Tín Ngưỡng Là Gì? Hiểu đúng để Không Nhầm Lẫn Với Mê Tín Dị đoan

1. Tín ngưỡng là gì?

Khoản 1 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đã giải thích cụ thể tín ngưỡng là gì. Theo đó, tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.

Tín ngưỡng ở Việt Nam mang các đặc trưng sau đây:

- Tín ngưỡng phản ánh đời sống tâm linh phong phú, đa dạng, sự khoan dung, độ lượng, nhân ái của con người và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.

- Mỗi tín ngưỡng mang những nét văn hóa riêng biệt nhưng đều hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, góp phần tạo nên nét đẹp cho nền văn hóa đa dạng, phong phú về bản sắc của dân tộc.

 - Vấn đề tín ngưỡng là vấn đề rất nhạy cảm, thường bị các thế lực thù địch tìm mọi cách lợi dụng tín ngưỡng để gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

2. Phân biệt tín ngưỡng với mê tín dị đoan

Nếu chỉ xem qua thuật ngữ tín ngưỡng là gì, chắc hẳn nhiều người sẽ thấy tín ngưỡng có nhiều điểm tương đồng với mê tín dị đoan nhưng chúng ta không thể đánh đồng hai khái niệm này với nhau mà phải hiểu rõ, hiểu đúng về tín ngưỡng và mê tín dị đoan.

* Giống nhau giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan

- Đều tin vào những điều mà mắt không thấy, tai không nghe được.

- Đều có tác dụng điều chỉnh hành vi ứng xử của con người trên cơ sở những điều mà người ta tin theo và noi theo tấm gương sáng của những đối tượng được tôn thờ trong các loại hình tín ngưỡng và trong mê tín dị đoan.

* Khác nhau giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan

Khác nhau

Tín ngưỡng

Mê tín dị đoan

Mục đích

Thể hiện nhu cầu của đời sống tinh thần, đời sống tâm linh

Kiếm tiền, trục lợi là chính

Hoạt động chuyên nghiệp

Hầu hết không ai làm việc chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp

Hầu hết là hoạt động bán chuyên nghiệp hoặc chuyên nghiệp, sống dựa vào việc hoạt động mê tín dị đoan

Địa điểm hoạt động

Sinh hoạt tín ngưỡng có cơ sở thờ tự riêng (đình, từ đường, miếu,…)

Thường sử dụng không gian nào đó của những cơ sở thờ tự của tín ngưỡng dân gian để hành nghề hoặc hành nghề tại tư gia.

 

Thời gian hoạt động

Sinh hoạt định kỳ tại cơ sở thờ tự (ngày mùng Một, ngày Rằm âm lịch hàng tháng ra đình làm lễ Thánh; hàng năm đến ngày giỗ bố mẹ ông bà, phải làm giỗ,…)

Hoạt động không định kỳ

Sự công nhận của pháp luật

Pháp luật bảo vệ, được xã hội thừa nhận

Pháp luật không thừa nhận, xã hội lên án

tin nguong la gi 03

3. Phân loại tín ngưỡng tại Việt Nam

3.1 Tín ngưỡng phồn thực

Tín ngưỡng phồn thực là sự tin tưởng, ngưỡng mộ và sùng bái sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người. Tín ngưỡng phồn thực hình thành từ xa xưa, trên cơ sở tư duy trực quan, cảm tính của con người trước sự sinh sôi để duy trì sự sống. Họ nhìn thấy ở thực tiễn có một sức mạnh siêu nhiên và sùng bái các hiện vật, các hiện thực đó như thần thánh.

Ở Việt Nam việc thờ sinh thực khí gọi là thờ cúng Nõ Nường (Nõ - tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam, Nường - tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ). Ngoài ra, tín ngưỡng phồn thực còn có các biến thể như: Thờ cột đá tự nhiên, thờ các kẽ đá nứt tự nhiên có hình dáng như bộ phận sinh dục nam, nữ;…

3.2 Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên

Sùng bái tự nhiên là giai đoạn tất yếu trong quá trình phát triển của con người. Với cái gốc là nghề trồng lúa nước thì sự gắn bó với tự nhiên lại càng dài lâu và bền chặt. Chất âm tính của văn hóa nông nghiệp dẫn đến lối sống thiên về tình cảm trọng nữ, và trong tín ngưỡng, tình trạng nữ thần chiếm ưu thế.

- Thờ Tam phủ, Tứ phủ

Tam phủ chỉ ba vị thánh thần: Bà Trời (hay Mẫu Thượng Thiên), Bà Chúa Thượng (hay Mẫu Thượng Ngàn), Bà Nước (hay Mẫu Thoải). Tứ phủ gồm ba vị Mẫu đã nêu cộng thêm Mẫu Địa phủ.

