Khoa Học Mới Về Sự Gắn Bó Giữa Những Người Trưởng Thành
Có thể bạn quan tâm
- Mở đầu
- Giải mã hành vi mối quan hệ
- Khái quát về thuyết gắn bó
- Nguồn gốc của các kiểu gắn bó
- Quan hệ tiến hóa
- Ba kiểu gắn bó trong cuộc sống hằng ngày
- Kiểu gắn bó lo lắng
- Một hệ thống gắn bó nhạy cảm
- Những dấu hiệu
- Hành vi phản kháng – Để cho hệ thống gắn bó lấn át lý trí của bạn
- Lời khuyên cải thiện mối quan hệ với kiểu gắn bó lo lắng
- Kiểu gắn bó né tránh
- Bên nhau nhưng lại xa cách
- Một số dấu hiệu phổ biến
- Người né tránh có thể thay đổi được không?
- Cách cải thiện dành cho những người thuộc kiểu né tránh
- Kiểu gắn bó an toàn
- Đặc điểm người có kiểu gắn bó an toàn
- “Tài năng” này đến từ đâu?
- Kết nối với Khuynh hướng An toàn tạo ra nền tảng an toàn cho người yêu của bạn
- Không phải tôi, mà chính bạn chọn bạn đời
- Tìm được người yêu phù hợp – Cách an toàn
- Điều này có nghĩa là những người an toàn miễn nhiễm trước mọi vấn đề trong mối quan hệ
- Làm sao bạn biết được nếu sự việc đi quá xa?
- Gắn bó lo âu – né tránh
- Lý giải kiểu gắn bó lo âu – né tránh
- Làm gì để cải thiện kiểu gắn bó lo âu – né tránh?
- Kiểu gắn bó lo lắng
- Lời kết
Mở đầu
Sự gắn bó giữa con người với con người luôn là điều bí ẩn của cuộc sống. Có những mối quan hệ gắn bó mà chúng ta khó lòng hiểu và giải thích được tại sao nó lại như vậy. Mặc dù nhìn từ bên ngoài nó rất chi là dễ hiểu và giản đơn.
Bài viết hôm nay của ThanhBinhpsy sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ nét hơn về Sự Gắn Bó Giữa Những Người Trưởng Thành dựa trên cuốn sách Attached. The new science of attachment and how it can help you find – and keep – love của Rachel S. F. Heller và Amir Levine, M.D. Cùng theo dõi nhé!!!
Giải mã hành vi mối quan hệ
- Mới chỉ hai tuần hẹn hò với anh chàng này mà tôi đã tự làm khổ mình khi cứ nơm nớp lo sợ rằng anh ấy không thấy tôi đủ hấp dẫn và bị ám ảnh bởi chuyện liệu anh ta có gọi cho mình hay không! Một lần nữa, tôi hiểu mình sẽ cố gắng kìm chế để không biến mọi nỗi sợ rằng mình không đủ tốt thành lời tiên tri tự ứng nghiệm và phá hỏng một cơ hội khác để có được mối quan hệ!
- Tôi bị làm sao thế này? Tôi là một người thông minh, điển trai và thành đạt. Tôi có rất nhiều điều tốt đẹp để mang đến cho mối quan hệ. Tôi đã hẹn hò với một số phụ nữ tuyệt vời, nhưng sau vài tuần, tôi chắc chắn sẽ mất hứng thú với cô ấy và bắt đầu cảm thấy tù túng. Việc tìm được một ai đó mà tôi hòa hợp lẽ ra không nên khó khăn đến thế.
- Tôi lấy chồng ngần ấy năm rồi nhưng vẫn cảm thấy hoàn toàn cô đơn. Anh ấy không bao giờ thảo luận về cảm xúc của ảnh hay nói về mối quan hệ, nhưng mọi chuyện càng ngày càng tệ thêm. Anh làm việc muộn gần như tất cả các buổi tối trong tuần và vào các ngày cuối tuần, anh ấy hoặc là đi chơi gôn với bạn bè hoặc ở nhà xem thể thao trên TV. Chẳng có điều gì giữ chúng tôi lại với nhau. Có lẽ tôi sống một mình thì tốt hơn.
Mỗi một vấn đề đều rất đau lòng, chạm đến cốt lõi bên trong của cuộc sống con người. Và chưa có một lời giải thích hay giải pháp nào là phù hợp. Mỗi trường hợp có vẻ độc đáo và riêng biệt; mỗi trường hợp có thể bắt nguồn từ vô số nguyên nhân.
Để giải mã được chúng đòi hỏi một sự quen biết sâu sắc với tất cả những người có liên quan. Quá khứ, những mối quan hệ trước đây, và kiểu tính cách chỉ là một vài trong số nhiều con đường mà một nhà trị liệu cần phải theo đuổi. Câu chuyện về khám phá này, và những gì diễn ra sau nó, là chủ đề của bài viết này.
Khái quát về thuyết gắn bó
Lý thuyết gắn bó đưa ra ba “kiểu gắn bó” chính, hay những cung cách cư xử mà mọi người nhìn nhận và đáp ứng trước sự thân mật trong mối quan hệ lứa đôi, tương tự như những gì được phát hiện ở trẻ em: An toàn, Lo lắng và Né tránh.
Về cơ bản, những người an toàn cảm thấy thoải mái với sự gần gũi thân mật và thường nồng ấm và yêu thương; người lo lắng khao khát sự thân mật, thường bị ám ảnh với mối quan hệ của họ, và có xu hướng lo lắng về khả năng yêu thương lại họ của người yêu; người né tránh đánh đồng sự thân mật với việc đánh mất độc lập tự do và liên tục cố gắng giảm thiểu sự gần gũi. Ngoài ra, những người với từng kiểu gắn bó đó khác nhau ở chỗ:
- Quan điểm của họ về sự thân mật và gắn bó
- Cách họ giải quyết xung đột
- Thái độ của họ đối với tình dục
- Khả năng truyền đạt những nhu cầu và ước muốn của họ
- Những kỳ vọng của họ về người bạn đời và mối quan hệ
Tất cả mọi người trong xã hội của chúng ta, cho dù họ mới bắt đầu hẹn hò hoặc đã kết hôn được bốn mươi năm, đều thuộc một trong những loại này, hoặc, hiếm hơn khi là sự kết hợp của hai cái sau (lo lắng và né tránh). Chỉ hơn 50 phần trăm là người gắn bó an toàn, khoảng 20 phần trăm là gắn bó lo lắng, 25 phần trăm là né tránh và 3 đến 5 phần trăm còn lại rơi vào loại thứ tư, ít phổ biến hơn.
Trong hai thập kỷ qua, nghiên cứu về sự gắn bó của người trưởng thành đã tạo ra hàng trăm bài báo khoa học và hàng tá cuốn sách mô tả cẩn thận cách người lớn cư xử trong mối quan hệ lãng mạn gần gũi. Những nghiên cứu này đã nhiều lần khẳng định về sự tồn tại của những kiểu gắn bó đó ở người lớn ở một loạt các quốc gia và nền văn hóa, bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Canada, Đức, Israel, Ý, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Vương quốc Anh.
Hiểu được các kiểu gắn bó là một cách dễ dàng và đáng tin cậy để hiểu và dự đoán hành vi của người khác trong bất kỳ mối quan hệ yêu đương nào. Trên thực tế, một trong những thông điệp chính của lý thuyết này là trong các tình huống yêu đương lãng mạn, chúng ta được lập trình để hành xử theo cách định sẵn.
Bài viết cùng chuyên mục: Top 8 các hiệu ứng tâm lý tình yêu cực hay cho các cặp đôi
Nguồn gốc của các kiểu gắn bó
Ban đầu, người ta cho rằng các kiểu gắn bó ở người trưởng thành chủ yếu là sản phẩm của cách bạn được dạy dỗ. Do đó, người ta đưa ra giả thuyết rằng kiểu gắn bó hiện tại của bạn được quyết định bởi cách mà bạn được chăm sóc khi còn bé: Nếu bố mẹ bạn nhạy cảm, luôn sẵn sàng và có trách nhiệm, thì bạn sẽ có kiểu gắn bó an toàn; nếu họ đáp ứng thiếu nhất quán, mâu thuẫn thì bạn sẽ có kiểu gắn bó lo lắng; và nếu họ lạnh nhạt xa cách, khắt khe và thờ ơ, bạn sẽ phát triển kiểu gắn bó né tránh.
