Kyrgyzstan – Wikipedia Tiếng Việt
Có thể bạn quan tâm
Cộng hòa Kyrgyzstan | |||||
---|---|---|---|---|---|
Tên bằng ngôn ngữ chính thức
| |||||
| |||||
Bản đồ | |||||
Tiêu ngữ | |||||
không có | |||||
Quốc ca | |||||
Кыргыз Республикасынын Мамлекеттик Гимни (Kyrgyz)Keurgeuz Respublikaseuneun Mamlekettik Gimni(tiếng Việt: Quốc ca Cộng hoà Kyrgyzstan) | |||||
Hành chính | |||||
Chính phủ | Cộng hòa tổng thống | ||||
Tổng thống | Sadyr Japarov | ||||
Thủ tướng | Akylbek Japarov | ||||
Lập pháp | Hội đồng Tối cao | ||||
Thủ đô | Bishkek42°52′B 74°36′Đ / 42,867°B 74,6°Đ | ||||
Thành phố lớn nhất | Bishkek | ||||
Địa lý | |||||
Diện tích | 199,951 km² (hạng 85) | ||||
Diện tích nước | 3,6 % | ||||
Múi giờ | KGT (UTC+6) | ||||
Lịch sử | |||||
Độc lập từ Liên Xô | |||||
14 tháng 10 năm 1924 | Tỉnh tự trị Kara-Kirghiz | ||||
5 tháng 12 năm 1936 | Cộng hoà XHCNXV Kirghiz | ||||
31 tháng 8 năm 1991 | Tuyên bố độc lập | ||||
25 tháng 12 năm 1991 | Được công nhận | ||||
Ngôn ngữ chính thức | tiếng Kyrgyz, tiếng Nga | ||||
Sắc tộc | Năm 2016
| ||||
Dân số ước lượng (2019) | 6.389.500 người (hạng 110) | ||||
Dân số (2009) | 5.362.800 người | ||||
Mật độ | 27,4 người/km² (hạng 176) | ||||
Kinh tế | |||||
GDP (PPP) (2017) | Tổng số: 22,737 tỉ USD[1]Bình quân đầu người: 3.669 USD[1] | ||||
GDP (danh nghĩa) (2017) | Tổng số: 6,854 tỉ USD[1]Bình quân đầu người: 1.106 USD[1] | ||||
HDI (2014) | 0,655[2] trung bình (hạng 120) | ||||
Hệ số Gini (2012) | 27,4[3] thấp | ||||
Đơn vị tiền tệ | Som Kyrgyzstan (KGS) | ||||
Thông tin khác | |||||
Tên miền Internet | .kg |
Kyrgyzstan (phiên âm tiếng Việt: "Cư-rơ-gư-xtan", tiếng Kyrgyz: Кыргызстан; tiếng Nga: Киргизия, tuỳ từng trường hợp còn được chuyển tự thành Kirgizia hay Kirghizia, đọc như "Ki-rơ-ghi-zi-a") (đánh vần theo IPA: /ˈkiəːgɪstan/), tên chính thức Cộng hòa Kyrgyzstan, là một quốc gia tại Trung Á. Nằm kín trong lục địa và nhiều đồi núi, nước này giáp biên giới với Kazakhstan ở phía bắc, Uzbekistan ở phía tây, Tajikistan ở phía tây nam và Trung Quốc ở phía đông nam.
Theo những con số ước tính tháng 8 năm 2016, dân số nước này là 6.088.000 người với đa số (72,6 phần trăm) là tín đồ Hồi giáo. Thủ đô và thành phố lớn nhất của Kyrgyzstan là Bishkek.
Nguồn gốc tên gọi
[sửa | sửa mã nguồn]Kyrgyz được cho là có nguồn gốc từ danh từ trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, có nghĩa là "bốn mươi", nhắc tới 40 thị tộc của Manas, một vị anh hùng huyền thoại đã thống nhất 40 thị tộc chống lại người Duy Ngô Nhĩ. Theo nghĩa đen, Kyrgyz nghĩa là "Chúng ta là bốn mươi". Vào đầu thế kỷ thứ 9, người Duy Ngô Nhĩ thống trị phần lớn Trung Á (bao gồm cả Kyrgyzstan), Mông Cổ, và một phần của Nga và Trung Quốc ngày nay. -Stan là một hậu tố trong tiếng Ba Tư, có nghĩa là "địa điểm" hoặc "quốc gia".
Hình ảnh mặt trời với 40 tia sáng trên quốc kỳ Kyrgyzstan tượng trưng cho 40 bộ lạc và hình vẽ ở trung tâm mặt trời tượng trưng cho chiếc vương miện gỗ, hay còn gọi là tunduk, của một yurt - loại lều truyền thống có thể di chuyển được của những người du mục ở thảo nguyên Trung Á.
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Lịch sử KyrgyzstanBuổi đầu lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Theo những khám phá lịch sử gần đây, lịch sử người Kyrgyz bắt đầu từ năm 201 trước Công Nguyên. Theo David C. King, người Scythia là những người đầu tiên định cư ở Kyrgyzstan ngày nay. Ban đầu người Kyrgyz sống ở vùng thượng châu thổ sông Enisei, trung tâm Siberia. Sự khám phá những nền văn hóa Pazyryk và Tashtyk cho thấy chúng có pha trộn các yếu tố văn hóa từ các bộ lạc du mục Turk và Iran. Các văn bản Trung Quốc và Hồi giáo giai đoạn thế kỷ VII–XII Công nguyên miêu tả người Kyrgyz là giống người tóc đỏ với nước da sáng và mắt xanh lá cây hay xanh nước biển.
Mặt khác nguồn gốc người Kyrgyz từ dân bản địa Siberia đã được xác nhận sau những cuộc nghiên cứu di truyền học gần đây[4]. Đáng chú ý, 63% đàn ông Kyrgyz hiện đại có chung Haplogroup R1a1 (Y-DNA) với người Tajik (64%), người Ukraine (54%), người Ba Lan (56%) và thậm chí người Iceland (25%). Haplogroup R1a1 (Y-DNA) được cho là tín hiệu của những nhóm người nói các ngôn ngữ Tiền Ấn-Âu.
Quốc gia Kyrgyz mở rộng nhất sau khi đánh bại Hãn quốc Hồi Cốt năm 840. Sau đó người Kyrgyz nhanh chóng tiến xa tới tận dãy Thiên Sơn và tiếp tục duy trì ảnh hưởng của họ trên vùng đất này trong khoảng 200 năm. Tuy nhiên, ở thế kỷ XII, ảnh hưởng của Kyrgyz chỉ còn tới Dãy núi Altay và Núi Sayan vì sự mở rộng của Đế quốc Mông Cổ đang trên đà hình thành. Với sự trỗi dậy của Đế quốc Mông Cổ ở thế kỷ XIII, người Kyrgyz đã di cư về phía nam. Kyrgyzstan trở thành một phần của Đế chế Mông Cổ vào năm 1207.
Nhiều dân tộc Turk đã cai trị họ cho tới năm 1685, khi họ rơi vào quyền kiểm soát của Kalmyk (Oirat, Dzungar).
