(Làm Chính Trị Bằng đức) CỦA KHỔNG TỬ - Viện Nghiên Cứu Hán Nôm

Tin tức >> Hội nghị, Hội thảo
Lê Văn Quán [Toàn văn]
TÌM HIỂU TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ "VI CHÍNH DĨ ĐỨC" CỦA KHỔNG TỬ

Cập nhật lúc 07h55, ngày 26/11/2007

TÌM HIỂU TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ "VI CHÍNH DĨ ĐỨC"

(Làm chính trị bằng đức) CỦA KHỔNG TỬ

GS.TS. Lê Văn Quán

Tư tưởng "làm chính trị bằng đức" của Khổng Tử biểu hiện ở các chủ trương:

1. Quan hệ của đức và hình (luật)

Đức trị và pháp trị là hai chủ trương chính trị chủ yếu đối lập nhau ở đương thời. Khổng tử so sánh hai chủ trương này và cho rằng dựa vào pháp chế, hình phạt, uy khiến dân chúng sợ hãi, không dám làm việc xấu. Song, dựa vào đức trị, có thể có tác dụng không phải dùng hình phạt, khiến cho mọi người biết xấu hổ, tự giác làm việc thiện, không đi theo con đường gian tà. Tư tưởng này là tác dụng của đạo đức, là nói rõ đặc điểm sự khác nhau rất sớm của đạo đức và pháp chế.

Xuất phát từ điểm này, Khổng Tử nói:

"Chính giả chính dã" (Luận ngữ, Nhan Uyên) - (nghĩa của chữ chính là đoan chính, đúng đắn).

Quy kết chính trị thành một chữ "chính" - (đúng đắn), Khổng Tử cho rằng làm chính trị tức là chính kỷ chính nhân (đúng đắn với mình, đúng đắn với người). Nhưng trong hai điều này vấn đề then chốt của kẻ thống trị đang giữ ngôi vị, trước tiên phải là chính kỷ (đúng đắn với mình). Khổng Tử nói:

"Tử soái dĩ chính thục cảm bất chính" (Luận ngữ, Nhan Uyên) - (Ngài lấy sự đúng đắn làm đầu thì còn ai dám bất chính (không đúng đắn))

"Tử dục thiện, nhi dân thiện hĩ. Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo. Thảo thượng chi phong tất yển". (Luận ngữ, Nhan Uyên) - (Ngài muốn thiện, thì dân sẽ thiện. Đức của người quân tử như gió, đức của kẻ tiểu nhân như cỏ. Gió thổi trên cỏ thì cỏ phải rạp xuống).

"Kỳ thân chính, bất lệnh nhi hành; kỳ thân bất chính, tuy lệnh bất tòng" (Luận ngữ, Tử Lộ) - (Người cầm quyền tự mình đúng đắn, không ra lệnh mà dân vẫn làm, tự mình không đúng đắn, thì dù ra lệnh, dân cũng không theo).

"Cẩu chính kỳ thân hĩ, ư tòng chính hồ hà hữu? Bất năng chính kỳ thân, như chính nhân hà?" (Luận ngữ, Tử Lộ) - (Nếu đúng đắn được bản thân mình, thì trị nước có khó gì? Nếu ngay bản thân mình không đúng đắn, thì làm sao sửa trị được người). Qua các ví dụ trên, chúng ta thấy, Khổng Tử nhấn mạnh tác dụng của đạo đức. Khổng Tử đạo đức hóa chính trị.

Đối với hình phạt, Khổng Tử cũng đã đề cập đến. Song, tư tưởng cơ bản của Khổng Tử là coi trọng đạo đức xem nhẹ hình luật.

Ví dụ:

"Quý Khang Tử vấn chính ư Khổng Tử viết: Như sát vô đạo dĩ tựu hữu đạo, hà như? Khổng Tử đối viết: Tử vi chính, yên dụng sát? Tử dục thiện nhi dân thiện hĩ…" (Luận ngữ, Nhan Uyên) - (Quý Khang Tử hỏi Khổng Tử về chính trị rằng: Nếu như giết kẻ vô đạo để mọi người đi tới gần với đạo, thì như thế nào? Khổng Tử trả lời: Ngài làm chính trị, vì sao lại phải dùng sự chém giết? Chỉ cần ngài muốn thiện, thì dân sẽ thiện….)

Khổng Tử lại nói:

"Thiện nhân vi bang bách niên, diệc khả dĩ thắng tàn khử sát hĩ. Thành tai thị ngôn dã" (Luận ngữ, Tử Lộ) - (Người thiện kế tục cai trị đất nước được trăm năm thì có thể khắc phục được tàn bạo, xóa bỏ được giết chóc. Câu nói đó đúng thay).

"Thính tụng, ngô do nhân dã. Tất dã sử vô tụng hồ" (Luận ngữ, Nhan Uyên) - (Xử kiện ta cũng như người, nhất định phải làm sao không còn kiện tụng nữa mới hay).

