Luận Ngữ. Thiên 2: Vi Chính. Chương 2.11 | Hoasinh_Anhca

Luận ngữ. Thiên 2: Vi chính. Chương 2.11

18/03/2018 Leave a comment

子曰:“温故而知新(1),可以为师矣。”

Zǐ yuē:  “wēn gù ér zhī xīn, kěyǐ wéi shī yǐ.”

Tử viết: “Ôn cố nhi tri tân (1), khả dĩ vi sư hĩ.”

[Chú thích – Dương Bá Tuấn]

  1. 温故而知新 – wēn gù ér zhī xīn – ôn cố nhi tri tân: cố, đã qua rồi; tân, tri thức vừa mới học được.

[Diễn giải câu – Dương Bá Tuấn]

Khổng tử nói: “lúc ôn tập kiến thức cũ, có thể có lĩnh hội mới, phát hiện mới, thì có thể làm thầy giáo được vậy.”

[Bình giải – Không rõ của ai]

“Ôn cố nhi tri tân” là một trong những cống hiến trọng đại của Khổng tử đối với nền giáo dục học nước ta, ông cho rằng, không ngừng ôn tập kiến thức đã học được, từ đó có thể có được kiến thức mới. Phương pháp học tập này không những trong thời kỳ phong kiến có giá trị, mà hiện nay cũng có tính thích ứng không thể phủ nhận. Kiến thức mới, học vấn mới của con người thường là dựa trên nền tảng kiến thức đã học mà phát triển lên. Vì vậy, ôn cố nhi tri tân là một phương pháp học tập hoàn toàn có thể sử dụng được.

[Luận ngữ tân giải – Tiền Mục]

温故而知新 – ôn cố nhi tri tân: ôn, nghĩa là hâm (thức ăn) cho nóng lại. Người hâm đồ dựa vào lửa để nấu chín vật. Người sau phân ra lửa mạnh gọi là 煮- chử- nấu, thổi; lửa chậm gọi là 温 – ôn – hâm nóng, ôn (hâm nóng) giống như tập (học đi học lại, tập đi tập lại) vậy. Căn cứ vào chữ có hai cách giải thích: Một là, những gì nghe được biết được trước đây là cố, những gì mới có được, hiểu được hiện nay là tân. Một cách giải thích khác là: cố như cố sự, điển cố. “Lục kinh” đều thuật lại các chuyện trước đây, nhắc đến tiên vương. Tri tân là thông hiểu các đạo nghĩa lớn trong đó, thông qua xem những thứ do hậu thế viết ra, như của các nhà nho thời Hán.

可以为师 – khảdĩ vi sư: theo giải thích ở trên, luôn ôn tập kiến thứ cũ mà đạt được hiểu biết mới, đây là tâm đắc(i) của người học. Có tâm đắc, những gì học được là của ta, có thể học tức là có thể dạy, xưa gọi là khả dĩ vi sư. Nếu chia ôn cố tri tân thành hai việc riêng nhau, cố là thứ đạt được ở bên ngoài, tân vẫn là thứ đạt được ở bên ngoài, tóm lại là kiểu học thuộc lòng để trả lời câu hỏi. Cái học được bên ngoài, dù kiến thức vô cùng, học thuộc tuy phong phú, nhưng không phải tâm đắc, đã không thể học, thì không thể dạy. Chỉ thành mua rẻ bán đắt để có chút lời, sao đủ để làm thầy? Song tâm đắc cũng không phải là không dựa vào cái gì mà tự sáng tạo ra, mà là từ những kiến thức đã có mà ngộ ra thứ mới, đem trong ngoài mới cũ hợp lại thành một, chỉ như vậy mới có thể được gọi là học. Theo lời giải thích thứ hai, sự vật biến hóa vô cùng, cái gọi là tân, đều là ngày trước chưa trải qua, người thầy nếu không truyền lại (kiến thức cũ), hoặc chỉ ôn cố mà không thể tri tân, thì hẳn sẽ ưu lo vì sự học bị kiệt tận mà đạo bị mất đi. Cho nên duy ôn cố mới có khả năng tri tân, mới có thể đủ điều kiện để làm thầy. Hai cách giải thích này, lời khác nhau nhưng nghĩa là một, người học cẩn thận tham khảo.

Chương này tân và cố hợp nhất, dạy và học hợp nhất, ôn cố cần phải có lòng cầu tri tân, có thể học sau đó có thể dạy, nếu chỉ muốn ghi nhớ, thuộc lòng, không thể biết đến cái mới, thì không đủ để đảm đương việc giảng dạy. Ý nghĩa rất sâu xa thâm thúy.

Tiên sinh nói: “có thể từ ôn tập tri thức cũ mà khai mở, ngộ ra kiến thức mới, là có thể làm thầy vậy.”

(i) Nguyên văn: 心得. Từ tâm đắc này khác với nghĩa tâm đắc người VN hay dùng. Tâm đắc có nghĩa là tri thức lĩnh hội được; trong tim lĩnh hội mà có được.

[Luận ngữ biệt tài – Nam Hoài Cẩn]

Câu này, chúng ta đều rất quen thuộc.

Từ văn tự giải thích, mọi người đều biết, ý nghĩa chính là ôn tập quá khứ, hiểu biết hiện tại, thì có thể làm thầy giáo của người khác. Theo giải thích câu chữ bề ngoài, chỉ là như thế thôi, còn trên thực tế chúng ta phải hiểu một bước sâu hơn. “Ôn cố”- nói đến quá khứ chúng ta cần biết, ví dụ như nói về lịch sử TQ, trên dưới năm ngàn năm, 25 bộ sử lớn, rất không dễ dàng, nếu như học lịch sử, mục đích không phải là ở chỗ có được học vị,  thì là vì cái gì? Vì “ôn cố tri tân,” nhận thức được về quá khứ, thì biết được vị lai, như thế, “khả dĩ vi sư hĩ,” quá khứ chính là thầy giáo của ta, “tiền sự bất vong, hậu sự chi sư dã”(i). Ôn cố mà tri tân chính là ý nghĩa này. Đây là đạo lý gì vậy? Bởi vì thành công hay thất bại trước mắt, của một người cũng thế, của một quốc gia cũng thế, như thế nào mà thành công, như thế nào mà thất bại, lịch sử nói cho chúng ta rất nhiều điều. (Tôi) Vừa mới nói chuyện với người khác, có đề cập đến, thế hệ thanh niên hiện đại học hành thật khó, không những phải biết gốc rễ truyền thống văn hóa TQ của bản thân – quá khứ, lại còn phải biết các tri thức mới của xã hội hiện tại, không những là việc trong nước, việc ngoài nước cũng phải nắm rõ, cổ kim trong ngoài đều cần hiểu, do vậy người vi chính, càng phải chú ý đến việc này, vi chính đến cùng là cần có học vấn, do vậy “ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ.” Như thế này mới chân chính có khả năng tiếp thu lịch sử đã qua, phán đoán chiều hướng phát triển của tương lai.

(i) Nguyên văn: 前事不忘,后事之师 – qián shì bú wàng,hòu shì zhī shī – tiền sự bất vong, hậu sự chi sư. Câu để cảnh tỉnh mọi người không được quên các giáo huấn trong quá khứ, lấy đó làm gương về sau. Xuất xứ: Chiến Quốc sách.

Share this:

  • Facebook
  • Email
  • Twitter
  • More
  • Print
  • Pocket
Like Loading...

Related

Từ khóa » Câu Khả Dĩ Là Gì