Ảnh hưởng của Nga
[sửa | sửa mã nguồn]Đầu thế kỷ XIX, vùng phía nam của Kyrgyzstan ngày nay rơi vào vòng kiểm soát của Hãn quốc Kokand. Cuối thế kỷ XIX, phần phía đông của khu vực ngày nay là Kyrgyzstan, chủ yếu là vùng Issyk-Kul, đã được nhà Thanh của Trung Quốc nhượng lại cho Đế quốc Nga thông qua Hiệp ước Tarbagatai. Lãnh thổ này, khi ấy được người Nga gọi là "Kirgizia", đã được chính thức sáp nhập vào Đế quốc Nga năm 1876. Người Nga phải đối mặt với nhiều cuộc nổi dậy chống chính quyền Sa Hoàng, và nhiều người Kyrgyz đã lựa chọn di cư tới Pamir và Afghanistan. Ngoài ra, sự đàn áp cuộc nổi dậy năm 1916 tại Trung Á đã khiến nhiều người Kyrgyz phải di cư tới Trung Quốc. Bởi nhiều dân tộc trong vùng này đã (và vẫn đang) sống trên lãnh thổ của nhiều quốc gia láng giềng, ở thời điểm khi các biên giới còn chưa được phân định rõ ràng, nên việc di chuyên tới lui giữa các vùng núi, phụ thuộc vào địa điểm nào họ cho là thích hợp nhất với cuộc sống của mình; có nghĩa là nơi có nhiều mưa cho mùa màng hay sự quản lý của chính phủ dễ dàng hơn, là điều rất thông thường.
Thời kỳ Xô viết
[sửa | sửa mã nguồn]Lần đầu tiên quyền lực Xô viết được thiết lập ở vùng này là vào năm 1919 và Vùng tự trị Kara-Kyrgyz được thành lập bên trong nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga (thuật ngữ Kara-Kirghiz đã được người Nga sử dụng cho tới giữa những năm 1920 để phân biệt họ với người Kazakh, những người cũng được gọi là Kirghiz). Ngày 5 tháng 12 năm 1936, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Kyrgyz được thành lập với tư cách một nước cộng hòa đầy đủ của Liên bang Xô viết.
Trong thập niên 1920, Kyrgyzstan đã có bước phát triển đáng kể về văn hoá, giáo dục và đời sống xã hội. Tỷ lệ biết chữ gia tăng mạnh, và một tiêu chuẩn về biết chữ được đưa ra. Phát triển kinh tế và xã hội cũng đạt thành quả lớn. Nhiều lĩnh vực văn hóa quốc gia Kyrgyz vẫn được duy trì dù có sự đàn áp các hoạt động quốc gia thời Stalin, và vì thế, những căng thẳng với tất cả các cơ quan liên bang liên tục diễn ra.
Những năm đầu thời kỳ cải tổ không mang lại thay đổi nhiều trong đời sống chính trị Kyrgyzstan. Tuy nhiên, báo chí tại nước cộng hòa này được cho phép có quan điểm tự do hơn và được thành lập một cơ quan xuất bản mới, Literaturny Kirghizstan, của Liên minh Nhà văn. Các nhóm chính trị không chính thức bị cấm đoán, nhưng nhiều nhóm vẫn xuất hiện năm 1989 để đương đầu với cuộc khủng hoảng sâu sắc về nhà ở được phép hoạt động.
Tháng 6 năm 1990, căng thẳng sắc tộc giữa người Uzbek và người Kyrgyz xuất hiện tại Vùng Osh, nơi người Uzbek chiếm đa số. Bạo lực nhanh chóng diễn ra, và tình trạng khẩn cấp cùng lệnh giới nghiêm được ban hành. Trật tự chỉ được tái lập vào tháng 8 năm 1990.
Đầu thập niên 1990 nhiều thay đổi to lớn đã diễn ra tại Kyrgyzstan. Tới thời điểm ấy, Phong trào Dân chủ Kyrgyzstan (KDM) đã phát triển thành một lực lượng chính trị khá mạnh trong nghị viện. Trong một thắng lợi gây tranh cãi, Askar Akayev, vị chủ tịch theo đường lối tự do của Viện hàn lâm Kyrgyz, đã lên giữ chức tổng thống tháng 10 năm 1990. Tháng 1 năm sau đó, Akayev đưa ra các cơ cấu chính phủ mới và chỉ định một chính phủ gồm chủ yếu những chính trị gia trẻ, có khuynh hướng cải cách.
Tháng 12 năm 1990, Xô viết Tối cao bỏ phiếu thay đổi tên nhà nước cộng hòa thành Cộng hòa Kyrgyzstan. (Năm 1993, nước này đổi tên thành Cộng hòa Kyrgyz.) Tháng 2 năm 1991, tên thủ đô, Frunze, được đổi lại theo cái tên trước đó là Bishkek. Dù có những động thái theo hướng độc lập, những thực tế kinh tế dường như vẫn chống lại sự ly khai khỏi Liên bang Xô viết. Trong một cuộc trưng cầu dân ý về việc duy trì nhà nước Xô viết tháng 3 năm 1991, 88.7% cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ duy trì Liên bang Xô viết dưới hình thức một "Liên bang mới."
Ngày 19 tháng 8 năm 1991, khi Ủy ban Khẩn cấp Nhà nước nắm quyền lực tại Moskva, đã có nỗ lực nhằm hạ bệ Akayev tại Kyrgyzstan. Sau khi vụ đảo chính bị tiêu diệt một tuần sau đó, Akayev và Phó tổng thống German Kuznetsov thông báo việc rút lui khỏi Đảng Cộng sản Liên bang Xô viết (CPSU), và toàn thể ủy ban cũng như các thư ký cơ cấu đảng đều từ chức. Sau đó Xô viết Tối cao bỏ phiếu tuyên bố độc lập khỏi Liên bang Xô viết ngày 31 tháng 8 năm 1991.
Độc lập
[sửa | sửa mã nguồn]Tháng 10 năm 1991, Akayev là ứng cử viên duy nhất tranh cử và chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của nước Cộng hòa mới qua bỏ phiếu trực tiếp, với 95% phiếu bầu. Cùng với các đại biểu của 7 nước cộng hòa khác, cũng trong tháng 10, ông ký kết Hiệp ước Cộng đồng Kinh tế Mới. Cuối cùng, ngày 21 tháng 12 năm 1991, Kyrgyzstan cùng bốn nước cộng hòa khác vùng Trung Á chính thức gia nhập Cộng đồng các quốc gia độc lập mới được thành lập. Năm 1992, Kyrgyzstan gia nhập Liên hiệp quốc và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Cuộc "Cách mạng Tulip," sau cuộc bầu cử nghị viện tháng 3 năm 2005, đã buộc Tổng thống Akayev phải từ chức ngày 4 tháng 4 năm 2005. Các lãnh đạo phe đối lập đã thành lập một liên minh và một chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Kurmanbek Bakiyev và Thủ tướng Feliks Kulov. Thủ đô của đất nước này đã bị cướp phá trong các cuộc biểu tình.