- Thờ tứ pháp

Tứ phủ dùng để chỉ các bà thần Mây - Mưa - Sấm - Chớp, đại diện cho các hiện tượng tự nhiên có vai trò quan trọng trong nông nghiệp.

- Thờ động vật thực vật

Do xuất phát từ nước có gốc nông nghiệp trồng lúa nước nên tín ngưỡng sùng bái giới tự nhiên thể hiện ở việc thờ động vật, thực vật. Tín ngưỡng Việt Nam thờ các con vật như trâu, cóc, chim, rắn, cá sấu,… các con vật đó gần gũi với cuộc sống của người dân của một xã hội nông nghiệp. Thực vật được tôn sùng nhất là cây lúa, có Thần Lúa, Hồn Lúa, Mẹ Lúa,… đôi khi còn thờ Thần Cây Đa, Cây Cau,… 

3.3 Tín ngưỡng sùng bái con người

- Hồn và vía

Người xưa cho rằng con người gồm phần thể xác và linh hồn, con người có ba hồn, nam có bảy vía và nữ có chín vía.

Hồn và vía dùng thể xác làm nơi trú ngụ, trường hợp hôn mê ở các mức độ khác nhau được giải thích là vía và hồn rời bỏ thể xác ở các mức độ khác nhau. Nếu phần thần của hồn mà rời khỏi thể xác thì tức người đó đã chết. Khi người chết, hồn nhẹ hơn sẽ bay sang kiếp khác còn vía nặng hơn sẽ bay là là mặt đất rồi tiêu tan.

- Tổ tiên

Người Việt cho rằng người đã mất đi về nơi chín suối. Bàn thờ tổ bao giờ cũng được bày ở nơi trang trọng nhất, cúng lễ bao giờ cũng có nước hoặc rượu cùng với những đồ tế lễ khác. Sau khi cúng xong thì đem đốt vàng mã thì đổ rượu hoặc nước lên đống tro tàn, nếu có khói bay lên trời, nước hòa với lửa thấm xuống đất thì tức là tổ tiên sẽ nhận được.

- Thành Hoàng làng

“Thành hoàng” là vị thần cai quản, che chở, định đoạt phúc họa cho một cộng đồng người sống trong một khu vực nhất định. Thành hoàng thường được người dân thờ trong Đình, Miếu. Việc thờ phụng Thành Hoàng tượng trưng cho sự bảo vệ làng xã và mong muốn sự trường tồn của các thôn ấp.

- Vua tổ

Đây là một tín ngưỡng thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Bởi Vua Hùng là vị vua tổ của người Việt, người có công sáng lập nước Văn Lang và mở ra thời đại Hùng Vương trong lịch sử.

- Tứ bất tử

Bốn vị thánh bất tử bao gồm: Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh. Trong đó:

+ Tản Viên thể hiện ước vọng chiến thắng thiên tai, lụt lội.

+ Thánh Gióng thể hiện cho tinh thần chống giặc ngoại xâm.

+ Chử Đồng Tử thể hiện cho cuộc sống phồn vinh về vật chất.

+ Liễu Hạnh thể hiện cho cuộc sống phồn vinh về tinh thần. 

3.4 Tín ngưỡng sùng bái thần linh

- Thổ công

Thổ Công là một vị thần được thờ trong gia đình, là vị thần trông coi nhà cửa, định đoạt họa phúc cho một gia đình. Sống ở đâu thì có Thổ Công ở đó giống như câu nói “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”.

Thổ Công được tin là vị thần quan trọng nhất trong gia đình. Mặc dù bàn thờ tổ tiên được ở giữa, còn bàn thờ Thổ Công ở bên trái nhưng khi cúng lễ tổ tiên, người ta đều phải khấn Thổ Công trước để xin phép cho tổ tiên về.

- Thần tài

Thần Tài là cũng một vị thần trong tín ngưỡng, được người Việt rất coi trọng và thờ cúng với mong ước thần đem lại nhiều may mắn, tài lộc trong cuộc sống. 

tin nguong la gi
Một số loại hình tín ngưỡng tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

4. Quyền tự do tín ngưỡng được quy định như thế nào?

Ngoài khái niệm tín ngưỡng là gì, nhiều người cũng khá quan tâm đến quyền tự do tín ngưỡng. Hiện nay quyền này đang được ghi nhận trong cả Hiến pháp và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Cụ thể:

4.1. Quyền tự do tín ngưỡng trong Hiến pháp

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp. Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được ghi nhận ngay từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và được khẳng định lại trong Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, 2013.

