Không Thể Xuyên Tạc, Phủ Nhận Tầm Vóc, ý Nghĩa Và Giá Trị Ngày ...
Có thể bạn quan tâm
Xuyên tạc, phủ nhận Ngày Chiến thắng 30/4/1975 là thủ đoạn quen thuộc mà các thế lực thù địch thường đẩy mạnh mỗi khi tháng Tư hằng năm về, nhằm hạ thấp tầm vóc, ý nghĩa và giá trị cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Tuy nhiên, đó chỉ là những tiếng nói lạc lõng.
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm (1954 - 1975). Kể từ đó, ngày 30/4 hằng năm trở thành ngày lễ chính thức của nhân dân Việt Nam, được đặt tên là Ngày Chiến thắng, hoặc Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Nhân dịp sự kiện lịch sử trọng đại này, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thường tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm. Thế nhưng, như đã thành thông lệ, đến thời gian này, một số đối tượng chống cộng cực đoan ở hải ngoại lại tung ra các bài viết, trả lời phỏng vấn với cách nhìn sai lệch, hằn học về Ngày 30/4/1975. Họ gọi cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 là “cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc”; gọi ngày 30/4/1975 là “Ngày Quốc hận” và tháng 4/1975 là “Tháng tư đen”,… nhằm xuyên tạc tính chất, phủ nhận tầm vóc, ý nghĩa và giá trị cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, kích động sự thù hận còn đọng lại trong một bộ phận người vẫn luyến tiếc thân phận làm tay sai cho đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, đó chỉ là những tiếng nói lạc lõng, không che lấp được tầm vóc, ý nghĩa và giá trị của Ngày Chiến thắng 30/4.
Về tính chất của cuộc chiến tranh (1954 -1975) ở Việt Nam, tất cả những bằng chứng lịch sử đều khẳng định rằng, đây là cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do đế quốc Mỹ tiến hành. Âm mưu của đế quốc Mỹ là nhằm “Tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước của nhân dân ta, thôn tính miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, lập phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam châu Á; đồng thời, lấy miền Nam làm căn cứ tiến công miền Bắc, tiền đồn của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới ở Đông Nam châu Á, hòng đè bẹp và đẩy lùi chủ nghĩa xã hội ở vùng này, bao vây và uy hiếp các nước xã hội chủ nghĩa khác”1. Để thực hiện âm mưu đó, đế quốc Mỹ đã tiêu tốn 676 tỉ USD, “huy động lúc cao nhất tới 70% lục quân, 60% lính thủy đánh bộ, 40% hải quân, 60% không quân”2; có lúc hơn nửa triệu quân Mỹ hiện diện trên chiến trường miền Nam Việt Nam (chưa kể quân của một số nước đồng minh), cùng các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất được huy động để chống lại nhân dân Việt Nam. Những cứ liệu đó đã bóc trần sự xuyên tạc của luận điểm cho rằng: “đây là cuộc nội chiến của những người Việt Nam với nhau”. Nhiều học giả phương Tây, chính khách Hoa Kỳ và những người từng phục vụ trong chế độ Sài gòn cũng bác bỏ luận điểm đó. Tác giả cuốn sách Chiến tranh Việt Nam và văn hóa Mỹ (xuất bản năm 1991 tại Mỹ) đã khẳng định rằng: “Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng Nam Việt Nam”3. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, đã thừa nhận: “Chúng ta đã sai lầm. Việc đưa các lực lượng quân sự Mỹ vào Việt Nam là biện pháp giải quyết tồi nhất”. Còn giáo sư Trần Chung Ngọc - cựu sĩ quan quân đội Sài Gòn thẳng thắn chỉ ra: “Với những hiểu biết mới về cuộc chiến thì chúng ta đã rõ, cuộc chiến hậu Geneva là cuộc chiến chống xâm lăng của Mỹ, Mỹ xâm lăng vì cái thuyết Đomino sai lầm,… Đây là kết luận của các học giả Tây phương, xét theo những sự kiện lịch sử chứ không xét theo cảm tính phe phái”4. Ngay Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ cũng thừa nhận: “Đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ. Mỹ luôn luôn đứng ra trước sân khấu làm “kép nhất”, và chúng tôi chỉ là những kẻ đánh thuê”5. Chỉ cần bằng vài cứ liệu lịch sử nói trên cũng có thể khẳng định: cuộc chiến từ năm 1954 đến năm 1975 ở Việt Nam không phải là “nội chiến”, mà là cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ. Cuộc kháng chiến đó đã giành được thắng lợi trọn vẹn vào ngày 30/4/1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Xe tăng của Quân đội ta tiến vào Dinh độc lập, ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu |
Về tầm vóc, ý nghĩa và giá trị của Ngày Chiến thắng 30/4/1975, tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam coi đó là một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, mở ra một thời kỳ phát triển mới, rực rỡ hơn cho đất nước; không phải là “Tháng tư đen” hay “ngày Quốc hận” như sự than vãn của một nhúm người chống cộng cực đoan ở hải ngoại. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với thắng lợi quyết định vào ngày 30/4/1975 có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, hòa bình cho đất nước, đồng thời có ý nghĩa tầm vóc thời đại. Đánh giá tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng 30/4, Đại hội lần thứ IV của Đảng ta đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”6.
