp các nhà sáng tạo nội dung trẻ có nhiều lợi thế trong nền kinh tế dựa trên sự chú ý (attention enocomy), vì họ hiểu công chúng của họ muốn gì, thích gì, cần gì, sản phẩm phải như thế nào".

Khai khẩn
Bên cạnh các nội dung về ẩm thực, Hạnh Chee cũng thường xuyên phải làm mới mình với các nội dung khác.

Ngành nào cũng cần được đào tạo

Song, cũng chính bởi những cơ hội đó, không ít bạn trẻ lựa chọn dừng hẳn, hoặc tạm dừng việc học để tập trung vào kiếm tiền. Điều này cũng tạo nên những lo ngại có cơ sở. TS Đỗ Anh Đức tiếc nuối: "Có một số bạn đi làm rồi lại coi thường việc học ở trường. Các bạn nghĩ là mình đã có vị trí, có công việc rồi thì việc học không còn cần thiết, không quan trọng nữa. Điều đó là rất lãng phí. Với nghề sáng tạo này, lúc mới làm, có thể thấy đó là cả một bể tài nguyên để khai thác. Thế nhưng, cái gì rồi cũng cạn. Nếu bạn không có đủ tri thức và tư duy để nuôi nghề thì sẽ đến lúc bạn tự đào thải chính mình".

Song TS Đỗ Anh Đức cũng nhấn mạnh: "Chạy đua với các bạn trẻ về công nghệ thì chắc chắn là thầy cô thua rồi. Nhưng giảng viên có thể giúp cho các bạn ấy tư duy về thẩm mỹ, hình ảnh, nội dung, sự sắc sảo. Thứ hai là về đạo đức nghề nghiệp. Các trường đại học phải có trách nhiệm đào tạo ra nhân lực toàn diện cả về kỹ năng, lẫn thái độ, tinh thần và không nên bảo thủ. Nghề này phải thay đổi, update liên tục, nhất là để đáp ứng những đòi hỏi của thị trường. Đây cũng là một sức ép rất lớn đối với lĩnh vực đào tạo".

Khó khăn và thách thức, thậm chí cả những cạm bẫy, là điều Gen Z buộc phải đối mặt. Tuy nhiên, trong tương lai, ngành truyền thông nói chung cũng như nhánh sáng tạo nội dung nói riêng chắc chắn sẽ còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Từ khóa » Khai Khẩn