Luận Giải Lục Hào - Hào Vị - Hào Trung - Hào Chính - Hào Tượng

Bài viết “Luận giải Lục Hào - Hào vị - Hào Trung - Hào Chính - Hào tượng - Hào từ - Hào động” gồm các phần chính sau đây:

  1. Hào là gì? Luận bàn về các tổ hợp của các hào
  2. Luận bàn về Hào dương (Hào Cửu) - Hào âm (Hào Lục) – Hào vị
  3. Luận giải Hào Tài - Hào Trung – Hào Chính – Hào Bất Chính
  4. Kiến thức về Hào tượng – Hào từ
  5. Bàn về vai trò hào động trong chiêm bói dịch

1. Hào là gì? Luận bàn về các tổ hợp của các hào

Hào là ký hiệu cơ bản nhất của Kinh dịch và là thành phần tạo ra quẻ dịch gồm hào dương là 1 nét (Vạch liền “—”) và hào âm là 2 nét (vạch đứt “- -”). Đó là bản thể của hào. Như vậy số lẻ lại là dương (1 gạch) ứng với số 1 trong hệ nhị phân và số chẵn (2 gạch) lại là âm ứng với số 0 trong hệ nhị phân tượng trưng cho trong dương có âm và trong âm có dương.

Xếp các hào âm và hào dương thành những tập hợp. Tập hợp 2 hào ta có tứ tượng gồm: Thái Dương : Mặt trời (Nhật): rất nóng, bầu trời sáng

  • Thái Âm : Mặt trăng (Nguyệt): lạnh, bầu trời tối đen
  • Thiếu Âm : Định tinh (Tinh): không chuyển động, lạnh
  • Thiếu Dương – Hành tinh (Thần): chuyển động trên bầu trời

Tập hợp 3 hào ta có 8 trạng thái cơ bản được đặt tên là Bát quái (8 biểu tượng, 8 quẻ đơn), mỗi quẻ đơn gồm 3 hào. Do đó bát quái là 8 biểu tượng tương ứng với 8 trạng thái lớn của vũ trụ từ lúc hình thành tương ứng với 8 lực lượng chính có tính đối xứng của tạo hóa gồm:

  • Đất – Trời đối xứng nhau là 2 tượng Khôn – Càn
  • Núi – Đầm đối xứng nhau là 2 tượng Cấn – Đoài
  • Nước – Lửa đối xứng nhau là 2 tượng Khảm – Ly
  • Gió – Sấm đối xứng nhau là 2 tượng Tốn – Chấn

Chồng 2 quẻ đơn lên nhau ta được tập hợp 64 trường hợp khác nhau tùy theo thứ tự các hào gọi là 64 quẻ kép (trùng quái) hay lục thập tứ quái chia thành 8 nhóm chính:

  • Nhóm quẻ thuộc Càn gồm 8 quẻ là quẻ Thuần Càn và 7 biến quái là: Thiên Phong Cấu, Thiên Sơn Độn, Thiên Địa Bĩ, Phong Địa Quán, Sơn Địa Bác, Hỏa Địa Tấn, Hỏa Thiên Đại Hữu.
  • Nhóm quẻ thuộc Cấn gồm 8 quẻ là quẻ Thuần Cấn và 7 biến quái là: Sơn Hỏa Bí, Sơn Thiên Đại Súc, Sơn Trạch Tổn, Hỏa Trạch Khuê, Thiên Trạch Lý, Phong Trạch Trung Phu, Phong Sơn Tiệm
  • Nhóm quẻ thuộc Chấn gồm 8 quẻ là quẻ Thuần Chấn và 7 biến quái là: Lôi Địa Dự, Lôi Thủy Giải, Lôi Phong Hằng, Địa Phong Thăng, Thủy Phong Tỉnh, Trạch Phong Đại Quá, Trạch Lôi Tùy
  • Nhóm quẻ thuộc Đoài gồm 8 quẻ là quẻ Thuần Đoài và 7 biến quái là: Trạch Thủy Khốn, Trạch Địa Tụy, Trạch Sơn Hàm, Thủy Sơn Kiển, Địa Sơn Khiêm, Lôi Sơn Tiểu Quá, Lôi Trạch Quy Muội.
  • Nhóm quẻ thuộc Khảm gồm 8 quẻ là quẻ Thuần Khảm và 7 biến quái là: Thủy Trạch Tiết, Thủy Lôi Truân, Thủy Hỏa Ký Tế, Trạch Hỏa Cách, Lôi Hỏa Phong, Địa Hỏa Minh Di, Địa Thủy Sư
  • Nhóm quẻ thuộc Khôn gồm 8 quẻ là quẻ Thuần Khôn và 7 biến quái là: Địa Lôi Phục, Địa Trạch Lâm, Địa Thiên Thái, Lôi Thiên Đại Tráng, Trạch Thiên Quải, Thủy Thiên Nhu, Thủy Địa Tỷ
  • Nhóm quẻ thuộc Ly gồm 8 quẻ là quẻ Thuần Ly và 7 biến quái là: Hỏa Sơn Lữ, Hỏa Phong Đỉnh, Hỏa Thủy Vị Tế, Sơn Thủy Mông, Phong Thủy Hoán, Thiên Thủy Tụng, Thiên Hỏa Đồng Nhân
  • Nhóm quẻ thuộc Tốn gồm 8 quẻ là quẻ Thuần Tốn và 7 biến quái là: Phong Thiên Tiểu Súc, Phong Hỏa Gia Nhân, Phong Lôi Ích, Thiên Lôi Vô Vọng, Hỏa Lôi Phệ Hạp, Sơn Lôi Di, Sơn Phong Cổ