Tuy nhiên, ngày nay chúng ta biết rằng các kiểu gắn bó ở người trưởng thành chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, một trong số đó là cách mà cha mẹ chăm sóc chúng ta, nhưng các yếu tố khác cũng có ảnh hưởng quan trọng, bao gồm gen di truyền và trải nghiệm sống của chúng ta.
Quan hệ tiến hóa
Lý thuyết gắn bó dựa trên lời khẳng định rằng nhu cầu thuộc về một mối quan hệ thân thiết được khắc ghi vào trong gen của chúng ta. Chính ý tưởng thiên tài của John Bowlby đã đưa ông đến với nhận thức rằng chúng ta được lập trình bởi tiến hóa để chọn một vài cá nhân cụ thể trong cuộc sống của ta và khiến họ trở thành thứ quý giá đối với ta.
Chúng ta sinh ra để phụ thuộc vào một người quan trọng nào đó. Nhu cầu này bắt đầu từ trong bụng mẹ và chấm dứt khi chúng ta qua đời. Bowlby cho rằng trong suốt quá trình tiến hóa, chọn lọc di truyền ưu ái những ai biết gắn bó với kẻ khác vì nó mang lại lợi thế sinh tồn.
Từ thời tiền sử, những người chỉ dựa vào bản thân họ và không có ai bảo vệ họ thì khả năng cao sẽ trở thành con mồi. Thông thường, những người ở với ai đó quan tâm sâu sắc đến họ thì sống sót và truyền lại cho con cháu họ sở thích tạo dựng những mối quan hệ gần gũi.
Trên thực tế, nhu cầu ở gần một ai đó đặc biệt quan trọng đến mức não bộ có cơ chế sinh học chịu trách nhiệm đặc biệt trong việc tạo ra và điều chỉnh mối quan hệ của chúng ta với những nhân vật gắn bó của ta (bố mẹ, con cái và người bạn đời).
Cơ chế này được gọi là hệ thống gắn bó, bao gồm những cảm xúc và hành vi đảm bảo rằng chúng ta vẫn an toàn và được bảo vệ bằng cách ở gần những người thân yêu. Cơ chế giải thích lý do tại sao một đứa trẻ bị tách khỏi mẹ thì trở nên điên cuồng tìm kiếm hoặc gào khóc không thể kiểm soát được cho đến khi nó nối lại mối liên hệ với mẹ.
Những phản ứng đó là hành vi phản kháng, và tất cả chúng ta vẫn bộc lộ chúng khi ta đã trưởng thành. Ở thời tiền sử, việc gần gũi với một người bạn đời là chuyện sống còn, và hệ thống gắn bó của chúng ta đã phát triển để coi sự gần gũi đó là một điều cực kỳ cần thiết.
Ba kiểu gắn bó trong cuộc sống hằng ngày
Kiểu gắn bó lo lắng
Một hệ thống gắn bó nhạy cảm
Hệ thống gắn bó là Cơ chế trong não bộ của chúng ta chịu trách nhiệm theo dõi và giám sát sự an toàn và sự sẵn sàng (về tình cảm) của các đối tượng gắn bó của chúng ta. Nếu bạn thuộc kiểu gắn bó lo lắng, bạn sở hữu một khả năng độc nhất vô nhị, cảm nhận được khi nào mối quan hệ của bạn đang bị đe dọa.
Thậm chí một lời bóng gió nhẹ về điều gì đó bất ổn cũng sẽ kích hoạt hệ thống gắn bó của bạn, và một khi nó bị kích hoạt, bạn không thể nào giữ được bình tĩnh chừng nào bạn nhận được một tín hiệu rõ ràng từ nửa kia của bạn rằng anh hoặc cô ấy thực sự vẫn ở bên bạn và rằng mối quan hệ này vẫn an toàn. Những người với kiểu gắn bó khác cũng bị kích hoạt, nhưng họ không chọn những chi tiết tinh tế như người thuộc kiểu gắn bó lo lắng hay làm.
Những dấu hiệu
- Những ý nghĩ và cảm xúc thúc đẩy bạn tìm cách gần gũi với nửa kia của bạn
- Suy nghĩ về người bạn đời của bạn, khó tập trung vào những việc khác.
- Chỉ nhớ về những phẩm chất tốt đẹp của họ.
- Tôn thờ họ: đánh giá thấp tài năng và năng lực của bạn và đánh giá quá cao tài năng của họ.
- Cảm giác lo lắng chỉ biến mất khi bạn tiếp xúc với họ.
- Tin rằng đây là cơ hội duy nhất của bạn trong tình yêu, như là:
“Tôi chỉ hợp được với rất ít người tôi có bao nhiêu cơ hội để tìm được người khác giống như anh/cô ấy?”
“Phải mất nhiều năm để gặp được một người mới; tôi sẽ kết thúc đời mình trong cô độc.”
- Tin rằng mặc dù bạn không hạnh phúc nhưng tốt hơn là bạn không thể từ bỏ, như là:
“Nếu cô ấy bỏ tôi, cô ấy sẽ trở thành một người yêu tuyệt vời cho người khác.”
“Anh ấy có thể thay đổi.”“Cặp đôi nào cũng có vấn đề chúng tôi không phải ngoại lệ trong vấn đề đó.”
Hành vi phản kháng – Để cho hệ thống gắn bó lấn át lý trí của bạn
Nỗ lực quá mức để nối lại quan hệ: Gọi điện, nhắn tin hoặc gửi thư điện tử nhiều lần, chờ đợi một cuộc gọi điện thoại, lảng vảng ở nơi làm việc của nửa kia hy vọng gặp được anh/cô ấy.
Thu mình: Ngồi lặng thinh “mải mê” với điều gì đó, quay lưng lại với nửa kia, không nói chuyện, nói chuyện qua điện thoại với người khác và tảng lờ anh/cô ấy.
Ghi sổ: Chú ý họ mất bao lâu để trả lời điện thoại của bạn và đợi đúng bằng đầy thời gian để trả lời điện thoại của họ; đợi họ làm hòa trước và tỏ ra lạnh lùng cho đến lúc đó. Khi Ryan quyết định không để lại tin nhắn cho Shauna sau khi cô tắt cuộc gọi của anh, anh đã ghi sổ (“Nếu cô ta không trả lời điện thoại của tôi thì tôi sẽ không nhắn tin cho cô ta”).
Hành động gây hấn: Đảo mắt khi họ nói, nhìn đi chỗ khác, đứng dậy và ra khỏi phòng khi họ đang nói (hành động gây hấn đôi lúc có thể dẫn đến bạo lực).
Dọa rời bỏ: Đe dọa “Chúng ta không hợp nhau, anh không nghĩ là mình có thể tiếp tục được nữa”; “Em biết là chúng ta thực sự không hợp nhau”; “Em nghĩ mình sẽ sống tốt hơn nếu không có anh” đồng thời hy vọng anh/cô ấy níu kéo bạn.
Thao túng: Tỏ ra bận rộn hoặc khó gần. Phớt lờ các cuộc điện thoại, nói rằng bạn đã có một số kế hoạch trong khi thực tế thì khác.
Làm cho anh/cô ấy cảm thấy ghen tuông: Lên kế hoạch ăn trưa cùng người yêu cũ, đi chơi cùng đám bạn ở quán bar dành cho người độc thân, nói với nửa kia của bạn về một người nào đó buông lời tán tỉnh bạn hôm nay.
Lời khuyên cải thiện mối quan hệ với kiểu gắn bó lo lắng
- Thừa nhận và chấp nhận những nhu cầu thực sự của bạn về mối quan hệ.
Chúng tôi có đang khuyên bạn theo đuổi, đáp ứng mọi mong muốn của nửa kia của bạn, và gọi điện không ngừng? Chắc chắn là không. Chúng tôi đề xuất một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Nó bắt nguồn từ hiểu biết rằng bạn với kiểu gắn bó lo lắng của bạn có những nhu cầu rõ ràng nào đó trong một mối quan hệ.
Nếu những nhu cầu đấy chưa được đáp ứng thì bạn không thể hạnh phúc. Chìa khóa để tìm được một người bạn đời có thể thỏa mãn những nhu cầu đó là trước tiên bạn cần thừa nhận hoàn toàn nhu cầu của bạn về sự thân mật, sự sẵn sàng và an toàn trong một mối quan hệ và tin rằng chúng là nhu cầu chính đáng.
