Những Chính Sách Khai Khẩn, Lập Làng Mới ở Nam Bộ Thời Nguyễn

Sau khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802, chính quyền nhà Nguyễn đã thiết lập bộ máy đến tận cơ sở. Trong đó, các định hướng về nông nghiệp được thực thi, nổi bật nhất là chính sách khẩn hoang, lập làng mới ở Nam Bộ. Nhà Nguyễn rất nỗ lực tổ chức khai hoang, lập đồn điền để phát triển nghề nông; cho phép người dân tự do đến khẩn hoang với tư cách cá nhân hoặc tập thể dưới sự giúp đỡ và các chính sách của triều đình.

Miếu thờ vua Gia Long ở Đồng Tháp. Ảnh: DUY KHÔI

Miếu thờ vua Gia Long ở Đồng Tháp. Ảnh: DUY KHÔI

Nổi bật trong đó là chính sách đồn điền - vốn đã được chúa Nguyễn Ánh cho triển khai vào những năm cuối thế kỷ XVIII. Khi đó, ông cho rằng “ngụ nông ư binh” là phép tốt, ra lệnh cho các đội quân vỡ ruộng ở Thảo Câu (Vàm Cỏ) đặt tên là trại đồn điền. Lại xuống lệnh cho các quan và dân chúng, ai mộ được 10 người trở lên thì cho làm cai trại. Từ đó, nhiều sở đồn điền được lập ở nhiều nơi. Chính quyền địa phương cho dân vay giống, cấp trâu bò. Ai chăm làm ruộng thì được miễn lao dịch. Cấm giết trâu, bỏ ruộng hoang. Nhờ những biện pháp khích lệ ấy, mà đất Gia Định được mở mang rất nhiều.

Năm 1802, vua Gia Long tiếp tục ban hành chính sách thành lập đồn điền ở Nam Bộ, nhằm vào những lợi ích: mở rộng diện tích ruộng đất, tăng sản lượng lương thực; tăng thêm thu nhập cho triều đình; bảo đảm quyền cai trị và kiểm soát của triều đình trên vùng đất mới. Chính sách này chủ yếu dựa vào việc mộ dân nghèo, tội phạm và các binh sĩ để thực hiện việc khai khẩn đất hoang. Trong thời gian khẩn hoang, số dân này sẽ được quản lý theo cung cách đồn điền, không giống như thôn ấp bình thường; sau 6-10 năm, khi cuộc sống ổn định thì sẽ chuyển sang hình thức làng xã, ruộng đất do xã quản lý và nộp thuế. Đồn điền xuất hiện nhiều nhất ở vùng Gia Định. Đợt lập đồn điền lớn nhất do Kinh lược sứ Nam kỳ Nguyễn Tri Phương tổ chức vào năm 1853-1854, lập được 21 cơ, 124 ấp ở cả 6 tỉnh.

Một hình thức khác là doanh điền do triều đình và nhân dân cùng kết hợp khai hoang, ra đời từ thời Nguyễn theo đề xuất của Tham tán quân vụ Bắc thành Nguyễn Công Trứ. Chính sách này nhằm di dân để lập ấp mới, bắt đầu thực hiện từ năm 1828 dưới thời vua Minh Mạng. Cách thức được quy định cụ thể như sau: triều đình sẽ bỏ vốn ban đầu, cử ra một quan chức đứng ra chiêu mộ và chỉ đạo dân chúng đi khai hoang theo hai trường hợp: số dân mộ được là 50 người đủ một lý, người đứng ra mộ sẽ được ban chức lý trưởng; số dân mộ được là 30 người đủ một ấp, người đứng ra tuyển một sẽ được ban chức ấp trưởng. Thời gian 6 tháng đầu, triều đình sẽ cấp cho dân đi khai hoang đầy đủ lương thực và phương tiện sản xuất; từ tháng thứ 7 thì phải tự lo. Triều đình sẽ miễn thuế cho các ấp và lý mới này 3 năm.

Những chính sách khai khẩn, lập làng mới ở Nam Bộ thời Nguyễn giúp vùng đất này ngày càng phát triển. Trong ảnh: Một con kinh có từ xa xưa ở vùng Lái Niên (nay thuộc huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang). Ảnh: DUY KHÔI

Những chính sách khai khẩn, lập làng mới ở Nam Bộ thời Nguyễn giúp vùng đất này ngày càng phát triển. Trong ảnh: Một con kinh có từ xa xưa ở vùng Lái Niên (nay thuộc huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang). Ảnh: DUY KHÔI

Đến đời vua Tự Đức, ở Nam kỳ lục tỉnh việc khẩn hoang, lập làng được nhà nước khuyến khích mạnh mẽ. Những người giàu có thường đứng ra chiêu mộ dân nghèo đi khẩn đất, lập nên những làng, ấp mới. Những bá hộ thường là địa chủ bỏ tiền cho nông dân vay để mua sắm ghe xuồng, nông cụ, lương thực, quần áo, tiền chi xài trong buổi đầu khẩn hoang. Sau khi có thu hoạch thì người vay phải trả nợ và lãi. Một hình thức khác là địa chủ trực tiếp đứng ra quản lý, khai thác đất nông nghiệp. Họ thuê nhân công (tá điền) làm dài hạn, trả lương và cho ứng tiền trước. Nếu vì lý do gì đó không có tiền trả nợ thì phải cho người thân làm thay thế trừ cấn nợ vay.

