Không Có Tiêu đề
Có thể bạn quan tâm
Dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường: "Chìa khóa" để thành công
Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) và “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, ngành GD và ĐT tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, đặc biệt là môn ngoại ngữ (tiếng Anh) ở tất cả các cấp học, bậc học, tạo hiệu ứng tích cực cho giáo dục ngoại ngữ của tỉnh.
Một giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài của học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Nam Định). |
Để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường học, Sở GD và ĐT chỉ đạo các nhà trường tích cực triển khai giảng dạy Chương trình tiếng Anh 10 năm để bảo đảm tính liên thông toàn cấp học; kết hợp thực hiện hiệu quả “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025”. Toàn ngành GD và ĐT tiếp tục hợp tác với Hội đồng Anh và các tổ chức quốc tế để bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh; duy trì ổn định và phát huy hiệu quả của việc dạy tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài; phối hợp với các tổ chức quốc tế đánh giá năng lực ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế; đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh theo chuẩn đầu ra; tiếp tục thí điểm dạy toán, các môn khoa học tự nhiên (KHTN), khoa học xã hội (KHXH) bằng tiếng Anh; khuyến khích các nhà trường tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc thi dùng tiếng Anh do các tổ chức giáo dục quốc tế chủ trì như HOMC, ASMO, STEM; xây dựng các đơn vị điển hình về dạy và học ngoại ngữ làm nền tảng cơ bản để học tốt tiếng Anh tại các cấp học tiếp theo...
Trường THCS Đào Sư Tích (Trực Ninh) là trường được chọn xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao của tỉnh, cũng là đơn vị được chọn thực hiện Đề án “Thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định giai đoạn 2015-2020”, sau khi thực hiện Chương trình tiếng Anh 10 năm theo chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, chất lượng dạy và học tiếng Anh của nhà trường đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Cũng như các trường THCS được chọn xây dựng trường chất lượng cao khác, hàng năm học sinh của trường được tuyển từ các trường tiểu học toàn huyện nên trình độ tiếng Anh của học sinh không đồng đều, dẫn đến việc giảng dạy ban đầu gặp khó khăn. Một số phụ huynh học sinh chưa hiểu rõ việc giảng dạy tiếng Anh có yếu tố nước ngoài có tác dụng như thế nào, trong khi điều kiện kinh tế khó khăn do ở địa bàn nông thôn; việc tổ chức giảng dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh gặp khó khăn vì giáo viên không được đào tạo tiếng Anh chuyên ngành. Trước những khó khăn trên, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể; trong đó, tập trung tuyên truyền cho giáo viên, học sinh và phụ huynh về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc dạy và học tiếng Anh; nâng cao năng lực trình độ của giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn và trên chuẩn, cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn do Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT, Phòng GD và ĐT tổ chức; tổ chức các chương trình ngoại khóa (CLB tiếng Anh, Hùng biện tiếng Anh) vào thứ 2 hàng tuần; tổ chức giảng dạy môn Toán bằng tiếng Anh; tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá theo phương pháp mới; mua sắm tài liệu, học liệu và thiết bị thiết yếu phục vụ dạy và học tiếng Anh; hợp tác với Trung tâm Anh ngữ quốc tế đưa người nước ngoài về dạy... Bản thân mỗi giáo viên cũng không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy để đạt hiệu quả tốt nhất. Từ khi triển khai đưa chương trình tiếng Anh mới vào giảng dạy, chất lượng dạy và học tiếng Anh của nhà trường ngày càng nâng cao và ổn định. Chất lượng thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh và Hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh luôn xếp trong tốp đầu các trường THCS trong toàn tỉnh. Đặc biệt, kết quả thi Toán bằng tiếng Anh của nhà trường nhiều năm đạt tốp đầu tỉnh, các cuộc thi HOMC, SEAMO tổ chức hàng năm, trường có nhiều học sinh đoạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng. Đặc biệt, tại kỳ thi SEAMO vòng I năm 2019, trường có 3 Huy chương Vàng, 10 Huy chương Bạc và 15 Huy chương Đồng.
Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Nam Định) được Sở GD và ĐT chọn xây dựng đơn vị điển hình về dạy và học ngoại ngữ cấp Tiểu học của tỉnh từ năm học 2015-2016. Cùng với đổi mới hình thức, nội dung dạy học; sử dụng trang thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ và phương pháp giảng dạy học sinh đạt chuẩn năng lực đầu ra theo quy định của Bộ GD và ĐT; nhà trường đã mở rộng mô hình dạy và học ngoại ngữ cho 100% học sinh các khối lớp của trường. Từ năm học 2015-2016, nhà trường triển khai dạy học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài cho riêng khối lớp 1, 2 bằng hình thức xã hội hóa. Qua đó, học sinh được trang bị những kiến thức cơ bản, cần thiết về ngoại ngữ ngay từ những ngày đầu đến lớp. Các năm học tiếp theo nhà trường mở rộng ra phạm vi toàn trường. Để quản lý dạy và học tiếng Anh hiệu quả, Ban giám hiệu tổ chức cho giáo viên tiếng Anh của trường và đơn vị liên kết giảng dạy tổ chức dự giờ, trao đổi chuyên môn; yêu cầu trung tâm lên kế hoạch dạy cụ thể theo tiết, tuần, tháng và học kỳ; thường xuyên giám sát, theo dõi giáo viên dạy, giáo viên trợ giảng về ý thức, tinh thần, nội dung và hình thức lên lớp; tổ chức củng cố và nâng cao năng lực cho giáo viên tiếng Anh của trường về trình độ phát âm chuẩn, tránh “chênh” khi phát âm với người nước ngoài; tổ chức cho các khối lớp 3, 4, 5 học tiếng Anh 4 tiết/tuần với giáo viên của trường để củng cố các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh, từ đó “lưng vốn” về tiếng Anh của học sinh cũng dồi dào, làm nền tảng cơ bản để học tốt tiếng Anh tại cấp THCS.