Xem thêm: Thuốc Phenobarbital là gì? Công dụng và liều dùng của thuốcChúng không tốt cũng không xấu, chúng chỉ đơn giản là nhu cầu của bạn. Đừng để người khác làm bạn cảm thấy tội lỗi vì hành động “lụy tình” hoặc “phụ thuộc.” Đừng xấu hổ vì cảm giác chưa trọn vẹn khi bạn không có một mối quan hệ, hoặc vì muốn thân thiết với người yêu và phụ thuộc vào anh ta.
Tiếp theo, hãy sử dụng kiến thức này. Bắt đầu đánh giá những người bạn hẹn hò dựa trên khả năng đáp ứng những nhu cầu đó của họ. Thay vì nghĩ rằng làm thế nào bạn có thể thay đổi bản thân để làm vừa lòng người yêu của bạn, như quá nhiều cuốn sách về mối quan hệ vẫn thường khuyên độc giả, hãy nghĩ rằng: Liệu người này có thể đem đến cho tôi điều tôi cần để sống hạnh phúc hay không?
- Nhận diện và loại bỏ những người né tránh ngay từ đầu
Bước thứ hai là sớm nhận ra và loại trừ những người thuộc kiểu gắn bó né tránh. Đây là lúc mà bảng hỏi của chúng tôi để giải mã các kiểu gắn bó của người khác trở nên hữu dụng. Nhưng bạn cũng có thể dựa vào nhiều cách khác để biết liệu ai đó mà bạn gặp có phải thuộc kiểu né tránh hay không.
Arthur Conan Doyle đã đặt ra thuật ngữ “làn khói súng” trong một trong các cuốn tiểu thuyết trinh thám Sherlock Holmes của ông ấy. Một làn khói súng kể từ đó đã trở thành một chứng nhận cho một đối tượng hoặc một thực tế nào đó đóng vai trò là bằng chứng thuyết phục không chỉ về sự phạm tội mà còn bất kỳ loại bằng chứng không thể chối cãi nào. Chúng tôi muốn gọi bất kỳ dấu hiệu hoặc thông điệp nào chỉ rõ ai đó thuộc kiểu né tránh là một làn khói súng:
- Gửi đi những thông điệp trái chiều về cảm xúc của anh/cô ấy đối với bạn hoặc về sự cam kết của anh/cô ấy đối với bạn.
- Khao khát một mối quan hệ lý tưởng nhưng đưa ra những lời bóng gió tinh tế rằng đấy không phải là mối quan hệ với bạn.
- Khát khao gặp được người tri âm tri kỷ nhưng bằng cách nào đó mà họ luôn luôn soi ra vài lỗi lầm ở người khác hoặc trong những hoàn cảnh khiến cho họ không thể cam kết.
- Không quan tâm đến sự lành mạnh tinh thần của bạn và khi bị đối chất, tiếp tục phớt lờ.
- Cho rằng bạn “như đỉa đói,” “nhạy cảm,” hoặc “làm quá lên” khiến cảm xúc của bạn trở thành vô giá trị và làm bạn tự chỉ trích bản thân.
- Bỏ ngoài tai những điều bạn nói mà gây phiền phức cho anh/cô ta không hồi đáp hoặc đổi chủ đề.
- Giải quyết những mối quan tâm của bạn như “trong tòa án” chỉ đáp lại trước sự việc mà không lưu tâm đến cảm xúc của bạn.
- Những thông điệp của bạn không được tiếp nhận mặc cho bạn đã nỗ lực hết sức để truyền đạt những nhu cầu của bạn, anh/cô ấy dường như không nhận ra thông điệp hoặc phớt lờ nó.
Cần lưu ý rằng không phải những hành vi cụ thể mang tính đe dọa nào đó cũng đều trở thành làn khói súng mà đúng hơn là một lập trường tình cảm một sự mơ hồ về mối quan hệ song hành với một thông điệp mạnh mẽ rằng nhu cầu tình cảm của bạn không quan trọng đối với anh hoặc cô ấy. Anh hoặc cô ấy có thể thỉnh thoảng nói hợp tình hợp lý, nhưng hành động của anh/cô ấy lại kể một câu chuyện khác.
- Một cách hẹn hò mới: Hãy là chính mình và sử dụng cách giao tiếp hiệu quả.
Bước tiếp theo là bắt đầu bày tỏ nhu cầu của bạn. Phần lớn những người lo lắng đều dễ dàng rơi vào cái bẫy mà các cuốn sách về mối quan hệ và xã hội nói chung đặt ra cho họ.
Họ cảm thấy họ quá đòi hỏi và lụy thuộc, vì vậy họ cố gắng đáp ứng nhu cầu về khoảng cách và ranh giới của người yêu của họ (nếu họ đang quan hệ tình cảm với một người né tránh). Duy trì một vỏ bọc điềm tĩnh và độc lập đơn giản là được xã hội chấp nhận. Vì vậy, họ che giấu mong muốn của mình và che giấu sự bất mãn của họ.
Trong thực tế, bạn đang đánh mất những điều quan trọng khi bạn làm vậy, bởi vì bằng cách bộc lộ những nhu cầu đó, bạn đạt được hai mục tiêu. Thứ nhất, bạn đang là chính mình, điều mà người ta phát hiện thấy là góp phần vào cảm giác hạnh phúc và mãn nguyện nói chung của chúng ta, và sống hạnh phúc và thỏa mãn có lẽ là một trong những đặc điểm quyến rũ nhất mà bạn có thể mang lại cho người yêu.
Thứ hai và cũng không kém phần quan trọng, khi bạn là chính mình, nếu người yêu của bạn không có khả năng đáp ứng những nhu cầu chính đáng của bạn thì bạn có thể xác định điều đó từ sớm. Không phải ai ai cũng có những nhu cầu về mối quan hệ tương hợp với bạn, và chẳng sao cả. Hãy để họ tìm được ai đó cũng muốn giữ khoảng cách, và bạn cũng có thể tìm được ai đó khiến bạn hạnh phúc.
- Triết lý về sự phong nhiêu
Những người né tránh chiếm một tỷ lệ thiếu cân đối trong thị trường hẹn hò. Một biện pháp hữu ích khác để lèo lái thành công qua “cái bể hẹn hò” là cái mà chúng tôi gọi là triết lý về sự phong nhiêu (hay “nhiều cá ở đại dương”) hiểu rằng ngoài kia có nhiều người tuyệt vời và đặc biệt có thể trở thành người bạn đời tuyệt vời dành cho bạn. Hãy thử cho nhiều người một cơ hội, đừng vội chấp nhận một người nào đó, đảm bảo rằng bạn tránh xa những khói thuốc súng tiềm ẩn.
Điều này đòi hỏi một thay đổi nghiêm túc trong lối suy tư lo lắng của bạn. Bạn có xu hướng cho rằng gặp được ai đó phù hợp là không chắc xảy ra, nhưng thực tế chưa hẳn đã như thế. Có nhiều người thông minh và tử tế ngoài kia có thể làm bạn vui vẻ, nhưng cũng có nhiều người không phù hợp với bạn.
Cách duy nhất để đảm bảo rằng bạn gặp được người bạn tâm giao tiềm năng là là đi chơi với rất nhiều người. Nó là một quy luật xác suất đơn giản bạn càng gặp nhiều người, bạn càng có nhiều khả năng sẽ tìm thấy ai đó phù hợp với bạn.
Nhưng đó không chỉ là vấn đề xác suất. Nếu bạn thuộc kiểu gắn bó lo lắng, bạn có xu hướng gắn bó rất nhanh, thậm chí chỉ dựa trên sự thu hút về ngoại hình. Một đêm làm tìn hay thậm chí một nụ hôn say đắm, và bùm, bạn đã chẳng thể thôi không nghĩ về người đó.
Như bạn đã biết, một khi hệ thống gắn bó của bạn được kích hoạt, bạn bắt đầu khao khát được gần gũi người khác và sẽ làm bất kỳ việc gì trong khả năng cho phép để gắn kết ngay cả trước khi bạn bắt đầu tìm hiểu về con người anh/cô ấy và quyết định xem liệu bạn có thích người đó hay không! Nếu bạn chỉ gặp mỗi mình anh/cô ấy, kết quả là trong những giai đoạn đầu, bạn đánh mất khả năng đánh giá xem liệu anh hay cô ấy có thực sự phù hợp với bạn hay không.
