Lịch Sử Ra đời Và Phát Triển Dòng Xe Vespa - Phần 1

Trước khi nói đến lịch sử của dòng xe Vespa, hẳn chúng ta đều biết đến chiếc Vespa 946 đẳng cấp được ra mắt năm 2014 đậm chất cổ điển và sang trọng.

Cái tên Vespa 946 được lấy cảm hứng từ mẫu xe đầu tiên của Vespa là Vespa 98, ra đời năm 1946, nhằm hướng tới mốc kỷ niệm 70 năm lịch sử của Vespa diễn ra vào năm 2016.

Có thể thấy qua gần 7 thập kỷ hình dáng tổng thể của 1 chiếc vespa không thay đổi nhiều, đó là điều khiến những fan trung thành của vespa vẫn luôn tự hào khi lái xe trên phố.

Hãy bắt đầu từ năm 1946 với bối cảnh ra đời của chiếc xe đầu tiên nhà Vespa:

VESPA 98 – 1946

Tháng 4 năm 1946, một mẫu xe gắn máy đột phá mang tính thực tiễn cao được ra mắt lần đầu tiên trước công chúng tại Golf Club ở thủ đô Roma. Đây cũng là lần đầu tiên biểu tượng (logo) Piaggio mới được gắn nổi trên yếm xe, thay thế huy hiệu hàng không trước đây.

Thành công tức thời của Vespa ngay lập tức thu hút được sự quan tâm rộng rãi của giới truyền thông và sự tò mò, ngạc nhiên, thậm chí hoài nghi của dư luận. Việc thương mại hóa những chiếc xe Vespa đầu tiên được thực hiện thông qua một mạng lưới phân phối quy mô nhỏ với mức giá 55,000 lira Ý cho bản tiêu chuẩn và 66,000 lira Ý cho bản cao cấp.

VESPA 98 CORSA CIRCUITO – 1947

Vespa 98 Corsa được sáng tạo để chứng minh cho toàn thế giới khả năng cạnh tranh cao của một chiếc xe hai bánh nhỏ gọn trong các cuộc đua. Số lượng xe Vespa tăng lên ngày một đông đảo trên từng con phố và quảng trường  khắp nước Ý chính là động lực thúc đẩy Enrico Piaggio sản xuất một mẫu xe quyết liệt hơn nhằm chinh phục những chặng đua.

Người đầu tiên lái chiếc Vespa 98 trên đường đua là Giuseppe Cau. Ông đã giành chiến thắng tại chặng leo dốc lên đồi Monta Mario năm 1947. Mẫu xe đua Vespa 98 Corsa đại điện cho sự đổi mới với tốc độ vượt bậc.

Thân xe bằng thép nguyên khối được chế tác hoàn toàn thủ công. Hệ thống phanh tang trống được trang bị ống thoát khí để giảm nhiệt. Hộp hộp số ba cấp cho phép điều khiển động cơ bằng van bướm, làm mát bằng hệ thống thông gió cưỡng bức.

Do được thiết kế với màu đỏ nguyên gốc, mẫu xe này còn được biết đến với tên gọi « quả cầu lửa ».

VESPA 98 II SERIE – 1947

16,500 chiếc xe thuộc đời thứ 2 của Vespa 98 đã được sản xuất để đưa vào thị trường. Phiên bản mới thể hiện sự vượt trội so với những mẫu xe trước cả về mặt thẩm mỹ lẫn các chi tiết kỹ thuật.

Không chỉ nhằm phục vụ mục đích thay thế lốp xe bị thủng do điều kiện đường xá tồi tệ sau chiến tranh, bánh xe phụ còn trở thành một trong những chi tiết đặc trưng, dễ nhận diện nhất của chiếc xe Vespa.

Hình ảnh Vespa 98 gợi nhớ ngành kinh doanh máy bay của Piaggio, nhờ thiết kế đèn pha đã cải tiến cùng với tông màu ánh bạc kim loại. Khi các tạp chí đăng tải thông tin: phải chờ đợi 8 tháng để sở hữu một chiếc Vespa 98, việc buôn bán trên thị trường “chợ đen” ngay lập tức nở rộ.