Quẻ Kép tượng trưng cho hết mọi biến hóa, mọi tình trạng, mọi hoàn cảnh mà Vạn hữu và Nhân quần gây nên trong khi giao tiếp với nhau. Vì mỗi hoàn cảnh có nhiều khía cạnh, nhiều giai đoạn, nhiều nhân vật bị dính dấp ảnh hưởng, nên mỗi quẻ kép lại có 6 Hào là để nói lên cho rõ ràng:

  • Mọi khía cạnh, mọi trạng thái biến thiên của hoàn cảnh.
  • Mọi giai đoạn của một quá trình.
  • Mọi tầng lớp trong xã hội, đang cùng chia sẻ một hoàn cảnh
  • Những trường hợp khác nhau, có thể xảy ra cho từng hạng người sống cùng chung một hoàn cảnh..

2. Luận bàn về Hào dương (Hào Cửu) - Hào âm (Hào Lục) – Hào vị

Trong 1 hoàn cảnh có nhiều khía cạnh, nhiều nhân vật liên hệ, quẻ là một hoàn cảnh, nên cũng lấy các Hào mà tượng trưng cho sự diễn biến của hoàn cảnh, những khía cạnh khác nhau của hoàn cảnh, những nhân vật liên hệ đến hoàn cảnh đó.

Hào dương (hào thực) còn gọi là hào “Cửu” (cửu là 9, là số dương)

Hào âm (hào hư) còn gọi là hào “Lục” (lục là 6, là số âm).

Các hào trong mỗi quẻ có ngôi vị khác nhau (ngôi là thứ tự các hào). Mỗi quẻ đơn có 3 ngôi vị gồm: hào sơ, hào nhị, hào tam và mỗi quẻ kép có 6 ngôi vị gồm: hào sơ, hào nhị, hào tam, hào tứ, hào ngũ, hào thượng. Các hào lại được viết và đánh số từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài để thuận theo quy luật “từ tâm đi ra” như hình bên dưới:

Tìm hiểu tên gọi và trật tự các hào trong quẻ dịch
Tìm hiểu tên gọi và trật tự các hào trong quẻ dịch

Hào sơ, hào tam, hào ngũ là dương vị còn hào nhị, hào tứ, hào thượng là âm vị. Hào Vị có nhiều tác dụng trong dự đoán:

a. Lục hào chỉ 6 chiều không gian: tức bốn phương và trên dưới. Hai hào 1 và hào 6 là chỉ phía dưới và phía trên. Hai hào 2 và 5 là hai trị số của 2 quẻ Khảm và Ly, chỉ 2 hướng Bắc (Khảm) và Nam (Ly). Hai hào 3 và 4 là trục Đông Tây (Hoành) nơi đóng 2 quẻ Chấn – Quẻ Đoài (Hậu Thiên) chỉ 2 hướng Đông (Chấn) và Tây (Đoài).

