Thuyết Gắn Bó - Tâm Lý Học Tội Phạm

Thuyết gắn bó là một mảng của tâm lý học miêu tả bản chất của sự gắn bó về mặt cảm xúc giữa con người với nhau. Điều này bắt đầu khi chúng ta còn bé thơ cùng sự gắn bó với bố mẹ. Bản chất của sự gắn bó này và việc nó được ấp ủ, quan tâm như thế nào sẽ quyết định bản chất của sự gắn bó với người bạn đời của chúng ta trong cuộc sống sau này.

Thuyết gắn bó khởi nguồn từ những năm 1950 và từ đó đã tích lũy được một lượng nghiên cứu khá đồ sộ. Hai nhà nghiên cứu Bowlby và Ainsworth mỗi người đã độc lập phát hiện ra bản chất của việc nhu cầu của đứa trẻ được đáp ứng bởi bố mẹ sẽ quyết định “chiến lược gắn bó” của đứa trẻ ấy trong suốt quãng đời của mình1. Chiến lược gắn bó của bạn có thể giải thích được tại sao các mối quan hệ của bạn lại thành công/thất bại như thế, tại sao bạn lại bị hấp dẫn bởi người hấp dẫn bạn, và bản chất của các vấn đề mà bạn cứ gặp hết lần này đến lần khác trong các mối quan hệ của mình.

CÁC KIỂU GẮN BÓ

Theo các nhà tâm lý học, có bốn chiến lược gắn bó mà con người có: An toàn (secure), Lo âu(anxious), Né tránh (avoidant), và Lo âu – Né tránh (anxious-avoidant).2

1. AN TOÀN

Những người có chiến lược gắn bó an toàn sẽ thoải mái khi thể hiện sự quan tâm và tình cảm của mình. Họ cũng thoải mái khi ở một mình và độc lập. Họ có thể sắp xếp sự ưu tiên cho những mối quan hệ trong cuộc sống một cách đúng đắn, thường vạch ra những giới hạn và tuân theo chúng. Kiểu gắn bó an toàn rõ ràng là tạo nên những người bạn đời, thành viên gia đình và cả người bạn lý tưởng nhất. Họ có thể chấp nhận sự từ chối và vượt qua nỗi đau, nhưng cũng có thể trung thành và hy sinh khi cần thiết. Họ luôn tin tưởng những người thân cận, và bản thân họ cũng là những người đáng tin cậy. Nghiên cứu cho thấy, hơn 50% dân số thuộc kiểu gắn bó an toàn3. Gắn bó an toàn được hình thành từ thời thơ ấu của những đứa trẻ thường xuyên được đáp ứng các nhu cầu, cũng như nhận được đầy đủ tình cảm và yêu thương.

Anxious type

2. LO ÂU

Người thuộc kiểu gắn bó lo âu thường bồn chồn và áp lực với những mối quan hệ của mình. Họ cần những sự bảo đảm liên tục từ đối phương. Họ gặp khó khăn khi ở một mình hay độc thân. Họ thường dính vào những mối quan hệ không lành mạnh hay bạo hành. Họ không dễ tin tưởng người khác, ngay cả những người thân cận. Hành vi của họ có thể trở nên mất lý trí, rời rạc, xúc động mạnh và phàn nàn rằng tất cả những người khác giới đều lạnh lùng và vô tâm. Đây là cô gái sẽ gọi cho bạn 36 lần một đêm vì lo ngại tại sao bạn không gọi lại cho cô ấy. Hoặc là chàng trai đi theo bạn gái đến chỗ làm chỉ để chắc chắn rằng cô ấy không tán tỉnh người đàn ông khác. Phái nữ dễ thuộc kiểu lo âu hơn phái nam. Chiến lược gắn bó lo âu hình thành từ thời thơ ấu của những đứa trẻ thiếu hụt tình yêu thương và sự quan tâm.

