Kiến Trúc Chính điện Chùa Huế Thời Nguyễn

Chính điện hay còn gọi Đại Hùng bảo điện là ngôi điện thờ đức Đại Hùng, tức là đức Phật có đại-hùng, đại-lực và đại-từ-bi. Đó cũng là nơi hành lễ, cúng bái của các phật tử, hành khách trong các dịp quan trọng của ngôi chùa. Vị trí chính điện bao giờ cũng ở trung tâm khu đất và nằm trên trục chánh đạo với mặt bằng tổng thể chùa bố trí theo trục. Quy mô khối tích lớn nhất so với các khối còn lại.

Trong tổng thể ngôi chùa, chính điện là công trình có chức năng quan trọng nhất. Quy mô khối tích của nó lớn nhất và tập trung mọi tinh hoa kiến trúc, nghệ thuật trang trí so với các khối còn lại. Cho nên kiến trúc ngôi chính điện được xem là kiến trúc đại diện của ngôi chùa đó. Bài viết nêu lên đặc điểm kiến trúc ngôi chính điện dựa trên kết quả khảo sát 22 ngôi chùa tọa lạc tại Huế .

Mặt đứng chùa Từ Hiếu

Mặt bằng chính điện

Quy mô chính điện chùa Huế đa số là ngôi nhà rường kiểu 3 gian 2 chái (17/22 chùa khảo sát). Kích thước mỗi gian từ 2,4m đến 4,2m. Các ngôi quốc tự và tổ đình lớn thì quy mô lớn hơn 5 gian 2 chái: Thiên Mụ, Thuyền Tôn, Từ Đàm… Các chùa tổ và chùa dân lập thường là 3 gian 2 chái. Các ngôi chùa làng có thể 3 gian (chùa Thiền Lâm) thậm chí đặc biệt có 2 gian 2 chái (chùa Thiện Khánh)…

Về tổ chức không gian, từ ngoài vào trong ngôi chính điện bao giờ cũng có 3 không gian:

– Không gian 1: Là tiền đường nơi phật tử quỳ lạy làm lễ bố trí án gõ mõ. Ở phía trước hai bên chái Đông Tây đặt chuông trống đánh lễ hằng ngày;

– Không gian 2: Không gian chính để thờ Phật. Đây là khu vực bố trí hệ thống tượng thờ Phật và các vị thánh. Cách thờ tự ở các tổ đình lớn đều theo kiểu phối thờ “tam giáo đồng nguyên”. Nhìn chung bố trí như sau: Ở gian giữa, có ba án thờ với từng án trong cao ngoài thấp. Án cao nhất thờ phật Tam Thế gồm: Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Phật Di Lặc. Dưới hàng Tam Thế là tượng Phật Thích Ca. Hàng dưới cùng là Ca Diếp và A Nan ở hai bên Phật Thích Ca. Ngoài cùng là án kinh, chuông mõ. Ở hai gian tả hữu hai bên thì bố trí khác nhau tùy theo mỗi chùa. Có chùa thờ Quan Âm và Thế Chí (chùa Báo Quốc), có chùa thờ Quan Thánh và Thánh Mẫu Thiên Y A Na (chùa Thiện Khánh), có chùa thờ Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát (chùa Diệu Đế). Hai dãy tòng tự gồm có Ngọc Hoàng, Thập điện Diêm Vương, Thập bát La Hán, Tiêu Diện và Hộ Pháp. Các chùa làng ở Huế đều thờ bộ ba Quan Công, Châu Xương, Quan Bình (chùa La Chữ). Sau này phong trào chấn hưng Phật giáo của Hội An Nam Phật Học đầu thế kỉ 20, hệ thống thờ tự được cải cách. Các tượng thờ dân gian bị đưa ra khỏi điện, chỉ còn thờ một pho tượng Phật Thích Ca lớn. Hai bên chái không gian này để làm phòng ở của chủ trì hay giám tự chùa.

