Lĩnh Vực Phát Triển Ngôn Ngữ Đề Tài: Làm Quen Chữ Cái G,y

I. Mục đích yêu cầu

1. Kiến thức

- Trẻ nhận biết và phát âm đúng chữ cái g,y.

- Trẻ tìm được đúng chữ g,y trong từ và trong trò chơi.

- Hiểu và biết cách chơi trò chơi chữ cái

2. Kỹ năng

- Rèn khả năng quan sát, ghi nhớ có chủ định.

- Rèn kỹ năng khéo léo, nhanh nhẹn khi chơi trò chơi.

- Rèn kỹ năng phát âm chuẩn.

- Trẻ biết so sánh sự giống và khác nhau giữa 2 chữ g,y

3. Thái độ

- Giáo dục trẻ biết yêu quý, nhớ ơn các vị vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước

II. Chuẩn bị

- Máy chiếu, máy tính, rổ đựng thẻ chữ cái, các nét chữ cái bằng bìa cứng, đồ dùng gắn thẻ chữ cái g,y.

- Thẻ chữ cái g,y.

- Hình ảnh “Bánh chưng”, “Bánh dầy”

- NDTH : ÂN, PTVĐ.

III. Tiến hành

Hoạt động 1: Gây hứng thú

- Các con ơi, hôm nay các cô đến dự với lớp chúng mình 1 tiết học các con hãy nổ 1 tràng pháo tràng pháo tay chào đón các cô nào!

Xúm xít, xúm xít!

- Cô đọc câu đố:

“Bánh trời, bánh đất là gì?”(bánh chưng, bánh dầy)

Các con có biết tai sao lại có tên gọi là bánh chưng, bánh dầy không nào? Để biết về nguồn gốc của bánh chưng, bánh dầy các con chú ý lắng nghe cô kể câu chuyện “Sự tích bánh chưng, bánh dầy” nhé!

- Cô kể tóm tắt nội dung câu chuyện “Sự tích bánh chưng, bánh dầy”

“Vua Hùng Vương thứ sáu muốn tìm trong số hai mươi người con trai một người thật tài đức để nối ngôi nên đã ra điều kiện: không nhất thiết là con trưởng, ai làm vừa ý nhà vua trong lễ Tiên vương sẽ được truyền ngôi.

Các Lang đua nhau sắm lễ thật hậu, thật ngon. Lang Liêu, người con trai thứ mười tám, rất buồn vì nhà nghèo, chỉ quen với việc trồng khoai trồng lúa, không biết lấy đâu ra của ngon vật lạ làm lễ như những Lang khác. Sau một đêm nằm mộng, được một vị thần mách nước, chàng bèn lấy gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn làm thành hai thứ bánh loại hình tròn, loại hình vuông dâng lên vua. Vua thấy bánh ngon, lại thể hiện được ý nghĩa sâu sắc nên lấy hai thứ bánh ấy tế Trời, Đất và lễ Tiên vương, đặt tên bánh hình tròn là bánh dầy, bánh hình vuông là bánh chưng và truyền ngôi cho Lang Liêu.

Từ đó, việc gói bánh chưng và bánh dầy cúng lễ tổ tiên trở thành phong tục không thể thiếu của người Việt Nam”

Các con ạ! Lúa gạo là lương thực quý giá nhất vì nuôi sống con người, nó được làm từ chính mồ hôi công sức của con người. Bởi vậy trong lễ hội mà nhà vua tổ chức để tế lễ trời, Lang Liêu đã dâng lên hai thứ bánh làm từ những hạt gạo thơm ngon, một bánh hình tròn tượng trưng cho trời (bánh dầy), một bánh hình vuông tượng trưng cho đất (bánh chưng). Nó thể hiện sự hiếu thảo của con người với cha mẹ, trời đất. Chúng mình là người Việt Nam thì luôn nhớ phải tự hào, tôn kính, giữ gìn bảo vệ và phát huy những truyền thống đó các con nhớ chưa nào?

Hoạt động 2: Làm quen chữ cái g, y

* Làm quen chữ cái g

- Và hôm nay cô có một món quà muốn dành tặng cho lớp chúng mình đấy. Để biết món quà đó là gì cô mời các con hãy hướng lên màn hình xem đó là món quà gì nhé!

- 1,2,3, xin mời mở ra.

+ Các con ơi, món quà của cô là gì đây?

À, đó chính là bánh chưng, các con hãy cùng quan sát xem bánh chưng có màu gì? Hình gì?

+ Dưới hình ảnh bánh chưng cô còn có từ “bánh chưng”, các con hãy đọc cho cô nào. (Trẻ đọc 1-2 lần)

+ Trong từ “bánh chưng” có rất nhiều các thẻ chữ cái rời được ghép lại với nhau, bây giờ cô mời một bạn lên chọn cho cô chữ cái đã được học nào.

- Và cũng trong từ này có một chữ cái mà hôm nay cô muốn giới thiệu với các con đó là chữ g.