Đối với cách mạng Việt Nam: đó là thắng lợi to lớn nhất, trọn vẹn nhất, vĩ đại nhất trong hành trình thực hiện mục tiêu cách mạng do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc. Nhân dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất trong thế kỷ XX của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho đất nước; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; hoàn thành về cơ bản cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước; mở ra thời kỳ phát triển mới của dân tộc - thời kỳ Tổ quốc ta được hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối, cả nước được sống trong hòa bình, tự do để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với thắng lợi này, Đảng và nhân dân ta có điều kiện tập trung mọi nguồn lực vật chất và tinh thần để tiến hành sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Có thể nói rằng, không có Chiến thắng 30/4, chúng ta không có công cuộc đổi mới hiện nay, không có điều kiện để tập trung tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong gần 50 năm qua. Ngày nay, đất nước đã thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước vào năm 2020 đã đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư trong ASEAN. Từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, phải nhập khẩu lương thực, ngày nay nước ta đã trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng nông sản (cà phê, hạt điều, thủy sản, cao su,…) đứng trong tốp đầu thế giới. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% GDP. Nước ta đã có quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, bao gồm cả năm nước Thường trực Hội đồng Bảo an; có quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên của nhiều định chế kinh tế quốc tế lớn; hai lần đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và còn giữ nhiều trọng trách quan trọng trong các tổ chức quốc tế khác. Đời sống của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn dưới 03% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều, được Liên hợp quốc công nhận là một trong những nước đứng đầu thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Những thành tựu đó cho thấy, từ sau ngày 30/4/1975, đất nước không “đen tối, u ám” như các thế lực thù địch, phản động tuyên truyền; ngược lại, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”7. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, qua gần 50 năm xây dựng, phát triển và hàn gắn vết thương chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố luôn phát huy tinh thần Chiến thắng của ngày 30/4/1975, vượt qua những khó khăn, thách thức, để giành được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Thành phố đã trở thành một đô thị đặc biệt, một trung tâm về nhiều mặt của cả nước, luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp 23% GDP và 27% vào ngân sách quốc gia. Chất lượng cuộc sống của người dân Thành phố được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của các đối tượng nghèo, gia đình chính sách được chăm lo chu đáo với nhiều chính sách tiến bộ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố được giữ vững. Thực tiễn trên là minh chứng hùng hồn bác bỏ sự xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa và giá trị của Ngày Chiến thắng 30/4/1975.
Đối với thế giới: thắng lợi ngày 30/4/1975 của nhân dân ta là một thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, đập tan cuộc phản công chiến lược lớn nhất (kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai) của chủ nghĩa đế quốc vào ba trào lưu cách mạng của thời đại, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc, phá vỡ phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mỹ ở Đông Nam châu Á; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu của thời đại là độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Lào và Campuchia giành thắng lợi; mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới. Chiến thắng 30/4/1975 của nhân dân Việt Nam đã khẳng định một chân lý: trong thời đại ngày nay, một dân tộc nước không rộng, người không đông, kinh tế kém phát triển, nhưng biết đoàn kết và quyết tâm, có một đường lối cách mạng đúng đắn và sáng tạo phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình và được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế thì có thể hoàn toàn đánh bại mọi thế lực xâm lược mạnh hơn gấp bội.
Gần 50 năm đã trôi qua, nhưng tầm vóc, ý nghĩa và giá trị của Ngày Chiến thắng 30/4/1975 vẫn tiếp tục tỏa sáng, thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, hùng cường và hạnh phúc, sánh vai với các nước phát triển. Lịch sử và hiện thực bác bỏ mọi sự xuyên tạc, phủ nhận tầm vóc, ý nghĩa và giá trị Ngày Chiến thắng 30/4 của nhân dân ta.
NGUYỄN NGỌC HỒI ________________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb ST, H. 1977, tr. 15.
2 - Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Tập IX, Nxb CTQG, H. 2012, tr. 59.
3 - http://www.sachhiem.net/TCN/TCNts/TCNts040.php – Trần Chung Ngọc - 30 tháng tư và tôi – Từ kiến thức đến lập trường.
4 - Sđd – Trần Chung Ngọc - 30 tháng tư và tôi – Từ kiến thức đến lập trường.
5 - Nguyễn Cao Kỳ – Trở về đất mẹ, Nxb Công an nhân dân, H. 2007, tr. 252.
6 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 37, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 471.
7 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 104.
Từ khóa » Giải Nghĩa Từ Vốc
-
Vốc - Wiktionary Tiếng Việt
-
Nghĩa Của Từ Vốc - Từ điển Việt
-
Từ điển Tiếng Việt "vốc" - Là Gì?
-
Vốc Nghĩa Là Gì? - Từ-điể
-
Vốc Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Vốc Nghĩa Là Gì Trong Từ Hán Việt? - Từ điển Số
-
Từ Điển - Từ Vốc Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
Từ Điển - Từ Vóc Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
Từ Vốc Là Gì - Tra Cứu Từ điển Tiếng Việt
-
'vóc' Là Gì?, Từ điển Tiếng Việt
-
Nguồn Sáng Làm Nên Tầm Vóc Tư Tưởng Hồ Chí Minh (Tiếp Theo Và Hết)
-
(Tin Tức) Tầm Vóc Của Hiệp định RCEP Với 5 Tính Năng Quan Trọng
-
Gấm Vóc Nghĩa Là Gì? - Từ-điể - MarvelVietnam
-
Tầm Vóc, Giá Trị Cơ Bản Của Chiến Thắng 30/4/1975