Bằng cách áp dụng triết lý phong nhiêu, bạn duy trì được khả năng đánh giá các đối tác tiềm năng một cách khách quan hơn. Việc bạn thực sự đang làm là khiến cho hệ thống gắn bó của bạn bớt nhạy cảm và đánh lừa nó trở nên dễ chịu hơn với bạn.
Hệ thống của bạn sẽ không còn dễ dàng bị kích hoạt bởi một người vì nó sẽ bận rộn đánh giá sự sẵn sàng của rất nhiều người khác nhau, và bạn sẽ không bị ám ảnh về bất cứ một người cụ thể nào.
Bạn có thể nhanh chóng loại trừ ai đó nếu họ khiến bạn cảm thấy bất an hoặc khiếm khuyết, vì bạn không đặt hết hy vọng của bạn vào họ. Tại sao bạn lại phí thời gian cho một người nào đó thiếu tử tế với bạn trong khi bạn còn có nhiều đối tượng tiềm năng khác đang xếp hàng để đối xử với bạn như công chúa?
Khi bạn gặp gỡ nhiều người đó là điều rất khả thi trên Internet và thời đại Facebook bạn cũng dễ dàng hơn để bày tỏ rõ ràng những nhu cầu và mong muốn của bạn; bạn không sợ khi làm thế thì bạn sẽ xua đuổi một triển vọng hiếm hoi; bạn chẳng cần đi lòng vòng hoặc che giấu cảm xúc thật của bạn. Điều này cho phép bạn biết được liệu một ai đó có thể thỏa mãn các nhu cầu của bạn được hay không trước khi bạn đi đến điểm không thể quay lại được nữa.
- Cho người an toàn một cơ hội
Nhưng triết lý về sự phong nhiêu sẽ đánh mất hiệu quả của nó nếu bạn không nhận ra vàng mười khi bạn tìm thấy họ. Một khi bạn nhận ra ai đó mà bạn gặp là kiểu người an toàn, nhớ đừng hấp tấp đưa ra quyết định về việc liệu họ có phù hợp với bạn không. Tự nhắc bản thân rằng lúc đầu bạn có thể cảm thấy nhàm chán – suy cho cùng thì khi hệ thống gắn bó của bạn không bị kích hoạt, mối quan hệ sẽ ít drama.
Hãy cho nó thời gian. Khả năng là, nếu bạn là người lo lắng, bạn sẽ tự động diễn giải sự bình lặng trong mối quan hệ là thiếu sức hút. Một thói quen kéo dài nhiều năm không dễ dàng xóa bỏ. Nhưng nếu bạn kiên trì lâu hơn một chút, bạn có thể bắt đầu trân quý hệ thống gắn bó bình thản và tất cả những lợi ích mà nó mang lại.
- Tham vấn từ các chuyên gia
Nếu bạn cảm thấy mình là người có xu hướng “Gắn bó lo lắng”, đã thử áp dụng các cách cải thiện xu hướng này nhưng vẫn không tiết chế được, thậm chí có phần cao trào hơn thì có thể tham khảo dịch vụ Tham vấn tâm lý trực tuyến của Thanh Bình PSY nhé!
Kiểu gắn bó né tránh
Bên nhau nhưng lại xa cách
Với những ai thuộc kiểu gắn bó né tránh, họ cảm thấy một nỗi cô đơn bám rễ sâu trong lòng, ngay cả khi đang ở trong một mối quan hệ. Trong khi những người mang kiểu gắn bó an toàn dễ chấp nhận mọi lỗi lầm và nhược điểm của bạn đời và tin rằng họ đặc biệt và duy nhất thì với những người né tránh lập trường như vậy lại là một thách thức chính trong đời họ.
Nếu là một người né tránh, bạn sẽ kết nối với nửa kia của mình song vẫn giữ một khoảng cách tinh thần và một lối thoát. Cảm giác gần gũi và trọn vẹn với ai đó cảm xúc tương đương với việc tìm thấy một mái ấm là một trạng thái bạn khó lòng chấp nhận.
Một số dấu hiệu phổ biến
- Nói (hoặc nghĩ): “Tôi chưa sẵn sàng gắn bó” tuy nhiên vẫn ở cùng nhau, đôi khi là hàng năm trời.
- Tập trung vào những thiếu sót nhỏ ở nửa kia: cách họ nói chuyện, ăn mặc… và để nó ngăn chặn cảm xúc lãng mạn trong bạn.
- Luyến tiếc người yêu cũ: (hội chứng “ảo ảnh người cũ” chúng ta sẽ nói thêm trong phần sau).
- Tán tỉnh người khác: cách thức độc hại đưa sự bấp bênh vào mối quan hệ.
- Không nói “Anh yêu em/Em yêu anh”: mặc dù có sử dụng ngụ ý rằng bạn có tình cảm với người kia.
- Rời bỏ khi mọi việc đang diễn ra tốt đẹp: (ví dụ không gọi điện thoại nhiều ngày sau một buổi hẹn thân mật)
- Định hình mối quan hệ bằng một tương lai bất khả thi: chẳng hạn như với một người đã lập gia đình.
- “Tâm trí ở trên chín tầng mây”: khi người yêu đang nói chuyện với bạn.
- Giữ bí mật và để mọi thứ ở trạng thái mơ hồ: nhằm duy trì cảm giác độc lập của bạn.
- Né tránh thân mật thể xác: không muốn ngủ chung giường, không muốn quan hệ tình dục, đi trước người yêu một quãng xa.
- Bới lông tìm vết
- Thương nhớ ảo ảnh: người cũ, kiếm tìm “tri kỷ”
- Ảo ảnh người cũ
- Quyền năng của “tri kỷ”
Những chiến lược vô hiệu hóa nho nhỏ hàng ngày như trên là các công cụ mà bạn vô thức sử dụng để đảm bảo người yêu không cản trở ý chí tự do của mình. Nhưng rốt cuộc, những công cụ đó lại cản trở niềm hạnh phúc trong mối quan hệ của bạn.
Việc sử dụng một mình các chiến lược vô hiệu hóa này là không đủ để né tránh sự thân mật. Chúng chỉ là phần nổi của tảng băng. Sâu bên trong, tâm trí bạn bị kiểm soát bởi những niềm tin và nhận thức bao quát về mối quan hệ vốn gây ra sự thiếu kết nối với bạn đời và cản trở hạnh phúc của bạn.
Người né tránh có thể thay đổi được không?
Bạn rõ ràng nhận ra rằng người né tránh không thật sự sống một cuộc sống tự lực; mà là một cuộc sống với đấu tranh đè nén không hồi kết hệ thống gắn bó quyền lực sử dụng những chiến lược vô hiệu hóa mạnh mẽ mà chúng tôi đã vạch ra.
Vì sức mạnh của chúng, thật dễ dàng kết luận rằng những hành vi, suy nghĩ và niềm tin ấy không thể thay đổi được. Song thẳng thắn mà nói, điều này không hề đúng. Cái đúng ở đây là những người mang kiểu gắn bó né tránh bị ngợp trong giả định rằng lý do họ không thể tìm được hạnh phúc trong mối quan hệ chẳng hề liên quan đến họ mà chỉ liên quan đến hoàn cảnh bên ngoài gặp gỡ sai người, không tìm được “tri kỷ”, hay chỉ hẹn hò với những người muốn trói buộc họ.
Họ hiếm khi tìm kiếm bên trong lý do cho sự không hài lòng của mình, và càng ít khi tìm kiếm sự giúp đỡ hay đồng ý nhận sự giúp đỡ khi đối phương đề xuất. Đáng tiếc là, thay đổi sẽ không xảy ra trừ phi họ nhìn vào bên trong mình hay tìm kiếm sự giúp đỡ.
Vào những thời điểm khi người né tránh chạm đến điểm đáy trong đời mình bởi vì sự cô đơn nghiêm trọng, một biến cố cuộc đời hay một tai nạn nghiêm trọng họ có thể thay đổi cách suy nghĩ của mình. Với những ai đã chạm đến điểm này, hãy lưu ý tám hành động dưới đây sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến sự thân mật đích thực.