b. Lục hào chỉ các tầng lớp xã hội như bên dưới

  • Hào Thượng: Thái miếu, Thái thượng hoàng, Thượng phu, ẩn sĩ thoát trần. Đó là hào hưu tức, ngoại vị, vô vị.
  • Hào Ngũ: Thiên tử, Quân vương.
  • Hào Tứ: Đại thần, cận thần, chư hầu.
  • Hào Tam: Công khanh, Tam công, là những người có thế lực trong nước.
  • Hào Nhị: Công thần, Đại phu.
  • Hào Sơ: Nguyên sĩ, là vạn dân, thứ dân.

c. Lục hào xác định ngôi vị và tính chất của từng nhân vật:

  • Hào dưới thì là hạ tiện, là lê dân, Hào trên thời là tôn quí, là quan, là vua.
  • Hào dưới là thấp, Hào trên là cao.
  • Đối với thân thể con người, thì dưới là chân, trên là mặt, là miệng, là đầu.
  • Đối với con vật, thì hào Sơ là đuôi, hào trên cùng là đầu, là sừng...

d. Lục hào biểu thị thời gian: ĐẦU, GIỮA, CUỐI.

e. Lục hào chỉ chiều hướng biến hóa từ trong ra ngoài, hoặc từ ngoài vào trong. Từ dưới lên trên là biến chuyển từ trong ra ngoài. Gặp trường hợp ấy nơi Thoán Truyện, dùng chữ Vãng. Biến chuyển từ trên xuống dưới là biến từ ngoài vào trong. Trường hợp này Thoán Truyện dùng chữ Lai.

3. Luận giải Hào Tài - Hào Trung – Hào Chính – Hào Bất Chính

Hào Tài là bản chất của từng Hào, tài đức của từng Hào. Hào Tài được diễn tả bằng Hào Âm (còn gọi là Âm Hào) và Hào Dương (còn gọi là Dương Hào).

  • Hào Dương “—” tượng trưng cho quân tử, người tài cán, cương nghị, thiện, chính trực, thành thực, phú quý.
  • Hào Âm “- -” tượng trưng cho những kẻ tiểu nhân, người bất tài, nhu nhược, ác (xấu, trái với thiện), tà nguy (trái với thành thực), bần tiện…

Như vậy, Dương tốt đẹp, Âm xấu xa. Nhưng đó chỉ là nét chung. Còn phải xét vị trí của hào nữa, mới định được là tốt hay xấu. Dù là hào dương mà vị trí không trung, chính thì cũng xấu; và là hào âm mà vị trí trung, chính thì cũng tốt.

Vậy thế nào là Trung? Ta có hào thứ 2 và hào thứ 5, là 2 hào nằm ở giữa quẻ nội quái và quẻ ngoại quái. Hai hào này có vị trí quan trọng nhất trong mỗi quẻ vì chúng là hào trung tâm quẻ nên gọi chúng là Trung hào hay là Hào Trung.

Vậy thế nào là Chính? Mỗi hào trong 6 quẻ đều có vị trí và theo số thứ tự đã nói ở trên. Nếu vị trí đó là số dương (ngôi lẻ 1, 3, 5) thì hào dương đóng; ngược lại vị trí đó là số âm (ngôi chẵn 2, 4, 6) thì hào âm đóng như thế là chính đáng, nên gọi chúng là “hào chính”. Ngược lại nếu ở vị trí dương (lẻ) mà lại đóng hào âm hoặc vị trí âm (chẵn) mà lại đóng hào dương thì những hào đóng vị trí không đúng của mình là không chính, nên gọi chúng là “hào bất chính”.

Mục đích phân biệt Trung chính & Bất trung chính cốt để chỉ 2 sự kiện:

+ Trung là những người thành khẩn, trung thực, có lương tâm chức nghiệp, tận tụy vì công vụ.

+ Chính là những người được dùng vào những ngôi vị, những công việc xứng với tài đức của mình.

Bất trung chỉ những người gian ngoan, không thành khẩn.

Bất chính chỉ những người sống trong những địa vị bất xứng, không thích hợp với tài đức của mình, ví như dốt nát, bất tài mà lại ở địa vị cao (Âm cư Dương vị); hoặc có tài, có đức mà không được trọng dụng, không được đặt vào những chức vị xứng đáng (Dương cư Âm vị) Nhân đó ta suy ra được tình trạng hay dở rất nhiều.