– Không gian 3: Gọi là “hậu tổ”, nơi thờ các vị tổ khai sơn và chủ trì đã khuất. Thường “hậu tổ” cách không gian 2 một bức tường. Bàn thờ tổ nằm ở gian giữa kèm theo long vị, 2 bên là 2 án thờ hương linh, các vị đạo hữu có công đức với chùa. Điểm mới của chùa Huế là coi trọng không gian thờ tổ so với chùa thời kì trước, hình thành kiểu thờ “tiền phật hậu tổ”, nói lên tầm quan trọng của con người trong việc mở mang phật giáo ở Huế.

Mặt đứng chính điện

Chính điện chùa Huế nhìn chung có kích thước vừa phải hơn so với chùa miền Bắc, phù hợp tầm vóc con người và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Hệ cột cao, tròn đều, thanh mảnh không nặng nề mập mạp như ở miền Bắc. Tường hai bên chái đục lỗ trang trí các chữ vạn, họa tiết, hoa lá, hổ phù….

Ô hộc là nét sáng tạo mới và chỉ có ở tạo hình trang trí nhà Nguyễn mà các triều đại trước đây không có. Ô hộc chia mái thành 2, 3 tầng giảm sự nặng nề cho bộ mái, giúp giới hạn tầm mắt người chiêm ngưỡng, tạo sức hút thẩm mỹ cho bộ mái.

Sử dụng nguyên tắc đối xứng qua trục: Cột, gian nhà, bộ cửa và điêu khắc có tính lặp lại và đồng dạng đăng đối qua trục. Sử dụng các con số 5, 7, 8 để truyền tải triết lý phật giáo. Hệ thống bậc cấp, số gian, bộ cửa luôn là số lẻ 5 hoặc 7. Số 8 hay gặp trong trang trí bánh xe pháp luân như bát chánh đạo giải thoát trong phật pháp. Những nguyên tắc này tạo sự hài hòa giữa yếu tố tạo hình và công năng kiến trúc, tạo hình tinh tế hơn các thời trước: Các cột hiên không đơn giản như thời trước mà có thêm hoa sen đầu cột, rồng uốn lượn xung quanh, trống ở chân cột, bộ tứ linh, chữ vạn ở mái… Ngay cả đầu máng xối chức năng thoát nước cũng được tô điểm bởi đầu rồng hay đầu cá rất đặc sắc (chùa Quốc Ân).

Cấu trúc chính điện

Có 3 dạng cấu trúc: Dạng 1 khối nhà (dạng A), dạng 2 khối nhà (dạng B) hay 3 khối nhà ghép với nhau (dạng C). Với 3 dạng cấu trúc trên thì sự bố trí không gian chức năng ở mỗi dạng lại khác nhau.

Bảng 1: Thống kê cấu trúc 22 chính điện khảo sát

1. Cấu trúc chính điện dạng A

Mặt bằng chính điện dạng A có thể chia làm 3 không gian: Không gian 1 nằm ở phía trước, đóng vai trò là tiền đường; Không gian 2 là nơi thờ phật; và Không gian 3 nằm sau cùng, là nơi thờ tổ. Chính điện có thể là nhà rường bằng gỗ (chùa Đông Thuyền) hoặc bằng kết cấu bê tông cốt thép do đã trùng tu sau này (chùa Viên Thông, chùa Từ Ân, và chùa Diệu Đế ). Khi tìm hiểu về quá trình lịch sử thì chùa Huế dạng A (thảo am) là hình hài ban đầu của các chùa Huế thuở sơ khai [11,tr.13]. Về sau, do nhu cầu mở rộng thêm không gian sử dụng, xây thêm tiền đường và hậu tổ ở các lần trùng tu sau nên dạng A ít nhiều bị biến đổi thành dạng B và C.

Mặt bằng và mặt cắt chính điện chùa Đông Thuyền (dạng A)

2. Cấu trúc chính điện dạng B

Chính điện dạng B gồm 2 khối nhà ghép với nhau trên cùng một mặt bằng. Hai khối nối với nhau bởi “vì vỏ cua” hay máng đúc bê tông thoát nước ở giữa hai mái. Khảo sát cho thấy tiền đường có kích thước nhỏ hơn chính điện. Đây là kiểu kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc” điển hình của cung điện triều Nguyễn. Kiểu kiến trúc này giải quyết hiệu quả việc mở rộng không gian sử dụng mà không cần phải xây dựng khối tích lớn.