Tuy nhiên, sự ổn định chính trị dường như còn mong manh, bởi nhiều nhóm và phe phái được cho là có liên quan tới tội phạm có tổ chức đang gắng sức giành quyền lực. Ba trong 75 thành viên Nghị viện được bầu tháng 3 năm 2005 đã bị ám sát, và một thành viên khác bị ám sát ngày 10 tháng 5 năm 2006 một thời gian ngắn sau khi trúng cử chiếc ghế trống của anh mình đã bị ám sát trước đó. Tất cả bốn người đều bị cho là có liên quan trực tiếp tới các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Ngày 6 tháng 4 năm 2010, bất ổn dân sự bùng phát ở thị trấn Talas sau một cuộc biểu tình chống tham nhũng và gia tăng chi phí sinh hoạt. Những người biểu tình đã tấn công các văn phòng của Tổng thống Bakiyev cũng như các đài truyền hình và radio do nhà nước điều hành. Có nhiều báo cáo xung đột cho rằng Bộ trưởng bộ Nội vụ Moldomusa Kongatiyev đã bị tấn công. Ngày 7 tháng 4 năm 2010, Tổng thống Bakiyev đã ban hành tình trạng khẩn cấp cấp quốc gia. Cảnh sát và các lực lượng đặc biệt đã bắt giữ nhiều thủ lĩnh phe đối lập. Đáp lại, những người biểu tình đã giành quyền kiểm soát trụ sở an ninh nội bộ (trụ sở cũ của KGB) và một kênh truyền hình nhà nước ở thủ đô Bishkek. Báo cáo của các quan chức chính phủ Kyrgyzstan đã chỉ ra rằng có ít nhất 75 người thiệt mạng và 458 người bị thương trong các cuộc đụng độ đẫm máu với cảnh sát ở thủ đô. Báo cáo cho rằng có ít nhất 80 người thiệt mạng do đụng độ với cảnh sát. Ngày 8 tháng 4 năm 2010, một chính phủ lâm thời do cựu ngoại trưởng Roza Otunbayeva lãnh đạo đã nắm quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông nhà nước và các cơ sở chính phủ ở thủ đô, nhưng Bakiyev vẫn chưa từ chức.
Tổng thống Bakiyev trở về nhà riêng tại Jalal-Abad và tuyên bố từ chức tại một cuộc họp báo vào ngày 13 tháng 4 năm 2010. Ngày 15 tháng 4 năm 2010, Bakiyev rời khỏi đất nước và bay tới nước láng giềng Kazakhstan cùng vợ và hai người con. Các nhà lãnh đạo lâm thời của đất nước thông báo rằng Bakiyev đã ký một lá thư từ chức chính thức trước khi ông rời đi.
Thủ tướng Daniar Usenov cáo buộc Nga đã ủng hộ các cuộc biểu tình; cáo buộc này đã bị Thủ tướng Nga, Vladimir Putin, phủ nhận. Các thành viên phe đối lập cũng đã kêu gọi đóng cửa Căn cứ Không quân Manas do Mỹ kiểm soát. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ra lệnh thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho công dân Nga và thắt chặt an ninh xung quanh các vị trí của Nga tại Kyrgyzstan để bảo vệ trước các cuộc tấn công có thể xảy ra.
Ngày 11 tháng 6 năm 2010, các cuộc đụng độ sắc tộc Nam Kyrgyzstan đã xảy ra giữa hai dân tộc chính - người Uzbek và người Kyrgyz - tại Osh, thành phố lớn thứ hai đất nước. Các cuộc đụng độ đã làm dấy lên lo ngại rằng đất nước có thể tiến tới một cuộc nội chiến.
Nhận thấy tình hình đã dần trở nên khó kiểm soát, Otunbayeva, nhà lãnh đạo lâm thời, đã gửi một lá thư tới Tổng thống Dimitry Medvedev, đề nghị ông gửi quân đội Nga tới giúp đỡ đất nước này kiểm soát tình hình. Tùy viên báo chí của Medvedev, Natalya Timakova, đã trả lời trong thư hồi đáp, "Đó là một cuộc xung đột nội bộ và cho tới bây giờ, Nga vẫn chưa nhìn thấy các điều kiện để tham gia giải quyết". Các cuộc đụng độ đã gây ra tình trạng thiếu lương thực và các mặt hàng thiết yếu khác với hơn 200 người thiệt mạng và 1.685 người bị thương, tính tới ngày 12 tháng 6 năm 2010. Tuy nhiên, Chính phủ Nga cho biết họ sẽ gửi viện trợ nhân đạo tới quốc gia đang trong tình trạng khó khăn này.
Theo các nguồn tin địa phương, đã xảy ra những cuộc đụng độ giữa hai băng nhóm địa phương và không mất nhiều thời gian để bạo lực lan tới phần còn lại của thành phố. Cũng có thông tin cho rằng các lực lượng vũ trang đã hỗ trợ các băng nhóm người Kyrgyzstan tiến vào thành phố, nhưng chính phủ đã bác bỏ những cáo buộc này.
Bạo loạn lan sang các khu vực lân cận, và chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở toàn bộ khu vực phía nam Jalal-Abad. Để kiểm soát tình hình, chính phủ lâm thời đã trao đặc quyền nổ súng bắn giết tại chỗ cho lực lượng an ninh. Chính phủ Nga đã quyết định cử một tiểu đoàn tới quốc gia này để bảo vệ các cơ sở của Nga.
Otunbayeva cáo buộc gia đình Bakiyev đã "xúi giục bạo loạn". ÀPP đã đưa tin có "một bức màn khói bao trùm thành phố". Các nhà chức trách ở quốc gia láng giềng Uzbekistan cho biết ít nhất 30.000 người Uzbekistan đã vượt biên trái phép để trốn khỏi cuộc bạo loạn. Osh đã trở nên tương đối ổn định vào ngày 14 tháng 6 năm 2010, nhưng tại Jalal-Abad đã xảy ra một vài vụ đốt phá lẻ tẻ. Toàn bộ khu vực vẫn được đặt trong tình trạng khẩn cấp khi người Uzbekistan miễn cưỡng rời khỏi nơi ở của mình vì sợ hãi trước những cuộc tấn công của đám đông. Liên Hợp Quốc đã quyết định gửi một phái đoàn tới để đánh giá tình hình tại đây.
Temir Sariyev, Phó Chánh văn phòng Chính phủ lâm thời, cho biết đã có những cuộc đụng bộ cục bộ và rằng chính phủ sẽ không thể kiểm soát hoàn toàn tình hình. Ông đã nói thêm rằng không có đủ lực lượng an ninh để ngăn chặn bạo lực. Ngày 14 tháng 6 năm 2010, các cơ quan truyền thông đã đưa tin rằng Chính phủ Nga đang xem xét yêu cầu của Chính phủ Kyrgyzstan. Một cuộc họp khẩn cấp của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã được tổ chức cùng ngày để thảo luận về vai trò của tổ chức này trong việc hỗ trợ chấm dứt bạo lực. Theo Chính phủ Kyrgyzstan, ngày 15 tháng 6 năm 2010, bạo lực sắc tộc đã suy yếu. Tổng thống Kyrgyzstan Roza Otunbayeva đã tổ chức một cuộc họp báo và tuyên bố rằng Nga không cần gửi quân đội để dập tắt bạo lực. Tính đến ngày 15 tháng 6 năm 2010, đã có ít nhất 170 người thiệt mạng, nhưng theo Pascale Meige Wagner của Tổ chức Chữ thập đỏ Quốc tế, tổn thất về người là một con số ít hơn dự kiến. Cao ủy Liên Hợp Quốc đã nói với các phóng viên tại Geneve rằng các bằng chứng cho thấy bạo lực dường như đã được dàn dựng. Những người dân thuộc dân tộc Uzbekistan đã đe dọa sẽ cho nổ kho dầu ở Osh nếu họ không được đảm bảo về sự bảo vệ. Liên Hợp Quốc cho biết họ tin rằng các cuộc tấn công đã được "dàn dựng, nhắm mục tiêu và chuẩn bị tốt". Các quan chức Kyrgyzstan đã thông báo với báo chí rằng một người bị tình nghi đứng sau vụ bạo lực ở Jalal-Abad đã bị tạm giữ.
Vào ngày 2 tháng 8 năm 2010, một ủy ban của chính phủ Kyrgyzstan đã bắt đầu điều tra nguyên nhân của các cuộc đụng độ. Các thành viên của Ủy ban Quốc gia, do cựu phát ngôn viên nghị viện Abdygany Erkebaev dẫn đầu, đã gặp gỡ người dân từ các ngôi làng Mady, Shark và Kyzyl-Kyshtak, chủ yếu thuộc dân tộc Uzbekistan, ở quận Kara-Suu tại Osh Oblast. Ủy ban Quốc gia, bao gồm đại diện của nhiều dân tộc, đã được thành lập theo sắc lệnh của tổng thống.
