Sự Khác Biệt Giữa Cườm Khô Và Cườm Nước - Hello Bacsi
Cườm khô và cườm nước là hai bệnh lý ở mắt gây suy giảm thị lực và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Các bệnh lý này nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa. Phân biệt được hai bệnh lý này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh của mình, từ đó tìm được hướng điều trị phù hợp.
Cườm khô (đục thủy tinh thể) là một bệnh lão hóa của thủy tinh thể ở mắt. Bình thường khi còn trẻ thủy tinh thể trong suốt, khi về già hoặc khi có một nguyên nhân nào đó làm cho nó bị đục, dẫn đến mờ đi khi nhìn mọi vật. Tuy nhiên nếu cườm khô được phát hiện và phẫu thuật kịp thời, sẽ lấy lại được thị lực. Trong khi đó, bệnh cườm nước ở mắt, còn được gọi là glôcôm hoặc thiên đầu thống, là nhóm các bệnh lý gây tổn thương dây thần kinh thị giác, dẫn đến mù lòa không hồi phục.
Phân biệt cườm khô và cườm nước
Điểm giống nhau giữa cườm khô và cườm nước
Cả hai tình trạng cườm khô và cườm nước đều thường gặp phải ở người lớn tuổi. Chúng có thể gây suy giảm thị lực nghiêm trọng và là hai nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Điểm khác biệt giữa cườm khô và cườm nước
Dù đều ảnh hưởng đến thị lực nhưng cườm khô và cườm nước lại có cơ chế và bản chất hoàn toàn khác nhau. Dưới đây là một số điểm giúp bạn phân biệt hai tình trạng này.
Nguyên nhân
Cườm khô được hình thành khi các protein trong cấu trúc của thủy tinh thể kết đám và làm đục thủy tinh thể. Hầu hết các trường hợp mắc cườm khô là do lão hóa hoặc các chấn thương làm thay đổi cấu trúc thủy tinh thể. Điều này gây cản trở đường đi của các tia sáng và ảnh hưởng đến thị lực. Một số nguyên nhân tiềm ẩn gây cườm khô như thuốc lá, tia cực tím, các loại thuốc (thuốc nhóm steroid…), một số bệnh lý toàn thân (đái tháo đường, béo phì…), xạ trị, phẫu thuật hoặc chấn thương mắt, không bảo vệ mắt khi đi nắng…
Trong khi đó, cườm nước xảy ra khi áp suất tự nhiên trong mắt (nhãn áp) tăng lên và gây tổn thương đến các dây thần kinh thị giác. Thủy dịch là một loại nước được tạo ra từ thể mi của mắt (nằm ở khoang hậu phòng) để lấp đầy phần trước của mắt (khoang tiền phòng), tạo sự căng tròn của nhãn cầu, sau đó sẽ thoát ra ngoài thông qua các kênh ở góc tiền phòng nằm giữa giác mạc và mống mắt. Nếu các kênh này bị tắc nghẽn sẽ khiến thủy dịch không thể thoát được và gây tăng áp lực bên trong nhãn cầu, người ta gọi là tăng nhãn áp. Ngoài việc tắc nghẽn lưu thông thủy dịch, thì việc sử dụng một số loại thuốc (corticosteroid, thuốc nhỏ mắt gây giãn đồng tử…), các bệnh lý làm giảm lưu lượng máu đến các dây thần kinh thị giác, bệnh cao huyết áp cũng có thể góp phần gây tăng nhãn áp.
Tiến triển bệnh, khả năng ảnh hưởng đến mắt của cườm khô và cườm nước
Cườm khô thường tiến triển khá chậm và không gây đau đớn. Theo thời gian mức độ đục tăng dần làm cho thị lực giảm dần, khi toàn bộ thủy tinh thể bị đục, bệnh nhân sẽ bị mất thị lực hoàn toàn. Tình trạng này có thể gặp ở một hoặc cả hai mắt, tuy nhiên có thể bắt đầu ở hai thời điểm không giống nhau và mức độ tiến triển của mỗi bên cũng khác nhau.