Avoidant type

3. NÉ TRÁNH

Người thuộc kiểu gắn bó né tránh cực kỳ độc lập, tự cường, và thường không thích sự thân mật. Họ sợ những mối ràng buộc và rất giỏi dùng lý trí để thoát khỏi những tình huống thân mật. Họ thường phàn nàn về việc cảm thấy “đông đúc” và “ngột ngạt” khi người khác cố tiếp cận họ. Trong tất cả các mối quan hệ, họ luôn có một đường rút. Luôn có. Và họ thường xây dựng lối sống theo cách có thể né tránh ràng buộc hoặc quá nhiều thân mật. Đây là người đàn ông làm việc 80 tiếng một tuần và cảm thấy phiền phức khi người phụ nữ anh ta hẹn hò muốn gặp mặt nhiều hơn một lần vào cuối tuần. Hoặc cô gái hẹn họ với cả tá chàng trai cả năm trời nhưng lại nói rằng không muốn có “điều gì nghiêm túc” và cuối cùng lại đá họ khi cô đã thấy chán. Phái nam dễ thuộc kiểu né tránh hơn phái nữ. Chiến lược gắn bó né tránh được hình thành từ thời thơ ấu của những đứa trẻ chỉ được đáp ứng nhu cầu khi những nhu cầu khác bị bỏ bê (ví dụ, họ được cho ăn thường xuyên, nhưng không được bế ẵm đầy đủ).

4. LO ÂU-NÉ TRÁNH

Kiểu gắn bó lo âu-né tránh (hay còn gọi là “kiểu sợ sệt”) là tập hợp những điều tồi tệ nhất của hai kiểu kể trên. Những người lo âu-né tránh không chỉ sợ thân mật và ràng buộc, mà họ còn nghi ngờ thậm chí chửi mắng bất cứ ai cố gắng tiếp cận họ. Người lo âu-né tránh thường dành phần lớn thời gian ở một mình và khốn khổ, hoặc chịu đựng những mối quan hệ bạo hành hay lệch lạc. Theo nghiên cứu, chỉ một phần nhỏ dân số được xem là có kiểu lo âu-né tránh, và họ thường có vô số các vấn đề tâm lý khác trong những mảng khác của cuộc sống (ví dụ, bạo hành vật chất, trầm cảm, vân vân4). Kiểu lo âu-né tránh hình thành từ một tuổi thơ bị bạo hành và bỏ bê nặng nề.

Cũng như đa số hình mẫu tâm lý học khác, những kiểu gắn bó này không chỉ đi một mình, mà có bản chất vô hướng và có phần độc lập. Ví dụ, theo như quyền sách Attached (Gắn bó) của Amir Levie và Rachel Heller, tôi có 75% an toàn, 90% né tránh, và 10% lo âu. Và tôi đoán là 3-5 năm trước, mức an toàn thấp hơn và mức lo âu cao hơn, trong khi mức né tránh của tôi luôn gần tuyệt đối như vậy (bất kỳ bạn gái cũa nào của tôi cũng sẽ nói thế).

Vấn đề là, bạn có thể phô bày những tính chất của nhiều hơn một chiến lược tùy vào tình huống và tần suất khác nhau. Tuy mỗi người đều có một chiến lược trội. Vì vậy kiểu “an toàn” vẫn sẽ có những hành vi né tránh hay lo âu, kiểu “lo âu” đôi lúc sẽ có những hành vi an toàn, và tương tự thế. Không có ai là hoàn toàn một kiểu, cũng không có ai không thuộc kiểu nào. Cả hai kiểu lo âu và né tránh đều sẽ có một mức điểm an toàn nhất định. Nhưng người lo âu-né tránh sẽ có mức lo âu và né tránh cao còn mức điểm an toàn thấp.

HÌNH THÀNH MỐI QUAN HỆ

Những kiểu gắn bó khác nhau thường xây dựng những mối quan hệ mà ta có thể đoán biết được. Kiểu an toàn có thể hẹn hò (hoặc đối phó, tùy vào góc nhìn của bạn) cả hai kiểu lo âu và né tránh. Họ đủ thoải mái với bản thân để cho kiểu lo âu sự đảm bảo mà họ cần và cho kiểu né tránh không gian mà họ không cảm thấy bị đe dọa.