Tháng 8 năm 2010, Tổng thống Roza Otunbayeva cũng cho biết rằng một ủy ban quốc tế sẽ được thành lập để điều tra các vụ đụng độ. Ủy ban quốc tế đã tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng và chuẩn bị một báo cáo - Ủy ban điều tra quốc tế độc lập về các sự kiện ở miền nam Kyrgyzstan vào tháng 6 năm 2010 (KIC). Bài báo cáo đã phát biểu "Chính phủ lâm thời, lên nắm quyền hai tháng trước khi sự kiện xảy ra, đã không nhận ra hoặc đánh giá thấp sự xấu đi trong mối quan hệ giữa các dân tộc ở miền nam Kyrgyzstan". KIC kết luận rằng "Chính phủ lâm thời có trách nhiệm đảm bảo rằng lực lượng an ninh được đào tạo đầy đủ và được trang bị phù hợp để đối phó với các tình huống bất ổn dân sự" nhưng đã không thể đưa ra nhưng biện pháp cần thiết.
Kể từ nay, Kyrgyzstan kỷ niệm Ngày Độc lập hàng năm vào ngày 31 tháng 8, ngày kỷ niệm tuyên bố độc lập vào năm 1991. Kể từ khi độc lập, Kyrgyzstan đã có những bước phát triển như xây dựng các phương tiện truyền thông thực sự tự do và thúc đẩy một phe đối lập chính trị tích cực.
Vào cuối tháng 4 năm 2021, một cuộc xung đột về nguồn nước leo thang thành một trong những cuộc đụng độ biên giới nghiêm trọng nhất giữa Kyrgyzstan và Tajikistan kể từ khi giành độc lập vào năm 1991.
Những vấn đề chính hiện nay ở Kyrgyzstan gồm: tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, mở rộng dân chủ và tự do chính trị, quan hệ sắc tộc và chủ nghĩa khủng bố.
Chính trị
[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Chính trị Kyrgyzstan và Cách mạng TulipHiến pháp năm 1993 quy định hình thức chính phủ là cộng hòa dân chủ. Nhánh hành pháp gồm một tổng thống và thủ tướng. Nghị viện hiện tại theo chế độ đơn viện. Nhánh tư pháp gồm một Tòa án tối cao, một Tòa án Hiến pháp, các tòa án địa phương, và một Trưởng Công tố.
Tháng 3 năm 2002, tại quận phía nam Aksy, năm người phản đối việc tùy tiện bắt giữ một chính trị gia đối lập đã bị cảnh sát bắn chết, gây ra những cuộc phản kháng rộng rãi trên khắp cả nước. Tổng thống Akayev đã đề xuất một quá trình cải cách hiến pháp ban đầu gồm sự tham gia của một ủy ban đại diện chính phủ, dân sự và xã hội rộng lớn hơn trong một cuộc thảo luận mở, dẫn tới cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 2 năm 2003, không thành công bởi những gian lận. Những sử đổi hiến pháp được phê chuẩn theo cuộc trưng cầu dân ý dẫn tới quyền kiểm soát mạnh hơn cho tổng thống và giảm quyền lực của Nghị viện cùng Tòa án Hiến pháp. Cuộc bầu cử nghị viện mới với 75 ghế được tổ chức từ ngày 27 tháng 2 đến 13 tháng 3 năm 2005, nhưng bị đa số các nhà quan sát cho là có gian lận. Những cuộc biểu tình phản kháng sau đó đã dẫn tới một cuộc đảo chính hòa bình ngày 24 tháng 3, sau sự kiện này Akayev đã chạy trốn khỏi đất nước và được thay thế bởi tổng thống lâm thời Kurmanbek Bakiyev.
Các lãnh đạo chính phủ lâm thời đang phát triển một cơ cấu chính phủ mới cho đất nước và làm việc để giải quyết các vấn đề nổi cộm về hiến pháp. Ngày 10 tháng 7 năm 2005, tổng thống lâm thời Bakiyev chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống với thắng lợi vang dội, đạt 88.9% số phiếu, và chính thức nhậm chức ngày 14 tháng 8. Tuy nhiên, sự ủng hộ ban đầu của công chúng cho ban lãnh đạo mới sau mấy tháng đã sụt giảm vì họ không thể giải quyết các vấn đề tham nhũng đã từng là tai họa của đất nước từ khi độc lập khỏi Liên bang Xô viết, cùng với những vụ ám sát các thành viên nghị viện. Những vụ tuần hành đông đảo phản đối tổng thống Bakyiev đã diễn ra tại Bishkek trong tháng 4 và tháng 11 năm 2006, các lãnh đạo phe đối lập buộc tội tổng thống không thể thực hiện các lời hứa khi tranh cử như cải cách hiến pháp và chuyển giao một số quyền lực cho nghị viện.[5]
Phân chia hành chính
[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Phân cấp hành chính KyrgyzstanKyrgyzstan được chia thành 7 tỉnh (số ít oblast (область), số nhiều oblasttar (областтар)) được quản lý bởi các thống đốc do chỉ định. Thủ đô, Bishkek, về mặt hành chính là một thành phố độc lập (shaar) với vị thế tương đương một tỉnh.
Các tỉnh, thành phố thủ đô, như sau:
- Bishkek
- Batken (Batken)
- Chuy (Chui-Tokmok)
- Jalal-Abad (Jalal-Abad)
- Naryn (Naryn)
- Osh (Osh)
- Talas (Talas)
- Issyk-Kul (Karakol)
Mỗi tỉnh gồm một số quận (raion), được quản lý bởi các quan chức do chính phủ chỉ định (akim). Các cộng đồng nông nghiệp (ayıl ökmötü), gồm tới hai mươi khu định cư nhỏ, có thị trưởng riêng do họ tự bầu và các hội đồng địa phương.
Địa lý
[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Địa lý KyrgyzstanKyrgyzstan là một nước nằm kín trong lục địa tại Trung Á, giáp biên giới với Kazakhstan, Trung Quốc, Tajikistan và Uzbekistan. Vùng núi non Tian Shan bao phủ 80% đất nước (vì thế Kyrgyzstan thỉnh thoảng cũng được gọi là "Thụy Sĩ vùng Trung Á"[6][7].), phần diện tích còn lại gồm các thung lũng và châu thổ. Hồ Issyk-Kul ở tây bắc Tian Shan là hồ lớn nhất tại Kyrgyzstan và là hồ trên núi lớn thứ hai trên thế giới sau Titicaca. Những đỉnh cao nhất nằm trên rặng Kakshaal-Too, hình thành nên biên giới với Trung Quốc. Đỉnh Jengish Chokusu, độ cao 7.439 m (24.400 feet), là điểm cao nhất và được các nhà địa chất (dù không phải là các nhà leo núi) coi là đỉnh nằm xa nhất phía bắc thế giới. Mùa đông với những trận tuyết rơi dày mang tới những trận lụt vào mùa xuân và thường gây thiệt hại lớn phía hạ nguồn. Những dòng nước chảy từ trên cao cũng là tiềm năng lớn cho thủy điện.