Đơn xin lập làng mới gồm có hai bản, dâng lên quan Bố chánh. Trong đó kê rõ: ranh giới giáp bốn phía của làng mới, tên những gia trưởng (điền hộ), tên chủ đất, loại đất (sơn điền, thảo điền…), tên làng mới, đơn xin miễn sưu, thuế, quân dịch 3 năm, ghi tên những người dân (bộ đinh) để quản lý và đánh thuế. Nếu hồ sơ và thực tế hợp lý, đơn xin lập làng mới sẽ được quan phủ kiểm tra, xác nhận với sự có mặt đại diện các làng giáp ranh. Nếu mọi việc đều ổn, quan phủ sẽ công nhận thôn trưởng, cấp con dấu nhỏ... Sau đó, quan phủ soạn tờ phúc bẩm, trình với quan Bố chánh trình tự công việc, kèm theo bản đồ làng mới được vẽ khái quát, có thôn trưởng của các làng giáp ranh đồng ký vào.

Khi nhận được tờ phúc bẩm, quan Bố chánh phê “trình biện” chuyển lên quan Tổng đốc. Nếu được chấp nhận, quan Tổng đốc sẽ phê “chiếu biện”. Sau cùng, một bản có lời phê sẽ gửi trả xuống phủ, huyện. Quan phủ, huyện phải xuống làng mới lần 2 để lập tờ “khám án”. Trong tờ này có ghi rõ đã đến nơi, đã xác nhận diện tích, loại đất, có các cai tổng, thôn trưởng liền kề ký tên. Dưới cùng là chữ ký của thôn trưởng, hương thân làng mới lập. Đời vua Tự Đức, với đất hoang thì ai làm đơn xin khai khẩn, người đó được chấp nhận. Có những quy định như sau: Ai bỏ đất hoang không đóng thuế sẽ bị lấy lại giao người khác làm đóng thuế. Không đóng thuế có thể bị mất đất. Muốn đóng thuế phải đăng địa bộ. Muốn đăng địa bộ phải làm theo thủ tục.

Ở nông thôn Nam Bộ thời Nguyễn, công cuộc khai khẩn đất hoang, lập làng mới luôn phát sinh ra hai giai cấp: chủ đất và những người làm thuê mướn đất, gọi là chủ điền và tá điền. Về pháp lý, “tờ tá” (giấy mướn đất) do chủ điền và tá điền tự ký kết. Nếu tá điền không đóng đủ tô, nợ thì chủ điền nhờ quan xử. Không trả nổi nợ, thì giấy ấy trở thành giấy vay nợ hợp pháp. Tá điền ngày xưa phải có nghĩa vụ đền ơn chủ điền, những người đã cho họ mướn đất, vay thóc lúa, tiền bạc... Tá điền phải làm công nhật không lương như bửa củi, chèo ghe, xay lúa, làm cỏ vườn khi gia đình chủ điền có hữu sự, quan, hôn, tang, tế... Ngoài ra khi có những sản vật ngon, quý, tá điền dâng tặng cho chủ. Đáp lại, có những chủ điền rộng lượng, thương người, sẽ hủy, xé giấy nợ mà tá điền không thể trả nổi do mất mùa, đau ốm.

Ngày xưa, nếu sở hữu được một mảnh đất do chính công sức mình khai phá canh tác hay do cha mẹ ông bà để lại, người chủ đất ít khi nào bán do tình cảm gắn bó với nơi chôn nhau, cắt rốn, mồ mả cha ông; sợ có lỗi với tiền nhân đã nhọc công tạo dựng. Nếu túng lắm, thường chỉ cầm cố. Nhưng khi lãi nặng quá, đóng không nổi thì phải cam chịu mất đất. Cầm đất có thời hạn chuộc và phải đóng lãi. Cố đất thì không đóng lãi, nhưng thời hạn rất dài (từ 10 năm trở lên) và không được quyền chuộc nếu chưa tới hạn như giao kèo. Nếu đất đã bị cố rồi, thường thì chủ nợ sẽ cho người khác mướn, thu tô, lợi. Quá hạn 30 năm, nếu con nợ không chuộc, sẽ mất đất.

Công cuộc khai khẩn, lập làng ở Nam Bộ thời nhà Nguyễn đã cơ bản hình thành nên những đơn vị hành chính cơ sở. Cấu trúc làng xã luôn là nền tảng vững chắc cho những chương trình, công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội của một quốc gia, giúp cho đời sau có cái nhìn tổng thể, khách quan để định hướng, quy hoạch, xây dựng và phát triển.

MAI LÝ

Tư liệu tham khảo:

“Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, Sơn Nam, NXB Trẻ, 2007 (tái bản)

“Đại nam thực lục”, Quốc sử quán triều Nguyễn, NXB Giáo dục, 2002

“Việt sử xứ Đàng Trong”, Phan Khoang, NXB Văn Nghệ, 2005 (tái bản)

“Nam bộ xưa và nay”, nhiều tác giả, NXB TP Hồ Chí Minh - Tạp chí Xưa và nay, 2003

Từ khóa » Khai Khẩn