Xem thêm: Hiệu ứng Domino và 3 nguyên tắc áp dụng vào thực tếĐầu tiên và quan trọng nhất, hầu hết các bước đều đòi hỏi sự gia tăng nhận thức của bạn. Song việc biết được những mô thức tư duy phủ nhận khả năng đạt đến sự thân thiết đích thực với ai đó chỉ là bước đầu tiên. Bước tiếp theo và khó khăn hơn đòi hỏi bạn bắt đầu xác định các trường hợp cụ thể khi bạn thể hiện những thái độ và hành vi này, và từ đó bắt tay vào hành trình thay đổi.
Cách cải thiện dành cho những người thuộc kiểu né tránh
- Học cách xác định những dấu hiệu
Đừng hành động dựa trên sự thôi thúc. Khi bạn đang hào hứng về ai đó rồi bỗng nhiên có cảm giác người này không dành cho mình, hãy dừng lại và suy nghĩ. Liệu đây có phải là một chiến lược vô hiệu hóa không?
Những thiếu sót nho nhỏ mà bạn đang bắt đầu để ý có phải là cách mà hệ thống gắn bó thực hiện nhằm khiến bạn lùi lại hay không?
Hãy nhắc nhở bản thân rằng hình ảnh này đang bị sai lệch đi và bạn cần sự thân mật mặc dù không thoải mái với nó. Nếu bạn nghĩ người kia thật tuyệt vời khi bắt đầu, thì sẽ là mất mát lớn nếu để cho họ ra đi.
- Giảm nhấn mạnh vào sự tự lực và tập trung vào việc hỗ trợ lẫn nhau
Khi đối phương cảm thấy họ có nền tảng vững chắc để dựa vào (và không cảm thấy cần phải cố gắng quá nhiều để thân thiết), và khi bạn không cảm thấy cần phải giữ khoảng cách, thì cả hai bạn sẽ có khả năng nhìn ra bên ngoài và làm việc của mỗi người tốt hơn. Bạn sẽ trở nên độc lập và đối phương cũng ít dựa dẫm hơn.
- Tìm một nửa kia vững chắc
Những người mang kiểu gắn bó an toàn có xu hướng khiến cho nửa kia lo âu và né tránh của mình cảm thấy vững chãi hơn. Tuy nhiên, một người mang kiểu gắn bó lo âu sẽ làm trầm trọng thêm sự né tránh của bạn thường trong một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Nếu có cơ hội, chúng tôi khuyến khích bạn chọn một con đường an toàn hơn. Bạn sẽ ít phải trải nghiệm cảm giác phòng vệ, cãi vã và đau khổ hơn.
- Nhận thức được xu hướng diễn giải sai hành vi
Những quan điểm tiêu cực về hành vi và ý định của bạn đời sẽ truyền xung lực xấu vào mối quan hệ. Hãy thay đổi mô hình này! Bạn có thể nhận ra nó, để ý thời điểm nó xảy ra và tìm kiếm một quan điểm khác hợp lý hơn. Nhắc nhở bản thân rằng đây là người bạn yêu thương, hai người lựa chọn ở bên nhau, và có lẽ tốt hơn hết là bạn nên tin tưởng rằng những gì họ làm trong thâm tâm đều muốn tốt cho bạn.
- Lập danh sách biết ơn
Nhắc nhở bản thân trong hoạt động thường ngày rằng bạn có xu hướng suy nghĩ tiêu cực về bạn đời/người yêu của mình. Đó đơn giản chỉ là thứ bạn dựng lên khi mang kiểu gắn bó né tránh.
Mục tiêu của bạn nên là chú ý đến những hành động tích cực của đối phương. Nhiệm vụ này không hề dễ dàng, song chỉ với một chút tập luyện và kiên trì, bạn sẽ dần làm chủ được nó.
Hãy dành thời gian mỗi tối để nghĩ về những sự kiện xảy ra trong ngày. Liệt kê ít nhất một đóng góp của nửa kia cho hạnh phúc của bạn dù chỉ rất nhỏ, và lý do vì sao bạn biết ơn khi có người ấy trong đời.
- Coi chừng ảo ảnh người cũ
Khi cảm thấy bản thân đang lý tưởng hóa một người yêu cũ đặc biệt nào đó, hãy dừng lại và nhận thức rằng người đó đã không còn (và không bao giờ) là một lựa chọn khả thi nữa. Bằng cách nhớ lại những bức bối mà bạn chịu đựng trong mối quan hệ đó và sự cảnh giác khi hứa hẹn bạn có thể ngừng việc sử dụng người cũ làm chiến lược vô hiệu hóa và tập trung vào người mới.
- Quên “tri kỷ” đi
Chúng tôi không tranh luận về sự hiện diện của tri kỷ trên thế giới này. Ngược lại, chúng tôi hết lòng tin tưởng vào trải nghiệm tâm giao giữa hai người. Song niềm tin của chúng tôi là bạn phải là một người chủ động trong quá trình này.
Đừng chờ đợi người đáp ứng được mọi tiêu chuẩn trong danh sách của bạn xuất hiện và mong đợi mọi thứ sẽ vào đúng chỗ của nó. Hãy biến họ thành “tri kỷ” của bạn bằng cách lựa chọn họ giữa đám đông, cho phép họ thân thiết với bạn và biến họ thành một phần quan trọng của bạn.
- Áp dụng chiến lược phân tâm
Người né tránh dễ dàng thân thân thiết với nửa kia khi có một sự phân tâm. Việc tập trung vào một việc khác như đi bộ đường dài, chèo thuyền hay chuẩn bị bữa ăn cùng nhau sẽ cho phép bạn hạ hàng rào phòng vệ xuống và dễ tiếp cận với cảm xúc của đối phương hơn. Hãy sử dụng một số thủ thuật để khuyến khích sự thân thiết trong thời gian ở bên nhau.
Xem thêm:
- Nhận Biết Và Đối Phó Với Người Nói Dối
- Những chứng bệnh tâm lý ở người trẻ
Kiểu gắn bó an toàn
Viết về người mang kiểu gắn bó an toàn có vẻ là một công việc tẻ nhạt. Rốt cuộc thì có gì để nói về họ đây? Nếu bạn là người an toàn thì bạn rất đáng tin, nhất quán và có thể dựa cậy. Bạn không lẩn tránh sự thân mật hay phát cuồng với mối quan hệ của bạn. Các mối quan hệ tình cảm của bạn rất ít drama không có thăng trầm và những cảm xúc lên lên xuống xuống một cách đột ngột. Vậy thì còn gì để nói đây?”
Trên thực tế thì có rất nhiều thứ để nói! Trong quá trình tìm hiểu về sự gắn bó và cách mà một mối gắn kết an toàn có thể thay đổi cuộc sống của ai đó, chúng ta càng thêm ngưỡng mộ và quý trọng những người an toàn trên thế giới. Họ lưu tâm đến những tín hiệu cảm xúc và vật lý của người yêu và biết cách đáp lại chúng.
Hệ thống cảm xúc của họ không quá lồng lộn khi đối diện với mối đe dọa (như người lo lắng) nhưng cũng không dập tắt ngay (như với người né tránh). Bài viết này bạn sẽ biết được nhiều hơn về các đặc điểm của người an toàn và điều gì khiến chúng trở nên độc đáo. Và nếu bạn là người an toàn và chẳng mấy khi tìm kiếm sự trợ giúp trong địa hạt về mối quan hệ thì bạn sẽ được báo cho biết trước vì bạn cũng có thể một ngày nào đó vô tình gặp phải một mối quan hệ không suôn sẻ có thể ảnh hưởng tai hại đến bạn.
Đặc điểm người có kiểu gắn bó an toàn
Người có kiểu gắn bó an toàn, giống như Stan, được đặc trưng bởi điều gì đó rất thật nhưng không hiển lộ ra bên ngoài họ được lập trình để mong đợi nửa kia của họ yêu thương và có trách nhiệm và không lo lắng nhiều đến việc đánh mất tình yêu của nửa kia. Họ cực kỳ thoải mái với sự thân mật và có khả năng kỳ lạ để truyền đạt nhu cầu của họ và đáp lại những nhu cầu của nửa kia.