Ở dạng B, không gian 1 nằm trọn trong khối tiền đường. Không gian 2 nằm ở phần trước của khối nhà chính và không gian 3 này ở phía sau. Hai bên chính điện và hậu tổ là hai chái Đông Tây làm nơi ở của trú trì chùa. Một số chùa xây thêm hai lầu chuông, trống sát hai bên tiền đường đặt pháp khí chuông trống như chùa La Chữ, Diệu Đế.

Mặt bằng và mặt cắt chính điện chùa Báo Quốc (dạng B)

3. Cấu trúc chính điện dạng C

Bốn chùa được khảo sát có chính điện thuộc dạng này, gồm 3 khối nhà ghép với nhau trên cùng một mặt bằng. Đây cũng là cấu trúc điển hình ở cung điện Huế. Các không gian 1, 2 và 3 bố trí tương ứng với 3 khối Tiền đường – Chính điện – Hậu tổ. Cách liên kết cùng các cấu kiện kết nối như ở dạng B.

Kết cấu mỗi khối nhà ở 3 dạng cấu trúc trên là bộ khung kiểu nhà Rường truyền thống. Tuy nhiên, vật liệu bộ khung có thể là gỗ (khảo sát có 5/22 chùa còn giữ lại vật liệu gỗ) hay bê tông giả gỗ (16 chùa). Do thời tiết ở Huế dễ bị hư hại cấu kiện nên có sự chuyển đổi trên.

Mặt bằng chính điện chùa Tây Thiên (dạng C)

Bộ vì nóc đỡ mái trong kết cấu trên đa số kiểu “giao nguyên – trụ đội”. Qua khảo sát cho thấy 19/22 chùa có chính điện sử dụng bộ vì này. Nó gồm 2 kèo chính giao nhau ở đỉnh, 2 đuôi kèo cắt nhau vượt lên trên đặt đòn dông. Dưới 2 kèo là trến nhỏ gọi là ấp quả, dưới ấp quả là trụ tiêu và con đội hay con tôm. Đây là nét ảnh hưởng và kế thừa từ kiến trúc cung điện Huế.

4. Hệ mái chính điện

Mái chùa Huế thường có chiều cao ngắn hơn so với chiều cao mái chùa Bắc. Dựa vào khảo sát 22 ngồi chùa Huế cho thấy độ cao mái chùa Huế xấp xỉ 1/2 chiều cao, trong khi tỷ lệ đó ở chùa miền Bắc thường lớn hơn, khoảng 2/3. Kết quả khảo sát cũng cho thấy mái chính điện có 2 kiểu: Mái liền 1 tầng và mái trùng thiềm (bảng 2). Trong 22 ngôi chùa khảo sát thì chỉ có 3 chùa có chính điện có mái liền 1 tầng. Mái liền một tầng như kiểu mái nhà dân gian truyền thống có độ dốc lớn và lợp ngói liệt. Mái trùng thiềm khá phổ biến ở Huế, gồm hai hay ba tầng mái chồng mí lên nhau ở hai đầu trước sau. Tầng dưới là mái hành lang, tầng trên là lớp mái vươn lên ở khối tiền đường để nâng chiều cao và lấy sáng cho không gian nội thất.