Kiểu người lo âu và né tránh thường sẽ đến với nhau, hơn là đến với người cùng kiểu với mình5. Nghe có vẻ phản trực giác, nhưng có một logic đằng sau nghịch lý này. Kiểu người né tránh quá giỏi trong việc từ chối người khác nên chỉ có kiểu người lo âu là sẵn sàng níu kéo và cố gắng khiến đối phương mở lòng. Ví dụ, một người đàn ông né tránh có thể lẩn trốn thành công một người phụ nữ an toàn đang có mong muốn gia tăng sự thân mật. Sau đó, người phụ nữ an toàn sẽ chấp nhận sự từ chối và rời khỏi. Nhưng một người phụ nữ lo âu chỉ càng quyết tâm hơn đối với người đàn ông muốn đẩy cô ấy ra. Cô ấy sẽ gọi cho anh ta cả tuần hay cả tháng liền cho đến khi anh ta đầu hàng và ràng buộc với mình. Điều này cho người đàn ông né tránh đủ sự đảm bảo mà anh ta cần để hành xử độc lập và người phụ nữ lo âu sẽ luôn ở bên chờ đợi anh ta. Thường những mối quan hệ này có phần lệch lạc vì họ sẽ trở thành mối quan hệ người đeo đuổi-người bị đeo đuổi, điều mà cả hai kiểu lo âu và né tránh cần để cảm thấy thoải mái với sự thân mật.

Relationship dynamics between an avoidant and an anxious type.

Người lo âu-né tránh chỉ hẹn hò với nhau hoặc với người ít an toàn nhất trong hai kiểu lo âu và né tránh. Những mối quan hệ này rất lộn xộn, nếu không muốn nói là hoàn toàn bạo hành hoặc thờ ơ.

Tất cả điều trên dẫn đến, cũng là điều tôi kết luận trong quyển sách của tôi, trong những mối quan hệ, không an toàn tìm đến với không an toàn và an toàn tìm đến với an toàn, dù cho những người không an toàn ấy cũng không hoàn toàn giống nhau. Nói trắng ra, tôi muốn nói với những chàng trai email cho tôi phàn nàn về việc tất cả các cô gái họ gặp đều không an toàn, hoặc không biết tin tưởng, hoặc luôn cần được quan tâm và thích quản việc… có thể nói tôi có tin xấu cho các bạn đấy.

NHẬN BIẾT VÀ THAY ĐỔI KIỂU GẮN BÓ CỦA BẠN

Nếu bạn chưa biết kiểu gắn bó của bạn là gì và muốn kiểm tra, bạn có thể thử bài trắc nghiệm này. Xin lưu ý là kết quả của tôi trong phiên bản online có hơi khác với kết quả mà tôi đã làm thử trong quyển sách đã nêu trên. Trên bản online, tôi là một người trội về an toàn và có chút ít né tránh. Trong quyển sách, tôi là người trội về né tránh và có chút ít an toàn.

Nếu bạn không muốn làm trắc nghiệm (mất khoảng 5-10 phút), nội dung chính của việc này là: nếu bạn luôn muốn né tránh ràng buộc, né tránh bạn đời, gạt họ ra rìa, hoặc không chia sẻ gì với họ, thì bạn có thể thuộc kiểu né tránh. Nếu bạn luôn lo lắng về người bạn đời của mình, cảm giác họ không thích bạn nhiều như bạn thích họ, muốn gặp họ 24/7, luôn cần những sự đảm bảo từ họ, có thể bạn thuộc kiểu lo âu. Nếu bạn thoải mái khi hẹn hò, thân mật và có thể vạch ra những ranh giới rõ ràng trong các mối quan hệ, nhưng cũng không ngại ở một mình, có thể bạn thuộc kiểu an toàn.

Tin tốt là kiểu gắn bó của bạn có thể thay đổi theo thời gian – dù khá chậm và khó khăn.