Khí hậu khác biệt theo từng vùng. Thung lũng Fergana phía tây nam thuộc kiểu khí hậu cận nhiệt đới và rất nóng vào mùa hè, với nhiệt độ đạt tới 40 °C (104 °F.) Các vùng đồi phía bắc thuộc khí hậu ôn hòa và Tian Shan từ kiểu khí hậu lục địa khô tới khí hậu cực, tùy thuộc độ cao. Tại các vùng lạnh nhất nhiệt độ ở mức dưới không trong khoảng 40 ngày mùa đông, và thậm chí tại một số vùng sa mạc còn có tuyết rơi thường xuyên trong thời kỳ này.
Kyrgyzstan có nguồn khoáng sản kim loại khá lớn gồm vàng và kim loại hiếm. Vì địa hình đất nước này chủ yếu là đồi núi, chưa tới 8% diện tích có thể canh tác, và tập trung tại các vùng đất thấp phía bắc và các rìa Thung lũng Fergana.
Bishkek ở phía bắc là thủ đô và thành phố lớn nhất, với xấp xỉ 900.000 nghìn dân (thời điểm năm 2005). Thành phố đứng thứ hai là thị trấn cổ Osh, nằm tại Thung lũng Fergana gần biên giới với Uzbekistan. Con sông chính là Naryn, chảy về phía tây xuyên qua Thung lũng Fergana vào Uzbekistan, nơi nó hợp lưu với dòng sông chính khác của Kyrgyzstan, sông Kara Darya, hình thành nên Syr Darya cuối cùng chảy vào Biển Aral — dù một lượng lớn nước đã bị khai thác cho tưới tiêu tại các cánh đồng bông của Uzbekistan khiến con sông khô cạn trước khi nó tới được biển này. sông Chu cũng có một đoạn ngắn chảy qua Kyrgyzstan trước khi vào Kazakhstan.
Lãnh thổ tách rời
[sửa | sửa mã nguồn]Có một vùng đất tách khỏi mẫu quốc, đó là ngôi làng nhỏ Barak, Kyrgyzstan [8], (dân số 627 người) tại thung lũng Fergana. Làng này bị lãnh thổ Uzbek bao quanh và nằm giữa các thị trấn Margilan và Fergana.
Có 4 vùng đất Uzbekistan nằm trong lãnh thổ Kyrgyzstan. Hai trong số đó là các thị trấn Sokh (diện tích 325 km²/125 dặm vuông với dân số 42.800 người năm 1993, dù một số ước tính cho rằng con số này có thể lên tới 70.000 người; 99% là người Tajik, số còn lại là người Uzbek), và Shakhrimardan (cũng được gọi là Shakirmardon hay Shah-i-Mardan, diện tích 90 km²/35 dặm vuông và dân số 5.100 năm 1993; 91% là người Uzbek, số còn lại là người Kyrgyz); hai vùng lãnh thổ nhỏ khác là Chuy-Kara (hay Kalacha, dài khoảng 3 km và rộng 1 km hay 2 dặm nhân 0.6 dặm) và Dzhangail (một chấm đất nhỏ chỉ có chiều ngang 2 hay 3 km). Chuy-Kara nằm trên sông Sokh, giữa biên giới Uzbek và khu lãnh thổ tách khỏi mẫu quốc Sokh.
Có hai vùng lãnh thổ của Tajikistan nằm gọn trong Kyrgyzstan: Vorukh (diện tích khoảng 95 và 130 km² [37–50 dặm vuông], dân số được ước lượng trong khoảng 23.000 và 29.000, 95% người Tajik và 5% Kyrgyz, sống tại 17 ngôi làng), nằm cách 45 kilômét (28 dặm) phía nam Isfara trên bờ phải sông Karafshin, và một khu định cư nhỏ gần ga đường sắt Kyrgyz Kairagach.
Kinh tế
[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Kinh tế KyrgyzstanDù có sự giúp đỡ của các nhà tài trợ lớn phương Tây, gồm cả Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á, Cộng hòa Kyrgyz vẫn phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế từ sau độc lập. Ban đầu, đó là hậu quả của sự tan vỡ khối thương mại Xô viết dẫn tới mất thị trường, cản trở sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường tự do của nước này. Chính phủ đã giảm chi tiêu, chấm dứt đa số các khoản trợ giá, và đưa ra áp dụng thuế giá trị gia tăng. Nói chung, chính phủ có vẻ kiên quyết chuyển đổi sang một nền kinh tế thị trường. Thông qua biện pháp cải cách và ổn định, chính phủ muốn thiết lập những nền tảng cho một sự phát triển kinh tế lâu dài và bền vững. Các biện pháp cải cách đã giúp Cộng hòa Kyrgyz gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) ngày 20 tháng 12 năm 1998.
Kinh tế Cộng hòa Kyrgyz đã bị ảnh hưởng nặng nề sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và sự biến mất của một thị trường rộng lớn. Năm 1990, khoảng 98% xuất khẩu Kyrgyz là tới những khu vực khác thuộc Liên bang Xô viết. Vì thế, tình hình nền kinh tế quốc gia đầu những năm 1990 ở đây tồi tệ hơn bất kỳ một nước cộng hòa nào khác thuộc Liên bang Xô viết cũ ngoại trừ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi những cuộc chiến tranh: Armenia, Azerbaijan, và Tajikistan, khi các nhà máy, các hợp tác xã nông nghiệp sụp đổ cùng sự biến mất của các thị trường truyền thống. Tuy tình hình kinh tế đã có cải thiện đáng kể trong vài năm qua, và đặc biệt từ năm 1998, nhiều vấn đề vẫn tồn tại như nhu cầu về các khoản thu thích ứng từ thuế và tạo lập được một mạng lưới an sinh xã hội thích hợp.
Nông nghiệp là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Cộng hòa Kyrgyz; xem Nông nghiệp Kyrgyzstan. Tới đầu thập niên 1990, lĩnh vực nông nghiệp tư nhân chiếm khoảng một phần ba tới một nửa sản lượng thu hoạch. Năm 2002 nông nghiệp chiếm 35.6% GDP và khoảng một nửa lực lượng lao động. Lãnh thổ Cộng hòa Kyrgyz chủ yếu là đồi núi, thích hợp cho chăn nuôi, hoạt động nông nghiệp lớn nhất, với những sản phẩm chính là len, thịt, và các sản phẩm sữa. Cây trồng chủ chốt gồm lúa mì, củ cải đường, khoai tây, bông, thuốc lá, rau, và quả. Bởi giá nhập khẩu các sản phẩm hóa chất nông nghiệp và dầu mỏ tăng cao, đa số các hoạt động nông nghiệp được thực hiện bằng tay hay bằng sức ngựa, như hàng thế hệ trước. Chế biến sản phẩm nông nghiệp là một yếu tố then chốt của kinh tế công nghiệp, cũng như là một trong những lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất.
Cộng hòa Kyrgyz sở hữu nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản nhưng có trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên thấp; nước này phải nhập khẩu dầu mỏ và khí gas. Trong số các nguồn tài nguyên khoáng sản có than, vàng, uranium, antimony, và các kim loại hiếm khác. Luyện kim là một ngành công nghiệp quan trọng, và chính phủ hy vọng đây sẽ là lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài mạnh. Chính phủ đã khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khai thác và chế biến vàng. Các nguồn tài nguyên nước phong phú của Cộng hòa Kyrgyz và địa hình đồi núi cho phép nước này sản xuất và xuất khẩu một lượng lớn năng lượng thủy điện.