Những chiếc Vespa mới được nâng gấp đôi giá bán, đạt đến đỉnh điểm 125,000 Lira Ý.

VESPA 125 CORSA “ALLOY FRAME” – 1949

Năm 1949, Chiếc Vespa đầu tiên được sản xuất với bộ khung xe đua và các bánh xe làm từ hợp kim nhôm, thiết kế vốn thường dùng trong xây dựng máy bay, được lắp ráp với nhau bằng đinh tán. Đây là công nghệ sản xuất vượt bậc nhất vào thập kỷ 40’.

VESPA125 – 1949

Năm 1948, Piaggio ra mắt một mẫu xe Vespa hoàn toàn mới. Từ năm 1946 đến năm 1947, 1183 chiếc Vespa 125 phân khối được tiếp thị và phân phối chủ yếu ở thị trường nước ngoài (đặc biệt là Thụy Sĩ).

Cuối năm 1947, Enrico Piaggio quyết định dừng hoàn toàn việc sản xuất Vespa 98 phân khối, chỉ tiếp tục mẫu xe 125 phân khối cho cả thị trường nội địa Ý và toàn bộ các thị trường quốc tế. Một số thay đổi được đưa vào nhằm thích nghi với nhu cầu mới bao gồm đòn treo phía trước, nắp động cơ được nâng lên để dễ dàng thâm nhập vào khu vực động cơ và máy móc.

Phiên bản Vespa năm 1949, hiện được được trưng bày tại bảo tàng Piaggio, mang tính thẩm mỹ cao hơn với thiết kế mới nhờ hệ thống làm mát và hộp số điều khiển cải tiến.

VESPA CIRCUITO 125 – 1949

Vào cuối những năm 1940, các công ty sản xuất xe gắn máy lớn cho rằng cách tốt nhất để quảng bá sản phẩm là tham gia vào những giải đấu nhằm thu hút sự chú ‎ ý của công chúng, hướng đến đối tượng khách hàng tiềm năng.

Với cùng mục đích như vậy, những chiếc xe Piaggio tiếp tục góp mặt tại nhiều cuộc đua. Không chỉ phục vụ nhu cầu quảng cáo sản phẩm xe gắn máy, giải đua xe 125 phân khối còn là sân chơi dành cho những thử nghiệm mang tính giải pháp.

Từ giải đua này, những cải tiến mới cho các mẫu xe tiêu chuẩn đã được áp dụng. Những chiếc Vespa tham gia cuộc đua được gia công và lắp ráp tỉ mỉ bằng tay bởi các chuyên gia đến từ Piaggio và được điều khiển bởi các tay lái điêu luyện như Dina Mazzoncini và Giuseppe Cau.

Và Giuseppe Cau đã chinh phục chặng đua nước rút tại Catania Etna vào năm 1950, về nhất tại bảng đua 125 phân khối, và thứ 3 chung cuộc sau Guzzi và Benelli.

VESPA MONTLHERY – 1950

Để quảng bá hình ảnh đậm chất thể thao của Vespa, Piaggio chuyển hướng từ tập trung vào khán giả sang việc phá vỡ các kỷ lục.

Ngày 7 tháng 4 năm 1950, tại trường đua Montlhery nước Pháp, sau 10 giờ thử nghiệm với 3 tay lái chuyên nghiệp lần lượt điều khiển, Vespa đã chiến thắng mọi đối thủ, lập kỷ lục thế giới (tốc độ trung bình 134 km/giờ), đạt tốc độ trung bình 129,7 km/giờ tại chặng đua 100 dặm, tốc độ trung bình 123,9 km/giờ tại chăng đua 500 dặm và tốc độ trung bình 124,3 km/giờ tại chặng đua 1,000 km.

