Kỳ II: Quyền Tự Do Tín Ngưỡng, Tôn Giáo Trước Khi Có Luật Tín Ngưỡng ...

Sau ngày 30/4/1975, đất nước ta đã hoàn toàn độc lập và đang vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, trên cơ sở Hiến pháp 1959 và Sắc lệnh số 234/SL ngày 14/6/1955 về vấn đề tôn giáo, ngày 11/11/1977, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 297-CP về một số chính sách đối với tôn giáo.

Nghị quyết này gồm 05 nguyên tắc chung và 06 chính sách cụ thể, khẳng định: Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng của nhân dân; các nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo đều được hưởng mọi quyền lợi và phải làm mọi nghĩa vụ của người công dân; các tôn giáo và mọi công dân theo đạo hoặc không theo đạo đều bình đẳng trưóc pháp luật; các tôn giáo phải tuân theo Hiến pháp, pháp luật và chủ trương, chính sách, thể lệ của Nhà nước trong mọi lĩnh vực hoạt động của mình; tín đồ và nhà tu hành được hoạt động tôn giáo bình thường ở những nơi thờ cúng, nhưng phải tôn trọng pháp luật của Nhà nước, không gây trở ngại cho việc giữ gìn trật tự trị an, cho sản xuất và sinh hoạt bình thường của tín đồ; mỗi công dân được tự do tham gia hoặc không tham gia các hoạt động tôn giáo, không ai có quyền cưỡng ép người khác phải tham gia hoặc không được tham gia các hoạt động đó; những nhà tu hành và những người chuyên hoạt động tôn giáo được tự do giảng đạo tại nơi thờ cúng và trong các cơ quan tôn giáo; các tôn giáo được mở trường lớp đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo của mình.

Việc thuyên chuyển những người chuyên hoạt động tôn giáo từ nơi này đến nơi khác phải được sự chấp thuận trước của UBND nơi đến.

Việc phong chức, bổ nhiệm những người chuyên hoạt động tôn giáo (kể cả những người do tín đồ bầu ra) phải được chính quyền chấp thuận trước; những nơi thờ cúng của các tôn giáo được Nhà nước bảo hộ; những nơi thờ cúng đã bỏ không từ lâu không có người tu hành hoặc người chuyên trách, không có nhân dân đến lễ bái thì ủy ban nhân dân cấp cơ sở có trách nhiệm quản lý, khi cần thiết có thể mượn làm trường học, nơi hội họp... nhưng phải giữ gìn chu đáo, không được dùng vào những việc xúc phạm đến tình cảm và tín ngưỡng của nhân dân.

Những nơi thờ cúng quá hư hỏng, chính quyền muốn dỡ đi thì phải được nhân dân đồng tình và ủy ban nhân dân cấp trên đồng ý.

Các tổ chức tôn giáo hoặc người hoạt động tôn giáo trong nước muốn quan hệ với các tổ chức khác, hoặc với người nước ngoài thì phải tuân theo những quy định của Nhà nước về quan hệ với người nước ngoài.

Các tổ chức tôn giáo được xuất bản những tài liệu tôn giáo và sản xuất những đồ thờ cúng nhưng phải tuân theo chế độ chung của Nhà nước; các hoạt động kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội của tôn giáo phải tuân theo quy định của pháp luật; những kẻ lợi dụng tôn giáo để phá hoại nền độc lập của Tổ quốc, chống lại chế độc xã hội chủ nghĩa, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân, chống lại các chính sách và pháp luật của Nhà nước sẽ bị pháp luật nghiêm trị.[1]

Từ đường lối Đổi mới toàn diện đất nước được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI đề ra năm 1986, chính sách, luật pháp tôn giáo từng bước thể chế hoá chủ trương của Đảng.

