Kính Sợ Đức Giê-hô-va Là Khởi Đầu Sự Khôn Ngoan

Share
  • tweet

Sự khôn ngoan là điều cần nhứt; vậy, khá cầu lấy sự khôn ngoan; Hãy dùng hết của con đã được mà mua sự thông sáng.

Châm ngôn 4:7

Từ “cần nhứt” có nguồn gốc từ tiếng Latin “primus” có nghĩa là đầu tiên. Sự khôn ngoan là điều đầu tiên, điều quan trọng nhất, điều tối thượng nhất. Tại sao? Bởi vì nó đụng chạm đến mọi lĩnh vực của đời sống. Trong sách Châm ngôn, Sa-lô-môn đã chỉ ra rằng sự khôn ngoan cần trong gia đình, nghề nghiệp, hôn nhân, nuôi dạy con cái, quan hệ với hàng xóm, kiếm tiền, tiêu tiền và trong cách chúng ta bước đi với Đức Chúa Trời. Khôn ngoan gắn liền với một tâm trí biết phán đoán những điều gì đem đến sự khích lệ cho tấm lòng và ý chí. Những điều nào làm cho tinh thần và cơ thể mạnh mẽ, khi không đủ can đảm để thực hiện công việc hoặc chiến đấu trong một trận chiến? Những điều tốt đẹp như kiến thức, sự huấn luyện, kinh nghiệm, cơ hội cần phải được sử dụng cách thích hợp khi chúng ta có sự khôn ngoan. “Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan; Sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng” (Châm ngôn 9:10).

Sự khôn ngoan là điều cần nhất/tối thượng nhất vì nó biến đổi việc học tập thành nếp sống. Những ích lợi của một nền giáo dục tốt, hay những điều học được từ Kinh Thánh cần phải biết cách áp dụng phù hợp vào đời sống. Thật không có gì để tự hào khi có tiếng tăm về “sự thông minh vượt trỗi” nhưng liên tục tạo ra một mớ hỗn độn trong cuộc sống. Tôi có một quyển sách trong thư viện tựa đề “Tại sao người thông minh làm những chuyện ngu ngốc?” Tại sao? Một trong những lý do cho điều này là họ thiếu sự khôn ngoan! Cơ đốc nhân, những môn đồ Đấng Christ cũng được gọi là người học việc. Người học việc phải lắng nghe người hướng dẫn, quan sát cách người hướng dẫn làm việc và rồi thực hành lại dưới sự theo dõi của người hướng dẫn. Chúng ta có thể theo dõi các vận động viên bơi lội Olympic, đọc các sách về huấn luyện bơi lội, lắng nghe các bài huấn luyện về bơi. Nhưng cuối cùng chúng ta phải nhảy xuống hồ và bơi. Nhiều Cơ đốc nhân rất giỏi về việc lắng nghe các sứ điệp Kinh Thánh, giỏi trong việc đọc Kinh Thánh, nhưng lại rất yếu khi phải vâng lời hay đáp ứng với những gì Kinh Thánh dạy. Những môn đồ Đấng Christ đúng nghĩa tin cậy Đức Thánh Linh ban cho sự khôn ngoan để áp dụng Kinh Thánh phù hợp vào đời sống. Họ không chỉ lắng nghe và đọc, họ thực hành.

Sự khôn ngoan là tối cần thiết bởi vì nó biến cuộc sống trở nên một tiến trình học tập. Cuộc sống trở nên một trường học chứ không chỉ là một chuỗi các sự kiện. Vì vậy sự khôn ngoan thiên thượng biến các sự kiện trong đời sống thành kinh nghiệm, và kinh nghiệm hình thành nên nhân cách. Có nhiều tín nhân không học được gì từ những khổ đau, thất bại, niềm vui hay sự thành công trong cuộc sống. Và đi đến cuối cuộc đời họ khám phá rằng mình đã không thực sự sống đúng nghĩa theo Lời Chúa. Aldous Huxley, một tiểu thuyết gia người Anh đã nói, “Kinh nghiệm không phải là những gì xảy ra cho một người. Kinh nghiệm là những gì người đó làm với những gì xảy ra với anh ta.” Các sự kiện là những gì bạn viết xuống trong cuộc hành trình trên đất. Còn kinh nghiệm là những gì Chúa viết trong tấm lòng của bạn từ kết quả của các sự kiện. Ralph Waldo Emerson đã viết, “Đời sống là một chuỗi những bài học mà người đang sống cần phải hiểu.”