Điểm đặc sắc ở bộ mái là tạo độ hơi cong ở các bờ nóc do trang trí tạo thành và đặc biệt có sự xử lý tinh tế giữa khối tích bộ mái với loại hình, kích thước trang trí. Chùa thời Lý, Trần cũng có trang trí ở đầu đao nhưng đơn giản và không đa dạng, linh hoạt như mái chùa Huế. Với các ngôi chùa có bộ mái lớn kiểu trùng thiềm thì hay sử dụng tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng), lưỡng long triều pháp luân… kích thước tương đối phù hợp được đắp nổi tinh xảo ở bờ nóc, góc mái… Trong khi các bộ mái liền một tầng nhỏ nhắn như chùa Đông Thuyền, Thuyền Lâm… thì trang trí loại hình đơn giản như mụt mây, hồi văn, họa tiết… Nếu để ý kĩ sẽ nhận thấy đường nét của chúng chỉ là những gợn nhỏ e ấp tạo sự hơi cong lên ở các bờ nóc đầu đao mà không lấn át, ảnh hưởng nhiều đến bộ mái… Vật liệu lợp mái là ngói liệt, ngói âm dương, ngói ống…

Qua phân tích, ngôi chính điện có sự giao thoa, ảnh hưởng giữa kiến trúc dân gian và kiến trúc cung điện. Từ mặt bằng, cấu trúc, bộ mái, trang trí… đều có sự hiện diện hai phong cách kiến trúc trên.

  • Loại Mái liền 1 tầng
    •  Đặc điểm: Mái “bánh ít” 4 mái một tầng liền với kết cấu xuyên trếnh ảnh hưởng mái nhà dân gian. Trang trí ở bờ nóc, bờ quyết đơn giản
    •  Số lượng: 3
  • Loại Mái trùng thiềm
    • Đặc điểm: Kiểu 2 hoặc 3 lớp mái chồng lên nhau. Tầng dưới là mái hành lang, tầng mái trên vươn lên ở khối tiền đường để nâng độ cao. Ảnh hưởng mái cung điện

Phần vách giữa 2 tầng mái là ô hộc trang trí hình vẽ, kinh kệ, thơ,… Trang trí ở mái công phu, thể hiện triết lý phật giáo.

    • Số lượng: 19

5. Hệ trang trí ở chính điện

Hệ trang trí ở chính điện chùa Huế khá phong phú và đa dạng với nhiều phong cách khác nhau. Đó là sự hòa hợp của tam giáo (Lão – Phật – Nho) thể hiện tư tưởng “tam giáo đồng nguyên”. Trong đó nổi bật hơn cả là motif phật giáo chuyển tải tinh thần triết lý nhà phật. Khảo sát trang trí ở mảng tường hai chái thì chữ vạn, thọ xuất hiện nhiều nhất (10 chùa) trong khi họa tiết rồng, long mã, hoa lá ít hơn.

Trang trí trên nóc mái gồm 3 loại hình: “Lưỡng long triều nhật” (2 chùa), “Lưỡng long triều pháp luân” (19 chùa), “Lưỡng long chầu bình cam lồ” (1 chùa). “Lưỡng long triều bánh xe pháp luân” tượng trưng sự chuyển động không ngừng của chánh pháp và truyền bá lời dạy của đức Phật. Motif này biến thể từ kiểu “lưỡng long triều nhật” của cung điện, từ biểu tượng của nho giáo phát triển thành biểu tượng của phật giáo. Bánh xe gồm tám nan hoa, biểu thị bát chánh đạo trong phật giáo mong muốn phước lành và may mắn [4, phụ lục 22]. Đặc biệt, pháp luân còn kết hợp chữ vạn ở trung tâm xuất hiện ở 8 chùa thể hiện mong muốn trường tồn và bền vững.

Đầu rồng đội bánh xe pháp luân ở chùa Thiền Tôn

Trang trí ở các bờ quyết, góc mái hay gặp nhất là hệ “tứ linh” của Nho giáo gồm Long, Lân, Quy, Phụng. Trong đó, hình ảnh rồng nổi trội, xuất hiện nhiều hơn cả. Ngoài ra, còn có hoa lá hóa rồng, họa tiết, mụt mây… với các bộ mái nhỏ. Chúng được đắp nổi bằng nề, vôi vữa hay được gắn bằng các mảng thủy tinh, sành sứ.

