Phong ĐỊa Quán - Bác Sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
Có thể bạn quan tâm
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê
» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |
Quẻ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30
20. 風 地 觀 Phong ĐỊa Quán
Quán Tự Quái | 觀 序 卦 |
Lâm giả đại dã. | 臨 者 大 也 |
Vật đại nhiên hậu khả quan. | 物 大 然 後 可 觀 |
Cố thụ chi dĩ Quán. | 故 受 之 以 觀 |
Quán Tự Quái
Lâm là cao đại vượt tầm,
Lớn rồi sẽ được xa gần ngắm trông.
Cho nên Quán mới lâm vòng.
Quẻ Quán có 2 cách đọc. Nơi quẻ thì đọc là Quán, nơi Hào thì đọc là Quan. Quẻ Quán có 2 Hào Dương ở trên, 4 Hào Âm ở dưới, chẳng khác gì Cao đăng viễn chiếu = đèn cao chiếu xa, lại có Hào Cửu ngũ đắc trung, đắc chính làm chủ Hào, nên Thoán Từ toàn đem ý ở ngôi trời trị dân, phải treo cao gương đức cả, cho chúng dân nhìn vào, nên lúc ấy đọc là Quán.
Còn trong Tượng Truyện & các Hào, Quan có nghĩa là nhìn, là trông, vì Dịch kinh chủ trương rằng: người quân tử hay bậc quân vương phải có cái nhìn cho sâu rộng, cho tinh tế.
*Trước là phải Quan Thiên chi đạo để Pháp Thiên chi hành = quan sát Đạo Trời để thi hành Luật Trời.
*Sau là phải quan sát dân tình, để tùy nghi thiết giáo.
*Cuối cùng, là phải quan sát tâm tư, tài đức của mình, tức là phải biết nội quan quán chiếu.
I. Thoán.
Thoán Từ.
觀: 盥 而 不 荐,有 孚 顒 若。
Quán. Quán nhi bất tiến. Hữu phu ngung nhược.
Dịch. Thoán Từ.
Trang trọng như rửa tay hành lễ.
Lòng tinh thành xá kể của dâng,
Thấy ta thành tín, thủy chung,
Hạ dân âu cũng sinh lòng kính tin.
Thoán nhấn mạnh rằng: bậc nhân quân ở ngôi cao, vạn dân trông vào, ngưỡng mộ, phải ăn ở sao cho tâm tư thuận với thiên lý (Khôn = thuận), hành vi phù hợp với Thiên đạo (Tốn = thuận tốn), chí trung, chí chính (Hào Cửu ngũ đắc trung, đắc chính).
Vị Thánh quân xưa ở chốn triều ca, tức là ở ngôi Trung cung = Hoàng cực, phải lo sao đức hạnh tuyệt vời, vì ở ngôi Hoàng cực, nhà vua sẽ là môi giới giữa Trời và Dân, sẽ thay dân tế Trời, thay Trời trị dân, giáo hóa dân, chỉ đường trung chính cho dân theo.
Thoán Truyện.
彖 曰: 大 觀 在 上,順 而 巽,中 正 以 觀 天 下。觀,盥 而 不 荐,有 孚 顒 若,下 觀 而 化 也。觀 天 之 神 道,而 四 時 不 忒, 聖 人 以 神 道 設 教,而 天 下 服 矣。
Thoán viết.
Đại Quán tại thượng. Thuận nhi tốn. Trung chính dĩ quán thiên hạ. Quán quán nhi bất tiến. Hữu phu ngung nhược. Hạ quan nhi hóa dã. Quan thiên nhi thần đạo nhi tứ thời bất thắc. Thánh nhân dĩ thần đạo thiết giáo. Nhi thiên hạ phục hĩ.
Dịch. Thoán Truyện.
Gương cao treo ở trên đời,
Thuận Thiên, Tồn lý, rạng ngời chính trung,
Chiếu soi thiên hạ khắp cùng,
Trang nghiêm như lúc khởi công tế thần,
Rửa tay, mà hết tinh thành,
Chưa cần dâng lễ, thần minh chứng rồi.
Uy nghi, tin kính rạng ngời.
Dân xem cảm động, cảm rồi noi gương.
Kìa Trời thần diệu khôn lường,
Bốn mùa theo đúng phép thường chuyển luân.
Thánh nhân ảo diệu như thần,
Âm thầm dạy dỗ, chúng dân phục tùng.