Nghiên cứu cho thấy người lo âu hoặc né tránh khi có mối quan hệ dài hạn với một người an toàn có thể “được nâng lên” mức an toàn sau một thời gian tương đối. Tuy nhiên, người lo âu hay né tránh cũng có thể “hạ mức” an toàn của người khác xuống mức của họ nếu không cẩn thận. Ngoài ra, những sự kiện tiêu cực cực độ, như là ly hôn, con cái chết, tai nạn nghiêm trọng, và những điều tương tự, có thể khiến người an toàn trở thành kiểu kém an toàn hơn.6

Ví dụ, một người đàn ông an toàn, cưới một cô gái lo âu, nâng cô ấy lên một mức an toàn hơn, nhưng khi họ gặp vấn đề tiền bạc cô ấy trở lại mức lo âu, lừa dối chồng và ly hôn để lấy tiền của anh ta, khiến anh ta trở thành kiểu né tránh. Anh ta bắt đầu thờ ơ chuyện thân mật và chơi-và-đá phụ nữ suốt 10 năm sau, luôn sợ phải thân thiết với bất kỳ ai.

Nếu bạn đang bắt đầu nghĩ rằng hành vi lo âu và/hay né tránh tương đương với hội chứng giả alpha và một số hành vi thiếu an toàn khác mà tôi miêu tả về đàn ông trong quyển sách của tôi, thì bạn nghĩ đúng rồi đấy. Kiểu gắn bó của chúng ta liên hệ mật thiết với sự tự tin vào bản thân và người khác.

Nhà tâm lý học Bartholomew và Horowitz đã đưa ra giả thuyết về một mô hình cho thấy chiến lược gắn bó của một người tương đương với mức độ tích cực/tiêu cực trong hình ảnh bản thân, và mực độ tích cực/tiêu cực trong hình ảnh của người khác.7

Security-based strategy of affect regulation.

Người an toàn có hình ảnh bản thân tích cực và nhận thức tích cực về người khác. Người lo âu có hình ảnh bản thân tiêu cực, nhưng nhận thức tích cực về người khác (dẫn đến hành vi cần sự quan tâm của mình). Người né tránh có hình ảnh bản thân tích cực và nhận thức tiêu cực về người khác (dẫn đến tính kiêu ngạo và sự ràng buộc), và người lo âu-né tránh có nhận thức tiêu cực về tất cả mọi thứ và tất cả mọi người (dẫn đến việc mất khả năng hoạt động trong các mối quan hệ).

Sử dụng mô hình này như một bản đồ, một người có thể bắt đầu điều hướng bản thân trở thành kiểu gắn bó an toàn hơn. Kiểu người lo âu có thể phát triển bản thân, tạo những ranh giới lành mạnh và nuôi dưỡng hình ảnh cá nhân lành mạnh. Lời khuyên hẹn hò tôi thường dùng nhất cho đàn ông là tìm điều gì đó mà họ giỏi và đam mê để làm một điểm trọng tâm của cuộc sống, thay vì là phụ nữ. Kiểu người né tránh có thể cố gắng mở lòng mình hơn với người khác, và làm giàu các mối quan hệ thông qua việc chia sẻ bản thân nhiều hơn. Một lời khuyên khác tôi cũng rất thường dùng với đàn ông là trách nhiệm của bạn là tìm một điều gì đó tốt đẹp ở tất cả những ai bạn gặp. Họ không có bổn phận phải cho bạn thấy. Hãy tò mò. Ngưng đánh giá.