Điều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định như sau:

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Có thể thấy, ở Hiến pháp 2013, việc sử dụng cụm từ “mọi người” khi nói đối tượng có quyền tự do tín ngưỡng đã thể hiện rằng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là một quyền cơ bản của công dân như các Hiến pháp trước đây ghi nhận, mà nó còn là một trong những quyền cơ bản của con người.

Quyền tin theo một tín ngưỡng nào đó không lệ thuộc vào người đó có quyền công dân hay không, đây là một hiện tượng thuộc về tư tưởng, tâm linh.

Việc ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng trong hiến pháp đã ra tạo môi trường pháp lý cho các tổ chức, cá nhân hoạt động tôn giáo. Do đây là quyền cơ bản của con người nên việc hạn chế đối với hoạt động tín ngưỡng phải được cụ thể hóa bằng quy định của pháp luật.

4.2 Quyền tự do tín ngưỡng trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo đã được cụ thể hóa trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Theo đó, nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người.

Theo Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, quyền tự do tín ngưỡng của mọi người được quy định như sau:

- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào.

- Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng; thực hành lễ nghi tín ngưỡng; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.

- Mỗi người có quyền vào tu, học, tham gia lớp bồi dưỡng tại cơ sở tôn giáo.

- Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền tiến hành lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.

- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam; đang chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc cũng có quyền dùng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng.

5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động tín ngưỡng

Không chỉ đưa ra định nghĩa về tín ngưỡng là gì, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 còn liệt kê cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động tín ngưỡng tại Điều 5 của Luật này như sau:

- Phân biệt đối xử, kỳ thị người khác vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

- Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo nào đó.

- Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo của người khác.

- Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo nhằm mục đích:

+ Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường.

+ Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

+ Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

+ Chia rẽ dân tộc; tôn giáo; những người theo và không theo tín ngưỡng, tôn giáo; những người theo tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

- Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng để trục lợi.

6. Nguyên tắc, điều kiện tổ chức hoạt động tín ngưỡng

6.1 Nguyên tắc tổ chức hoạt động tín ngưỡng

Hai nguyên tắc quan trọng cần nhớ khi tổ chức hoạt động tín ngưỡng được ghi nhận tại Điều 10 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 bao gồm:

- Hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

- Việc tổ chức hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đồng thời cũng tiết kiệm, bảo vệ môi trường.

6.2 Điều kiện tổ chức hoạt động tín ngưỡng

Theo Điều 12 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động tín ngưỡng của cơ sở tín ngưỡng phải được đăng ký, trừ trường hợp cơ sở tín ngưỡng là nhà thờ họ.

* Đối với hoạt động tổ chức lễ hội tín ngưỡng lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục sau khi bị gián đoạn hoặc lễ hội tín ngưỡng được tổ chức định kỳ mà có thay đổi (về quy mô, nội dung, thời gian, địa điểm):

Trước khi tổ chức, người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng phải gửi văn bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh nơi tổ chức lễ hội. Trong đó nêu rõ tên lễ hội, nội dung lễ hội hoặc nội dung thay đổi, quy mô, thời gian, địa điểm, thành viên ban tổ chức (dự kiến) và các điều kiện cần để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường trong lễ hội.

UBND tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký hợp lệ; nếu từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.

* Đối với các hoạt động tín ngưỡng khác:

Trước ngày bắt đầu, người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng phải gửi văn bản đăng ký đến UBND xã chậm nhất là 30 ngày. Trong đó nêu rõ tên cơ sở tín ngưỡng, các hoạt động tín ngưỡng, nội dung, quy mô, thời gian, địa điểm diễn ra hoạt động.

UBND xã có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký hợp lệ; nếu từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do. 
tin nguong la gi 01
Hoạt động tín ngưỡng tín ngưỡng diễn ra cần điều kiện gì? (Ảnh minh họa)

7. Xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng của người khác bị xử lý thế nào?

Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng mà không bị ai ép buộc. Trường hợp xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng của người khác, cá nhân, tổ chức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác.

Cụ thể theo 164 Bộ luật Hình sự, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác để ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào đó mà đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ bị phạt như sau:

- Khung 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

- Khung 2: Phạt tù từ 01 năm đến 03 năm nếu phạm tội:

+ Có tổ chức;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Dẫn đến biểu tình;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là thông tin giải đáp cho câu hỏi:  “Tín ngưỡng là gì?” cùng những nội dung liên quan. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được tư vấn chi tiết.

Từ khóa » Tín Ngưỡng Nghĩa Là Gì