Ở mức độ địa phương, kinh tế chủ yếu là kinh doanh nhỏ. Một lượng lớn giao dịch thương mại địa phương diễn ra tại các chợ và kiốt ở các làng. Hàng hóa tiêu dùng như khí đốt (nhiên liệu) thường được bán ven đường trong các thùng chứa. Một lượng đáng kể thương mại diễn ra ngoài tầm kiểm soát của nhà nước. Tại các làng hẻo lánh tình trạng thiếu thốn hàng hóa tiêu dùng cũng thường xảy ra. Vì thế phần đông các gia đình đều có khả năng tự cung tự cấp về lương thực. Có sự khác biệt rất lớn giữa kinh tế thành thị và nông thôn.
Các mặt hàng xuất khẩu chính là các loại kim loại màu và khoáng sản, sản phẩm len cùng các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng điện, và một số sản phẩm cơ khí. Nhập khẩu gồm dầu mỏ và khí gas, kim loại màu, hóa chất, đa số các loại máy móc, len và các sản phẩm giấy cùng một số loại thực phẩm và vật liệu xây dựng. Các đối tác thương mại chính của nước này là Đức, Nga, và các nước láng giềng Trung Quốc, Kazakhstan và Uzbekistan.
Tính đến năm 2016, GDP của Kyrgyzstan đạt 5.794 USD, đứng thứ 148 thế giới, đứng thứ 41 châu Á và đứng thứ 5 Trung Á.
Nhân khẩu
[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Nhân khẩu KyrgyzstanThe World Almanac 2005 báo cáo rằng dân số Kyrgyzstan hơi lớn hơn 5 triệu người, được ước tính khoảng 5.081.429. Trong số đó, 34.4% dưới 15 tuổi và 6.2% trên 65 tuổi. Đây là một quốc gia nông thôn; chỉ khoảng 1/3 (33.9%) dân số Kyrgyzstan sống tại các vùng đô thị. Mật độ dân số trung bình 29 người trên km² (69 người trên dặm vuông).
Dân tộc lớn nhất nước là Kyrgyz, một dân tộc Turk. Người Kyrgyz chiếm 69.5% dân số và trong lịch sử từng là những người chăn nuôi bán du mục, sống trong những chiếc lều tròn được gọi là yurt và nuôi cừu, ngựa và bò Tây Tạng. Truyền thống du mục này còn tiếp tục diễn ra theo mùa (xem Chuyển gia súc lên núi) khi các gia đình chăn nuôi quay trở về từ các đồng cỏ (hay jailoo) trên núi cao vào mùa hè. Việc bảo tồn di sản du mục này cũng như những tư tưởng tự do của nó vẫn có ảnh hưởng lớn tới không khí chính trị trong nước. Cái tên Kyrgyz, sử dụng cho cả người dân và quốc gia, được cho rằng có nghĩa "bốn mươi cô gái", một sự ám chỉ tới Manas (sử thi) dân gian về việc thống nhất 40 bộ tộc chống lại người Mông Cổ.
Các dân tộc khác gồm người Nga (9.0%) tập trung ở phía Bắc và người Uzbek (14.5%) sống ở phía nam. Các cộng đồng nhỏ nhưng cũng đáng chú ý khác gồm Tatars (1.9), Uyghurs (1.1%), Kazakhs (0.7%) và Ukraina (0.5%). Cộng đồng Đức Volga từng khá đông đúc trước kia, đã bị Stalin trục xuất tới đây từ nhà cửa của họ tại nước Cộng hòa Đức Volga, đa số họ đã quay trở về Đức, và chỉ còn sót lại vài nhóm nhỏ. Một số nhỏ dân số là người Triều Tiên Xô viết, có nghĩa hậu duệ của những cư dân Triều Tiên trước kia tại Vladivostok, Những người đã bị Stalin trục xuất tại Trung Á (và vùng Kavkaz) trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ngôn ngữ
[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Tiếng Kyrgyz và Tiếng NgaKyrgyzstan (cùng với Kazakhstan) là hai trong số năm nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á còn giữ tiếng Nga là một ngôn ngữ chính thức. Nước này đã thêm tiếng Kyrgyz để trở thành quốc gia có hai ngôn ngữ chính thức vào tháng 9 năm 1991. Đây là một tín hiệu rõ ràng cho những người Nga sinh sống ở Kyrgyzstan rằng họ được chào đón trong nước cộng hòa mới, trong một nỗ lực nhằm tránh tình trạng chảy máu chất xám. Tiếng Kyrgyz là một thành viên thuộc nhóm ngôn ngữ Turk và được viết bằng ký tự Ả Rập cho đến tận thế kỷ XX. Ký tự Latinh đã được đưa ra và chấp nhận năm 1928, và sau đó đã được thay thế bởi ký tự Kirin năm 1941.
Nói chung, tất cả mọi người trong nước đều hiểu và nói tiếng Nga, ngoại trừ tại một số vùng xa xôi hẻo lánh. Tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ của đa số dân cư Bishkek, và hầu hết các giao dịch thương mại cũng như chính trị đều được tiến hành bằng ngôn ngữ này. Cho tới gần đây, tiếng Kyrgyz vẫn là ngôn ngữ được sử dụng tại gia đình, và hiếm khi được dùng trong các cuộc gặp gỡ hay các sự kiện khác. Tuy nhiên, đa số các cuộc họp nghị viện hiện nay được tiến hành bằng tiếng Kyrgyz, với phiên dịch đồng thời cho những người không nói tiếng Kyrgyz.
Văn hoá
[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Văn hoá Kyrgyzstan- Manas, một sử thi
- Komuz, đàn luýt ba dây
- Tush kyiz, đồ treo tường thêu tỉ mỉ lớn
- Shirdak, nệm phẳng làm bằng shadow-pairs[9][9]
- các loại sản phẩm dệt khác, đặc biệt chế tạo từ nỉ
- Thuật săn bằng chim ưng
Truyền thống
[sửa | sửa mã nguồn]Một hành động đã bị cấm đoán nhưng vẫn thường diễn là truyền thống bắt cóc cô dâu[10]. Hiện đang có tranh cãi về việc liệu hành động bắt cóc cô dâu có thực sự là một truyền thống hay không. Một số lý lẽ xung đột có thể xuất phát từ việc các cuộc hôn nhân có sắp xếp là một hành động truyền thống, và một trong những cách thoát khỏi những cuộc hôn nhân có sắp xếp đó là tổ chức một cuộc "bắt cóc".[11]
Tôn giáo
[sửa | sửa mã nguồn]Kyrgyzstan | ||||
---|---|---|---|---|
Hồi giáo | 80% | |||
Chính thống giáo Đông phương | 17% | |||
Khác | 2.65% | |||
Phật giáo | 0.35% |
- Kyrgyzstan là một quốc gia thế tục. Trong thời Xô viết, quốc gia vô thần được khuyến khích.
- Tôn giáo chủ yếu của nước này là Hồi giáo Sunni (đặc biệt là trường phái Hanafi) - khoảng 70% vào thời điểm năm 1994.[12][13] Hồi giáo tại Kyrgyzstan là một nền tảng văn hóa chứ không phải là sự thực hiện nghi thức hàng ngày đối với một số người.
- Các nhà thờ Thiên chúa giáo chính là Chính thống Nga và Chính thống Ukraine. Một cộng đồng nhỏ người Đức là các tín đồ Tin lành Thiên chúa, chủ yếu thuộc phái Lutheran và Baptist[14].
- Các truyền thống duy linh vẫn tồn tại, và là những ảnh hưởng từ Phật giáo như hành động treo cờ phướn trên những cây thiêng.
- Một số lượng nhỏ Người Do Thái Bukharian sống tại Kyrgyzstan, nhưng trong thời kỳ Liên bang Xô viết sụp đổ đa số họ đã tới Hoa Kỳ và Israel.