Trên thực tế, một loạt các nghiên cứu quan tâm đến việc tiếp cận tâm trí vô thức của các đối tượng so với những phản ứng của những người thuộc kiểu gắn bó lo lắng, né tránh và an toàn.
Các nghiên cứu cho thấy những người an toàn về mặt ý thức tiếp cận nhiều hơn đến những chủ đề chẳng hạn như tình yêu, những cái ôm, và sự gần gũi và ít tiếp cận đến những chủ đề về sự mất mát, nguy hiểm và chia ly. Các chủ đề đe dọa tiêu cực không dễ dàng đến được với họ.
Đôi khi điều có vẻ là khó nhọc đối với một số người giữ được sự cân bằng cảm xúc khi đối mặt với mối đe dọa lại là chuyện dễ dàng với một người thuộc kiểu an toàn. Họ đơn giản là không nhạy cảm với các tín hiệu tiêu cực của thế giới.
Lập trường này ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của mối quan hệ lãng mạn của họ. Họ là:
- Người giải quyết xung đột tuyệt vời: Trong một trận cãi vã, họ không có nhu cầu phòng thủ hoặc gây thương tích hoặc trừng phạt nửa kia, và do đó ngăn chặn tình hình leo thang.
- Linh hoạt về tinh thần: họ không bị đe dọa bởi những lời chỉ trích. Họ sẵn sàng nhìn nhận lại phương pháp của họ, và nếu cần thiết, điều chỉnh lại niềm tin và chiến lược của họ.
- Những người giao tiếp hiệu quả: Họ kỳ vọng người khác hiểu được và biết đáp ứng, do đó việc bày tỏ cảm xúc của họ một cách tự do và chính xác với nửa kia, đến với họ một cách tự nhiên.
- Không giở trò: Họ muốn sự thân mật và tin rằng người khác cũng muốn điều tương tự, vậy thì tại sao phải giở trò?
- Thoải mái với sự gần gũi, không bận tâm về ranh giới: Họ tìm kiếm sự thân mật và không sợ “bị vướng vào chuyện tình cảm.” Vì họ không bị choáng ngợp trước nỗi lo sợ bị kẻ khác coi thường (như những người lo lắng) hoặc nhu cầu từ bỏ (như người né tránh), họ dễ dàng tận hưởng sự thân mật, dù là về thể lý hay cảm xúc.
- Nhanh chóng tha thứ: Họ giả định rằng ý định của người yêu là tốt đẹp và do đó có thể tha thứ khi họ làm điều gì đó gây tổn thương.
- Có khuynh hướng xem tình dục và sự thân mật tình cảm là một: Họ không cần tạo ra khoảng cách bằng việc tách rời hai chuyện này (chỉ gần gũi về mặt tinh thần hoặc tình dục, chứ không phải cả hai).
- Đối xử với nửa kia như ông vua bà hoàng: Khi bạn trở thành một phần của vòng tròn thân cận của họ, họ đối xử với bạn bằng yêu thương và tôn trọng.
- An tâm về khả năng cải thiện mối quan hệ của họ: Họ tự tin và niềm tin tích cực về bản thân và những người khác, làm cho giả định này trở nên hợp lý.
- Chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của người yêu: Họ mong đợi người khác yêu thương và đáp ứng với nhu cầu của họ, và họ cũng đáp ứng nhu cầu của người khác.
Nhiều người sống với các đối tác không an toàn thậm chí không thể mường tượng nổi cuộc sống với một người an toàn về cơ bản khác biệt ra sao.
Đầu tiên, họ không tham gia vào “vũ điệu của mối quan hệ” mà các nhà trị liệu tâm lý thường nói đến. Tức là, một người thì tiến lại gần, trong khi người kia thì lùi lại để luôn luôn duy trì một khoảng cách nhất định trong mối quan hệ. Thay vào đó là một cảm giác thân thiết ngày càng đâm chồi nảy nở.
Thứ hai, họ nhạy cảm và thấu cảm và quan trọng nhất, sự nhất quán thảo luận những cảm xúc của họ với bạn.
Cuối cùng, người an toàn bao phủ người yêu của họ trong một tấm chắn bảo vệ cảm xúc khiến việc đối mặt với thế giới bên ngoài trở thành một nhiệm vụ dễ dàng hơn.
Chúng ta thường không nhận ra phần thưởng cho các phẩm tính này là gì trừ phi chúng mất đi. Không phải ngẫu nhiên mà người trân trọng mối quan hệ an toàn nhất là những người từng có quan hệ tình cảm với cả người an toàn và người không an toàn. Dù những người này sẽ nói cho bạn biết những mối quan hệ an toàn và không an toàn là hai thế giới khác nhau, mà không có kiến thức về lý thuyết gắn bó, họ cũng không thể chỉ rõ một cách chính xác điểm khác biệt là gì.
“Tài năng” này đến từ đâu?
Nếu bạn là người an toàn, bạn được sinh ra với khả năng đặc biệt này hay đó là thứ mà bạn học được trong cuộc sống? John Bowlby tin rằng các kiểu gắn bó là một chức năng của trải nghiệm sống đặc biệt là của sự tương tác của ta với cha mẹ trong thời thơ ấu. Một người sẽ phát triển kiểu gắn bó an toàn nếu cha mẹ cô ấy nhạy cảm và đáp ứng trước những nhu cầu của anh ấy.
Một đứa trẻ như vậy sẽ học được rằng cô ấy có thể dựa vào cha mẹ mình, tự tin rằng họ sẽ luôn sẵn sàng ở bên cô bất cứ khi nào cô cần đến họ. Nhưng Bowlby cho rằng nó không dừng lại ở đây; ông cho rằng một đứa trẻ an toàn sẽ mang theo sự tự tin này vào tuổi trưởng thành và các mối quan hệ tương lai với người yêu của họ.
Có bằng chứng nào ủng hộ những tiên đoán này không? Năm 2000, Leslie Atkinson, người tiến hành nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em ở đại học Ryerson, Toronto, phối hợp cùng một số đồng nghiệp khác, đã tiến hành một phân tích tổng hợp dựa trên bốn mươi mốt nghiên cứu trước đó.
Tổng cộng, nghiên cứu đã phân tích hơn hai nghìn cặp bố mẹ con cái để đánh giá mối liên hệ giữa sự nhạy cảm của cha mẹ và kiểu gắn bó của đứa trẻ. Các kết quả cho thấy một mối liên kết lỏng lẻo nhưng quan trọng giữa cả hai đứa trẻ của những bà mẹ nhạy cảm với nhu cầu của chúng nhiều khả năng có được kiểu gắn bó an toàn, nhưng mối liên kết lỏng lẻo có nghĩa là ngoại trừ những vấn đề về phương pháp, có thể có nhiều biến số khác xuất hiện quyết định kiểu gắn bó của một đứa trẻ.
Trong số các yếu tố được phát hiện làm tăng khả năng của một đứa trẻ trở thành người an toàn là một tính khí dễ chịu (khiến cha mẹ dễ dàng hơn để đáp ứng nhu cầu), điều kiện làm mẹ tích cực sự thỏa mãn trong hôn nhân, căng thẳng và trầm cảm thấp, và sự hỗ trợ từ xã hội và số giờ ở với một người chăm sóc không phải là cha mẹ ít hơn.
Làm vấn đề phức tạp thêm, một quan điểm đang nhận được sự ủng hộ khoa học trong những năm gần đây đó là chúng ta về mặt di truyền học dễ hướng đến một kiểu gắn bó nào đó.
Xem thêm: Phức hợp xơ cứng củ là gì? Nguyên nhân, cách phòng ngừaChẳng hạn, người ta phát hiện thấy những cặp sinh đôi cùng trứng trưởng thành, chia sẻ 100 phần trăm gen, có nhiều khả năng có cùng kiểu gắn bó hơn những cặp sinh đôi không cùng trứng, chỉ chia sẻ 50 phần trăm gen. Cả cặp song sinh cùng trứng và khác trứng đều được cho là hưởng điều kiện môi trường cơ bản giống nhau. Nói cách khác,gen cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định kiểu gắn bó của chúng ta.