Đến nay, việc thực hiện Chương trình tiếng Anh 10 năm tại các trường học trên địa bàn tỉnh đã đạt mục tiêu đề ra với 100% trường THCS, THPT với trên 73 nghìn học sinh tham gia. Cùng với việc thực hiện Chương trình tiếng Anh 10 năm, việc triển khai dạy tiếng Anh có yếu tố nước ngoài cũng được các nhà trường chú trọng nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng nghe - nói, phát âm chuẩn cho học sinh. Nhiều sân chơi tiếng Anh được tổ chức hiệu quả cho học sinh như Câu lạc bộ tiếng Anh trong nhà trường; tổ chức thi Hùng biện tiếng Anh; dạ hội, hội chợ, giao lưu bằng tiếng Anh..., qua đó phát huy khả năng giao tiếp, nghe, nói bằng tiếng Anh của học sinh. Chất lượng dạy và học tiếng Anh ở các trường có biến chuyển mạnh mẽ cả về chất lượng đại trà và mũi nhọn, kết quả các kỳ thi THPT quốc gia môn tiếng Anh tỉnh ta được cải thiện theo từng năm. Cụ thể: Điểm trung bình thi THPT quốc gia môn tiếng Anh được cải thiện theo từng năm: Năm 2016, xếp thứ 16; năm 2017 vươn lên thứ 9; năm 2018 đứng thứ 5; năm 2019 đứng thứ 6; năm 2020 đứng thứ 5 toàn quốc. Điểm trung bình thi Hùng biện tiếng Anh vòng chung kết cấp tỉnh hàng năm tăng rõ rệt. Trong Hội thi Hùng biện tiếng Anh toàn tỉnh năm học 2020-2021 có 390 học sinh tham dự, trong đó 196 em xuất sắc được chọn tham dự vòng chung kết. Kết quả có 21 giải Nhất, 54 giải Nhì, 61 giải Ba, 59 giải Khuyến khích.
Từ kinh nghiệm của các trường thành công trong dạy và học tiếng Anh cho thấy “chìa khóa” đi đến thành công chính là có kế hoạch cụ thể trong việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường; tạo điều kiện tốt để các trường tổ chức giảng dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ không chỉ cho giáo viên tiếng Anh mà còn cho giáo viên dạy Toán bằng tiếng Anh và các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội bằng tiếng Anh; liên kết với các trung tâm Anh ngữ có uy tín để mời giáo viên nước ngoài có năng lực, trình độ, có kỹ năng sư phạm tốt, vì đây là yếu tố quyết định đến sự yêu thích, tạo động lực cho việc học môn tiếng Anh của học sinh; tạo điều kiện cho học sinh tham gia nhiều “sân chơi” tiếng Anh; chương trình tài liệu giảng dạy cần có phần nâng cao để phù hợp với từng đối tượng học sinh, đặc biệt là học sinh giỏi, ngoài nguồn tài liệu sách đã được Sở GD và ĐT phê duyệt. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ; tiếp tục xây dựng và nhân rộng những điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ; thực hiện đổi mới chương trình, thi và kiểm tra, đánh giá; tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh và năng lực giao tiếp, nhất là đối với học sinh trường chuyên và những trường điển hình về dạy học ngoại ngữ./.
baonamdinh.com.vn
Từ khóa » Trình độ Không đồng đều Tiếng Anh Là Gì
-
KHÔNG ĐỒNG ĐỀU Tiếng Anh Là Gì - Trong Tiếng Anh Dịch - Tr-ex
-
Không đồng đều In English - Vietnamese-English Dictionary | Glosbe
-
Phép Tịnh Tiến Không đồng đều Thành Tiếng Anh | Glosbe
-
"không đồng đều" Tiếng Anh Là Gì? - EnglishTestStore
-
"chất Lượng Không đồng đều" Tiếng Anh Là Gì? - EnglishTestStore
-
Dạy Tiếng Anh ở Các Lớp Có Trình độ Không đồng đều - TailieuXANH
-
Dạy Tiếng Anh ở Các Lớp Có Trình độ Không đồng đều - TaiLieu.VN
-
Những điều Cần Lưu ý Khi Dạy Tiếng Anh Trong Các Lớp Học Lớn
-
Phương Pháp Giúp Bạn Cải Thiện Bốn Kỹ Năng Tiếng Anh Hiệu Quả
-
Tiếng Anh – Wikipedia Tiếng Việt
-
ĐHQGHN: Chưa Giỏi Tiếng Anh Có Vào Học được ở Khoa Quốc Tế
-
Phân Bổ Thời Gian Tự Học IELTS Hiệu Quả Cho Người đi Làm - VUS