Cờ
[sửa | sửa mã nguồn]Mặt trời tỏa 40 tia nắng vàng ở trung tâm lá cờ thể hiện 40 chiến binh của người anh hùng thần thoại Manas. Các đường bên trong mặt trời thể hiện ngôi vua hay tunduk (Kyrgyz түндүк) của một yurt, một biểu tượng được lặp lại trên nhiều công trình kiến trúc Kyrgyz. Phần màu đỏ trên lá cờ biểu hiện hòa bình và sự cởi mở của Kyrgyzstan.
Giáo dục
[sửa | sửa mã nguồn]Các định chế giáo dục tại Kyrgyzstan gồm:
- Đại học Trung Á Hoa Kỳ
- KRSU - Đại học Slavơ Kyrgyz Nga
- KNU - Đại học quốc gia Kyrgyz
- Đại học Kyrgyz-Thổ Nhĩ Kỳ MANAS
- Đại học Nhân loại Bishkek
- Đại học quốc tế Kyrgyzstan
- Đại học quốc tế Ataturk-Alatoo Lưu trữ 2012-11-30 tại Wayback Machine
- Đại học quốc gia Osh
- Đại học Kyrgyz Uzbek
- Đại học kỹ thuạt Osh
- Viện Luật và Doanh nghiệp Moskov
- Đại học quốc tế Kyrgyzstan
- Đại học quốc gia Kyrgyz-Nga
Cưỡi ngựa
[sửa | sửa mã nguồn]Các môn thể thao truyền thống quốc gia phản ánh tầm quan trọng của hành động cưỡi ngựa trong văn hoá Kyrgyz. Rất phổ thông, như tại tất cả các quốc gia Trung Á khác, là Kok Boru (có nghĩa "sói xanh"), một môn thể thao đồng đội giống như polo và rugby trên lưng ngựa, theo đó hai đội tìm cách mang xác một con dê không đầu vượt qua vạch gôn đội đối thủ, hay theo kiểu thường được chơi ngày nay, vào trong gôn đội đối thủ, một chiếc bình lớn hay một vòng đánh dấu trên mặt đất. Trong trận đấu các đấu thủ tìm cách giật xác dê từ tay đối thủ.
Các môn thể thao phổ thông trên lưng ngựa khác gồm Tyiyn hay Tenghe Enish (nhặt một đồng xu trên mặt đất trong khi đang phi ngựa), Kyz Kuumai (đuổi một cô gái để thắng một cái hôn của cô ta, khi cô đang phi ngựa chạy và có thể đánh kẻ đuổi theo bằng chiếc roi da của mình), Oodarysh (vật trên lưng ngựa), những cuộc đua ngựa đường trường trên 15, 20 hay thậm chí 50 và 100 km, và các môn thể thao khác.
Vận tải
[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Vận tải KyrgyzstanVận tải Kyrgyzstan ở tình trạng kém phát triển vì kiểu địa hình đồi núi của nước này. Các con đường phải chạy ngoằn nghèo theo các thung lũng, vượt qua những con đèo có độ cao tới 3.000 mét (9.000 feet) hoặc hơn nữa, và thường bị lở đất hay lở tuyết. Đường sá vào mùa đông có thể bị đóng hoặc không thể đi lại ở nhiều vùng xa xôi và có độ cao lớn. Ngoài các vấn đề về đường bộ, các tuyến đường sắt được xây dựng thời Xô viết hiện đã bị ngăn cách bởi nhiều biên giới quốc tế, đòi hỏi thời gian hoàn thành các thủ tục cần thiết để vượt qua khi chúng còn ở tình trạng hoạt động được. Cũng cần chú ý rằng ngựa vẫn là phương tiện vận tải được lựa chọn nhiều, đặc biệt tại các vùng nông thôn và không có đường giao thông, bởi nó không phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.
Sân bay
[sửa | sửa mã nguồn]Cuối thời kỳ Xô viết có khoảng 50 sân bay và đường băng tại Kyrgyzstan, nhiều trong số chúng được xây dựng chủ yếu phục vụ cho các mục đích quân sự tại vùng biên giới giáp Trung Quốc này. Chỉ một vài sân bay hiện vẫn hoạt động.
- Sân bay quốc tế Manas gần Bishkek là cảng hàng không quốc tế chính, với các đường bay tới Moskva, Tashkent, Dushanbe, Istanbul, Baku, và Luân Đôn.
- Sân bay Osh là cảng hàng không chính ở phía Nam, với các chuyến bay hàng ngày tới Bishkek.
- Sân bay Jalal-Abad được nối với Bishkek bởi hai chuyến bay mỗi tuần.
- Các cơ sở khác xây dựng thời Xô viết hoặc đã đóng cửa hoặc chỉ được sử dụng thỉnh thoảng hay dành riêng cho quân sự (ví dụ, căn cứ không quân Kant, hiện là căn cứ không quân của Nga gần Bishkek
Đường sắt
[sửa | sửa mã nguồn]Thung lũng Chui ở phía bắc và thung lũng Ferghana ở phía nam là các điểm kết thúc của hệ thống đường sắt Liên bang Xô viết ở Trung Á. Sau khi các quốc gia độc lập xuất hiện thời hậu Xô viết, các tuyến đường sắt được xây dựng trước kia đã bị các biên giới hành chính cắt ngang, và vì thế ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động giao thông. Những đoạn đường sắt ngắn bên trong Kyrgyzstan, tổng cộng khoảng 370 km (khổ 1.520 mm), có ít giá trị kinh tế vì thiếu hàng hóa vận chuyển trên khoảng cách xa cũng như đi và tới các trung tâm như Tashkent, Almaty và các thành phố của Nga.
Hiện có những kế hoạch bước đầu để mở rộng các tuyến đường sắt từ Balykchy ở phía bắc và/hay từ Osh ở phía nam tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng chi phí cho việc này rất lớn.
Những tuyến đường sắt ra nước ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Kazakhstan - có - nhánh Bishkek - cùng khổ
- Uzbekistan - có - nhánh Osh - cùng khổ
- Tajikistan - không - cùng khổ
- Trung Quốc - không - khác khổ 1524mm/1435mm
Đường cao tốc
[sửa | sửa mã nguồn]Với sự hỗ trợ của Ngân hàng phát triển châu Á, một đường chính nối từ phía bắc tới tây nam từ Bishkek tới Osh gần đây đã hoàn thành. Công trình này giúp việc liên lạc giữa hai trung tâm dân cư chính trong nước—Thung lũng Chui ở phía bắc và Thung lũng Fergana ở phía nam trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Một phần của con đường này vượt qua một con đèo cao 3.500 dẫn vào Thung lũng Talas ở phía tây bắc. Nhiều kế hoạch đang được đưa ra nhằm xây dựng một con đường chính từ Osh tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Tổng cộng: 30.300 km (gồm 140 km đường cao tốc) đường trải nhựa: 22.600 km (gồm cả một số đoạn trải sỏi) không trải nhựa: 7.700 km (những con đường này làm bằng đất không lu và rất khó đi lại trong điều kiện thời tiết xấu) (1990)
Đường ống
[sửa | sửa mã nguồn]Khí tự nhiên 200 km
Đường thủy
[sửa | sửa mã nguồn]Các tuyến đường thủy chỉ hoạt động trên Hồ Issyk Kul, và đã thu hẹp nhiều từ sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ.
Cảng
[sửa | sửa mã nguồn]Balykchy (Ysyk-Kol hay Rybach'ye), trên Hồ Issyk Kul.