Như vậy, Khổng Tử hi vọng dùng đạo đức giáo hóa để thay thế hình phạt. Mục tiêu lí tưởng của Khổng Tử là xây dựng một xã hội xóa bỏ hành vi tàn bạo, đã không cần đến hình phạt lại cũng không cần đến tố tụng. Trong hai phương diện này thì đạo đức giáo hóa vẫn là cơ bản, dùng đến hình phạt chỉ là một thủ đoạn bổ sung trong tình hình bất đức dĩ.

2. Quan hệ của đức và lễ

Đối với vấn đề đức trị, Khổng Tử khái quát nó bằng câu nói: "Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ" - (dựa vào đức để dẫ dắt dân, sử dụng lễ giáo để sửa trị dân), coi hai phương diện này là tư tưởng đức trị. Điều này nói rõ quan hệ của đức và lễ.

Khổng Tử nói đến đức tức là chỉ điều nhân; quan hệ của đức và lễ, cũng tức là quan hệ của nhân và lễ.

"Tề chi dĩ lễ" - (sửa trị dân bằng lễ) tức là dùng lễ để thống nhất hành vi và tư tưởng của mọi người, là mục tiêu chính trị của Khổng Tử.

Sách Luận ngữ ghi:

"Nhan Uyên vấn nhân. Tử viết: Khắc kỷ phục lễ vi nhân. Nhất nhật khắc kỷ phục lễ, thiên hạ quy nhân yên. Vi nhân do kỉ, nhi do nhân hồ tai. Nhan Uyên viết: Thỉnh vấn kì mục. Tử viết: Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động. Nhan Uyên viết: Hồi tuy bất mẫn, thỉnh sự tư ngữ hĩ" (Luận ngữ, Nhan Uyên) - (Nhan Uyên hỏi về điều nhân. Khổng Tử nói ức chế mình theo lễ là nhân. Một ngày ức chế mình khôi phục điều lễ thiên hạ sẽ theo về điều nhân. Làm điều nhân là do ở mình, chứ có phai do ở người đâu?).

(Nhan Uyên nói: xin được hỏi chi tiết hơn. Khổng Tử nói: trái lễ đừng xem, trái lễ đừng nghe, trái lễ đừng nói, trái lễ đừng làm.

Nhan Uyên nói: Hồi tôi dù không mẫn tiệp, cũng xin làm theo lời nói đó của thầy).

Khổng Tử yêu cầu mọi người "đừng xem điều trái lễ, đừng nghe điều trái lễ, đừng nói điều trái lễ, đừng làm điều trái lễ" tức là "Tề chi dĩ lễ", đồng thời cũng tức là yêu cầu của điều nhân. Con người nhân hay bất nhân, thì hãy xem hành vi nhìn, nghe , nói, làm của người đó có phù hợp với yêu cầu cả lễ hay không. Nếu những hành vi nhìn, nghe, nói, làm của người đó trái với lễ, cũng tức là trái với điều nhân.

Sách Luận ngữ lại chép:

"Mạnh Ý Tử vấn hiếu. Tử viết: Vô vi. Phàn Trì ngự, Tử cáo chi viết: Mạnh Tôn vấn hiếu ư ngã, ngã đối viết vô vi. Phàn Trì viết: hà vị dã? Tử viết: sinh, sự chi dĩ lễ, tử, táng chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ" (Luận ngữ, Vi chính) _ (Mạnh Ý Tử hỏi Khổng Tử về đạo hiếu. Khổng Tử đáp: không trái lễ. Phàn Trì đánh xe cho Khổng Tử, Khổng Tử bảo Phàn Trì rằng: Mạnh Tôn hỏi ta về đạo hiếu, ta trả lời rằng: không trái lẽ. Phàn Trì hỏi: Như vậy nghĩa là gì?

Khổng Tử nói: (làm con) khi cha mẹ sống thì phụng sự theo lễ, khi cha mẹ chết thì chôn cất phụng sự theo lễ, và khi cúng tế cũng phải theo đúng lễ).

Những ý kiến của Khổng Tử đề xướng về đạo hiếu: "đạo chi dĩ đức" - (dẫn dắt bằng đức), mục đích của "đạo chi dĩ đức" - (dắt dẫn dân bằng đức) là phải "tề chi dĩ lễ" - (sửa trị dân bằng lễ).

Khổng Tử lại nói:

"Lễ vân lễ vân, ngọc bạch vân hồ tai? Nhạc vân nhạc vân, chung cổ vân hồ tai?" (Luận ngữ, Dương hóa) - (Lễ mà chúng ta thường nói đến, lẽ nào chỉ nói về các lễ vật ngọc, lụa ư? Nhạc mà chúng ta nói đến, lẽ nào chỉ nói về các nhạc khí chuông, trống.. ư?).

Đó là nói, việc quy định lễ chế bằng ngọc lụa, chuông trống, chỉ là hình thức của lễ nhạc; tư tưởng và tình cảm của con người mới là linh hồn và nội dung chân chính của lễ nhạc. Con người nếu như bất nhân, thì các quy định của lễ đều là hình thức trống rỗng, mất hết ý nghĩa. Cho nên cũng chỉ có dắt dẫn dân bằng đức (đạo chi dĩ đức), mới có thể chân chính làm được điều sửa trị dân bằng lễ (tề chi dĩ lễ).

