Luy Lâu Ai Nhớ, Ai Quên - QĐND Cuối Tuần

leftcenterrightdel
Khu vực trước đây là trung tâm thành cổ Luy Lâu. 

Sức sống mãnh liệt

Từ nhiều thế kỷ nay, Luy Lâu đã là đối tượng biên chép, nghiên cứu của nhiều thế hệ nhà khoa học, trong nhiều công trình nghiên cứu lịch sử, tôn giáo, văn hóa. Các tài liệu này cùng với kết quả khảo cổ học cho thấy, thành Luy Lâu được xây dựng từ đầu Công nguyên và liên tục được sử dụng, tu bổ trong suốt thời Bắc thuộc. Đây là ngôi thành cổ, một căn cứ quân sự quy mô to lớn và kiên cố hạng nhất so với các di tích thành lũy hiện biết ở nước ta. Đây là trụ sở của quận Giao Chỉ thời Bắc thuộc-trụ sở hành chính và căn cứ quân sự của bộ máy cai trị nhà Hán-Đường ở Giao Châu.

TS Nguyễn Đình Luyện, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin, nguyên Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh được biết đến là một trong những nhà khảo cổ học có nhiều tâm huyết với việc nghiên cứu về thành Luy Lâu. Cùng GS Trần Quốc Vượng, TS Nguyễn Đình Luyện đã có rất nhiều chuyến khảo sát thực địa và khai quật khảo cổ học tại các di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh. Ông qua đời năm 2020, nhưng chúng tôi có may mắn được tiếp cận những nghiên cứu của ông về thành Luy Lâu. Những tài liệu mà TS Nguyễn Đình Luyện để lại cho thấy: Qua trung tâm Luy Lâu, văn hóa Hán-Đường và Hán học đã được truyền bá và xâm nhập vào nước ta với cường độ mạnh mẽ, liên tục, với hệ thống quy củ, do bộ máy thống trị thực hiện là chủ yếu, bằng những biện pháp cưỡng chế, nhằm phục vụ cho âm mưu xâm lược, bóc lột và đồng hóa của phong kiến Hán-Đường. Nhưng, không phải vì thế mà truyền thống văn hóa của người Việt bị tiêu biến. Ngược lại, nó tỏ rõ sức sống mạnh mẽ để vừa đấu tranh, vừa tiếp thu những tinh hoa của văn hóa ngoại nhập.

Toàn bộ thành Luy Lâu nằm trên một dải đất cao bên tả ngạn sông Dâu cổ. Mặt thành quay về hướng tây, đầu kề bên dòng sông Dâu, thân nằm trọn trong lòng làng Lũng Khê, nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), cách tỉnh lộ 182 khoảng 200m về phía bắc, cách sông Đuống khoảng 3km về phía nam. Thành đắp đất, kích thước khoảng 300x100m, gồm hai khu vực: Thành nội và thành ngoại. Trước đây, 4 góc thành có 4 trạm gác gọi là "tứ trấn". Ở đoạn giữa phần quay ra sông Dâu có một ngôi nhà nhỏ gọi là Vọng Giang Lâu.

 TS Nguyễn Đình Luyện chỉ ra rằng, thành Luy Lâu có hình chữ nhật, một sản phẩm điển hình của kiến trúc thành lũy thời Hán, nhưng không giống ở chính quốc. Thành uốn lượn theo địa hình, thế đất của Luy Lâu và được tạo nên bởi kỹ thuật đắp trực tiếp, vốn là kỹ thuật đào đắp truyền thống của người Việt. Quân thống trị ngoại bang đã tận dụng triệt để lợi thế cảnh quan địa hình để xây dựng thành. Truyền thống đắp lũy xây thành của người Việt-chủ nhân của tòa thành Cổ Loa-đã được những người xây thành Luy Lâu tiếp thu và vận dụng sáng tạo.