Các linh vật trang trí ở góc mái

Trang trí trên ô hộc chỉ xuất hiện ở chính điện. Qua khảo sát, thường thấy nhất là ‘họa’ hoặc riêng kí tự, kiểu “nhất họa nhất kệ” hiếm có (nếu có chỉ là xen kẽ giữa hình vẽ hoa lá nhỏ với kí tự chữ Hán mà thôi). Nhìn chung, trang trí ô học sử dụng hình ảnh trong hệ bát bửu hay hoa lá, quả. Bên cạnh đó là tranh mô tả cảnh sinh hoạt nông thôn (chùa La Chữ), hoặc tranh thủy mạc, đậm chất thiền (chùa Từ Hiếu, Linh Quang, hoặc có thể là tranh mô tả sự tích đức Phật (chùa Kim Quang, chùa Trúc Lâm) hay xen kẽ cả ba loại tranh trên như ở hình 9 (chùa Thiên Mụ, Chùa Diệu Đế). Bên cạnh những hình vẽ thì có thể có ký tự chữ Hán, câu đối, các lời dạy trong kinh phật (chùa Từ Đàm, Diệu Viên),…

Ô hộc chùa Linh Quang
Ô hộc chùa Diệu Đế

Có thể thấy, trang trí ở chính điện các chùa Huế đã có những sáng tạo so với trước đây như xuất hiện những motif mới như rồng vờn mây uốn lượn quanh thân cột và hình vẽ rồng trên trần nhà (chùa Diệu Đế) mà các thời trước không có. Bên cạnh đó, những trang trí mới có thể thấy như long mã, hồi văn, chữ vạn… Những biểu tượng phật giáo mới phát triển từ biểu tượng nho giáo như “lưỡng long chầu pháp luân” hay chữ vạn là hình thức sáng tạo từ “lưỡng long triều nhật”. Cuối cùng đó là sự phong phú về loại hình chất liệu trang trí: chạm khắc gỗ, sơn son thếp vàng, pháp lam, trang trí đắp nổi, nề vôi vữa, gắn sành sứ… Trong đó loại hình khảm sành sứ, thủy tinh màu là một nét đặc trưng, nét riêng của Huế ở thời Nguyễn giai đoạn sau. Các chùa có trang trí kiểu này như chùa Trúc Lâm, Từ Hiếu, Thiện Khánh, Diệu Đế, La Chữ, Tây Thiên, Thiên Mụ,…

Kết luận

Chính điện chùa Huế hầu hết có quy mô vừa phải, nhỏ nhắn so với chùa các thời trước phù hợp cảnh quan tổng thể xung quanh đúng với triết lý “Thiên nhân tương dữ”, nét đặc sắc riêng của các ngôi chùa chốn thiền kinh này. Vị trí của nó bao giờ cũng nằm trên trục chánh đạo với bố cục tổng thể chùa bố trí theo trục, và nằm ở trọng tâm khu đất. Hướng chính điện thường nhìn ra hướng Đông Nam và Tây Nam.

Tùy vào ngôi chùa đó thuộc loại hình nào mà có quy mô chính điện tương ứng. Thường thì quốc tự và tổ đình lớn có chính điện khối tích 5 gian 2 chái còn các tổ đình và chùa dân, chùa làng thì chính điện có quy mô nhỏ hơn (3 gian 2 chái, 3 gian, 1 gian 2 chái…)

Chính điện có ba không gian từ ngoài vào trong: Không gian tiền đường, không gian thờ phật và không gian thờ tổ. Cấu trúc chính điện có 3 kiểu: Một khối chính điện, chính điện có tiền đường (kiểu trùng thiềm điệp ốc), chính điện có tiền đường và hậu tổ. Kiểu cấu trúc trùng thiềm chiếm đa số. Ở mỗi cấu trúc thì 3 không gian nội thất bố trí khác nhau mang tính linh hoạt chứ không gò bó theo khuôn mẫu. Kết cấu mỗi khối riêng là cấu trúc Rường của nhà truyền thống và bộ vì nóc giao nguyên trụ đội. Mặt đứng đối xứng, cân đối tỉ lệ với mái ngói liệt, hệ cột nhỏ thanh mảnh tròn đều. Kiểu mái chủ yếu là mái trùng thiềm ảnh hưởng mái cung điện, mái thẳng không uốn cong ở các đầu đao. Qua thống kê, chính điện chùa Huế vừa ảnh hưởng kiến trúc cung điện và dân gian, nhưng sự ảnh hưởng cung điện là nhiều hơn cả thể hiện ở cấu trúc, kiểu mái và hệ trang trí…