Khổng Tử lại nói:

"Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng, bất kính, hà dĩ biệt hồ?" (Luận ngữ, Vi chính) - (Ngày nay điều gọi là hiếu, là nói có thể nuôi được cha mẹ. Đến như chó ngựa đều có thể nuôi dưỡng được, cho nên nếu nuôi cha mẹ mà chẳng kính thì có thể khác gì nuôi chó ngựa đâu?).

"Lễ, dữ kỳ xa dã, ninh kiệm; tang, dữ kỳ dị dã, ninh thích".(Luận ngữ, Bát dật) - (Nói về lễ mà xa hoa phô trương sao bàng tiết kiệm; nói về tang ma lễ mà cầu kỳ lòe loẹt, sao bằng đau buồn thương xót).

Các ví dụ trên đã nói rõ, sửa trị dân bằng lễ (tề chi dĩ lễ) cần phải lấy dắt dẫn dân bằng đạo đức (đạo chi dĩ đức) làm cơ sở, điều này chính là chỗ khác nhau căn bản của tư tưởng đức trị và tư tưởng dựa vào hình luật để cai trị nước.

Trong sách Luận ngữ còn có một đoạn đối thoại giữa Khổng tử và các học trò về việc để tang ba năm. Vấn đề này, Khổng Tử nói rất cụ thể và sinh động.

"Tể Ngã vấn: Tam niên chi tang, cơ dĩ cửu hĩ….cơ khả dĩ hĩ.

Tử viết: Thực phù đạo, ý phù cẩm, ư nhữ an hồ? viết: an".

"Nhữ an, tắc vi chi. Phù quân tử, chi cư tang, thực chỉ bất cam, văn nhạc bất lạc, cư xử bất an, cố bất vi dã. Kim nhữ an, tắc vi chi".

Tể Ngã xuất. Tử viết: Dư chi bất nhân dã. Tử sinh tam niên, nhiên hậu phục miễn ư phụ mẫu chi hoài. Phù tam niên chi tang, thiên hạ chi thông tang dã. Dư dã hữu tam niên chi ái ư kì phụ mẫu hồ? (Luận ngữ, Dương hóa) - (Tể Ngã hỏi: [cha mẹ chết] để tang ba năm, một năm cũng đã lâu rồi….một năm là được rồi).

Khổng Tử nói: [cha mẹ chết, chưa hết ba năm] mà ăn gạo thơm [thay gạo thô], mặc áo gấm [thay áo gai] thì ngươi có yên lòng chăng?

Tể Ngã đáp: yên lòng.

"Ngươi yên lòng thì cứ làm. Này, người quân tử cư tang, ăn mĩ vị không thấy ngon, nghe nhạc không thấy vui, ở cũng không yên, cho nên không làm. Nay ngươi yên lòng thì cứ làm".

Tể Ngã lui ra. Khổng Tử nói: Dư là người bất nhân. Con cái sinh ra, sau ba năm, cha mẹ mới hết bồng bế. Để tang ba năm cho cha mẹ, thiên hạ đều là như vậy. Trò Dư có được sự yêu hương của cha mẹ trong ba năm không nhỉ?

Để tang ba năm không ăn gạo thơm, không mặc áo gấm, là xuất phát từ tấm lòng yêu thương cha mẹ, để tang một năm ăn mĩ vị cũng không cảm thấy thơm ngon, nghe âm nhạc cũng không cảm thấy vui sướng, cho nên mới làm như thế. Khong làm như thế, thì trong lòng không yên. Nếu như không có tấm lòng yêu thương cha mẹ thì hình thức để tang cha mẹ ba năm hay một năm cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Từ đó ta có thể thấy, lễ và nhân là thống nhất. Nhân là tình cảm đạo đức của nội tâm, lễ là hành vi quy phạm ở bên ngoài. Nhân là linh hồn, là cơ sở của lễ, lễ là hình thức thể hiện của nhân. Lễ chỉ là hình thức, không có lễ thì nhân không có chỗ dựa. Dắt dẫn dân bằng đức, là yêu cầu mọi người "trái lễ đừng nhìn, trái lễ đừng nghe, trái lễ đừng nói, trái lễ đừng làm", là cơ sở và thủ đoạn của "sửa trị dân bằng lễ". "Sửa trị dân bằng lễ" (tề chi dĩ lễ) lại có thể khiến cho đạo đức của dân chúng quy về trung hậu, cũng là một thủ đoạn của dắt dẫn dân bằng việc (đạo chi dĩ đức). Nhân và lễ trong ngoài hỗ trợ nhau; dắt dẫn dân bằng đức và sửa trị dân bằng lễ là thủ đoạn hỗ trợ nhau, thúc đẩy lẫn nhau. Điều này tức là cơ sở tư tưởng đức trị của Khổng Tử. Trong hai phương diện lễ và nhân, thì lễ mà Khổng Tử đã nói là: "Ân nhân ư Hạ lễ, sở tổn ích khả tri dã. Chu nhân ư Ân lễ, sở tồn ích khả tri dã". (Luận ngữ, Vi chính) - (Nhà Ân noi theo chế độ lễ nghi của nhà Hạ [mà có thêm bớt], những điều thêm bớt ấy có thể biết được. Nhà Chu noi theo lễ nghi của nhà Ân [mà có thêm bớt], những điều thêm bớt ấy cũng có thể biết được).