Và tất nhiên, một số các bạn đọc bài này và nghĩ, “Tôi thích ở một mình và được ngủ với bất kỳ ai tôi muốn. Tôi sẽ không thay đổi gì cả.” Đung vậy – rất nhiều người có cuộc sống hạnh phúc, thành đạt dù là kiểu người né tránh hay lo âu. Nhưng nghiên cứu cho thấy người an toàn luôn hạnh phúc hơn và cảm thấy được hỗ trợ nhiều hơn8, ít nguy cơ bị trầm cảm hơn9, khỏe mạnh hơn10, gìn giữ được những mối quan hệ ổn định hơn, và trở nên thành công hơn11 những kiểu còn lại. Và tôi có thể đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân, tôi cảm thấy bản thân đã vượt khỏi kiểu gắn bó né tránh nặng nề (và một chút lo âu) để trở nên kiểu người an toàn hơn trong sáu năm làm việc với chính mình trong lĩnh vực này. Và tôi có thể rành mạch khẳng định rằng tôi hiện tại hạnh phúc hơn và có mối quan hệ đủ đầy hơn với những người phụ nữ tôi hẹn hò so với tôi trong quá khứ. Tôi không muốn đánh đối điều này với bất kỳ thứ gì cả.

Tìm đọc thêm về các kiểu gắn bó trong cuốn sách Gắn bó yêu thương - tác giả Amir Levine,

Rachel S.F. Heller

Bản Anh: Attached: The New Science of Adult Attachment and How It Can Help You Find—and Keep—Love (cuốn sách nhận được hơn 32 ngàn rating trên Goodread)

Tâm Lý học về Rối loạn nhân cách tránh né

https://shopee.vn/product/45194730/10292013551?af_click_lookback=7d&af_reengagement_window=7d&af_siteid=an_17333070010&af_sub_siteid=product&af_viewthrough_lookback=1d&c=-&d_id=944cc&is_retargeting=true&pid=affiliates&smtt=0.29643307-1656321861.9&utm_campaign=-&utm_content=product&utm_medium=affiliates&utm_source=an_17333070010&utm_term=7m3xeud5rimd

Chú thích

  1. Ainsworth, M. S., & Bowlby, J. (1991). An ethological approach to personality development. American Psychologist, 46(4), 333.↵
  2. Bartholomew, K., Kwong, M. J., & Hart, S. D. (2001). Attachment. In Handbook of personality disorders: Theory, research, and treatment (pp. 196–230). New York, NY, US: Guilford Press.↵
  3. Mickelson, K. D., Kessler, R. C., & Shaver, P. R. (1997). Adult attachment in a nationally representative sample. Journal of Personality and Social Psychology, 73(5), 1092.↵
  4. Caspers, K. M., Yucuis, R., Troutman, B., & Spinks, R. (2006). Attachment as an organizer of behavior: implications for substance abuse problems and willingness to seek treatment. Substance Abuse Treatment, Prevention, and Policy, 1(1), 32.↵
  5. Kirkpatrick, L. A., & Davis, K. E. (1994). Attachment style, gender, and relationship stability: A longitudinal analysis. Journal of Personality and Social Psychology, 66(3), 502–512.↵
  6. Davila, J., Burge, D., & Hammen, C. (1997). Why does attachment style change? Journal of Personality and Social Psychology, 73(4), 826–838.↵
  7. Bartholomew, K., & Horowitz, L. M. (1991). Attachment styles among young adults: a test of a four-category model. Journal of Personality and Social Psychology, 61(2), 226.↵
  8. Ognibene, T. C., & Collins, N. L. (1998). Adult attachment styles, perceived social support and coping strategies. Journal of Social and Personal Relationships, 15(3), 323–345.↵
  9. Roberts, J. E., Gotlib, I. H., & Kassel, J. D. (1996). Adult attachment security and symptoms of depression: The mediating roles of dysfunctional attitudes and low self-esteem. Journal of Personality and Social Psychology, 70(2), 310–320.↵
  10. Feeney, J. A. (2000). Implications of attachment style for patterns of health and illness. Child: Care, Health & Development, 26(4), 277–288.↵
  11. Blustein, D. L., Prezioso, M. S., & Schultheiss, D. P. (1995). Attachment Theory and Career Development: Current Status and Future Directions. The Counseling Psychologist, 23(3), 416–432.↵

Dịch: Hồng Phương

Nguồn: https://markmanson.net/attachment-theory

Từ khóa » Gắn Bó Né Tránh