Thoán Truyện cho rằng: Dạy dân có nhiều cách:
1) Bằng Thần đạo = đường lối Trời. Theo cách này, nhà vua chỉ cần chí thành, chí thiện, trang nghiêm, kính cẩn, tập trung tinh thần, không để cho tinh thần phôi pha, phá tán, sẽ âm thầm ảnh hưởng đến muôn dân, sẽ âm thầm cảm hóa được muôn dân. Thế là bắt chước được đường lối Trời, vì Trời âm thầm, lặng lẽ, mà bốn mùa vẫn vần xoay, không hề đơn sai. Đó là lối cảm hóa cao siêu nhất, vì thế nên gọi Thần đạo thiết giáo.
2) Dạy dân bằng những lời giáo hoá, bằng mệnh lệnh.
3) Dạy dân bằng hành vi, cử chỉ, tiếp nhân, xử thế của mình.
Dĩ nhiên, hai lề lối sau, vì còn có hình thức, ngôn từ nên kém lối thứ nhất xa. Đức Khổng nói: Dùng miệng lưỡi hay kiểu cách bên ngoài, cảm hóa dân lối ấy rất nên thô thiển. Ngoài ra, Thoán cũng nhắc nhở rằng sự tế tự thần minh, là cốt ở lòng thành kính, chứ không cốt ở lễ dâng.
Lòng thành tín mạnh mẽ nhất, sự tập trung tinh thần mạnh mẽ nhất là từ lúc vị chủ tế rửa tay, cho đến lúc đổ rượu xuống đất cầu xin Thượng đế giáng lâm, còn sự dâng của lể xin ơn chỉ là tùy thuộc. Vì thế mà Đức Khổng mới nói: Trong tế lễ Thượng đế, khi đã đổ rượu xuống đất, xin Thượng đế giáng lâm rồi, thì ta chẳng muốn xem nữa ( Tử viết: Đế, Tự quán nhi vãng giả, ngô bất dục quan chi hỹ) (LN III, 10).
II. Đại Tượng Truyện.
象 曰: 風 行 地 上,觀﹔ 先 王 以 省 方,觀 民 設 教 .
Tượng viết: Phong hành địa thượng. Quán. Tiên vương dĩ tỉnh phương quan dân thiết giáo.
Dịch. Tượng rằng:
Gió bay trên đất là Quan,
Tiên vương thăm thú dân gian xa gần,
Thăm dân, để hiểu biết dân,
Tùy nghi giáo hóa, mười phân vẹn mười.
Tượng và Hào đều bàn đến nghĩa Quan = Quan sát. Vì thế Tượng Truyện mới khuyên nhà vua, phải đi quan sát dân tình, để biết đời ra sao, như vậy mới giáo hóa được dân.
Xưa kia vua đi tuần thú thường quan sát:
1) Ruộng đất có được trồng trọt phải phép hay không?
2) Người già cả có được chăm sóc không?
3) Cân lường, đấu hộc có được chính xác không?
4) Sự buôn bán có được phồn thịnh không?
5) Đời sống dân ra sao, sung túc hay nghèo khó; khỏe mạnh hay yếu đuối; đứng đắn hay dâm ô; cần kiệm hay hoang phí. Nhân đó sẽ tùy cơ dạy dỗ dân.
III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện.
1. Hào Sơ Lục.
初 六 : 童 觀,小 人 無 咎,君 子 吝。
象 曰: 初 六 童 觀,小 人 道 也。
Sơ Lục. Đồng Quan. Tiểu nhân vô cữu. Quân tử lận.
Tượng viết:
Sơ Lục đồng quan. Tiểu nhân đạo dã.
Dịch.
Nhìn đời mờ mịt như con trẻ,
Ấy lối nhìn của kẻ tiểu nhân,
Chẳng ai trách kẻ ngu đần,
Trách người quân tử biện phân chẳng rành.
Tượng rằng:
Nhìn đời như thể trẻ thơ,
Ấy là cung cách mù mờ, tiểu nhân.
Hào Sơ dạy chúng ta phải mở mắt mà nhìn đời cho tinh tế, cho thấu triệt, chớ đừng bắt chước trẻ con hay kẻ tiểu nhân, có mắt mà chẳng nhìn thấy gì. Uổng thay cho những ai có mắt mà chẳng biết nhìn đời, cứ ỷ lại vào kẻ khác trông hộ, cắt nghĩa đời hộ cho mình.