Khổng Tử lại nói: "Chu giám ư nhị đại, úc úc hồ văn tai! Ngô tòng Chu". (Luận ngữ, Bát dật) - (Lễ nhà Chu soi xét theo hai triều đại trước [nhà Hạ và nhà Thương] phong phú và rực rỡ biết bao! Ta theo lễ nhà Chu).

Tuy là có thêm bớt, nhưng nói về tổng thể, thì lễ là điều đời xưa đã có. Và "nhân" tuy là đời xưa đã có chí hướng, nhưng là một hệ tư tưởng đạo đức của hệ thống, lại là điều Khổng Tử đề xuất đầu tiên. Tư tưởng đức trị của Khổng Tử là liên hệ đức và lễ lại với nhau, thống nhất dắt dẫn dân bằng đức (đạo chi dĩ đức) và sửa trị dân bằng lễ (tề chi dĩ lễ) cũng là đề xuất đầu tiên của Khổng Tử. Ông cho rằng, sở dĩ lúc bấy giờ lễ hoại nhạc tan, nguyên nhân chủ yếu là mọi người thiếu tuân thủ yêu cầu tự giác của lễ đã quy định. Để biến đổi tình trạng đó, ông đề xuất hệ tư tưởng đạo đức lấy nhân làm hạt nhân, nhấn mạnh xây dựng chấp hành lễ trên cơ sở nhân, cưỡng chế ở bên ngoài chuyển hóa thành sự ràng buộc mình ở bên trong. Điều này tức là thực chất tư tưởng đức trị của Khổng Tử và nguồn ý nghĩa của nó. Chủ trương này của Khổng Tử, quả thực đã đề xuất con đường hợp lý, củng cố duy trì sự ổn định trật tự xã hội, khiến ông trở thành nhà tư tưởng khác với kẻ thống trị và các nhà chính trị đương thời. Tuy nhiên nhân và lễ là thống nhất không thể tách rời, nhưng xét từ khía cạnh phát triển tư tưởng, Khổng Tử trong lịch sử tư tưởng đã có cống hiến mới về tư tưởng đức trị và tư tưởng nhân của ông. Cũng chính vì như vậy, cho nên sửa trị dân bằng lễ (tề chi dĩ lễ) là mục tiêu của Khổng Tử, nhưng điều mà Khổng Tử quan tâm nhất và nói đến nhiều lại là nhân, là dắt dẫn dân bằng đức (đạo chi dĩ đức).

Tư tưởng đức trị của Khổng Tử như vậy, nếu xét tư phương diện "sửa trị dân bằng lễ" (tề chi dĩ lễ) thì ông đau lòng về sự biến cách của xã hội đương thời, cho nên ông dốc lòng khôi phục lại sự tôn nghiêm của lễ. Qua điểm này, cho ta thấy thái độ chính trị của ông là bảo thủ. Song, xét từ phương diện "dắt dẫn dân bằng đắc" (đạo chi dĩ đức), thì chủ trương đề xuất của ông là hợp lí, biểu hiện trí tuệ rất cao về phương diện nhận thức của đạo trị nước và sự phát triển của xã hội, là một sự tiến bộ và cách tân của phương diện nhận thức.

Điều cần bổ sung là, do diễn biến của tư tưởng đạo hiếu và diễn biến của chế độ chính trị, cho nên trong tư tưởng Nho gia đã trộn lẫn đạo hiếu và đạo trung. Như ở sách Đại học, một trong những bộ sách của Tứ thư, thì đạo tề gia gắn liền với trị quốc, đạo thờ cha tất nhiên cũng gắn liền với đạo thờ vua. Do đó tư tưởng: người có hiếu là người biết thờ vua, xuất hiện ở sách Đại học là điều tấ nhiên.

Đồng thời ở Đại đới ký cũng đã xuất hiện tư tưởng: thờ vua bất trung không phải là hiếu. Và ở Tiểu đới ký đã cho biết: Trung thần thờ vua, con hiếu thờ cha mẹ, bản chất là một. Trong Lã Thị Xuân Thu có nhiều câu mang tư tưởng: Người tôi hiếu tất thờ vua trung.