Hệ trang trí dung hợp bởi tam giáo và nổi bật hơn cả là hệ trang trí Phật giáo. Có những tạo hình sáng tạo hơn so với các thời đại trước, góp phần làm nên sự hài hòa giữa chức năng tạo hình và kiến trúc.

Nguyễn Thị Minh Xuân Nguyễn Ngọc Tùng Trần Thành Nhân ThS.KTS. giảng viên khoa Kiến trúc, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2019)

–––––––––––––––––––––––––––––––

Ghi chú

(1) Đây là những ngôi chùa được hình thành từ thời Nguyễn, thuộc phái Bắc tông, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc: Đông Thuyền, Trúc Lâm, Từ Lâm, Quốc Ân, Báo Quốc, Quảng Tế, Từ Hiếu, Tây Thiên, Thiền Tôn, Viên Thông, Thiên Mụ, Diệu Đế, Từ Ân, Thiện Khánh, Kim Quang, Ba La Mật, La Chữ, Diệu Viên, Tra Am, Thiền Lâm, Từ Đàm, và Linh Quang.

Tài liệu tham khảo

[1] Thích Hải Ấn (2016). Những nét kiến trúc chùa Huế. Kỷ yếu hội thảo “Văn hóa phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng”, Ban văn hóa – ban nghi lễ Trung ương, Hà Nội, 2 – 3/7/2016, tr.129 – 163. [2] Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm (2001). Lịch sử phật giáo xứ Huế. NXB TP. Hồ Chí Minh. [3] Cristophoro Borri (1931). Xứ đàng trong năm 1621. Bản dịch của Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị. NXB TP. Hồ Chí Minh 1998. [4] Đặng Vinh Dự (2017). Ngôn ngữ biểu tượng tại các ngôi chùa ở Thừa Thiên Huế, Luận án Tiến sĩ Dân tộc học – Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học, Huế. [5] Đặng Vinh Dự (2017). Tổ đình xứ Huế. Huế xưa và nay, số 135, tr. 36 – 41. [6] Hà Xuân Dương (1999). Kiến trúc chùa Thiên Mụ. NXB Đà Nẵng. [7] Nguyễn Phước Bảo Đàn (2010). Kiến trúc chùa Huế: giá trị của một di sản giữa lòng thành phố di sản. Kỷ yếu hội thảo “Di sản văn hóa phật giáo và vấn đề phát triển du lịch ở Huế”, Phân viện nghiên cứu văn hóa thông tin tại Huế. [8] Thích Kiên Định (2013). Lược sử chùa Thiền Tôn và tổ liễu quán truyền thừa. NXB Tôn Gíao. [9] Tạ Quốc Khánh (2013). Chùa sắc tứ ở xứ Huế. Luận án Tiến sĩ Triết học – Học viện khoa học xã hội, Hà Nội. [10] Nguyễn Bá Lăng (1972). Kiến Trúc Phật giáo Việt Nam, tập 1. Viện đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn. [11] Hà Xuân Liêm (2000). Những ngôi chùa Huế. NXB Thuận Hóa. [12] Phạm Đăng Nhật Thái (2017). Các đặc trưng của chùa truyền thống với loại hình chữ Khẩu ở thành phố Huế, Đề tài NCKH cấp cơ sở trường Đại học Khoa học, Huế. [13] Nguyễn Hữu Thông, Trần Đại Vinh, Lê Văn Sách (1993). Danh lam xứ Huế. NXB Hội nhà văn. [14] Chu Quang Trứ (1998). Văn hóa mỹ thuật Huế. NXB Thuận Hóa.

Từ khóa » Hoa Văn đình đền Chùa Thời Nguyễn