Quân tử mà như vậy, chẳng đáng trách lắm sao?
2. Hào Lục nhị.
六 二 : 窺 觀,利 女 貞。
象 曰: 窺 觀 女 貞,亦 可 丑 也。
Lục nhị. Khuy quan. Lợi nữ trinh.
Tượng viết:
Khuy quan nữ trinh. Diệc khả xử dã.
Dịch.
Nhìn đời như thể đàn bà,
Nhìn qua khe cửa, ngỡ là đã hay.
Tượng rằng:
Như nhi nữ dòm qua khe cửa,
Người đường hoàng như thế hổ thay.
Hào Hai dạy chúng ta phải nhìn thẳng vào cuộc đời, đừng sợ sệt tránh né như thói nữ nhi. Nhìn đời mà nhìn qua lỗ khoá, thì làm sao thấy nhiều, thấy rộng được. Y thức như ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung. Ta hãy có cái nhìn bao quát vũ trụ, bao quát lịch sử, bao quát năm châu, như vậy mới khỏi thẹn cho thân quân tử.
3. Hào Lục tam.
六 三 : 觀 我 生,進 退。
象 曰: 觀 我 生,進 退 ﹔未 失 道 也。
Lục tam. Quan ngã sinh tiến thoái.
Tượng viết:
Quan ngã sinh tiến thoái. Vị thất đạo dã.
Dịch.
Một mình ngẫm nghĩ phân minh,
Dở hay, tiến thoái, âu đành tùy ta.
Tượng rằng:
Xét mình tài đức ra sao,
Rồi ra tiến thoái nhẽ nào sai ngoa.
Hào ba cho rằng: muốn biết phải tiến hay phải thoái, hãy xét mình là người đã có đủ tài đức hay chưa? Có đủ tài đức, đó là tiêu chuẩn chính xác nhất.
Đức Khổng khuyên môn đệ là Tất điêu Khai ra làm quan. Tất Điêu Khai từ tạ mà rằng: Tôi chưa tự tin ở tài đức mình. Đức Khổng lấy thế làm vui dạ (LN V, 5).
4. Hào Lục tứ.
六 四 : 觀 國 之 光,利 用 賓 于 王。
象 曰: 觀 國 之 光,尚 賓 也。
Lục tứ. Quan quốc chi quang. Lợi dụng tân vu vương.
Tượng viết:
Quan quốc chi quang. Thượng tân dã.
Dịch.
Nhìn thấy nước huy hoàng rực rỡ,
Phải làm sao gặp gỡ quân vương.
Tượng rằng: Thấy nước huy hoàng,
Mong sao gặp được quân vương mà phò.
Hào tứ khuyên rằng: Khi trong nước mà có minh quân, tài đức chiếu rạng non sông, thời mình nên tìm cách triều bái mà phục vụ. Xưa kia, một vị chư hầu lai triều, hay một hiền sĩ tới yết kiến vua, đều được đãi theo hàng tân khách, chờ ngày bổ nhiệm. Vì thế trong Hào Bốn, mới nói đến lợi dụng tân vu vương.
5. Hào Cửu ngũ.
九 五 : 觀 我 生,君 子 無 咎。
象 曰: 觀 我 生,觀 民 也。
Cửu ngũ. Quan ngã sinh. Quân tử vô cữu.
Tượng viết:
Quan ngã sinh. Quan dân dã.
Dịch.
Nếu ta tự xét lấy ta,
Mới là quân tử, mới là tao nhân.
Tượng rằng: Ta tự xét ta
Xem ta hay dở, cùng là xem dân.
Nhà vua ở ngôi cao, phải xét mình xem mình đã đi theo đúng đường lối trung chính, chí thiện chưa. Rồi lại phải xem dân tình nhờ mình mà đã cải tiến được là bao. Nếu xét mình, xét dân mà hay cả, mới là không đáng trách. Người xưa có câu:
Con người chẳng những soi bóng nước,
Còn phải ngắm mình trước gương dân.
6. Hào Thượng Cửu.
上 九 : 觀 其 生,君 子 無 咎。
象 曰: 觀 其 生,志 未 平 也。
Thượng Cửu. Quan kỳ sinh. Quân tử vô cữu.