Còn nói về lễ, thì sự thân sơ và sự sang hèn là do lễ sinh ra. Nho gia lấy lễ làm pháp, một mặt là Nho gia truyền thống trọng đức hóa, mặt khác, bởi Nho gia chống thuyết pháp trị của Pháp gia, do đó cái mà xã hội dựa vào để khống chế là lễ giáo chứ không phải là pháp luật. Nguồn gốc sức mạnh duy trì lễ giáo của Nho gia chủ yếu là lễ. Nó là truyền thống bất tuyệt truyền từ đời này sang đời khác. Để bảo vệ lễ giáo, Nho gia phải giữ gìn truyền thống. Lễ giáo là quy phạm ứng xử chính thức được xã hội truyền thống công nhận. Bất cứ xã hội nào cũng phải đặt ra những khuôn pháp cho hành vi. Song, điều tệ hại của lễ giáo Nho gia, một mặt nó diễn biến thành tam cương; mặt khác, khuôn pháp lễ giáo diễn biến thành chủ nghĩa hình thức cứng nhức, trói buộc người phụ nữ. Tam cương khiến ba bậc quân, phụ, phu trở thành quyền uy tuyệt đối, sau đó gây trở ngại, kìm hãm bước tiến lên của thế hệ sau. Còn chủ nghĩa hình thức cứng nhắc biểu hiện khá đậm nét ở sách Kinh Dịch. Kinh Dịch là một trong những sách kinh điển của Nho gia còn ghi lại khá nhiều hiện tượng, coi thường phụ nữ. Ví dụ "Đức thiếp, dĩ kỳ tử, vô cữu" (Đỉnh, sơ lục) - (Gặp được nàng hầu, để sinh con cái với mình, không có lỗi) - (Quẻ Đỉnh, hào 1, âm).

Thông dâm đã từng coi là hành vi xấu cũng chỉ đối với phụ nữ. Phụ nữ phá hoại trinh tiết phải đền bằng sinh mạng hoặc bị bán làm nô lệ. Tình hình đó ở Kinh Dịch đã phản ánh:

"Hằng Kỳ đức, trinh, phụ nhân cát, phu tử hung" (Hăng, lục ngũ) - (giữ được lâu dài đức của mình bền và chính, đàn bà tốt, đàn ông xấu) - (quẻ Hằng, hào 5, âm).

Ở quẻ Hằng, lời hào 5, âm nói, người phụ nữ trinh tiết thì được coi là hành vi tốt đẹp. Trái lại, nếu như người phụ nữ không giữ được trinh tiết thì sẽ bị khiển trách và bị coi thường.

Ngay Khổng Tử có coi phụ nữ ra gì đâu? Dở sách Luận ngữ chúng ta sẽ thấy khá rõ điều đó." Tử viết: Duy nữ tử dữ tiểu nhân, vi nan dưỡng dã, cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán (Luận ngữ, Dương hóa) - (Khổng tử nói: chỉ có con gái và kẻ tiểu nhân là khó nuôi dạy, gần họ thì họ nhờn, xa họ thì họ hờn). Chính vì cái lễ giáo hình thức cứng nhắc cho nên nhà Nho Trình Y Xuyên đã phát biểu: "Đàn bà góa chết đói là chuyện nhỏ, thất tiết là chuyện lớn", đó là câu nói trái nhân đạo*

3. Cử hiền tài

Khổng Tử rất coi trọng giáo hóa, người làm chính trị phải đúng đắn với mình và đúng đắn với người. Đối với người đương nắm quyền lại càng phải coi trọng mặt đạo đức đó. Khổng Tử yêu cầu người đương nắm quyền có thể "soái dĩ chính" - (lấy đúng đắn làm đầu) để làm gương cho dân chúng. Đồng thời Khổng Tử cũng coi trọng việc tuyển chọn quan lại, cho nên ông chủ trương "cử hiền tài" Khổng Tử nói:

"Cử trực thố chư uổng, năng sử uổng giả trực" (Luận ngữ, Nhan Uyên) - (Cất nhắc người ngay thẳng, đặt lên trên người cong vạy có thể khiến kẻ cong vạy trở nên ngay thẳng).

"Cử trực thố chư uổng, tắc dân phục; cử uổng thố chư trực, tắc dân bất phục"(Luận ngữ, Vi chính) - (Cất nhắc người ngay thẳng, đặt lên trên kẻ cong vạy, thì dân phục. Cất nhắc kẻ cong vạy đặt lên trên người ngay thẳng thì dân không phục).

Khổng Tử coi việc cử hiền tài là điều rất quan trọng. Trọng Cung học trò của Khổng Tử hỏi Khổng Tử về việc quản lý chính sự, Khổng Tử nói:

"Tiên hữu tư, xá tiểu quá, cử hiền tài". (Luận ngữ, Tử Lộ) - (Dẫn đầu [làm gương] cho những nhân viên công tác [dưới quyền], tha thứ những lỗi lầm nhỏ của người khác, cất nhắc những nhân tài ưu tú).

Những điều đó phản ánh Khổng Tử rất coi trọng cử hiền tài. Dưới chế độ tông pháp lúc bấy giờ, trên thực tế là thực hiện những nguyên tắc cử người theo tình cảm, theo quan hệ thân sơ của huyết thống, song, tư tưởng cử hiền tài của Khổng Tử là một sự phát triển rất quan trọng. Sau này trong nền chính trị của Trung Quốc ó cử người theo tình cảm và cử người theo hiền tài. Hai truyền thống cử người như vậy, thì truyền thống cử người theo hiền tài có thể nói là bắt đầu từ Khổng Tử.

4. Thứ, phú, giáo

Ở phương diện thi hành chính trị, Khổng Tử đã đề xuất chủ trương: thứ, phú, giáo.