Nhưng mặc dù chúng ta an toàn từ thời thơ ấu, liệu nó có kéo dài đến tuổi trưởng thành không? Để kiểm tra vấn đề này, các nhà nghiên cứu về gắn bó đã đánh giá lại các đối tượng là trẻ sơ sinh trong những năm 1970 và 1980 và bây giờ ở độ tuổi 20. Liệu những người đàn ông và phụ nữ được xếp vào loại an toàn ở thời thơ ấu vẫn tiếp tục trở thành những người lớn an toàn chăng?
Câu trả lời vẫn còn chưa rõ: Ba nghiên cứu không tìm thấy mối tương quan giữa sự gắn bó an toàn ở thời thơ ấu và tuổi trưởng thành, trong khi hai nghiên cứu khác đã tìm thấy mối liên hệ có ý nghĩa về mặt thống kê giữa hai yếu tố đó. Điều rõ ràng là ngay cả khi có mối tương quan giữa kiểu gắn bó từ thời thơ ấu và tuổi trưởng thành, thì nó vẫn là mối tương quan cực yếu
Vậy, kiểu gắn bó an toàn đến từ đâu? Khi có nhiều nghiên cứu hơn, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy kiểu gắn bó an toàn không xuất phát từ một nguồn duy nhất. Phương trình của một phụ huynh biết quan tâm chăm sóc và nhạy cảm sẽ tạo ra một đứa trẻ an toàn suốt cả đời là quá một chiều; thay vào đó dường như là Toàn bộ các yếu tố kết hợp với nhau để tạo ra kiểu gắn bó này: mối quan hệ đầu đời của chúng ta với bố mẹ, gen của chúng ta và một số yếu tố khác trải nghiệm yêu đương của chúng ta ở tuổi trưởng thành.
Trung bình, khoảng 70 đến 75 phần trăm người trưởng thành vẫn giữ kiểu gắn bó tương tự ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời họ, trong khi đó 25 đến 30 phần trăm dân số thông báo về một sự thay đổi trong kiểu gắn bó của họ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự thay đổi này đến các mối quan hệ lãng mạn ở tuổi trưởng thành mạnh mẽ đến nỗi chúng thực sự làm thay đổi những thái độ và niềm tin căn bản nhất của chúng ta đối với sự gắn kết. Vâng, thay đổi đó có thể xảy ra theo cả hai chiều hướng người an toàn có thể trở nên ít an toàn và người ban đầu không an toàn có thể trở nên ngày càng an toàn hơn.
Nếu bạn không phải là người an toàn thì thông tin này rất quan trọng và có thể là tấm vé để có được hạnh phúc trong các mối quan hệ của bạn. Nếu bạn là người an toàn thì bạn nên biết về phát hiện này vì bạn có nhiều thứ để mất khi trở nên kém an toàn.
Kết nối với Khuynh hướng An toàn tạo ra nền tảng an toàn cho người yêu của bạn
Bạn hãy nhớ lại, một trong những vai trò quan trọng nhất của chúng ta trong cuộc đời của nửa kia là mang lại một nền tảng an toàn: tạo ra những điều kiện cho phép người bạn đời của chúng ta theo đuổi sở thích của họ và khám phá thế giới này bằng sự tự tin. Brooke Feeney và Roxanne Thrush của đại học Carnegie Mellon, trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2010, đã phát hiện ra ba hành vi cụ thể làm nền tảng cho thuật ngữ có nghĩa rộng này. Bạn cũng có thể tạo ra một nền tảng an toàn bằng cách áp dụng các hành vi an toàn sau:
- Luôn sẵn sàng: Đáp lại một cách nhạy cảm trước nỗi khổ sở của họ, cho phép họ phụ thuộc vào bạn khi họ cảm thấy cần đến bạn, thỉnh thoảng lại quan tâm đến họ, và mang đến niềm an ủi khi sự việc không suôn sẻ.
- Đừng can thiệp: Âm thầm hỗ trợ những cố gắng của họ. Giúp đỡ theo cách để cho họ chủ động và có cảm giác quyền năng. Cho phép họ làm theo ý họ mà không tìm cách kiểm soát tình hình, theo dõi nhất cử nhất động, hoặc làm suy yếu sự tự tin và năng lực của họ.
- Khuyến khích: động viên và chấp nhận các mục tiêu phát triển bản thân và việc học hỏi của họ. Tăng cường lòng tự trọng của họ.
Không phải tôi, mà chính bạn chọn bạn đời
Nếu bạn có kiểu gắn bó an toàn thì bạn biết cách tránh được nhiều chướng ngại mà những người thuộc kiểu gắn bó khác thấy khó xử lý. Bạn tự nhiên bị hút về phía những ai có khả năng làm bạn hạnh phúc. Không giống như người lo lắng, bạn không để cho một hệ thống gắn bó bị kích hoạt khiến bạn phân tâm bạn không nghiện những cảm giác lên lên xuống (thăng trầm) khi ở bên ai đó thường xuyên khiến bạn phải suy đoán.
Không giống như người né tránh, bạn không bị đánh lạc hướng bởi những ảo tưởng sai lầm về một người nào đó hoàn hảo đang chờ đợi bạn hay “một người tri âm” đã đi xa, và bạn không vô thức viện đến những chiến lược vô hiệu hóa khiến bạn chùn bước sợ hãi khi một ai đó bắt đầu tiến lại gần bạn.
Là một người an toàn, điều ngược lại mới mô tả chính xác về con người bạn, bạn tin rằng ngoài kia có nhiều đối tượng tiềm năng cởi mở trước sự thân mật và sẽ đáp ứng nhu cầu của bạn. Bạn biết rằng trước sau gì mình cũng xứng đáng được yêu thương và coi trọng. Bạn được lập trình để kỳ vọng về điều đó. Nếu có một người gửi đi những tín hiệu không phù hợp với những kỳ vọng đó nếu họ bất nhất, hay thay đổi hoặc hay lảng tránh bạn tự nhiên sẽ mất hứng thú.
Tìm được người yêu phù hợp – Cách an toàn
Các nguyên tắc chúng tôi ủng hộ trong suốt cuốn sách này để tìm kiếm đối tác phù hợp đã được người an toàn áp dụng bằng trực giác. Chúng bao gồm:
- Phát hiện “những màn khói súng” từ rất sớm và coi chúng như những yếu tố dẫn đến quyết định cắt đứt mối quan hệ.
- Thành thật về nhu cầu của bạn ngay từ đầu.
- Tán thành quan điểm cho rằng có nhiều đối tượng tiềm năng (phải, nhiều!) có thể làm bạn hạnh phúc.
- Không bao giờ tự trách bản thân vì hành vi chướng tai gai mắt của người mà bạn hẹn hò. Khi đối phương hành động thiếu suy nghĩ hoặc gây tổn thương, những người an toàn thừa nhận rằng chúng nói lên nhiều điều về đối phương hơn là về bản thân họ.
- Kỳ vọng được đối xử tôn trọng, yêu thương và đàng hoàng.
Điều này có nghĩa là những người an toàn miễn nhiễm trước mọi vấn đề trong mối quan hệ
Những người an toàn không phải lúc nào cũng cặp kè với người an toàn họ hẹn hò và kết hôn với người thuộc cả ba kiểu gắn bó. Tin vui là nếu bạn là người an toàn, bạn có thể hòa hợp được với những người thuộc kiểu gắn bó lo lắng hoặc né tránh nhưng chỉ khi nào bạn có thể duy trì được tinh thần an toàn của bạn. Nếu bạn thấy mình trở nên bớt an toàn đi, bạn sẽ không chỉ đánh mất một món quà vô giá mà bạn còn ít trải nghiệm được niềm vui và sự mãn nguyện trong các mối quan hệ của bạn.
Nếu bạn là người an toàn, một trong những lý do mà bạn có thể duy trì được một mối quan hệ thỏa mãn với một người nào đó thuộc kiểu gắn bó không an toàn là bởi vì anh/cô ấy sẽ dần dần trở nên an toàn hơn nhờ được ở bên bạn. Khi bạn hẹn hò với một người lo lắng, đây thường là kịch bản hay xảy ra nhất.
Một trong những điều mà Mary Ainsworth quan sát thấy trong mối quan hệ giữa người mẹ và em bé thì những bà mẹ an toàn là một giống loài đặc biệt. Chẳng phải tại họ quan tâm đến con cái, hoặc ôm ấp chúng nhiều hơn những bà mẹ của những đứa trẻ lo lắng hoặc né tránh, mà vì họ có vẻ sở hữu được một loại “giác quan thứ sáu” và bằng trực giác biết được khi nào đứa trẻ muốn được ôm ấp.