Trong suốt 10 tiếng đồng hồ, những chiếc Vespa chinh phục tổng cộng 1,049 km. Bằng một phiên bản gần giống với chiếc xe đua Vespa 125 phân khối, sản xuất với bộ khung hợp kim nhôm năm 1949, Mazzoncini đã đạt kết quả tuyệt vời tại những cuộc đua ông tham gia, trong số đó có chiến thắng thuyết phục tại bảng đua dành cho xe hai bánh tại Genoa, nơi cuộc tranh tài giữa Vespa và Lambretta vô cùng căng thẳng.

VESPA SILURO (TORPEDO) – 1951

Năm 1951, Vespa lập kỷ lục đáng tự hào nhất trong lịch sử của hãng: bay qua 1km trên không trung. Ngày 9 tháng 2, tại xa lộ thủ đô Roma (gần Ostia), một chiếc Vespa với động cơ hai pit-tông đối đỉnh (công suất tối đa 17.2 hp tại 9500 vòng tua/phút) thiết kế bởi Corradino D’Ascanio, điều khiển bởi Dino Mazzoncini, đã bay lên không trung từ kilomet số 10 đến kilomet số 11 với kỷ lục thế giới 21,4 giây, đạt vận tốc trung bình 171.1km/giờ.

VESPA 125 – 1951

Tương tự như năm 1948, doanh số bán hàng năm 1951 theo đà tăng nhanh nhờ vào công nghệ đổi mới và tính thẩm mỹ được nâng cao.

Mẫu xe năm 1951 thậm chí còn trở nên nổi tiếng hơn nhờ sự ra mắt đầy ấn tượng trong bộ phim lãng mạn huyền thoại Roman Holiday, kể về chuyện tình của hai nhân vật do Audrey Hepburn và Gregory Peck thủ vai tại thủ đô Roma.

VESPA 125 “SIX DAYS” – 1951

Tương đồng với chiếc Vespa 125 về mặt thẩm mỹ, mẫu “Six Days” khác biệt ở cấu tạo bình xăng có gờ bảo vệ bao quanh và bộ chế hòa khí kích thước lớn hơn đạt tại thùng xe bên phải.

Biệt danh “Six Days” đến từ cuộc thi International Six Days lần thứ 26 diễn ra vào năm 1951, là nơi Vespa đã dành được 9 huy chương vàng.

Đội đua Piaggio khi đó bao gồm: Biasci, Cau, Crabs, Mazzoncini, Merlo, Nesti, Opesso, Riva, Romano và Vivaldi. Chiếc Vespa 125 “Six Days” đồng thời chiến thắng cúp vô địch của Hiệp Hội Xe gắn máy ‎ Ý năm 1951, nơi chứng kiến 3 tay lái thống lĩnh các cuộc đua trên những chiếc Vespa (Giuseppe Cau, Miro Riva, Bruno Romano)

VESPA 125 U – 1953

Chỉ có 7,000 bản của chiếc U Vespa được sản xuất, khiến nó trở thành một trong những mẫu xe được các nhà sưu tập săn lùng ráo riết nhất.

Ra đời vào năm 1953 với mục đích trở thành một mẫu xe thực dụng, với chữ U là viết tắt của từ “utility” – mang tính thực tiễn, Vespa U là mẫu xe nguyên gốc được thiết kế để cạnh tranh với mẫu xe cùng dòng của đối thủ Lambretta, được bán trên thị trường với giá 110 đô la.

Lần đầu tiên, đèn pha được lắp trên tay lái thay vì tấm chắn bùn trước trên phiên bản xe Vespa

VESPA 150 SIDE-CAR – 1955

Chiếc xe Vespa ba bánh được tạo ra vào khoảng cuối năm 1948, đầu năm 1949.

Phương tiện này giúp những chuyến đi đường dài trở nên ổn định và thoải mái hơn.

Phần thùng xe bên cạnh được chế tạo từ thép tấm, lắp ráp bằng tay và ráp nối với xe Vespa bằng một đường ống.

Được giới chuyên môn khen ngợi về khả năng di chuyển ngay cả trong điều kiện tuyết rơi dày và địa hình dốc đứng, mẫu xe ba bánh của Vespa khẳng định sự tiện nghi, sức chứa rộng rãi nhờ phần thùng xe phía sau và sự tiện lợi trên những chặng đường dài.