"Tử Thích Vệ, Nhiễm Hữu bộc. Tử viết: Thứ hĩ tai! Nhiễm Hữu viết: Ký thứ hĩ, hựu hà gia yên? viết: phú chi. Viết: ký phú hĩ, hựu hà gia yên? viết: giáo chi" (Luận ngữ, Tử Lộ) - (Khổng Tử đi đến nước Vệ, Nhiễm Hữu đánh xe. Khổng Tử nói: đông đúc thay! Nhiễm Hữu hỏi: dân đã đông đúc thì cần gì làm thêm? Trả lời: phải làm cho họ giàu có. Hỏi: đã giàu có rồi, lại cần gì làm thêm? Trả lời: giáo dục họ).

Trong tình hình lúc bấy giờ dân số ít, sức sản xuất không phát đạt, sản vật thiếu thốn "thứ và phú" (đông và giàu) là vấn đề hết thảy các nhà chính trị quan tâm đầu tiên. Mặc Tử đã từng nói:

"Thiên hạ bần, tắc tòng sự hồ phú chi; nhân dân quả, tắc tòng sự hồ chúng chi; chúng nhi loạn, tắc tòng sự hồ trị chi…….Nhược tam sự giả, nhân giả chi vi thiên hạ độ dã.." (Mặc Tử, Tiết táng hạ) - (Thiên hạ nghèo, thì nghĩ cách làm cho họ giàu; dân số ít, thì nghĩ cách làm cho họ đông thêm; đông mà hỗn loạn, thì nghĩ cách ci trị…….Như ba sự việc trên, thì đức nhân là điều thiên hạ cần suy nghĩ).

Ba điểm của Mặc Tử đề xuất là: phú (giàu có), chúng (đông), trị (cai trị), hai điểm trước giống với yêu cầu phú (giàu có), thứ (đông) của Khổng Tử. Ở điểm thứ ba, Khổng Tử nói "giáo" Mặc Tử nói "trị", phản ánh Khổng tử làm chính trị bằng giáo hóa, coi trọng đặc điểm giáo hóa là điểm chủ yếu của Khổng Tử khác với người khác.

Sách Luận ngữ lại ghi:

"Tử Cống vấn chính. Tử viết: túc thực, túc binh, dân tín chi hĩ. Tử Cống viết: tất bất đắc dĩ nhi khử, ư tam giả hà tiên? Viết: khử binh. Tử Cống viết: tất bất đắc dĩ nhi khử, ư tư nhị giả hà tiên? Viết: khử thực. Tử cổ giai hữu tử, dân vô tín bất lập" (Luận ngữ, Nhan Uyên) - (Tử Cống hỏi về chính sự. Khổng Tử nói: đủ lương tực, đủ binh lực, dân tin cậy. Tử Cống hỏi tiếp: trong ba điều đó, nếu bất đắc dĩ phải bỏ, thì bỏ điều nào trước? Khổng Tử đáp: bỏ binh lực.

Tử Cống lại hỏi: trong hai điều còn lại đó, nếu bất đắc dĩ phải bỏ, thì bỏ điều nào trước? Khổng Tử đáp: bỏ lương thực. Từ xưa đến nay, ai cũng phải chết. Nhưng dân không tin, nước không đứng được).

Rõ ràng Khổng Tử cho rằng điều căn bản vẫn là thông qua giáo hóa xây dựng "dân tín". Cho nên Khổng Tử lại nói:

"Khâu dã văn hữu quốc hữu gia giả, bất hoạn quả nhi hoạn bất quân, bất hoạn bần nhi hoạn bất an" (Luận ngữ, Quý Thị) - (Khâu này nghe kẻ có nước có nhà [bất cứ vua chư hầu hay quan đại phu] chẳng lo ít dân mà chỉ lo không đều, chẳng lo nghèo, mà chỉ lo không yên).

Nhưng căn cứ vào câu văn tiếp ở dưới: "Cái quân vô bần, hòa vô quả; an vô khuynh" - (là vì hễ đều thì không nghèo, mọi người hòa thuận thì dân số không ít, yên thì nước nhà không nghiêng đổ),thì câu nói trên nên là: "bất loạn bần nhi loạn bất quân, bất hoạn quả nhi hoạn bất an" - (không lo nghèo mà chỉ lo không đều, không lo ít, mà chỉ lo dân không yên). Nói nghèo là để đối với giàu nói ít là để đối với đông (nhiều). Qua câu văn này biểu hiện rõ, Khổng Tử so sánh giữa "phú" (giàu) và "thứ" (đông, nhiều). Điều mà Khổng Tử quan tâm nhất, là "quân" (đều) và "an" (yên).

Cho nên, đều gọi là "quân" tức là điều tiết quan hệ đẳng cấp giàu nghèo, vì kẻ giàu và người nghèo khác nhau về đẳng cấp đều quy định một mức độ hợp lí, khiến cho mọi người đều được phân chia.

5. Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi

Khổng Tử đã nói:

"Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi" (Luận ngữ, Thái Bá) - (Dân, có thể khiến họ đi theo con đường của chúng ta, chứ không thể khiến họ biết đó là vì sao).