Sự khôn ngoan là điều cần nhất vì nó mở ra lối đi bước vào đời sống tin kính. Sự khôn ngoan là một trong những thuộc tính của Chúa. “Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được!” (Rô-ma 11:33). Đức Thánh Linh là Thần của sự khôn ngoan (Ê-sai 11:2) và Chúa Giê-su Christ là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời (1 Cô-rin-tô 1:24; Cô-lô-se 2:3). Những người thông minh có thể thu được tiền bạc, quyền lực, uy tín và Chúa có thể sử dụng những điều này. Nhưng những người khôn ngoan vượt xa họ và trưởng thành trong sự giàu có thuộc linh để dâng vinh hiển về Đức Chúa Trời. Thế giới ngày hôm nay có nhiều tri thức khôn ngoan, tuy nhiên “sự khôn ngoan đời nầy trước mặt Đức Chúa Trời là sự dại dột” (1 Cô-rin-tô 3:19). Đời sống trên đất vốn ngắn ngủi và chúng ta phải tận dụng nó để học biết sự khôn ngoan thiên thượng.

Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, Hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan.

Thi thiên 90:12

Warren W. Wiersbe

Translated by Tuong Vi

Sinh ngày 16/5/1929 tại thành phố Chicago, Hoa Kỳ, Wiersbe nhận biết Chúa kêu gọi mình hầu việc Ngài khi chỉ mới 16 tuổi qua tổ chức Tuổi trẻ vì Đấng Christ (Youth for Christ) và sau khi nghe bài giảng của nhà truyền giáo Billy Graham.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Indiana ở Indianapolis và Đại học Roosevelt ở Chicago, ông bắt đầu chức vụ hầu việc Chúa trọn thời gian bằng việc ghi danh vào Chủng viện Thần học Báp-tít phương Bắc (Northern Baptist Theological Seminary) ở Lombard và tốt nghiệp Cử nhân Thần học vào năm 1953.

Trước đó, khi đang còn là sinh viên thần học, ông đã được tấn phong Mục sư và hầu việc Chúa tại Hội Thánh Báp-tít Trung Tâm (Central Baptist Church) ở Đông Chicago vào năm 1951. Sau này, ông làm Mục sư Quản nhiệm của Hội Thánh danh tiếng Moody. Ngoài vai trò Mục sư, ông cũng có thời gian hầu việc Chúa với Mục vụ Tuổi trẻ vì Đấng Christ, với các tổ chức văn phẩm Cơ Đốc (như Back to the Bible). Bên cạnh đó ông còn giảng dạy Kinh Thánh trên các đài phát thanh, là Giáo sư môn nghiên cứu Kinh Thánh, thần học, tuyên đạo pháp cũng như biên soạn giáo trình giảng dạy cho các Viện Thần học.

Ông là tác giả của nhiều bộ sách giải kinh, thần học và bồi linh. Ông bắt đầu sự nghiệp viết lách vào những năm 1950 khi chỉ mới hơn 20 tuổi. Trong suốt cuộc đời và chức vụ của mình, ông viết trên 150 bộ/đầu sách, trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là Bộ giải nghĩa Kinh Thánh “hãy” (BE SERIES), giải nghĩa gần như toàn bộ các sách trong Kinh Thánh từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền.

Tiến sĩ Warren W. Wierbe nổi tiếng trên các làn sống phát thanh. Ông từng làm Mục sư Quản nhiệm tại Hội thánh Moody, Chicago, và là giáo sư về môn giảng luận tại Chủng viện Grand Rapids Baptist Seminary tại Michigan.

Mục sư, Giáo sư Kinh Thánh Warren Wendel Wiersbe qua đời vào thứ Năm, ngày 2/5/2019, hưởng thọ 89 tuổi.

Từ khóa » Sự Kính Sợ đức Giê Hô Va