Nếu cườm khô xảy ra âm thầm thì tiến triển của bệnh cườm nước ở mắt lại rất khó dự đoán và thay đổi tùy thuộc vào loại cườm nước mà bệnh nhân mắc phải. Một số thể cườm nước (glôcôm) tiến triển rất nhanh và gây các triệu chứng tại mắt nghiêm trọng (glôcôm góc đóng). Ngược lại, một số thể khác có xu hướng phát triển từ từ trong nhiều năm và ít gây đau đớn (glôcôm góc mở). Tình trạng này thường ảnh hưởng đến cả hai mắt cùng một lúc, trong đó một bên mắt có thể nặng hơn bên còn lại. Trước tiên, bệnh tác động đến tầm nhìn ngoại vi, hay còn gọi là thị trường. Nếu không điều trị kịp thời, thị lực trung tâm sẽ bị ảnh hưởng và có thể mất vĩnh viễn.
Triệu chứng
Thực tế, các triệu chứng ban đầu của cườm khô và cườm nước thường khó nhận biết. Đối với cườm khô, bệnh lúc đầu chỉ ảnh hưởng đến một phần nhỏ trên thủy tinh thể. Khi các mảng đục lớn dần, các triệu chứng của bệnh cũng biểu hiện rõ ràng hơn. Bạn có thể bị:
- Mờ mắt như có một màn sương và gặp khó khăn khi nhìn
- Mờ mắt khi ra ngoài nắng, khi trời tối thì rõ hơn
- Nhìn không rõ các màu sắc
- Chói mắt và tăng độ nhạy cảm khi gặp ánh sáng mạnh
- Đôi khi gặp tình trạng song thị
- Thị lực không cải thiện ngay cả khi đeo kính thuốc hoặc kính áp tròng
Tương tự như cườm khô, các thể glôcôm tiến triển chậm ít có triệu chứng rõ ràng. Bạn có thể gặp phải tình trạng mờ mắt hoặc nhìn thấy quầng sáng đa sắc (như cầu vồng) xung quanh ánh đèn. Trong khi đó, các thể glôcôm cấp tính thường xuất hiện đột ngột với các triệu chứng:
- Đau nhức mắt dữ dội hoặc đau như châm chích quanh mắt
- Đau nửa đầu cùng bên với đau mắt
- Nhìn mờ
- Đỏ mắt
- Buồn nôn và ói mửa
Điều trị cườm khô và cườm nước
Đối với cườm khô, phẫu thuật là phương pháp duy nhất giúp điều trị dứt điểm tình trạng này. Các bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật mắt nếu bệnh cản trở hoạt động hằng ngày của người bệnh hoặc khi chúng ảnh hưởng đến việc điều trị các bệnh mắt khác. Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm người bệnh được khuyến khích sử dụng một số biện pháp giúp cải thiện tạm thời tình trạng mờ mắt và khó chịu của bệnh gây ra như:
- Thay kính mắt
- Đeo kính râm khi ra nắng
- Cải thiện tình trạng dinh dưỡng và lối sống
- Nhỏ một số loại thuốc giúp làm chậm tiến triển các triệu chứng bệnh.
Trong khi đó, mục tiêu điều trị bệnh cườm nước là giảm áp lực trong mắt để ngăn ngừa tình trạng mất thị lực tiến triển nghiêm trọng hơn. Ở giai đoạn sớm, các bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc nhỏ mắt thông thường. Nếu không hiệu quả hoặc cần điều trị nâng cao, có thể phải sử dụng kết hợp thêm các loại thuốc khác để làm giảm nhãn áp. Thuốc hạ nhãn áp có thể ở dạng nhỏ mắt hoặc uống, nhưng thuốc nhỏ mắt thường được sử dụng rộng rãi hơn.
Để giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị, các bác sĩ sẽ ưu tiên lựa chọn những loại thuốc nhỏ mắt có tác dụng kéo dài và có khả năng ổn định được nhãn áp cả ngày và đêm. Cuối cùng, nếu tình trạng không được cải thiện, có thể tiến hành phẫu thuật để giúp giảm nhãn áp. Phương pháp điều trị bằng laser cũng giúp cải thiện tình trạng bệnh lý đáng kể trong nhiều trường hợp.
Khả năng phục hồi thị lực
Phần lớn người bệnh cườm khô có thể phục hồi thị lực sau khi được thực hiện phẫu thuật tốt. Ngược lại, dù được điều trị, những ảnh hưởng do cườm nước gây ra trước đó không thể hồi phục trở lại. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ giúp điều hòa nhãn áp, từ đó làm chậm hoặc chấm dứt tình trạng suy giảm thị lực.