Khổng Tử chủ trương làm chính trị bằng đức (vi chính dĩ đức), coi trọng giáo hóa, nhưng ông lại nói "dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi". Điều đó phản ánh tư tưởng của Khổng Tử trong vấn đề này có hai mặt. Một mặt, Khổng tử hy vọng dân chúng đều có thể tự giác không làm việc xấu, không phạm cấp trên, làm loạn, cho nên Khổng Tử coi trọng giáo hóa. Coi trọng đề cao đạo đức tự giác của mọi người. Mặt khác, trong mối quan hệ giữa người dân ở cấp dưới và quân tử ở cấp trên, là một quan hệ "sai khiến" và "bị sai khiến", do đó, khi nói đến công việc hành chính thực tế, thì ông lại nhấn mạnh "dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi". Ở trong sách Luận ngữ có nhiều chỗ nói đến mặt này. Ví dụ:

"Thượng hiếu lễ, tắc dân mạc cảm bất kính; thượng hiếu nghĩa, tắc dân mạc cảm bất phục; thượng hiếu tín, tắc dân mạc cảm bất dụng tình" (Luận ngữ, Tử Lộ) - (Người trên chuộng lễ, thì dân chẳng ai không dám kính, người trên chuộng nghĩa, thì dân chẳng ai không dám phục; người trên chuộng tín, thì chẳng ai dám không thật).

"Lâm chi dĩ trang, tắc kính" (Luận ngữ, Vi chính) - (Đến với dân với thái độ trang nghiêm, thì dân kính trọng).

"Huệ tắc túc dĩ sử nhân" (Luận ngữ, Dương hóa) - (Từ huệ thì có khả năng sai khiến người).v.v.

Như vậy, có thể thấy, khi nói đến một số câu văn này điểm mấu chốt của Khổng Tử không phải ở chỗ khiến cho dân "tri chi" (biết điều đó), mà là ở chỗ khiến cho dân "do chi" (đi theo con đường của chúng ta). Cho nên Khổng Tử lại nói:

"Quân tử học đạo, tắc ái nhân, tiểu nhân học đạo tắc dị sử dã" (Luận ngữ, Dương hóa) - (Quân tử học đạo thì yêu người, tiểu nhân học đạo thì dễ sai khiến).

Tiểu nhân học đạo là để dễ sai khiến càng chứng minh sự thống nhất của hai phương diện "do chi" và "tri chi".

Vấn đề này, có thể có những ý kiến khác nhau, thậm chí có những ý kiến đối lập nhau. Song, mọi người đều thừa nhận: Tư tưởng Khổng Tử là đại biểu của tư tưởng Nho học. Nho học tồn tại được là phù hợp với hệ thống tư tưởng của các triều đại thống trị phong kiến, đó chỉ là một mặt của vấn đề. Mặt khác, trong sự phát triển lâu dài, tinh thần cơ bản của Nho học chẳng những đã thấm vào các lĩnh vực văn hóa của các dân tộc Trung Quốc, mà nó còn ảnh hưởng sâu rộng ở khu vực phương Đông rộng lớn, trở thành một nhánh quan trọng trong văn hóa loài người. Là một loại hình văn hóa truyền thống, thì Nho học lại có giá trị vĩnh hằng.

Văn hóa không ngừng phát triển, không ngừng canh tân, thời đại khác nhau có văn hóa khác nhau. Song, văn hóa phát triển lại liên tục, văn hóa của các thời đại đều có tính kế thừa, trong sự phát triển, biến hóa không ngừng, đang có văn hóa truyền thống bất biến. Văn hóa phát triển và biến cách không thể giống như xây lại phòng ốc, vứt bỏ kiến trúc vốn có, ở trên đống đất hoang tàn kiến tạo tạo lại nhà mới, mà chỉ có thể cải tạo trên cơ sở truyền thống, giống như chiết cành cắt sửa cây hoa. Một sự thực căn bản của tư tưởng văn hóa phát triển, là người sáng tạo văn hóa mới, trước hết cần phải tiếp thu văn hóa cũ vốn có. Nói về nhà tư tưởng, mỗi một nhà tư tưởng vẫn phải là trên cơ sở thành quả của người trước đã đạt được, lợi dụng tư liệu tư tưởng của người trước để sáng tạo, để phát triển. Nói về cả xã hội, mỗi một đời người cũng vẫn là phải trưởng thành trong hoàn cảnh văn hóa đã hoàn thành. Triệt để cắt bỏ hết mối liên hệ giữa cũ và mới, hiện đại và truyền thống, xấy lại hoàn toàn, là điều không thể được.

Trong sự phát triển văn hóa, vẫn phải kết hợp giữa kế thừa và canh tân. Theo đà biến đổi của thời đại, văn hóa không ngừng đổi mới nội dung, tất cả nội dung không phù hợp với thời đại phát triển đều bị lịch sử đào thải; kế thừa những nội dung có giá trị phổ biến, vĩnh hằng, và tích lũy những nội dung có giá trị vĩnh hằng, phổ biến này, hình thành nền văn hóa truyền thống dân tộc. Những tinh thần văn hóa dân tộc này thẩm thấu trong văn hóa cụ thể của các thời đại. Như vậy sẽ cấu tạo thành sự thống nhất tính đặc thù và tính phổ biến, tính thời đại và tính vĩnh hằng, đổi mới và kế thừa trong phát triển văn hóa. Tinh thần văn hóa dân tộc là có ý nghĩa phổ biến vĩnh hằng, kế thừa xuyên suót, hình thành một truyền thống tương đối ổn định. Nhưng truyền thống này lúc nào cũng tồn tại ở trong hình thức đặc thù có tính thời đại của thời đại rõ ràng. Văn hóa tính thời đại của thời đại này là không ngừng biến động, nhưng trong đó lại ẩn chứa tinh thần văn hóa dân tộc có ý nghĩa vĩnh hằng phổ biến.