Các chủ đề khác
[sửa | sửa mã nguồn]- Liên minh Trung Á
- Viễn thông Kyrgyzstan
- Quan hệ nước ngoài Kyrgyzstan
- Kyrgyzstan tại Olympic mùa hè 2004
- Bầu cử nghị viện Kyrgyz năm 2005
- Bầu cử tổng thống Kyrgyz năm 2005
- Danh sách các loài chim Kyrgyzstan
- Danh sách thành phố Kyrgyzstan
- Quân đội Kyrgyzstan
- Hướng đạo sinh Kyrgyzstan
- Vận tải Kyrgyzstan
- Cách mạng Tulip
- Tem bưu chính và lịch sử bưu chính Kyrgyzstan
- Căn cứ không quân Manas
Đọc thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Historical Dictionary of Kyrgyzstan của Rafis Abazov
- Kyrgyzstan: Central Asia's Island of Democracy? của John Anderson
- Kyrgyzstan: The Growth and Influence of Islam in the Nations of Asia and Central Asia của Daniel E. Harmon
- Lonely Planet Guide: Central Asia của Paul Clammer, Michael Kohn và Bradley Mayhew
- Odyssey Guide: Kyrgyz Republic của Ceri Fairclough, Rowan Stewart và Susie Weldon
- "Silk Road to Ruin: Is Central Asia the New Middle East?" của Ted Rall
- "Kyrgyzstan: Traditions of Nomads," của V. Kadyrov, Rarity Ltd., Bishkek, 2005 ISBN 9967-424-42-7
Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c d “Report for Selected Countries and Subjects”. World Economic Outlook Database. International Monetary Fund.
- ^ “2015 Human Development Report” (PDF). United Nations Development Programme. 2015. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2015.
- ^ “Gini index”. World Bank. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2016.
- ^ “The Eurasian Heartland: A continental perspective on Y-chromosome diversity” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 8 tháng 12 năm 2006. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2007.
- ^ [1]
- ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2007.
- ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2021.
- ^ [2]
- ^ a b “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 11 năm 2006. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2007.
- ^ [3]
- ^ Báo cáo của Human Rights Watch "Cam chịu Bạo lực: Nhà nước không thể ngăn chặn những vụ lạm dụng và bắt cóc phụ nữ tại Kyrgyzstan" xuất bản tháng 9 năm 2006, Vol. 18, No.9
- ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2007.
- ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2007.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ “Religion in Kyrgyzstan”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 9 năm 2006. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2007.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]Tìm hiểu thêm vềKyrgyzstantại các dự án liên quan | |
Từ điển từ Wiktionary | |
Tập tin phương tiện từ Commons | |
Tin tức từ Wikinews | |
Danh ngôn từ Wikiquote | |
Văn kiện từ Wikisource | |
Tủ sách giáo khoa từ Wikibooks | |
Tài nguyên học tập từ Wikiversity |
- US State Department - Background Note: Kyrgyzstan
- Embassy of the Kyrgyz Republic in the USA
Chính phủ
- Government of Kyrgyzstan official site
- President of the Kyrgyz Republic Lưu trữ 2009-02-02 tại Wayback Machine
- Kyrgyzstan Ministry of External Trade and Industry Lưu trữ 2006-07-13 tại Wayback Machine
- Kyrgyz State Television and Radio Lưu trữ 2006-06-17 tại Wayback Machine
- Local government Lưu trữ 2009-02-23 tại Wayback Machine Official website (in Russian)
Tổng quan
- CIA World Factbook - Kyrgystan Lưu trữ 2015-11-27 tại Wayback Machine
- KyrgyzReport.com Lưu trữ 2006-11-27 tại Wayback Machine ongoing analysis, including an analysis of the clusters of political forces in Kyrgyzstan and the roots of the country’s political problems
- Open Directory Project - Kyrgyzstan Lưu trữ 2007-08-13 tại Wayback Machine directory category
Tin tức
- BBC News - Kyrgystan Country Profile
- Eurasianet - Kyrgyzstan Daily Digest Lưu trữ 2007-12-22 tại Wayback Machine news
Liên kết khác
- Common Language Project Country Fact Sheet - Kyrgyzstan
- PBS documentary on Kyrgyz bride "kidnapping" tháng 3 năm 2004
- Photos of traditional life in Kyrgyzstan Lưu trữ 2008-02-20 tại Wayback Machine
- Photo gallery and information about Kyrgyzstan Lưu trữ 2005-04-07 tại Wayback Machine - in German
- Traditional felt making in Kyrgyzstan, journal by Dutch designer Sietze Kalkwijk
- Kyrgyzstan's location on a 3D globe (Java) Lưu trữ 2007-03-11 tại Wayback Machine
Tiêu đề chuẩn |
|
---|
| |
---|---|
Afghanistan • Kazakhstan • Kyrgyzstan • Mông Cổ • Tajikistan • Trung Quốc (Tân Cương,Tây Tạng) • Turkmenistan • Uzbekistan |
| |||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Quốc gia có chủ quyền |
| ||||||
Quốc gia được công nhận hạn chế |
| ||||||
Lãnh thổ phụ thuộc và Đặc khu hành chính |
|
| |||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Thành viên | Afghanistan • Albania • Algérie • Azerbaijan • Bahrain • Bangladesh • Bénin • Burkina Faso • Brunei • Cameroon • Tchad • Comoros • Bờ Biển Ngà • Djibouti • Ai Cập • Gabon • Gambia • Guinée • Guiné-Bissau • Guyana • Indonesia • Iran • Iraq • Jordan • Kuwait • Kazakhstan • Kyrgyzstan • Liban • Libya • Maldives • Malaysia • Mali • Maroc • Mauritanie • Mozambique • Niger • Nigeria • Oman • Pakistan • Palestine • Qatar • Ả Rập Xê Út • Sénégal • Sierra Leone • Somalia • Sudan • Suriname • Syria • Tajikistan • Thổ Nhĩ Kỳ • Tunisia • Togo • Turkmenistan • Uganda • Uzbekistan • Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất • Yemen | ||||||
Quan sát viên |
|
| ||
---|---|---|
Armenia • Azerbaijan • Belarus • Kazakhstan • Kyrgyzstan • Nga • Tajikistan • Uzbekistan • Moldova Thành viên liên kết: Turkmenistan • Cựu thành viên: Gruzia (1993-2009) • Ukraina (1994-2014) |
Từ khóa » Diện Tích Kyrgyzstan
-
Kyrgyzstan - đất Nước Của Nhiều Sắc Tộc - VnExpress
-
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết Kirghizia – Wikipedia Tiếng Việt
-
Kyrgyzstan - Wikivoyage
-
Dân Số Kyrgyzstan Mới Nhất (2022) - Cập Nhật Hằng Ngày - DanSo.Org
-
Bí ẩn Về Kyrgyzstan, Một Trong Những Nước Nghèo Nhất Thế Giới
-
Cư-rơ-gư-xtan (Kyrgyzstan) | Hồ Sơ - Sự Kiện - Nhân Chứng
-
Diện Tích Kyrgyzstan Mới Nhất Năm 2022 Là Bao Nhiêu?
-
Diện Tích Kyrgyzstan Mới Nhất Là Bao Nhiêu? - Lịch âm Năm 2021
-
Diện Tích Kyrgyzstan Mới Nhất Là Bao Nhiêu? - Lịch Âm Hôm Nay
-
Cư-rơ-gư-dơ-xtan - Detail
-
Nguoi Viet O Nuoc Ngoai | Tổng Quan Về Cộng Hòa Kyrgyzstan
-
Giới Thiệu đất Nước - Con Người Kyrgyzstan | Khám Phá Việt
-
Kyrgyzstan - Mimir Bách Khoa Toàn Thư
-
Kyrgyzstan - Các Nước Trung Á