KHÁI NIỆM VỀ CÁC HÀO TRONG QUẺ DỊCH | Học Quán Sơn Chu

Hào là ký hiệu cơ bản nhất của Kinh dịch, hào bao gồm: hào dương (—) và hào âm (- -); hào dương là một nét, hào âm là hai nét. Hào là cơ sở tạo thành hình tượng bát quái.

Hào tượng

Hào tượng là nói về hình tượng, vị trí, số lượng chẵn lẻ của các hào âm hào dương trong sáu hào của quái kép (kinh quái) và thông qua đó phản ánh quan hệ cương nhu, thuộc tính âm dương và tính chất của quẻ (ví dụ: trường hợp số hào là sô lẻ thì tính chất quẻ là dương; số hào là chẵn thì là quẻ âm). Kinh dịch luôn coi trọng quan hệ cương nhu và thường lấy vị trí ở trong hào cương (hào dương) để xác định, do vậy Dịch truyện viết: “Âm dương kết hợp với nhau rồi sau đó cương nhu mới có hình thể”.

Hào vị

Các hào trong mỗi quẻ có ngôi vị khác nhau (ngôi là thứ tự các hào). Mỗi quái đơn có ba hào tính từ dưới lên gồm: hào sơ, hào nhị, hào tam; mỗi quái kép gồm có sáu hào, đánh số từ dưới lên gồm:

– Hào 1 gọi là hào sơ

– Hào 2 gọi là hào nhị

– Hào 3 gọi là hào tam

– Hào 4 gọi là hào tứ

– Hào 5 gọi là hào ngũ

– Hào 6 gọi là hào thượng.

Trong Kinh dịch, vị trí các hào còn biểu thị diễn tiến tuần tự về thời gian: hào sơ là bước đầu mà hào thượng là bước cuối, các hào ở giữa là các giai đoạn trung gian.

Tính chất của hào

– Hào dương (hào thực) còn gọi là hào cửu (cửu là 9, là số dương)

– Hào chẵn (hào hư) còn gọi là hào lục (lục là 6, là số âm)

– Hào trung là hào thứ 2 và hào thứ 5, là những hào nằm ở giữa nội quái và ngoại quái.

Hào chính là hào dương ở vào vị trí dương, hào âm ở vào vị trí âm và ngược lại là không chính (hào bất chính). Hào sơ, hào tam, hào ngũ là dương vị; hào nhị, hào tứ, hào thượng là âm vị.

Tương quan giữa các hào

Các hào ứng nhau: xét về vị trí, mỗi hào trong nội quái ứng với một hào trong ngoại quái

+ Hào 1 ứng với hào 4: hào lẻ ứng với hào chẵn

+ Hào 2 ứng với hào 5: hào chẵn ứng vối hào lẻ

+ Hào 3 ứng với hào 6: hào lẻ ứng với hào chẵn.

Trong các cặp hào đó thì cặp hào 2, hào 5 là quan trọng nhất vì hai hào đều đắc trung mà hào 5 lại ở vào địa vị cao nhất.

– Các hào liền nhau: quan trọng nhất là cặp hào 4, hào 5 là vì hào 5 là vua hào 4 là đại thần ở gần vua.

+ Trường hợp hào 4 mà nhu (âm), hào 5 mà cương (dương) thì thường tốt vì cả hai hào đều chính vị.

+ Ngược lại hào 4 mà cương và hào 5 mà nhu thì thường xấu.

Hào từ

Hào từ giải thích ý nghĩa của từng hào trong mỗi quẻ; 64 quẻ kép tổng cộng có 384 hào. Chu Công Đán là người có công đi sâu nghiên cứu và chú thích về Hào từ.

Từ khóa » đắc Trung đắc Chính