Vấn đề giá trị Nho học tồn tại, chính là cần phải dùng quan điểm biện chứng như vậy để xét. Nếu là hệ thống tư tưởng chủ nghĩa phong kiến, thì nó mất cơ sở tồn tại; như là một tinh thần văn hóa, nó lại có giá trị, không thể tiêu diệt. Hai mặt này vẫn là liên kết với nhau, cần phải vứt bỏ hình thức và nội dung đặc thù của chủ nghĩa phong kiến của nó, cứu lấy nội dung có ý nghĩa phổ biến. Hơn nữa, tìm thấy một hình thức mới và nội dung mới thích hợp với thời đại tương lai và thời đại hiện tại, khiến cho tinh thần văn hóa dân tộc ưu tú có thể được phát triển liên tục dưới hình thức mới của thời đại mới. *** (Tóm tắt)

Tư tưởng “làm chính trị bằng đức” của Khổng Tử biểu hiện ở các chủ trương:

1. Quan hệ của đức và hình luật

Khổng Tử so sánh hai chủ trương đức trị và pháp trị và cho rằng dựa vào đức trị có tác dụng không phải dùng hình phạt, khiến cho mọi người biết xấu hổ, tự giác làm việc thiện, không đi theo con đường gian tà.

2. Quan hệ của đức và lễ

Khổng Tử nói đến đức tức là điều nhân, quan hệ của đức và lễ, cũng tức là quan hệ của nhân và lễ. Lễ là hình thức để ràng buộc con người thực hiện điều nhân. Nho gia lấy lễ làm pháp, một mặt là Nho gia truyền thống trọng đức hóa, mặt khác, Nho gia chống thuyết pháp trị của Pháp gia. Song, điều tệ hại của lễ giáo Nho gia, một mặt nó diễn biến thành tam cương; mặt khác, khuôn pháp lễ giáo diễn biến thành chủ nghĩa hình thức cứng nhắc trói buộc người phụ nữ, kìm hãm xã hội tiến bước.

3. Cử hiền tài

Khổng Tử coi việc cử hiền tài là rất quan trọng. Dưới chế độ tông pháp lúc bấy giờ, thực hiện nguyên tắc cử người theo tình cảm, theo quan hệ thân sơ của huyết thống. Nhưng tư tưởng cử hiền tài có thể nói là bắt đầu từ Khổng Tử.

4. Thứ, phú, giáo

Khổng Tử đề xuất chủ trương: Thứ, phú, giáo chủ yếu là làm cho nước giàu, dân mạnh, thực hiện công bằng.

5. Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi

Khổng Tử chủ trương làm chính trị bằng đức, coi trọng giáo hóa, nhưng ông lại nói “Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi”. Điều đó phản ánh tư tưởng của Khổng Tử trong vấn đề này có hai mặt. Một mặt, Khổng Tử hy vọng dân chúng đều có thể tự giác không làm việc xấu, không phạm cấp trên, làm loạn; mặt khác, trong mối quan hệ giữa người dân ở cấp dưới và quân tử ở cấp trên là một quan hệ “sai khiến” và “bị sai khiến”. Cho nên Khổng Tử mới nói: “Dân có thể khiến họ đi theo con đường của chúng ta, chứ không thể khiến họ biết đó là vì sao”.

***

Study of the conception of “political engagement through virtue” of Confucius

Prof., Dr. Lê Văn Quán

University of Hanoi Social Sciences and Humanity

Confucius’ conception of “political engagement through virtue” is expressed in:

1. The connection between virtue and criminal law

2. The connection between virtue and civility

3. The appointment of talented and righteous people

4. Position, prosperity, and education

5. The notion that “we can make people follow our ways, but we cannot make them understand why”.

Confucius advocated engagement in politics through virtue, and attached much importance to education. However, he also said “We can make people follow our ways, but we cannot make them understand why.” This shows two aspects of Confucius’ thought. on the one hand, Confucius hoped people could avoid wrongdoing, disrespecting their superiors, and rebelling with their self-awareness. on the other hand, the relation between the inferior and the senior is the one of “giving order” and receiving order”.

This apparent discrepancy can lead to different, even contradictory ideas. However, it is evident that Confucius’ thought is representative of Confucianism. Confucianism exists in accordance with the thought systems of feudal dynasties. on the other hand, in traditional culture, Confucianism has its own undemolished value. These two sides unite, and it is necessary to discard the specific form and content of feudalism, to save the content with popular significance. Moreover, finding new forms and content suitable for the present and future ages will make this eminent nation’s cultural spirit develop in a new age.

In
Lượt truy cập:

Từ khóa » Câu Khả Dĩ Là Gì