Làm Gì Khi Con Không Chịu Nói? - Sức Khỏe Gia đình

cham-noi 

Chậm nói vì thiếu chất

Đăng báo cáo trên tạp chí JAMA, Viện Y tế Công cộng Na Uy cũng đã cho thấy khả năng ngôn ngữ của trẻ có liên quan tới dinh dưỡng từ lúc thai kỳ, đặc biệt là axit folic. Những đứa bé được sinh ra từ các bà mẹ không bổ sung axit folic thì chậm nói nhiều hơn. Những trẻ suy dinh dưỡng, còi xương, sin non cũng thường chậm nói.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu khuyến cáo thai phụ nên bổ sung axit folic và đến khi con bạn chậm phát triển ngôn ngữ thì tích cực cho bé dùng thêm nhiều thực phẩm giàu axit folic, canxi: rau có màu xanh thẫm như cải xoăn, rau bina ngũ cốc, đậu, vừng, lạc, cam, bưởi…

Để bé gần với ngôn ngữ

Thực tế nhiều trẻ chậm nói vì sống trong môi trường quá yên ắng, cha mẹ quá kiệm lời hoặc thường xuyên dọa nạt ép trẻ phải ngoan ngoãn, im ỉm, thường xuyên ở tình trạng một mình. Bạn nên cho bé tham gia môi trường cần giao tiếp nhiều như cho bé chơi với bạn bè, đi nhà trẻ và người thân trong gia đình tích cực trò chuyện với nhau để bé nghe.

Khi con chậm nói hơn bạn bè, cha mẹ cũng đừng sốt ruột mà nên giành thời gian nói chuyện nhiều hơn, vẫn tích cực đọc truyện, thường xuyên cho bé nghe âm thanh.

Bạn dạy bé phát âm tên những đồ vật trong nhà để cơ hàm của bé tích cực hoạt động và bắt chước; sau đó hãy vỗ tay hoan hô khen ngợi con. Khi bé có hành động gì thì bạn dùng lời nói diễn đạt lại: con uống nước, bạn hãy lặp lại từ “nước” và khuyến khích bé bắt chước.

Buộc con phải nói

Đôi khi trẻ con lười hoặc không có cơ hội nói vì cha mẹ chăm sóc quá cẩn thận. Bé chưa kịp bộc lộ nhu cầu bằng ngôn từ, cha mẹ đã đáp ứng thì vô hình chung đã khiến con mất cơ hội nói. Cha mẹ nên nhớ con họ lúc này cũng sẽ như chàng Thánh Gióng, không có lý do thôi thúc thì bé sẽ không buột ra ngôn ngữ. Vì vậy bạn hãy để bé có cơ hội nói bằng cách:

- Dù biết con có nhu cầu gì, bạn cũng đừng thực hiện ngay, hãy để trẻ phải thốt lên lời, phải có biểu hiện đòi hỏi, hoặc tự bạn hãy hỏi bé những câu “con muốn uống nước à?”, “con muốn…”, và không chấp nhận câu trả lời bằng “gật, lắc” mà hãy bảo “con nói cho mẹ nghe”.

- Đôi khi bạn cố tình hỏi lệch ý con muốn để bé phải có phản ứng chỉ đạo bằng ngôn ngữ. Biết bé cần quả bóng nhưng bạn lại chỉ gấu bông “con muốn cái này à?”.

Vứt núm vú giả để “mở miệng” bé

Khi bé có vấn đề về khả năng vận động của miệng (khó sử dụng răng, lưỡi, hàm thì cũng rất khó phát ra lời nói. Núm vú giả khiến bé ít khóc và thấy an tâm hơn nhưng ngậm thường xuyên sẽ làm ảnh hưởng đến vận động của miệng. Một phần núm vú giả đầy trong miệng, khiến bé không chịu tập nói lâu dần thành ra lười nói.

Mặt khác chúng ảnh hưởng làm xơ cứng cơ hàm, lưỡi ít uyển chuyển nên phát âm không tốt. Nhưng trên thực tế, nhiều cha mẹ vẫn cho con ngậm núm vú giả đến 3-4 tuổi. Khi con chậm nói, bạn càng phải cho bé cai núm vú sớm.

Cha mẹ ôn hòa, con mới dám nói

Tâm lý cũng ảnh hưởng tới khả năng ngôn ngữ của trẻ. Khi bé hoang mang sợ hãi triền miên thì sẽ trở nên trầm cảm. Gia đình thường xuyên xung đột, quát nạt, to tiếng với nhau sẽ khiến bé sợ hình ảnh “mở miệng” và có tâm lý thu mình lại. Để phản ứng lại với những lời nói gay gắt, bé dùng cách im lặng, trầm buồn.

Vì vậy, khi có xung đột, bạn không nên để con hứng chịu, đừng cãi nhau trước mặt trẻ. Sau cuộc cãi nhau, bạn đừng “mặt nặng mày nhẹ” đổ lên bé rồi cả nhà “âm thầm như đưa đám”, hãy đưa con ra chỗ khác và tiếp tục trò chuyện với trẻ.

Tivi – đồng phạm của ít lời

Tivi có thể giúp bé ngồi yên, ít quấy nhưng  khi xem một mình trẻ chỉ chỉ lắng nghe, nhìn hình ảnh mà ít phản hồi. Vì thế nếu xem tivi thường xuyên, trẻ càng thụ động và không có nhu cầu phải nói.

Vì vậy nếu để bé xem tivi thì bạn cần dạy bé diễn đạt lại những điều thấy trên tivi bằng ngôn từ, không để bé ngồi xem một mình quá lâu.

Chậm nói vì mẹ quên lấy ráy tai

Thính lực kém là nguyên nhân quan trọng hàng đầu khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ. Nhiều ráy tai hay, viêm thanh quản, viêm tai giữa là những nguyên nhân thường thấy khiến thính lực giảm và gây ra hiện tượng chậm nói. Tình trạng viêm tai cũng thường xảy ra với trẻ nhưng nhiều cha mẹ đợi đến khi tai con chảy mủ mới phát hiện ra.

Bởi vậy nếu thấy con chậm phát triển ngôn ngữ, cha mẹ cần kiểm tra tai của bé, nếu thấy bé hay dụi tai vào người lớn, hay cho tay vào ngoáy tai thì cần đưa đến bác sĩ khám. Chậm nói trong trường hợp này thì chỉ cần điều trị khỏi bệnh tai mũi họng sẽ giúp bé phát triển ngôn ngữ bình thường.

Thế nào là chậm nói?

Bình thường, trẻ 1 tuổi có thể sử dụng được khoảng 10 từ ngữ; 1,5 tuổi dùng khoảng 30-40 từ. Đến 2 tuổi, trẻ có thể nói khoảng 300 từ, đến cuối năm thứ 3 vốn từ có thể đạt tới 1.200-1.500 từ và có thể nói được câu ngắn.

Nếu con bạn chỉ ê a, không đạt tiêu chuẩn trên nhưng vẫn hiểu những ngôn ngữ của người khác (hiểu khi được sai bảo lấy chén, đi dép…) thì là chậm nói đơn thuần, chỉ cần cha mẹ tích cực dạy. Còn nếu chậm hiểu những mệnh lệnh lẫn diễn đạt ngôn ngữ thì liên quan tới bệnh lý phức tạp, cần được bác sĩ điều trị.

Bình Yên

Từ khóa » Chịu Nói