Tượng viết:
Quan kỳ sinh. Chí vị bình dã.
Dịch.
Hiền nhân biết xét nét mình.
Mới hay, mới được thế tình kính tin.
Tượng rằng:
Hiền nhân biết xét nét mình,
Vì không tọa hưởng kỳ thành cầu an.
Hào sáu nói rằng: người quân tử tuy không trực tiếp trị dân, nhưng cũng phải luôn luôn giữ mình cho hẳn hoi, xét mình cho cẩn thận, chớ khinh xuất, vì ảnh hưởng của người quân tử đối vói chúng dân cũng rất là sâu rộng.
ÁP DỤNG QUẺ QUAN VÀO THỜI ĐẠI
Khi xưa, quẻ Quan muốn người trên làm vua, thay Trời trị dân, phải treo cao gương đức cả cho chúng dân nhìn vào.
Ngày nay, áp dụng quẻ Quan này vào Thời đại, cha mẹ hãy thay Trời mà dạy dỗ, đào tạo con cái mình, cho chúng trở thành người hữu dụng cho xã hội, nhân quần sau này. Hiện nay, ngoài học đường, giáo sư đã không còn có trách nhiệm giáo dục về đạo đức cho học trò mình như xưa nữa, mà các bậc phụ huynh thì lại quá bận rộn với cuộc sống hiện tại, nên sự giáo dục con cái có phần chểnh mảng, thiếu xót. Do đó con em như cây mọc giữa rừng hoang, may mắn thì được xử dụng đúng cách, chẳng may thì làm củi, hoặc đứng giữa rừng già, năm này qua năm khác chẳng ai biết tới.
Tôi, áp dụng quẻ Quan này vào sự giáo dục con em, mục đích muốn tiếp tay cùng với các bậc phụ huynh, ngõ hầu có thể mang lại phần nào hữu ích cho các em sau này. Theo thiển ý của tôi, nếu ta muốn có một đứa con khỏe mạnh, khi trưởng thành con ta sẽ là người tốt, và hữu dụng cho gia đình, xã hội, thì cũng chẳng có gì là quá khó khăn, nhưng người mẹ phải chịu hy sinh, chú ý Quan sát và Thực hành qua nhiều giai đoạn. Như vậy tôi nghĩ chỉ thích hợp cho quí vị nào muốn có ít con mà thôi. Tôi đã sưu tầm, đọc sách, học hỏi qua kinh nghiệm của người đi trước, nay mượn trang giấy này gởi đến quí vị, mong rằng nó làm nhẹ lòng cho những vị nào, vì quá lo sợ con mình mai sau sẽ hoang đàng, nên không dám nghĩ tới sinh con. Thật ra, có một người con hiếu thảo, tư cách đàng hoàng, siêng năng học hành, thì thật không có gì làm cho bậc làm cha mẹ sung sướng hơn. Sau đây, là những hiểu biết đơn sơ của tôi:
1) Thai giáo: Khi bắt đầu biết mình có mang, người mẹ không nên ăn những đồ nóng như ớt, tỏi, riềng v. v... , vì nó sẽ làm cho cơ thể đứa trẻ dễ sinh mụn nhọt, và tâm tính dễ nóng nẩy, mai sau. Chớ ăn đồ biển độc như bạch tuộc, mực, nghêu, sò v.v... sẽ làm cho đứa trẻ có chứng phong thấp. Hơn nữa, người mẹ chớ nên xem truyện, hay phim ảnh loại kích thích. Chớ nên uống rượu, sẽ dễ tạo cho đứa trẻ trở nên ngang bướng, nóng nẩy, đôi khi hung bạo, nếu người cha đã nóng nẩy, dữ dằn. Người mẹ phải luôn vui vẻ, do đó người chồng, khi vợ mang thai, phải chiều và nhường nhịn vợ, chớ để vợ mình luôn khóc lóc, vì đứa trẻ có thể sẽ trở nên thiếu nghị lực, ý chí sau này. Nên bố thí và làm việc thiện, nghĩ điều lành, lánh sự dữ, để tạo cho mình một sự thoải mái, và sự khỏe mạnh cho thai nhi.
2) Khi sinh ra, nếu đứa con được nuôi bằng sữa mẹ, thì tốt nhất, vì nó sẽ tạo tình thương giữa mẹ và con một cách đậm đà hơn.
