Vì Sao Bé Không Chịu Nói? - Báo Người Lao động

Để đưa con gái hơn 2 tuổi đến bệnh viện (BV) can thiệp về ngôn ngữ, chị T.D.T (29 tuổi) đã phải trải qua một cuộc đấu tranh gay gắt với chính mẹ ruột mình. “Con bé kháu khỉnh thế mà bệnh gì? Anh trai của con ngày xưa cũng biết nói chậm hơn mấy đứa trong xóm cả năm trời, rốt cuộc có sao đâu?” - mẹ chị T. viện dẫn.

Cần can thiệp đúng cách

Tuy nhiên, khi bé gái được đưa đến BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), bà ngoại mới vỡ lẽ cháu mình thực sự chậm nói. Các chuyên gia tìm hiểu và nhận định rằng có khi chính vì người bà kiệm lời lúc trông trẻ nên bé thiếu cơ hội tập nói. Rất may, chỉ sau vài tháng được can thiệp, cha mẹ, bà ngoại được hướng dẫn cách chơi và giao tiếp với bé, cô bé đã gần như “mở miệng” không khác gì các bạn cùng tuổi.

Thông thường, khi trẻ không chịu nói hoặc ngôn ngữ phát triển chậm hơn bạn bè cùng lứa, phụ huynh hay nghĩ đến việc đưa con đi kiểm tra một số dị tật như điếc, dính thắng lưỡi… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu hoàn toàn không có vấn đề gì thuộc về cấu trúc giải phẫu, dị tật mà ngôn ngữ vẫn chậm thì trẻ cần được can thiệp về mặt âm ngữ. Thông thường, trẻ có nguy cơ gặp các trở ngại nêu trên nếu thuộc nhóm sinh non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng hoặc người thân trong gia đình có tiền sử chậm nói.

Trẻ được người lớn thường xuyên trò chuyện, chơi đùa sẽ phát triển khả năng ngôn ngữẢnh: HOÀNG TRIỀU Trẻ được người lớn thường xuyên trò chuyện, chơi đùa sẽ phát triển khả năng ngôn ngữẢnh: HOÀNG TRIỀU

18 tháng không nói, nên đi khám

Theo bà Lê Thị Thanh Xuân, Trưởng Đơn vị Âm ngữ trị liệu và Chương trình Can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, trẻ ở độ tuổi 18-31 tháng không chịu nói nhưng hiểu tốt ngôn ngữ không lời (cử chỉ, điệu bộ, chỉ trỏ…) hoặc khả năng nói quá thua sút so với bạn cùng tuổi như trên được gọi là chậm nói.

Khi trẻ qua 31 tháng cho đến 5 tuổi, nếu hiện tượng này còn diễn tiến thì gọi là chậm phát triển ngôn ngữ. Tùy vào nhiều yếu tố, như nguyên nhân, độ tuổi, mức độ “chậm”, trẻ sẽ được can thiệp theo những phương pháp, lộ trình riêng và can thiệp càng sớm càng có hiệu quả. Khi trẻ đã 18 tháng mà vẫn chưa chịu nói, tốt nhất là nên đưa đến các đơn vị chuyên về âm ngữ trị liệu ngay.

Bà Đỗ Thị Bích Thuận - chuyên viên âm ngữ trị liệu, Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng BV Nhi Đồng 1 - cảnh báo rằng cha mẹ có tâm lý cố chờ đợi, mong con sẽ tự nói được như chúng bạn sẽ ảnh hưởng nhiều đến trẻ. Trong số trẻ bị thiếu hụt ngôn ngữ đặc hiệu (SLI), gọi nôm na là “chậm nói”, có các bé thuộc dạng “nở muộn” (khoảng 3 tuổi tự nhiên bắt kịp chúng bạn), nếu không được can thiệp cũng không sao. Nhóm còn lại sẽ không bao giờ tự bắt kịp và thường ở tuổi lên 3, khi vào trường mầm non, trẻ bắt đầu gặp khó khăn do hạn chế về mặt giao tiếp, ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt. Càng lớn tuổi hơn, khó khăn càng tăng dần, đặc biệt là trong học tập.

Chú ý giai đoạn não bộ phát triển

Ngoài mốc 18 tháng ra, còn một mốc cảnh báo thứ hai là giai đoạn khoảng 2 tuổi. Ở giai đoạn này, nếu trẻ chỉ nói được dưới 50 từ đơn và không thể kết hợp 2 từ thì nên đưa đi can thiệp ngay vì nếu chần chừ lần nữa, cha mẹ đã bỏ qua thời cơ quan trọng để con học ngôn ngữ khi não bộ đang rất linh hoạt.

Thực ra, vào khoảng 9-10 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu có những giao tiếp chủ ý đầu tiên. Chẳng hạn, khi muốn lấy giúp một vật, trẻ sẽ nhìn vật đó rồi nhìn người muốn nhờ. Nếu trẻ không có những dấu hiệu này, cha mẹ nên lưu tâm và theo dõi kỹ giai đoạn tiếp theo. Nếu nghi ngờ về khả năng ngôn ngữ của trẻ ở bất cứ độ tuổi nào và không biết con mình có thuộc dạng cần can thiệp hay không, cha mẹ nên tìm lời tư vấn ở những cơ sở y tế có đơn vị âm ngữ trị liệu.

Tạo điều kiện thực hành nói

Theo bà Lê Thị Thanh Xuân, ngôn ngữ là thứ cần được sử dụng và thực tập thường xuyên. Trong nhiều trường hợp, trục trặc về ngôn ngữ nói ở trẻ liên quan đến cách cha mẹ tiếp xúc, chơi đùa, giao tiếp với con. Có khi đứa trẻ chưa kịp nói ra yêu cầu, cha mẹ đã vội đáp ứng ngay, thế là đứa bé không có điều kiện để “thực tập” nói. Cũng có những gia đình do cha mẹ quá bận rộn, giao việc trông con cho người giữ trẻ ít nói hoặc bỏ mặc con với chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng, trẻ cũng thiếu cơ hội tập nói.

Khi can thiệp cho trẻ chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ, chính cha mẹ cũng phải học kỹ năng chơi với con, cách đưa ra lời nói mẫu cùng các cử chỉ điệu bộ, ký hiệu, tranh ảnh... kèm theo để giúp trẻ hiểu và bắt chước lời nói dễ dàng hơn; cách chờ đợi con đáp ứng khi giao tiếp, đặt cho con các câu hỏi chọn lựa, “mớm từ” nếu trẻ gặp khó khăn; giúp trẻ tự vận động; quan sát trẻ giao tiếp và ghi hình lại nếu chuyên gia yêu cầu…

Từ khóa » Chịu Nói