Cườm khô có dẫn đến cườm nước không?
Bệnh cườm nước có thể xuất hiện như một biến chứng của cườm khô, hay còn được gọi là bệnh cườm nước thứ phát. Khi bị cườm khô, thủy tinh thể không những bị đục mà còn tăng kích thước, phồng lên, từ đó gây cản trở sự lưu thông thủy dịch trong mắt. Việc này làm nhãn áp tăng lên và khiến các dây thần kinh thị giác bị teo dần. Vì vậy, nên điều trị cườm khô kịp thời để tránh tình trạng tiến triển thành cườm nước. Ngoài ra, hiện tượng thủy tinh thể phồng lên trong bệnh cườm khô cũng là một yếu tố gây hẹp góc dẫn lưu thủy dịch, làm trầm trọng hơn bệnh glôcôm góc đóng nguyên phát trước đó.
Cườm nước có dẫn đến cườm khô không?
Bản thân cườm nước không gây ra cườm khô. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị cườm nước có thể đẩy nhanh quá trình hình thành cườm khô. Các nghiên cứu cho thấy phẫu thuật cắt bè củng giác mạc hoặc một số loại thuốc điều trị cườm nước, một số trường hợp can thiệp laser chưa đúng kỹ thuật … sẽ làm trầm trọng thêm sự tiến triển của đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, bác sĩ thường chú trọng về lợi ích của những phương pháp này khi điều trị bệnh cườm nước hơn là nguy cơ mắc cườm khô bạn có thể gặp phải.
Điều trị cườm khô và cườm nước có tiến hành song song được không?
Nếu bạn gặp phải cả hai tình trạng trên cùng lúc, các bác sĩ thường ưu tiên kiểm soát bệnh cườm nước trước, thường là tiến hành phẫu thuật điều trị glôcôm trước khi thực hiện các phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể phối hợp vừa phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể vừa kết hợp phẫu thuật điều trị cườm nước như phẫu thuật cắt bè củng giác mạc, phẫu thuật cấy ghép van, ống dẫn lưu thủy dịch (MIGS)..
Có thể thấy, cả cườm khô và cườm nước đều gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị giác của người bệnh. Đặc biệt, các biến chứng của cườm nước không thể hồi phục ngay cả sau khi điều trị. Vì vậy, bạn nên thường xuyên đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được kiểm tra mắt định kỳ (1 năm đối với người khỏe mạnh và 6 tháng đối với người có nguy cơ mắc cườm nước) và phát hiện sớm các vấn đề ở mắt.
Từ khóa » Có Cườm Mắt Là Gì
-
Bệnh Cườm Mắt Là Gì? Cườm Khô, Cườm Nước Và Những điều Cần Biết
-
Cườm Mắt Là Gì? Tìm Hiểu Về Cườm Khô Và Cườm Nước - Wit-Ecogreen
-
Nguyên Nhân Và Triệu Chứng Bệnh Cườm Nước | Vinmec
-
Thông Tin Về Bệnh đục Thủy Tinh Thể (cườm Khô) | Vinmec
-
Mắt Bị Cườm đá, Cườm Khô Là Gì? 12 điều Giúp Hiểu Rõ Về Bệnh
-
Bệnh Glaucoma (cườm Nước) Nguyên Nhân Và Cách điều Trị
-
Cườm Mắt Là Gì? Mổ Cườm Mắt Bao Nhiêu Tiền
-
Cườm Khô: Bệnh Lý Lão Hoá Về Mắt Thường Gặp
-
Đục Thuỷ Tinh Thể (cườm Khô): Dấu Hiệu Và Cách điều Trị - YouMed
-
Làm Thế Nào để Phòng Ngừa Bệnh Cườm Mắt - Tuổi Trẻ Online
-
Những Dấu Hiệu Giúp Bạn Phân Biệt Bệnh Cườm Khô Và Cườm Nước
-
Bệnh Cườm Khô: Khi Nào Cần Phẫu Thuật?
-
Bệnh Cườm Nước (Glaucoma): Kẻ đánh Cắp Thị Lực âm Thầm
-
Bệnh Cườm Nước - Bệnh Viện FV - FV Hospital