3) Khi đứa trẻ bắt đầu hiểu biết, là ta phải quan sát nó kỹ càng, vì lúc này nó bắt đầu học theo cách ăn ở của những người xung quanh nó, do đó bậc cha mẹ phải làm gương cho con. Khi xưa, bà mẹ ông Mạnh Tử, góa chồng, chỉ có một mình ông Mạnh Tử là con. Ban đầu, bà thuê nhà ở cạnh một người đồ tể, chuyên giết heo, bà nhận thấy con bà bắt chước mổ heo. Lúc đó ông Mạnh Tử mới độ 4, 5 tuổi, bà thấy vậy liền dọn nhà, và đến ở cạnh một nghĩa địa. Bà nhận thấy con bà bắt chước người đi đưa đám mà khóc lóc, đắp mồ; bà liền dọn nhà đến cạnh một trường học, và bà thấy con bà cũng bắt chước học trò, cầm sách để đọc (Tích Mạnh mẫu trạch lân xử). Như vậy ta thấy cổ nhân có câu: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng là chí lý vậy.
Khi con cái bắt đầu khôn lớn, ta phải luôn luôn để ý đến nó, quan sát nó, xem nó có : Dễ dạy không? Thông minh không? Có đường hoàng, thẳng thắn không, hay thường nói dối, gian trá. Nếu nó có những khuyết điểm trên, thì ta phải truy ra ngọn ngành, tại sao nó có những thói xấu đó. Rồi ta sẽ tìm cách sửa chữa cho nó bằng nhiều cách: Răn dậy một cách nghiêm khắc hoặc dùng hành vi, cử chỉ, tư cách của mình để nó bắt chước. Chớ nên nuông chiều con một cách thái quá, hoặc lộ liễu, để trẻ nó nhờn, sẽ khó dạy.
Trẻ học hành kém cỏi, ta phải xem cơ thể nó có yếu đuối không? tinh thần nó ra sao, và phải bồi bổ cho nó được đầy đủ sức khỏe.
Muốn cho con ham thích học hành, điều cần thiết nhất là phải lưu ý đến sự học của con, dù là nó luôn đứng đầu lớp, để nó vui thích vì thấy bố mẹ luôn chú ý đến nó. Nếu nó yếu về môn gì, thì phải tìm thầy dạy bổ túc, kèm thêm cho nó đừng để nó bị thầy và bạn trong lớp chê bai, như vậy mỗi khi đến lớp học nó sẽ có cái mặc cảm tự ti, và do đó nó sẽ hay trốn học, và sự sa ngã sẽ đến với nó một cách dễ dàng
Nếu trường hợp đứa con không thể học chữ được, thì nên tìm nghề cho nó học, và phải cho nó học đến nơi, đến chốn. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, ta nên luôn nhớ câu này. Trên đời chỉ có người dở, chứ không có nghề dở, nên con cái mà nghề nghiệp không ra gì, hoặc hoang đàng, thì chúng ta, những bậc cha mẹ cũng chịu một phần trách nhiệm vì đã thiếu sót trong sự dạy dỗ và quan sát con cái vậy.
» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |
Quẻ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30
Từ khóa » đắc Trung đắc Chính
-
Ý Nghĩa Các Hào Trong Kinh Dịch
-
Chính, Trung Và Chữ Thời Trong 64... - Nghiên Cứu Lịch Sử
-
Chính, Trung Và Chữ Thời Trong 64 Quẻ Kinh Dịch Gần ... - Facebook
-
Ý Nghĩa Các Hào Trong Kinh Dịch - PHONG THỦY VÀ ĐỊA LÝ
-
Luận Giải Lục Hào - Hào Vị - Hào Trung - Hào Chính - Hào Tượng
-
KHÁI NIỆM VỀ CÁC HÀO TRONG QUẺ DỊCH | Học Quán Sơn Chu
-
Hồ Đắc Trung – Wikipedia Tiếng Việt
-
Hồ Đắc Trung (1861-1941) - UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế
-
Hậu Vận Người Trúng Số độc đắc
-
Làm Sao để Trúng Số độc đắc
-
Ngô Đắc Chứng - Thông Tin Nhà Khoa Học - CSDL Khoa Học
-
Kinh Dich Luoc Giai, Kinh Dịch Lược Giải - SlideShare
-
Ban Quản Lý Khu Công Nghệ Cao Hòa Lạc - Chi Tiết Tổ Chức