- Cô sẽ đổi chữ g nhỏ sang chữ g to cho các con dễ quan sát. Đây chính là chữ g. Các con hãy lắng nghe cô phát âm chữ g nhé!

+ Cô phát âm 2-3 lần.

+ Cả lớp, tổ, cá nhân phát âm.

- Cô phân tích cấu tạo của chữ g: Chữ g gồm 1 nét cong tròn khép kín và nét móc ngược.

- Cho cả lớp nhắc lại cấu tạo của chữ g.

- Cô giới thiệu chữ g in thường và chữ g viết thường

+ Chữ g in thường các con thường thấy trong sách báo.

+ Chữ g viết thường các con thấy trong vở tập tô đấy.

- Cho cả lớp phát âm lại chữ g 1-2 lần.

* Làm quen chữ cái y

- Các con nhìn lên xem cô còn có hình ảnh gì nữa đây?

À! Đây chính là hình ảnh “bánh dầy” . Dưới hình ảnh cô còn có từ “bánh dầy” các con hãy đọc cho cô nào. ( Trẻ đọc 2-3 lần)

- Cô cũng đã chuẩn bị những chữ cái ghép thành từ “bánh dầy” nhưng còn thiếu một chữ cái, bạn nào giỏi lên chọn cho cô chữ cái còn thiếu để từ “bánh dầy” được hoàn chỉnh nào.

+ Cho trẻ lên chọn. Khen trẻ

+ Cho cả lớp đọc từ “bánh dầy” 2-3 lần

- Và chữ cái bạn đã chọn chính là chữ cái mà hôm nay cô muốn giới thiệu với các con đấy chính là chữ y.

- Các con hãy cùng lắng nghe cô phát âm nhé

+ Cô phát âm 2-3 lần

+ Cả lớp, tổ, cá nhân đọc 2-3 lần

- Cấu tạo chữ y:

+ Ai có nhận xét gì về chữ y? Chữ y có cấu tạo như thế nào?

- Cấu tạo của chữ y: Chữ y gồm gồm 1 nét xiên phải ngắn và 1 nét xiên trái dài.

+ Cho trẻ nhắc lại cấu tạo của chữ y

- Cô giới thiệu chứ y in thường và chữ y viết thường.

+ Chữ y in thường các con thường thấy ở đâu?

+ Còn chữ y viết thường

=> Cô chốt lại: Chữ y in thường thường thấy trong sách, báo. Còn chữ y viết thường thấy trong vở tập tô.

- Cho cả lớp phát âm lại chữ y.

* So sánh chữ g, y

- Khác nhau:

+ Các con hãy cho cô biết chữ g và chữ y có đặc điểm gì khác nhau?

Chữ g gồm một nét cong tròn khép kín và 1 nét móc ngược.

Chữ y gồm một nét xiên phải ngắn và một nét xiên trái dài.

- Hỏi lại trẻ đã được làm quen với chữ cái gì?

Hoạt động 3: Luyện tập

* Trò chơi 1: Thi ai nhanh

- Và cô sẽ tặng cho mỗi bạn 1 rổ đồ chơi, các con hãy xem trong rổ có gì nào?

- Bây giờ chúng mình cùng thi xem ai nhanh nhé!

+ Lần 1: Khi cô phát âm chữ cái nào thì con phải nhanh tay nhặt chữ cái đó giơ lên và phát âm chữ cái đó nhé.

+ Lần 2: Giờ cô sẽ chuyển trò chơi là khi cô nói cấu tạo của chữ cái nào thì các con hãy giơ lên và phát âm chữ cái đó.

- Cô cho trẻ chơi 3-4 lần

* Trò chơi 2: Ghép nét

- Và ngay sau đây cô con mình cùng chơi 1 trò chơi nữa , đó là trò chơi: “Tìm bạn”. Cô sẽ tặng cho mỗi bạn một nét chữ cái chưa hoàn chỉnh.

+ Cách chơi: Các con sẽ cầm một nét chữ chưa hoàn chỉnh, nhiệm vụ của các con là hát hưởng ứng với bài hát “Nổi trống lên bạn ơi”. Trong quá trình hát các con hãy quan sát và tìm 1 bạn để kết bạn. Khi có hiệu lệnh “Ghép chữ, ghép chữ” thì các con hãy ghép các nét lại với nhau để tạo thành một chữ cái g,y hoàn chỉnh.(ví dụ: trên tay cô có nét cong tròn khép kín thì cô sẽ phải tìm nét nào để ghép thành chữ g vậy các con?).

+ Luật chơi: Bạn nào tìm bạn sai thì sẽ phải nhảy lò cò.

- Lần 2: Cô cho trẻ đổi nét cho nhau và chơi tương tự lần 1.

Hoạt động 4: Kết thúc

- Cô cho trẻ hát bài “Nổi trống lên bạn ơi”

Từ khóa » Cấu Tạo Chữ Cái G Y