Từ sau năm 1990[2] Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chứa đựng chính sách cụ thể về tôn giáo và công tác tôn giáo như: Nghị định số 69/HĐBT ngày 21/3/1991 của Hội đồng Bộ trưởng “quy định về các hoạt động tôn giáo”; Chỉ thị số 379/TTG ngày 23/7/1993 của Thủ tướng Chính phủ “về các hoạt động tôn giáo”; Nghị định số 26/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 của Chính phủ “về các hoạt động tôn giáo”...

Nghị định 69-NĐ/HĐBT có ghi bổ sung thêm điều khoản về “từ bỏ”, “thay đổi” tôn giáo: “Mọi công dân có quyền tự do theo hoặc không theo một tôn giáo, từ bỏ hoặc thay đổi tôn giáo” (Điều 6).

Nghị định 26/1999/NĐ-CP về các hoạt động tôn giáo quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo”. Và đây là văn bản được xem như có bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.

Sau Nghị định 26 NĐ-CP có thể kể đến các văn bản pháp lý về tôn giáo quan trọng khác như: Đầu năm 2004, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; tiếp đó Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2005/NĐ - CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Ban Bí thư Trung ương có Thông báo số 160/TB-TW và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg về một số công tác đối với đạo Tin lành...

Các văn bản quy phạm pháp luật trên đều đảm bảo thực hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước đối với tôn giáo, là cơ sở pháp lý bảo đảm quyền tự do tôn giáo của nhân dân.

Ngoài ra các văn bản pháp lý đó còn xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tôn giáo tại Việt Nam.

Song hành với các văn bản trực tiếp để thể chế hóa quyền tự do tôn giáo, Quốc hội, Chính phủ cũng ban hành và sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực của tôn giáo như: Đất đai, giải quyết khiếu nại tố cáo, về đăng ký hộ khẩu... nhằm bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tôn giáo và quản lý hoạt động tôn giáo theo pháp luật một cách cụ thể.

Riêng Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 đã quán triệt, thể chế hóa đẩy đủ những quan điểm, chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước được ghi nhận trong các kỳ đại hội của Đảng đến thời điểm đó.

Ngoài ra pháp lệnh đã hướng đến việc bảo đảm tính tương thích với luật pháp quốc tế điều chỉnh về quyền con người trong đó có quyển tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà đặc biệt là những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

Pháp lệnh cũng thể hiện chính sách dân chủ, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức tôn giáo, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; tôn trọng và bảo đảm nguyên tắc những việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo.

So với các văn bản trước đó, pháp lệnh quy định cụ thể hơn về các quyền của người có tín ngưỡng, tín đổ, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc xây dựng và thực hiện, giám sát thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể một số nội dung như:

- Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

- Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.

Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo cũng như công dân có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau phải tôn trọng lẫn nhau.

- Chức sắc, nhà tu hành và công dân có tín ngưỡng, tôn giáo được hưởng mọi quyền công dân và có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân.

- Chức sắc, nhà tu hành có trách nhiệm thường xuyên giáo dục cho tín đồ lòng yêu nước, thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân và ý thức chấp hành pháp luật.

- Người có tín ngưỡng, tín đồ được tự do bày tỏ đức tin, thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt, phục vụ lễ hội, lễ nghi tôn giáo và học tập giáo lý tôn giáo mà mình tin theo.

- Trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, người có tín ngưỡng, tín đổ có trách nhiệm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật.

- Nhà nước bảo đảm quyền hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật; chức sắc, nhà tu hành được thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách, được giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở tôn giáo.

Đặc biệt, pháp lệnh đã cụ thể hóa các điều kiện để một tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo. Pháp lệnh quy định thông thoáng hơn các văn bản trước về một số hoạt động tôn giáo, coi đó là công việc nội bộ của tổ chức tôn giáo để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo của tổ chức, cá nhân tôn giáo như việc đi tu, việc phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển chức sắc, nhà tu hành...