VESPA 150 GS – 1955

Chiếc GS 150 chính một cột mốc trong lịch sử xe hai bánh, không chỉ đối với Vespa nói riêng mà trên toàn thị trường nói chung.

Được nhớ đến như là chiếc xe hai bánh gắn máy đẹp nhất trên toàn thế giới, những chiếc xe GS 150 vẫn được săn lùng đến tận ngày nay.

Vào những năm 50, thị trường bắt đầu biến đổi do ảnh hưởng của xã hội; lúc này, những chiếc Vespa trở thành biểu tượng thời thượng dành cho những thanh niên muốn thể hiện đẳng cấp của mình.

Đây là lần đầu tiên một phương tiện đi chuyển sản xuất hàng loạt được tao ra với động cơ êm hơn và hiệu suất đáng kinh ngạc. Vespa 150 GS sở hữu đầy đủ những phẩm chất cần có của một chiếc xe thể thao, tác động trực tiếp đến trải nghiệm của đội đua Piaggio.

Động cơ phun xăng trực tiếp lên xilanh với công xuất tối đa 8 hp tại 7500 vòng tua/phút và hộp số 4 cấp, thiết kế ghế ngồi dài hơn và bánh xe kích thước 10 inch thay đổi một cách căn bản dòng xe Vespa. Một chiếc xe mẫu của phiên bản này hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Piaggio.

VESPA 150 – 1966

Năm 1956, 10 năm sau sự ra đời của mẫu xe Vespa đầu tiên, nhà máy Pontedera đạt doanh số chiếc Vespa thứ một triệu được tiêu thụ.

Thành công của Vespa vượt xa mọi dự đoán trước đó: chiếc nghe hai bánh huyền thoại được lên kế hoạch sản xuất ở 3 phiên bản: 125 phân khối, 150 phân khối và 150 phân khối GS.

Chiếc Vepspa 150 đem đến hiệu suất vượt trội, nổi bật với đèn pha lắp cao phía trên tay lái. Mẫu xe này được ra mắt vào năm 1956 với giá bán 148 000 lira Ý.

VESPA 150 T.A.P. – 1956

Vào những năm 1950, Bộ Quốc Phòng Pháp ủy thác cho A.C.M.A, đại diện được cấp phép của Piaggio tại Pháp nghiên cứu và phát triển một phương tiện phục vụ riêng cho quân đội.

Từ sự kiện này, một mẫu Vespa đặc biệt đã ra đời chỉ với 600 bản được sản xuất từ 1956 đến năm 1959. Sử dụng bởi Binh đoàn lính Lê dương (Foreign Legion) và Binh đoàn nhẩy dù (Parachute Corps), chiếc Vespa TAP được trang bị súng cỡ 75 milimet, thùng chứa đạn dược, hai bình xăng và một xe kéo nhỏ.

Mẫu xe được sản xuất với hai phiên bản màu ngụy trang khéo léo: hai màu xanh lá xây và màu cát. Đối nghịch với trọng lượng 115kg, chiếc Vespa TAP có thể đạt được vận tốc 66km/h, trong phạm vi 200km

VESPA 400 – 1957

Vào thời kỳ đỉnh cao của sự thành công mang tên Vespa, Piaggio quyết định tiến vào vào thị trường xe bốn bánh.

Mục tiêu của lớn lao của Corradino D’Ascanio chính là việc thiết kế chiếc Vespa 400, chiếc xe bốn bánh với động cơ hai thì đặt phía sau. Mẫu xe này ra đời năm 1957 với 30,000 bản được sản xuất bởi Piaggio.

VESPA 125 (VNA2) – 1958

Được sản xuất với hai phiên bản màu: ghi và be, chiếc Vespa 125 phân khối năm 1958 đã đánh dấu một kỷ nguyên mới của nhà Vespa.

Đây là chiếc Vespa đầu tiên có thân xe được chế tạo bằng sự kết hợp của hai nửa (miếng) kim loại tấm.