Ví dụ quẻ Thuần Càn: cả sáu hào đều là hào dương cả (về bản thể), hào 2 và 5 đều là trung, nhưng hào 2 không chính mà chỉ hào 5 mới được cả trung lẫn chính, vì hào 2 là dương ở vị trí Âm (hào chẵn) mà hào 5 là hào dương ở vị trí dương (hào lẻ). Bốn hào kia thì hào 1 và 3 đắc chính mà không đắc trung, hào 4, 6 không đắc chính cũng không đắc trung.

Do đó hào 5 của quẻ Thuần Càn là hào tốt nhất trong quẻ, mà danh Tử “cửu ngũ” (cửu là dương, ngũ là thứ 5, cửu ngũ là hào thứ 5, dương) chỉ ngôi vua, ngôi chí tôn.

Luận về hào trung và hào chính trong quẻ dịch
Luận về hào trung và hào chính trong quẻ dịch

Tôi lấy ví dụ khác là quẻ Thủy hỏa Ký Tế, Quẻ này có các hào đều là Chính, và hào 2 và hào 5 được cả 2 vừa đắc Trung vừa đắc Chính nên mới có nghĩa là ký tế: đã nên việc, đã xong, đã qua sông. Tuy nhiên mặc dù quẻ này cũng có hào “cửu ngũ” nhưng ở đây, nó không trỏ ngôi vua, vì ở trong quẻ Thuần Càn, quẻ quý nhất (tượng trưng trời) đứng đầu 64 quẻ đó mới thực có giá trị lớn, ở quẻ Thủy hỏa Ký Tế chỉ việc ở đời nên nó có giá trị tương đối mà thôi.

Quan niệm trung chính là quan niệm căn bản của Dịch, cho nên Trương Kỳ Quân bảo: “Dịch là gì? Chỉ là trung chính mà thôi. Đạo lý trong thiên hạ chỉ là khiến cho việc không trung trở về chỗ trung, việc không chính trở về chỗ chính.

Các hào ứng nhau: xét về vị trí, mỗi hào trong nội quái ứng với một hào trong ngoại quái

  • Hào 1 ứng với hào 4: hào lẻ ứng với hào chẵn
  • Hào 2 ứng với hào 5: hào chẵn ứng với hào lẻ
  • Hào 3 ứng với hào 6: hào lẻ ứng với hào chẵn.

Trong các cặp hào đó thì cặp hào 2, hào 5 là quan trọng nhất vì hai hào đều đắc trung mà hào 5 lại ở vào địa vị cao nhất.

Các hào liền nhau: quan trọng nhất là cặp hào 4, hào 5 là vì hào 5 là vua hào 4 là đại thần ở gần vua.

  • Trường hợp hào 4 mà nhu (âm), hào 5 mà cương (dương) thì thường tốt vì cả hai hào đều chính vị.
  • Ngược lại hào 4 mà cương và hào 5 mà nhu thì thường xấu.

Thời – Vị trí của mỗi hào còn cho ta biết thời của mỗi hào nữa, vì như trên chúng ta đã biết, hào là 1 sơ thời, hào 3 là mạt thời của nội quái, hào 4 là sơ thời, hào 6 là mạt thời của ngoại quái cũng là mạt thời của trùng quái.

Xét về phương diện từ thì là vị trí chính hay không chính, xét về phương diện động thì là cập thời hay không cập thòi.

Ví dụ: Quẻ Kiền, hào sơ, dương ở dương vị, là đức chính nhưng vì là hào sơ, chỉ mới có đức thôi, chưa có tiếng tăm mà tài đức cũng chưa cao, nên còn phải ở ẩn, nếu hấp tấp mà vội xuất đầu lộ diện thì là bất cập thời, bất hợp thòi.

Lên hào 2, mới nên xuất hiện (nhưng chưa nên làm gì) như vậy là cập thời hợp thời.

Lên hào 5, vừa trung vừa chính, tài đức đã trau dồi lâu rồi là lúc làm nên sự nghiệp, làm là cập thời, không làm là bỏ lõ thời cơ.

Tới hào 6, hào cuối cùng, thịnh cực rồi tất phải suy, không biết kịp thời rút lui, thì sẽ bị họa.

