Ký ức Thảm Nạn Sêrêpôk Chưa Thể Xóa Nhòa! | Báo Dân Trí

Ký ức kinh hoàng

Dòng sông Sêrêpôk đục ngầu vẫn cuồn cuộn trôi, ký ức về đêm thảm nạn ngày ấy như những thước phim buồn chầm chậm hiện về trong đầu người cứu hộ. Anh Lê Văn Hiệu (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), nhà ở ngay bên dòng Sêrêpôk, một trong những người đầu tiên phát hiện chiếc xe khách rơi xuống sông, vẫn chưa thể quên đêm thảm nạn kinh hoàng hôm ấy. Anh kể, đêm đó sau khi chiếc xe khách lao vút qua cổng nhà, trong giây lát một âm thanh chát tai bắn vào không trung khiến mọi người mơ màng sắp đi ngủ giật bắn mình.

Cầu Sêrêpôk - nơi xảy ra vụ thảm nạn một năm về trước (17/5).
Cầu Sêrêpôk - nơi xảy ra vụ thảm nạn một năm về trước (17/5).

Mường tượng có sự cố bất thường, hai cha con anh Hiệu xô cửa chạy lên cầu Sêrêpôk nhưng đêm về cầu thanh vắng, không một bóng người. Ngoái đầu nhìn xuống sông Sêrêpôk, một cảnh tượng kinh hãi khi chiếc xe khách bị lật ngửa, đầu xe chìm nghỉm trong dòng nước cuồn cuộn. Hốt hoảng, anh Hiệu cùng con trai là Lê Văn Tuấn vừa chạy xuống chân cầu, vừa hét bà con trong thôn ứng cứu. “Khi cha con tôi chạy đến chỗ chiếc xe, một em bé khoảng 5 tuổi nằm mấp mé bên dòng nước, cháu thất hồn khóc thét lên…”, anh Hiệu bàng hoàng.

Đứa bé sau đó được Tuấn bế lên, mang vào nhà thay áo quần rồi trấn an tinh thần nhưng vẫn chưa thôi hoảng loạn. Một mình trước thảm cảnh, sau phút định thần, anh Hiệu túm lấy mấy nạn nhân nằm bên mé cửa kéo ra ngoài. Hơn 10 phút sau, người dân địa phương cũng chạy ra đến nơi, hợp lực cứu các nạn nhân mắc kẹt bên trong.

Theo anh Hiệu, lúc này bên trong chiếc xe, một cảnh tượng rất thương tâm, hành khách bị mắc kẹt dưới gầm nằm sõng soài chồng chất lên nhau, tiếng kêu cứu hét lên trong hoảng loạn rồi lặng đi trong tuyệt vọng. Quá nguy cấp, một số người đã chạy về nhà mang xà beng, búa tạ, cưa máy… phá cửa xe, cắt bỏ thân xe… chui sâu vào bên trong kéo nạn nhân ra ngoài. “Bất cứ thứ gì có thể dùng được để phá cửa đều được sử dụng tối đa, chỗ nào phá được, một người chui liền vào bên trong kéo nạn nhân ra … các nạn nhân lần lượt được đưa ra ngoài”, anh Hiệu kể.

Cứu hộ chiếc xe khách sau khi rơi xuống sông.
Cứu hộ chiếc xe khách sau khi rơi xuống sông.

Anh Hiệu nhớ lại, sau khoảng 15 phút, công an giao thông đã có mặt tại hiện trường, ít phút sau cảnh sát PCCC cũng đến nơi. Cơ quan chức năng ngay sau đó đã điều đến 2 xe cẩu loại loại trung bình (theo anh Hiệu khoảng 14 tấn) để cẩu chiếc xe khách nhưng không thành công vì chiếc xe khách mặt cầu đến 20 mét, trọng tải nặng, lại chênh vênh. Ít phút sau 2 chiếc xe cẩu loại lớn hơn (theo anh Hiệu khoảng 35-40 tấn) được điều đến mới kéo được chiếc xe khách lên bờ. Khoảng 2h sáng ngày 18/5, 3 nạn nhân cuối cùng trong chiếc xe định mệnh được đưa ra ngoài, trong đó có một tài xế lái xe nhưng đã tử vong.