Loại khung này sở hữu những đặc tính nổi trội trong sản xuất công nghiệp; được áp dung vào tất cả các mẫu xe bắt đầu từ năm 1958. Mẫu thiết kế này cũng được kết hợp với động cơ mới gọn gàng hơn.

VESPA 150 GS VS5 – 1959

Chiếc Vespa 150 Gran Sport huyền thoại đã khẳng định vị thế của mình vào năm 1955 với phiên bản VS1.

Mẫu xe này được cải tiến và với phiên bản VS5 được trang bị hệ thống đồng hồ tốc độ đặc biệt và đèn sau mạ chrome được tích hợp trong bộ đèn hậu.

Hệ thống phanh cũng được cải thiện đáng kể, cùng với mào trên của chắn bùn được thiết kế với biểu tượng Piaggio chính là điểm nhấn của xe.

Mẫu xe Vespa 150 GS (VS5) đánh dấu kỷ lục về số lượng xe được sản xuất cho tiêu thụ trong giai đoạn 1958 và 1961 với 80 000 chiếc.

VESPA 150 (VBA) – 1961

Chiếc Vespa 150 (VBA) được giới thiệu vào năm 1958 với một số thay đổi so với mẫu xe trước. Màu sắc xe vẫn tương đồng với những phiên bản trước (xanh da trời ánh kim), tuy vậy hai bên sườn xe được trang trí bằng những ống thông khí mạ nhôm và đèn chiếu hậu lớn mạ chrome.

Vespa 150 (VBA) đã tạo nên thành công lớn nhờ sự thanh lịch và tính thực tiễn khi ra mắt vào Thế vận hội mùa hè ở Roma năm 1960.

VESPA DALÌ – 1962

Mùa hè năm 1962, chiếc Vespa được coi là có giá trị nhất Thế Giới chính là phương tiện di chuyển của hai sinh viên: Santiago Guillen và Antonio Veciana. Hai thanh niên trẻ có cuộc gặp gỡ với bậc thầy của trường phái nghệ thuật siêu thực – Salvador Dali.

Nghệ sĩ Dali, khi đang ghi chép cuốn biên niên sử đương đại, đột nhiên gây một ấn tượng lạ lùng về uy tín của ông khi bỗng nhiên quyết định trang trí phần thân xe Vespa, k‎ý tên ông và tên người vợ, nàng thơ Gala. Mùa hè năm 1999 tại Girona (Tây Ban Nha) trong khuôn khổ Eurovespa, tác phẩm đã được trưng bày tại triển lãm “Nghệ thuật của xe gắn máy” và được trân trọng tặng lại cho bảo tàng Piaggio bởi Giovanni Alberto Agnelli.

VESPA 50 – 1963

Vespa trở nên vô cùng thịnh hành trong giới trẻ bởi sự thoải mái, tiện dụng khi lái kết hợp cùng vẻ ngoài đẹp mắt. Để thu hút lượng khách hàng tiềm năng lớn hơn, Piaggio cho ra mắt chiếc xe Vespa 50, được quảng bá cùng khẩu hiệu “Trẻ trung, hiện đại và… không cần giấy tờ”. Những thanh niên từ 14 tuổi trở lên hoàn toàn có thể điều khiển chiếc Vespa này mà không cần biển số hay bằng lái, dựa trên bộ luật giao thông Highway Code ban hành năm 1963. Vespa 50 phân khối là mẫu xe hai bánh cuối cùng được thiết kế bới Corradino D’Ascanio, trở thành một dấu ấn đậm nét trong lịch sử Vespa. Từ năm 1964 đến ngày nay, 3 triệu mẫu xe Vespa 50 phân khối đã được sản xuất.

Tạm thời phần 1 kết thúc ở đây, các bạn cùng đón xem phần 2 nhé.

Topcom – Nhà phân phối xe Piaggio Vespa lớn nhất Việt Nam

Hotline: 0989 35 6699.

Website: https://tragoppiaggio.vn

Từ khóa » Tiểu Sử Vespa