Nhìn chung ở mỗi thời kỳ, công tác tôn giáo có tầm quan trọng đặc biệt. Vấn đề tôn giáo đã và sẽ là một vấn đề mang tính chiến lược trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính sách và pháp luật tôn giáo ở Việt Nam ngày càng từng bước hoàn thiện, tiến tới xây dựng một môi trường ổn định và đồng thuận, nhân dân đoàn kết gắn bó với nhau trong cộng đồng dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.

Trong các văn bản này, Nhà nước ta bày tỏ thái độ đúng đắn của mình đối với tôn giáo là luôn tôn trọng và bảo đảm nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; khuyến khích những hoạt động tôn giáo vì lợi ích của dân tộc; đồng thời nghiêm cấm và xử lý theo pháp luật những hành vi lợi dụng tôn giáo vì mục đích xấu.

Mặt khác, Nhà nước Việt Nam cũng xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức tôn giáo; tôn trọng công việc nội bộ của các tôn giáo như đã ghi nhận trong hiến chương, điều lệ.[3]

Chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta được thể hiện trong hệ thống các văn bản đã tập trung thể chế hóa quan điểm qua một số khía cạnh sau:

- Các tôn giáo ở Việt Nam được hoạt động tự do trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật Nhà nước Việt Nam. Điều này cũng giống như ở các quốc gia khác và phù hợp với thông lệ quốc tế. Không có một tổ chức, cá nhân nào ở bất kỳ một quốc gia nào lại được tự do hoạt động ngoài vòng pháp luật của quốc gia đó.

Các tôn giáo ở Việt Nam được Nhà nước Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện đáp ứng những nhu cầu tôn giáo cơ bản là: Tự do sinh hoạt tôn giáo; được bảo hộ nơi thờ tự; xây mới nơi thờ tự; có trường đào tạo giáo sĩ, cho đi đào tạo ở nước ngoài; có kinh sách ấn phẩm tôn giáo; được giao lưu quốc tế.

- Một tôn giáo ở Việt Nam muốn hoạt động hợp pháp phải đáp ứng đủ các tiêu chí cơ bản: Có tín đồ tự nguyện tin theo; có giáo sĩ hướng dẫn việc đạo; có tôn chỉ mục đích hoạt động không trái với pháp luật Nhà nước; có hệ thống giáo lý, giáo luật phù hợp; có nơi thờ tự đảm bảo vệ sinh, an toàn; không hoạt động mê tín dị đoan làm tổn hại đến tinh thần, vật chất, sức khoẻ của tín đồ và làm ảnh hưởng đến những quyền cơ bản của người khác và phải đăng ký hoạt động với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đó là đối với tổ chức tôn giáo, còn tín đồ thì hoàn toàn tự do sinh hoạt tín ngưỡng tại gia đình và nơi thờ tự hợp pháp.

- Nhà nước Việt Nam chỉ quan tâm đến tư cách, phẩm chất công dân của những người lãnh đạo các tôn giáo, không can thiệp vào trình độ tôn giáo của những người đó.

- Không xử tử, giam giữ, quản chế bất kỳ một nhân vật tôn giáo nào vì lý do tôn giáo. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước Việt Nam xử lý bằng pháp luật đối với bất kỳ một công dân Việt Nam nào vi phạm pháp luật, bất kể người đó theo tôn giáo hay không theo tôn giáo và xử lý bằng pháp luật mọi hành vi lợi dụng tôn giáo, mạo danh tôn giáo để gây rối trật tự xã hội, phương hại đến an ninh quốc gia, tổn hại tinh thần, vật chất, sức khoẻ của công dân.

- Các tôn giáo ở Việt Nam được Nhà nước khuyến khích tham gia các hoạt động giáo dục, từ thiện, nhân đạo theo sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

- Các tổ chức, cá nhân tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu quốc tế, được đi đào tạo ở nước ngoài.

Tiếp tục thể chế hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo tinh thần Hiến pháp 2013

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, nên những quyền này thường được các Nhà nước quy định ngay trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, tức là Hiến pháp của quốc gia. Việc quy định như vậy như là một trong những bảo đảm cao nhất cho việc thực thi.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tạo ra một cơ chế trong đó mỗi cá nhân, mỗi nhóm tôn giáo có thể hoàn toàn tự do để thờ phụng, không phải chịu sự kiểm soát của Chính phủ hay áp lực của các môn phái khác.

Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng đã được ghi nhận ngay trong Hiến pháp đầu tiên (1946) và được tái khẳng định trong các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, 2013.

Hiến pháp năm 2013 ra đời đã có những sửa đổi rất quan trọng về quyền con người nói chung và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng. Điều 24 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền quan trọng, cơ bản, được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Hiến pháp cũng bổ sung nguyên tắc về việc hạn chế quyền con người trong các trường hợp nhất định phải do luật định.

Theo đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người, nên việc quy định hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải được quy định cụ thể và bằng luật.

Đồng thời, tại Hiến pháp 2013 cũng phân định thẩm quyền của Quốc hội, của Chính phủ trong quyết định các chính sách tôn giáo, quản lý Nhà nước vể tôn giáo.

Điều 24 Hiến pháp 2013 quy định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Có thể nói, so với các bản Hiến pháp trước đó, Hiến pháp năm 2013 có sự đổi mới quan trọng về chủ thể của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ở đó quy định tự do tôn giáo không chỉ là quyền của “công dân” Việt Nam mà là quyền của tất cả “mọi người” và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi... Việc sử dụng cụm từ “mọi người” là điểm nhấn quan trọng, có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; xóa bỏ ranh giới rõ ràng giữa hai khái niệm quyền con người và quyền công dân của các Hiến pháp trước.

Quyền con người là quyền tự nhiên, bất cứ ai cũng có quyền đó. Quyền công dân là quyền của những người có quốc tịch Việt Nam. Tất cả các quyền công dân được quy định trong Hiến pháp Việt Nam là quyền con người theo quy định của điều ước quốc tế, chỉ trừ những trường hết sức đặc biệt, ví dụ quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan Nhà nước. Quy định này thể hiện sự phát triển quan trọng về tư duy trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp Việt Nam.

Việc mở rộng chủ thể của quyền con người và khẳng định chủ thể rộng nhất của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là mọi cá nhân, mọi người đều được hưởng còn khẳng định sự đoàn kết, gắn bó của toàn thể nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Việc ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp năm 2013 một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán tôn trọng quyển tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam. Điều này đã ra tạo môi trường pháp lý nền tảng cho các tổ chức, cá nhân hoạt động tôn giáo. Nó cũng đảm bảo sự tương thích với những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc gia nhập, đồng thời xây dựng mối quan hệ ổn định, bền vững giữa Nhà nước và các tổ chức tôn giáo.

Có thể thấy rằng, so với các bản Hiến pháp trước, Hiến pháp năm 2013 là một bước tiến quan trọng trong việc hiến định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thể hiện một sự kế thừa và phát triển trong thời kỳ đất nước ta đổi mới và hội nhập sâu rộng với thế giới.

Hiến pháp năm 2013 cho thấy thái độ, cũng như chính sách dân chủ của Nhà nước ta đối với tín ngưỡng, tôn giáo, coi đó là một nhu cầu và là một quyền tất yếu của mọi người, cần phải được tôn trọng, bảo vệ và tạo điều kiện để mọi người thực hiện tốt nhất quyền đó.

----------------------------

[1] Hội đồng Chính phủ: Nghị quyết số 297-NQ/CP về một chính sách đối với tôn giáo, ngày 11/11/1977.

[2] Riêng đổi mới về quan điểm và chính sách với tôn giáo được tính từ mốc ra đời Nghị quyết 24 ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị.

[3] Ngô Hữu Thảo, Những đổi mới trong hoạt động tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, tham luận tại Hội thảo quốc tế “Đa dạng tôn giáo:  So sánh Pháp - Việt, tổ chức tại Hà Nội, ngày 05-06/10/2007.

 

Từ khóa » Tín Ngưỡng Nghĩa Là Gì