Sông Sêrêpôk chưa bao đau thương như đêm 17/5/2012, máu me, tang thương phủ lấy đôi bờ, tiếng khóc than đến não nề của người nhà nạn nhân nấc lên từng hồi đến nghẹn ngào.

Tình người trong hoạn nạn

Trong đêm tối mù mờ, lau sậy ở ven cầu mọc um tùm khiến việc tiếp cận hiện trường rất khó khăn. Người dân đã dùng cuốc xẻng phát quang lối đi, câu điện ra hiện trường để những người bên dưới đưa nạn nhân lên bờ sơ cứu. Ông Nguyễn Sỹ Hùng (49 tuổi) - Bí thư chi bộ thôn 6, xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự: “Việc bà con trong thôn tích cực tham gia cứu hộ các nạn nhân sau khi xe khách rơi xuống sông Sêrêpôk đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình người… trong hoạn nạn”.

Anh Lê Văn Hiệu chỉ tay xuống vị trí chiếc xe khách gặp nạn.
Anh Lê Văn Hiệu chỉ tay xuống vị trí chiếc xe khách gặp nạn.

Ông Nguyễn Sỹ Hùng cũng là một trong nhiều người tham cứu hộ. Ông kể, đêm đó gia đình ông cũng sắp đi ngủ, khi nghe tin xe khách gặp nạn, ông đã điện thoại ngay cho cơ quan chức năng. “Khi tôi chạy xuống, qua cửa kính chiếc xe, tôi thấy hành khách bên trong đang còn lổm nhổm, tôi hô hoán: “Bà con ơi! Vẫn còn sống…”. Nghe vậy, mọi người hối hả phá cửa xe khẩn trương đưa nạn nhân ra ngoài sơ cứu tại chỗ. “Khi đưa nạn nhân lên bờ cầu rất khó khăn, mọi người đứng thành hai hàng rồi hợp lực đẩy những người đang cáng, đang cõng nạn nhân trên lưng đi ngược từ dưới chân cầu lên”, ông Hùng thuật lại.

Hàng chục người tham gia phát cây cối, ai cũng cố gắng hết sức, làm việc hết mình. “Khi tham gia phát quang mình chẳng biết mệt là gì nữa, cố gắng phát hết cây cối rậm rạp chỗ này xong lại chạy qua chỗ khác phát tiếp. Lúc đó cứ nghĩ là miễn làm sao mọi người cứu được càng nhiều người càng tốt. Xong việc, trong người mới bắt đầu thấm mệt”, chị Vũ Thị Quý (vợ anh Hiệu), nhớ lại.

Chia tay những người cứu hộ tốt bụng bên cầu Sêrêpôk, anh Lê Văn Hiệu tâm sự: “Chưa bao giờ trong đời tôi lại chứng kiến một tai nạn giao thông thảm khốc đến như vậy. Số người tử nạn quá lớn, mỗi khi nhìn ra bờ sông, tôi lại có cảm giác rất buồn, thấy đau lòng và sốt ruột lắm…”.
Khoảng 22h15 đêm 17/5, xe khách BKS 47V-2371, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk đang lưu thông theo hướng TP. Buôn Ma Thuột - TP. HCM bất ngờ tông vào lan can cầu rồi rơi xuống sông Sêrêpôk (lý trình Km 733+900, Quốc lộ 14) thuộc địa phận TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Vụ tai nạn đã làm 22 người bị thương nặng, 34 người khác không may thiệt mạng tại chỗ và trên đường cấp cứu. Sau khi tiến hành giám định mặt cầu, mặt đường và phương tiện, ngày 7/6, Công an tỉnh Đắk Lắk có kết luận nguyên nhân vụ tai nạn là do tài xế xe khách BKS 47V-2371 không làm chủ tốc độ, không làm chủ tay lái. *** Ngày 3/8, 10 tập thể và 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cứu hộ, cứu nạn được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; 9 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ Công an; 48 cá nhân thuộc 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông được Ban ATGT tỉnh Đắk Lắk tặng Giấy khen; 8 cá nhân khác cũng được Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk tặng Giấy khen.

Viết Hảo

Từ khóa » Cầu Serepok