Các di tích lò ở Bãi Định, Mả Quan, Cánh Sở cùng hàng vạn vật phẩm gốm sứ, vật liệu xây dựng, đồ dùng sinh hoạt được tìm thấy trong các di tích cư trú, thành lũy, mộ táng ở Luy Lâu cho thấy, chúng được sản xuất tại chỗ, kết hợp giữa kỹ thuật sản xuất gốm sứ tiên tiến của người Hán với truyền thống sản xuất gốm của người Việt. Các lò đặt ở sườn gò, bãi đất cao ven sông, ven bến, có quy mô, cấu trúc nhỏ, được đắp bằng đất. Nguyên liệu chế tạo, nguyên liệu đun lò đều lấy tại chỗ (đất sét, rơm rạ). Việc tạo các rãnh thông lửa làm cầu lò, đường thoát khói, đắp bầu lò có tường lá mía để phân lửa ở các lò gạch ngói Bãi Định đã thể hiện sự sáng tạo của người thợ gốm Luy Lâu thời Bắc thuộc. Những lò như vậy vừa có thể sản xuất đồ sành, đồ bán sứ, đồ kỹ thuật cao, vừa có thể sản xuất đồ gốm, đất nung truyền thống, chế tác đơn giản, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng của người dân trong sản xuất và đời sống như chì lưới, suốt se sợi, nồi, bát, vại để đun nấu, cất đựng.

Tại thành Luy Lâu-trung tâm của bọn thống trị Hán-Đường, tiếng nói, địa danh, tên họ, phong tục của người Việt không bị Hán hóa mà vẫn được duy trì, bảo vệ. Công trình chùa Phi Tướng nằm trong nội thành Luy Lâu, với hệ thống kiến trúc cổ, bia đá cổ và đặc biệt là hệ thống tượng phật thờ, mà tiêu biểu là tượng bà Tướng (Pháp Lôi) và những nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng... ở đây đã phần nào xác minh trung tâm Dâu nói chung và Luy Lâu nói riêng là trung tâm Phật giáo cổ của nước ta có từ trước và sau Công nguyên. Hay nói cách khác, tín ngưỡng thờ thần là các lực lượng thiên nhiên của người Việt cổ đã có từ trước đó, mà sau này các tôn giáo khác "du nhập, dung hội" với nó.

Cũng qua khảo sát, tìm hiểu thêm về các di tích, đền thờ tại đây, chúng tôi nhận thấy, số lượng các di tích thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương, các tướng lĩnh người Việt ở Luy Lâu cũng như các vùng xung quanh đậm đặc hơn rất nhiều các di tích thờ thái thú, quan lại nhà Hán-Đường. Ngoài các đình, đền nổi tiếng như lăng Kinh Dương Vương, có thể kể đến như đền thờ Ả Tắc, Ả Dị-những nữ tướng của Hai Bà Trưng, đình Tú Tháp, Ngọ Xá, Mãn Xá, Công Hà, Nghiễm Lương... thờ các vị tướng thời Hùng Vương.

Chính vì những minh chứng trên, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã đánh giá về Luy Lâu: “Hồn dân tộc sống mãi ngay giữa trung tâm đô hộ Hán” (Di chỉ khảo cổ vùng Dâu, Thông báo khoa học xã hội Hà Bắc, năm 1986).

Luy Lâu còn lại gì?

Đến nay, giới khảo cổ Việt Nam chưa phát hiện được thêm nơi nào có mật độ di tích phong phú, đa dạng và rộng lớn, phản ánh vai trò và tính chất một thủ phủ, đô thị lớn trong thời Bắc thuộc như Luy Lâu. Đã có 14 đợt điều tra, thám sát, khai quật được thực hiện nhiều lần ở đây. Lần này-lần thứ 15, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa cho phép Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, Trường Đại học Đông Á và Đại học Shimane (Nhật Bản) khai quật khảo cổ tại di tích thành cổ Luy Lâu, từ ngày 25-3 đến 25-5-2022.