Vì vậy quan niệm thời còn quan trọng hơn quan niệm trung chính nữa, và Tiết tuyên nói rất đúng:

“Sáu mươi bốn quẻ chỉ có một lẻ, một chẵn (một dương một âm); mà vì ở vào những thời khác nhau, cái “vị” (trí) không giống nhau, cho nên mới có vô số sự biến. Cũng như con người, chỉ có động với tĩnh, mà vì “thời” và (địa) “vị” không giống nhau, cho nên có cái đạo lý vô cùng, vì thế mới gọi là dịch (biến dịch)”.

4. Kiến thức về Hào tượng – Hào từ

Hào từ giải thích ý nghĩa của từng hào trong mỗi quẻ; 64 quẻ kép tổng cộng có 384 hào. Chu Công Đán là người có công đi sâu nghiên cứu và chú thích về Hào từ.

Hào tượng là nói về hình tượng, vị trí, số lượng chẵn lẻ của các hào âm hào dương trong sáu hào của quái kép (trùng quái) và thông qua đó phản ánh quan hệ cương nhu, thuộc tính âm dương và tính chất của quẻ (ví dụ: trường hợp số hào là số lẻ thì tính chất quẻ là dương; số hào là chẵn thì là quẻ âm). Kinh dịch luôn coi trọng quan hệ cương nhu và thường lấy vị trí ở trong hào dương để xác định, do vậy Dịch truyện viết: “Âm dương kết hợp với nhau rồi sau đó cương nhu mới có hình thể”.

5. Bàn về vai trò hào động trong chiêm bói dịch

Hào động là hào đó sẽ biến trạng thái, ví dụ đang là hào dương sẽ biến thành hào âm và ngược lại. Số hào động không bao giờ quá số 6. Ở quẻ gốc (quẻ chủ) ta đếm từ dưới lên trên để lấy hào động. Nếu số dư là 1 tức hào động là hào đầu ở dưới nhất. Nếu số dư không có thì hào động là hào 6 trên cùng như thế gọi là hào trên động hoặc hào 6 động. Việc tìm hào động của quẻ chủ được xác định tùy thuộc vào phương pháp lập quẻ dịch. Xem thêm bài viết “Hào động là gì và có ý nghĩa như thế nào trong dự đoán cát hung bói dịch

Hào động là tiêu chí để phân biệt và xác định quẻ thể và quẻ dụng. Nếu hào động ở quẻ thượng thì quẻ thượng là quẻ dụng, còn nếu hào động ở quẻ hạ thì quẻ hạ là quẻ dụng. Quẻ không có hào động là quẻ Thể. Quẻ Thể là quẻ mình, quẻ dụng là người khác hoặc sự việc. Ví dụ: Quẻ chủ là Thiên Thủy Tụng có hào 2 động thì quẻ Biến là quẻ Thiên Địa Bĩ thì quẻ Thể là quái Càn (Kim) và quẻ Dụng là quái Khảm (Thủy).

Lấy hào động để xác định quẻ Thể, Quẻ Dụng là tiêu chí để đoán việc hoặc đoán cát hung. Quẻ không có hào động là quẻ “Bất biến”, khi đó chỉ cần xem “Tượng” của quẻ Chủ để giải đoán. Quẻ có hào động là quẻ Biến, hào động còn là tiêu chí để sự việc biến thành tốt hoặc biến thành xấu, tức là biến sinh, hoặc biến khắc, biến ngang hòa, biến xì hơi. Ví dụ: Quẻ Biến là Thiên Địa Bĩ có điểm cát ít hung nhiều. Hào 2 động của Quẻ Bĩ có hào từ: “Bào thừa, tiểu nhân cát; đại nhân bĩ, hanh” dịch là: “Tiểu nhân chịu đựng và vâng thuận người quân tử thì tốt: đại nhân (có đức lớn) nên giữ tư cách trong cảnh bế tắc (khốn cùng) thì hanh thông”. Như vậy cả quẻ và hào đều khuyên không nên hành động.

Nếu bạn thấy bài viết này bổ ích hãy like, share bài viết và fanpage Xemvm.com để ủng hộ chúng tôi và chia sẻ kiến thức hay cho bạn bè của bạn. Vui lòng ghi rõ nguồn website xemvm.com khi bạn trích dẫn nội dung từ bài viết này. Cám ơn bạn rất nhiều!

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi hoặc ý kiến góp ý để bài viết hoàn thiện hơn vui lòng gửi email về info@xemvm.com hoặc để lại một bình luận bên dưới để chúng ta có thể thảo luận thêm!

Từ khóa » đắc Trung đắc Chính