Họ cảm nhận được nỗi khổ sở của con họ sắp đến và kịp hành động trước khi nó chuyển thành một cơn bùng nổ. Và nếu đứa bé trở nên khó chịu, họ dường như biết cách xoa dịu đứa bé.
Chúng tôi cũng phát hiện thấy hiện tượng này ở những cặp vợ chồng trưởng thành. Những người trưởng thành an toàn một cách tự nhiên biết cách xoa dịu nửa kia của họ và chăm sóc họ đó là một tài năng bẩm sinh.
Nói cách khác, sự nhạy cảm và động viên của những người trưởng thành an toàn có hiệu ứng tương tự lên nửa kia của họ giống như một bà mẹ an toàn ảnh hưởng đến đứa con của cô ấy, đủ để tạo ra một sự chuyển hướng trong kiểu gắn bó của người bạn đời của họ.
Tuy nhiên, có một lời cảnh báo là. Đôi lúc người an toàn, mặc cho tài năng bẩm sinh của họ là tránh được những mối quan hệ có thể không thích hợp và giúp nửa kia của họ trở nên an toàn hơn, có thể thấy mình đang vướng vào những mối quan hệ tồi tệ.
Điều này có thể xảy ra không chỉ khi họ thiếu kinh nghiệm mà còn khi họ đáp lại trước hành vi không thể chấp nhận của người bạn đời của họ bằng cách tiếp tục tin tưởng vào những mặt tốt của đối phương và khoan thứ cho những hành động của họ.
Tin tốt là những người thuộc kiểu gắn bó an toàn có bản năng lành mạnh và thường nắm bắt được từ rất sớm rằng một người nào đó không phù hợp để làm người bạn đời của họ. Tin xấu là khi người an toàn thỉnh thoảng bước vào một mối quan hệ tiêu cực, họ có thể không biết khi nào thì nên từ bỏ đặc biệt nếu đó là một mối quan hệ cam kết, dài hạn mà họ cảm thấy chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của người bạn đời của họ.
Làm sao bạn biết được nếu sự việc đi quá xa?
Nếu bạn là người an toàn nhưng bắt đầu cảm thấy buồn bực, lo lắng hoặc ghen tuông (những đặc điểm của người lo lắng), hay nếu bạn thấy mình suy nghĩ kỹ trước khi bày tỏ cảm xúc của bạn, hoặc trở nên ít tin tưởng hoặc bắt đầu giở trò với nửa kia của bạn (những đặc điểm của người né tránh), đó là một dấu hiệu cảnh báo lớn và khả năng cao là bạn chọn nhầm người hoặc bạn từng trải qua một kinh nghiệm khó khăn làm lung lay cốt lõi nền tảng an toàn của bạn. Những biến cố cuộc đời như mất một người thân yêu, bệnh tật hay ly hôn có thể gây ra sự dịch chuyển như vậy.
Nếu bạn vẫn đang ở trong mối quan hệ, hãy nhớ rằng chỉ vì bạn có thể hòa hợp với bất kỳ ai thì điều đó cũng không có nghĩa rằng bạn cần phải quan hệ tình cảm với họ. Nếu bạn không thấy hạnh phúc sau khi đã thử đủ mọi cách để hàn gắn, bạn có lẽ nên từ bỏ. Chấm dứt một mối quan hệ điên rồ sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho bạn hơn là mắc kẹt suốt đời với nhầm người chỉ vì bạn là người an toàn.
Nếu bạn đã trải qua mất mát một đối tượng gắn bó, vì bất cứ nguyên do nào, hãy nhớ rằng không cần phải đổ lỗi cho thế giới quan của bạn và cũng rất đáng bỏ công để giữ chúng. Bạn tốt hơn là nên tìm cách chữa lành tổn thương và giữ vững niềm hy vọng rằng ngoài kia vẫn còn những người chia sẻ với bạn nhu cầu gần gũi và thân mật. Bạn có thể hạnh phúc trở lại.
Gắn bó lo âu – né tránh
Lý giải kiểu gắn bó lo âu – né tránh
Nhóm người thuộc kiểu gắn bó lo âu – né tránh chắc hẳn đã trải qua những ám ảnh tiêu cực trong tuổi thơ, bao gồm bạo hành hoặc bị bỏ bê nặng nề. Họ tập hợp rất nhiều nỗi sợ hãi từ hai loại rối loạn lo âu và tránh né. Điều này dẫn đến việc khó bắt đầu và chấp nhận quan hệ gần gũi với người khác. Đồng thời cũng rất dễ xảy ra mâu thuẫn trong các mối quan hệ.
Vì thế họ có xu hướng mở lòng với những ai đáp ứng được nhu cầu của mình, tuy nhiên lại lo sợ tổn thương nếu quá gần gũi với người đó. Nói cách khác, người thuộc kiểu gắn bó lo âu – né tránh luôn mong muốn sự an toàn và ổn định từ người khác, đồng thời rất sợ bản thân bám lấy quá sâu vào một mối quan hệ nghiêm túc.
Làm gì để cải thiện kiểu gắn bó lo âu – né tránh?
Nếu bạn là người thuộc kiểu gắn bó lo âu – né tránh trong một mối quan hệ, đừng nản lòng vì bạn có thể bắt đầu học cách thay đổi hành vi, cảm xúc và suy nghĩ. Hãy dành thời gian để nhìn nhận rõ ràng mối quan hệ, sau đó mở lòng, chia sẻ và bộc bạch bản thân với người khác nhiều hơn. Dần dần bạn sẽ thu hẹp khoảng cách, tạo ra sự giao tiếp thân mật và thay đổi tích cực.
Lời kết
Như vậy, Thanh Bình PSY đã dẫn ra các kiểu xu hướng gắn bó trong các mối quan hệ, các dấu hiệu nhận biết của chúng và cách để cải thiện các kiểu gắn bó không lành mạnh, nếu áp dụng và cảm thấy mối quan hệ trở nên tốt hơn thì chúc mừng cho bạn nhé! Và để tìm hiểu sâu hơn về bản thân:
Xem thêm:
- Dịch vụ tham vấn tâm lý online
- Dịch vụ tư vấn tâm lý tại nhà
- Lợi ích khi xây dựng quy trình tuyển dụng nhân sự
- Ngành quản lý nhân sự học ở trường nào tốt?
- Cách xem trộm tin nhắn viber đơn giản
Từ khóa » Gắn Bó Né Tránh
-
Thuyết Gắn Bó Lý Giải Nguyên Nhân Bạn Vẫn Chưa Có Mối Quan Hệ ...
-
Kiểu Gắn Bó Của Bạn ảnh Hưởng đến Chuyện Tình Cảm Như Thế Nào?
-
Thuyết Gắn Bó - Tâm Lý Học Tội Phạm
-
Thuyết Gắn Bó: Kiểu Tính Cách Né Tránh Ảnh Hưởng Đến Mối ...
-
LÀM THẾ NÀO ĐỂ THAY ĐỔI PHONG CÁCH GẮN BÓ VÀ MỐI ...
-
Để Thành Công Và Thấu Hiểu Trong Các Mối Quan Hệ: Thuyết Gắn Bó
-
Thuyết Gắn Bó: 4 Kiểu Gắn Bó Về Cảm Xúc Của Con Người
-
Kiểu Gắn Bó ảnh Hưởng Tới Mối Quan Hệ Của Chúng Ta Như Thế Nào?
-
HỌC THUYẾT GẮN BÓ VÀ BA LOẠI NGƯỜI CÓ XU HƯỚNG GẮN ...
-
Kiểu Gắn Bó Của Bạn ảnh Hưởng đến đời Sống Tình Dục Như Thế Nào?
-
Thuyết Gắn Bó: Kiểu Tính Cách Né Tránh Ảnh Hưởng Đến Mối ...
-
Tìm Hiểu Về Lý Thuyết Gắn Bó – Kiểu Gắn Bó Của Bạn định Hình Tình ...
-
[ToMo] Kiểu Gắn Bó Nói Lên Điều Gì Về Con Người Và Mối Quan ...
-
Thuyết Gắn Bó Là Gì? Vì Sao Cần Nhận Biết Kiểu Gắn Bó Của Mình ...