​Làm Thế Nào để Phòng Ngừa Bệnh Cườm Mắt - Tuổi Trẻ Online

Vậy các bạn cần làm gì để phòng ngừa bệnh cườm mắt?

Có những loại cườm mắt nào?

Có 2 loại cườm mắt

- Cườm nước (glaucoma) là do áp suất ở trong mắt tăng (hay là bệnh tăng nhãn áp), làm tổn hại những thần kinh thị giác, dần dần gây nên những tổn hại vĩnh viễn ở mắt. Bệnh có thể ở 1 hoặc ở cả 2 mắt. Cườm nước không phải là bệnh nhiễm trùng, có liên quan đến một số yếu tố di truyền và tuổi tác (40 tuổi trở lên).

- Cườm khô (chuyên môn gọi là đục thủy tinh thể, cườm đá): là mờ đục thủy tinh thể trong mắt, gây ra những rối loạn thị giác. Nguyên nhân thường gặp nhất là do lão hóa. Cườm khô thường phổ biến hơn cườm nước.

Đục thủy tinh thể là gì?

Thủy tinh thể là cấu trúc trong mắt. Mắt bình thường ánh sáng đi xuyên qua thủy tinh thể và hội tụ trên võng mạc (võng mạc là lớp nhận cảm ánh sáng và gởi tín hiệu thị giác lên não). Thủy tinh thể phải trong suốt để tạo ảnh rõ nét trên võng mạc và cho ta nhìn thấy rõ ảnh.

Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu là nước và protein. Các protein này được sắp xếp trật tự để ánh sáng xuyên qua và hội tụ trên võng mạc. Một số trường hợp protein tập trung thành đám, làm ánh sáng đi qua bị tán xạ, tạo ra những vùng mờ đục trong thủy tinh thể cản ánh sáng đến võng mạc và giảm thị lực. Tình trạng này gọi là đục thủy tinh thể.

Nguyên nhân chính gây đục thủy tinh thể

Hiện nay người ta vẫn đang nghiên cứu thêm về đục thủy tinh thể nhưng nguyên nhân đục vẫn chưa rõ. Dù một số ít người sinh ra với đục thủy tinh thể bẩm sinh do thai kỳ hoặc di truyền, nhưng phần lớn các trường hợp đục thủy tinh thể được các nhà khoa học cho là có liên quan đến việc tích lũy các yếu tố nguy cơ từ trong môi trường sống.

Các loại đục thủy tinh thể

- Đục thủy tinh thể do lão hóa: phần lớn các đục thủy tinh thể do tuổi già.

- Đục thủy tinh thể bẩm sinh.

- Đục thủy tinh thể thứ phát: phát triển ở những người có một số bệnh, ví dụ tiểu đường, đục thủy tinh thể có thể do dùng thuốc steroid kéo dài.

- Đục thủy tinh thể chấn thương.

Những dấu hiệu, triệu chứng giúp nhận biết sớm bệnh thủy tinh thể

Ở giai đoạn đầu đục thủy tinh thể  có thể không gây khó chịu gì vì chỉ một phần nhỏ của thủy tinh thể  bị đục. Tuy nhiên, dần dần thủy tinh thể đục ngày càng nhiều, khiến bệnh nhân có thể xuất hiện những khó chịu như:

-  Nhìn mờ.

-  Có cảm giác chói mắt khi nhìn ánh sáng (ví dụ: thấy chói mắt khi nhìn đèn hoặc ánh sáng mặt trời mạnh hoặc thấy quầng sáng quanh đèn).

-  Nhìn màu có cảm giác bị nhạt hơn.

-  Thị giác kém hơn vào ban đêm.

-  Nhìn một hình thành hai hoặc nhiều hình.

-  Độ kính đang đeo bị thay đổi thường xuyên.

-  Thị lực nhìn gần trở nên tốt hơn trong giai đoạn đầu, nhưng chỉ là tạm thời.

Thị lực sẽ giảm khi đục thủy tinh thể  phát triển nhiều hơn.

Những khó chịu trên có thể cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác tại mắt. Vì vậy nếu bệnh nhân có những dấu hiệu đã được mô tả như trên thì nên đến bác sĩ mắt để được khám và đánh giá đúng mức.

Mặc dù nhiều người bị đục thủy tinh thể cả hai mắt nhưng bệnh không lây từ mắt này qua mắt kia.

Nếu tình trạng đục thủy tinh thể để quá lâu mà không được chữa trị sẽ có thể dẫn đến tình trạng cườm nước, khiến bệnh nhân rất đau nhức ở mắt và làm tổn hại nặng nề đến các tế bào thần kinh thị giác trên võng mạc. Điều đó có thể gây mù vĩnh viễn dù được điều trị sau đó.

Phương pháp điều trị đục thủy tinh thể được áp dụng phổ biến hiện nay

Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn sớm, có thể cho đeo kính, dùng kính lúp hoặc chiếu sáng tốt khi làm việc. Nếu những biện pháp này không có tác dụng thì chỉ có phẫu thuật lấy thủy tinh thể là cách điều trị hiệu quả nhất.

Hiện nay phẫu thuật lấy thủy tinh thể là một trong những phẫu thuật phổ biến nhất của chuyên khoa mắt. Đây cũng là một trong những phẫu thuật an toàn nhất và cho kết quả rất tốt.

Chủ yếu có hai cách lấy thủy tinh thể. Bác sĩ sẽ giải thích cụ thể và giúp bệnh nhân quyết định cách tốt nhất:

-  Phương pháp nhũ tương hóa thủy tinh thể (hay phương pháp phaco): Bác sĩ sẽ tạo một đường rạch nhỏ ở một bên giác mạc. Sau đó đưa một thiết bị nhỏ vào mắt. Thiết bị này phát ra sóng có tần số siêu âm làm thủy tinh thể mềm nhuyễn, sau đó nó được hút hoàn toàn ra ngoài. Hiện nay hầu hết phẫu thuật lấy thủy tinh thể được thực hiện bằng phương pháp phaco, còn gọi là phẫu thuật đường rạch nhỏ.

-  Phương pháp lấy thủy tinh thể ngoài bao: Bác sĩ sẽ tạo một đường rạch dài hơn ở một phía giác mạc và lấy phần nhân cứng thủy tinh thể ra, sau đó đặt một kính nội nhãn thay vào vị trí của thủy tinh thể. Kính nội nhãn là một thấu kính nhân tạo trong suốt, sẽ là một phần của mắt bệnh nhân suốt đời, giúp bệnh nhân cải thiện thị lực nhưng họ không cần phải chăm sóc cho nó. Hơn nữa bệnh nhân cũng không cảm thấy hoặc nhìn thấy thấu kính mới này.

Cách phòng ngừa đục thủy tinh

Phần lớn các trường hợp đục thủy tinh thể được cho là có liên quan đến việc tích lũy các yếu tố nguy cơ từ trong môi trường sống như:

-  Lớn tuổi.

-  Bệnh tăng đường huyết.

-  Tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời.

-  Chấn thương hoặc viêm nhiễm mắt.

-  Phẫu thuật mắt.

-  Kéo dài việc sử dụng các thuốc corticosteroid.

-  Hút thuốc lá.

Để có thể kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ từ trong môi trường sống, nên khám mắt định kỳ mỗi năm một lần giúp kiểm tra các bệnh lý về mắt sẽ góp phần quan trọng giúp bảo vệ đôi mắt của chính mình.

Từ khóa » Có Cườm Mắt Là Gì