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu của mình, ngay từ năm 1964, di tích thành Luy Lâu đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích cấp quốc gia, theo Quyết định số 29/VH-QĐ ngày 13-1-1964. Luy Lâu chứa đựng một khối lượng di tích, di vật và tài liệu vô cùng phong phú, đa dạng gồm các di chỉ cư trú, di tích thành lũy, mộ táng, các khu lò gạch ngói, các công trình kiến trúc, tôn giáo, tín ngưỡng, dấu vết đường giao thông, bến bãi, phố chợ... Bảo tàng Bắc Ninh hiện đang lưu giữ gần 900 hiện vật, được khai quật, phát hiện từ tháng 12-1958 đến nay. Các nhà khảo cổ khi tìm kiếm tại đây đã phát hiện ra hàng loạt di tích và di vật có niên đại thuộc văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay khoảng 4.000 năm).

Đặc biệt, tháng 11-1998 tại khu vực phía đông bắc thành, nhân dân địa phương đào đất làm gạch, một nhà khảo cổ Nhật Bản đến đã phát hiện được một mảnh của khuôn đúc trống đồng thời cổ. Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng vì di vật trên rất hiếm thấy ở Việt Nam, nó chứng minh người Việt cổ đã có kỹ thuật đúc trống đồng từ rất sớm, tinh vi và điêu luyện.

leftcenterrightdel
Biển chỉ đường vào trung tâm thành cổ Luy Lâu nằm khuất sau cột điện và bảng biển quảng cáo. 

Vàng son một thuở là thế, đáng tiếc, Luy Lâu ngày nay đã trở thành phế tích. Thành lũy, mộ táng, di chỉ cư trú, lò cổ,... bị đào xới, san bạt, trùm lấp do quá trình cư trú, canh tác và xây dựng của nhân dân địa phương. Biển chỉ đường vào thành cổ Luy Lâu nằm khuất sau cột điện và bảng biển quảng cáo là thông tin duy nhất giúp chúng tôi biết đang ở gần thành cổ Luy Lâu. Trên mặt đất thuộc khu vực lòng thành nay chỉ còn hai công trình liên quan đến thành là đền Lũng Khê (thờ Sĩ Nhiếp), chùa Phi Tướng (thờ Pháp Lôi) hiện đang được tu sửa, ngoài ra không có thêm bảng biển chỉ dẫn hay giới thiệu gì về ngôi thành đặc biệt này.

leftcenterrightdel
Đền Lũng Khê, một trong hai di tích còn lại của thành Luy Lâu hiện đang được tu sửa. 

Di tích bị phá hoại, nhiều hiện vật, tài liệu bị xuất lộ, thất lạc. Nhận thức của cấp chính quyền cơ sở cùng nhân dân địa phương còn hạn chế do sự buông lỏng quản lý dẫn tới tình trạng lấn chiếm đất trong khu vực nội thành. Ngoài ra, người dân cũng đã đặt hơn 100 mộ táng kiên cố vào khu vực nội thành.

Xung quanh Luy Lâu đậm đặc các di tích lịch sử và kiến trúc quý, nổi tiếng như lăng Kinh Dương Vương, chùa Bút Tháp, chùa Dâu,... Dự kiến cuối năm nay, cầu Phật Tích-Đại Đồng Thành với chiều dài 1.518m, 4 làn xe ô tô, lề bộ hành mỗi bên 2m sẽ hoàn thành. Từ đây giúp hình thành mạng giao thông khép kín giữa khu vực bắc Đuống và nam Đuống của tỉnh Bắc Ninh, giúp kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và phụ cận như: Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương qua Quốc lộ 1, Quốc lộ 38, Quốc lộ 5, Quốc lộ 17 và các tuyến tỉnh lộ 276, 287. Quãng đường khi du khách khi tham quan di tích lăng Kinh Dương Vương, thành Luy Lâu, chùa Dâu, sang chùa Phật Tích... được rút ngắn từ 20km xuống còn 5-7km. Trong bối cảnh ấy, với giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng, rất cần phục dựng thành cổ Luy Lâu để người dân, du khách và thế hệ sau này hiểu về một thời kỳ lịch sử thăng trầm của đất nước.

Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT

Từ khóa » đền Luy Lâu