Luy Lâu – Vùng đất Cổ Nơi Truyền Bá Phật Giáo Việt Nam đầu Tiên

Người ta biết được những di tích, tài liệu và sự kiện chung quanh thành Luy Lâu, vì tại trung tâm này cũng như những di chỉ tại vùng Dâu đã khẳng định những giá trị liên hệ. Di tích vật chất còn lại là những dấu tích của một toà thành cổ; trong thành có đền thờ của Sĩ Nhiếp. Mặt khác, quanh vùng này còn nhiều di tích về đình chùa, bi ký…Đáng lưu ý hơn là Phật tích/chứng tích trong chùa Dâu; Bộ ván in và cuốn "Cổ Châu Phật Bản Hạnh" được ấn hành, đã xác định nhiều chi tiết cho biết: đây là đô thị trung tâm của những thế kỷ II, III. Đặc biệt là thông qua các đợt khảo cổ và điền dã khảo cứu tại vùng đất Dâu – Luy Lâu những năm gần đây của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chuyên ngành trong và ngoài nước, với kết quả là những phát hiện mới, như:

- Khám phá và giải mã về cảnh quan đô thị cổ của trị sở Luy Lâu, kết cấu và liên đại của thành cổ Luy Lâu; phát hiện những mảnh khuôn đúc Trống Đồng; Tìm thấy những tấm bia đá cổ có niên đại 314 tại nghè Thanh Hoài xã Thanh Khương và tấm bia đá có niên đại 601 tại chùa Dàn (Chợ) xã Trí Quả. Các nhà chuyên môn xác định hai tấm bia được tim thấy có niên đại cổ nhất, nhì Việt Nam đều thuộc vùng Dâu – Luy Lâu.

- Các di tích, truyền thuyết và lễ hội (những kết quả nghiên cứu mới nhất gần đây) về Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân – Âu Cơ; Man Nương và Tứ Pháp… Trong đó đáng chú ý và cần được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn là khu di tích Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương “ Nam tổ miếu” ở Á Lữ,

- Di chỉ khu lò đúc đồng và việc tìm thấy khuôn đúc Trống Đồng trong thành cổ Luy Lâu…

Với những kết quả nghiên cứu mới được công bố càng minh chứng cho thấy đây là trung tâm chính trị - kinh tế - Văn hóa của người Việt ở đồng bằng châu thổ Sông Hồng từ thời dựng nước và thời phong kiến đầu tiên là nơi đây.

2. Về câu chuyện về địa danh Luy Lâu / Long Biên: Những sách sử cũ thường nhắc đến một toà thành cổ có tên là Long Biên, tồn tại vào những thế kỷ Bắc thuộc nằm trong vùng đất này. Nhiều cuộc nghiên cứu thực địa cho biết: Long Biên chính là thành Luy Lâu. Trong sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có đoạn chép liên hệ đến thời kỳ này như sau:

" (...) Sĩ Nhiếp được đổi đến làm quan Thái Thú đất Giao Châu (tức Giao Chỉ), phong là Long Độ Đình Hầu, đóng đô tại thành Liên Lâu (Luy Lâu), tức là thành Long Biên..." Cho tới năm 210, khi Ngô Tôn Quyền cử Bộ Chất đến nhậm chức Thứ sử đất Giao châu, thì Sĩ Nhiếp đem anh em ra đón và vâng theo mệnh lệnh của viên thứ sử mới này. Ngô Tôn Quyền đã phong cho làm Tả Tướng Quân. Sau này, nhờ những công lao đã dụ được bọn thổ hào trong vùng đất Ích Châu trở về quy thuận với nhà Ngô cho nên đã được thăng chức Vệ tướng quân, đồng thời cũng được phong Long Biên Hầu.

Danh xưng Long Biên có nghĩa như thành Luy Lâu. Cả đến thời gian sau này thì Sĩ Nhiếp vẫn lưu lại thành Luy Lâu. Tước Long Biên Hầu được phong cho Sĩ Vương, cũng để nhấn mạnh được thêm hai địa danh cũng chỉ là một mà thôi.

Khi bàn đến giai đoạn này, sử gia Ngô Sĩ Liên đã viết trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư như sau: Người tại địa phương này vẫn cho Sĩ Nhiếp là thần (!), làm miếu để thờ, gọi là "Tiên Sĩ Vương". (Đền thờ ở thành Long Biên). Hiện nay những di tích về ngôi đền này vẫn còn một số vết tích của thành cổ Luy Lâu. Luy lâu chính là Long Biên cũ vậy.

Đến nay, khi tìm thấy tấm bia đá tại Chùa Dàn (Chợ) xã Trí Quả có niên đại 601 nội dung nói về việc dựng tháp Xá Lợi Chùa Thuyền Chúng( Thiền Chúng) thuộc huyện Long Biên đất Giao Châu đã cho thấy điều khẳng định Luy Lâu và Long Biên cùng là một địa danh nhưng tên gọi ở từng thời kỳ là khác nhau.

3. Về trung tâm Phật Giáo Dâu – Luy Lâu: Là quần thể Tứ Pháp gồm những ngôi chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện ( chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tướng, chùa Dàn) và chùa Tổ nơi thờ mẫu Man Nương ( theo truyền thuyết là người sinh ra Tứ Pháp) ở vùng Dâu ngày nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Theo ghi chép trong sách sử, bia đá, chùa Dâu là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất Việt Nam, được xây dựng từ thế kỉ thứ 2 dưới thời Sĩ Nhiếp làm thái thú.

Chùa Dâu còn có tên là chùa Diên Ứn, Thiền Định…, thờ nữ thần Pháp Vân nên còn gọi là chùa Pháp Vân, và nằm trong vùng đất Cổ Châu nên cũng gọi là chùa Cổ Châu. Chùa gắn liền với truyện cổ tích Tứ pháp của người Việt xưa. Lịch sử chùa Dâu gắn liền với huyền thoại Man Nương, người trinh nữ làng Mãn Xá bên sông Đuống từ lúc 12 tuổi đã bỏ từ bờ Nam sang bờ Bắc để học đạo với Thiền sư Khâu-đà-la người Thiên Trúc (Ấn Độ) ở chùa Linh Quang (xã Phật Tích, Tiên Sơn).

Khâu-đà-la là một Thiền sư đã kết hợp việc truyền giảng Phật giáo Mật Tông với tín ngưỡng dân gian, nên có ảnh hưởng rộng lớn trong cư dân Luy Lâu. Nhưng con đường học đạo của Man Nương bị dở dang vì một hôm, lúc nàng đang ngủ, Khâu-đà-la sau giờ hành lễ đã bước qua người nàng khiến nàng thụ thai. Một năm hai tháng sau, nhằm ngày 8-4 (âm lịch), Man Nương sinh một bé gái và mang trả cho Thiền sư, Khâu-đà-la bồng đứa bé đến một cây đa cổ thụ ven sông, niệm thần chú. Khi nhà sư dùng thiền trượng gõ vào, gốc cây nứt ra đứa bé được đặt vào, vết nứt liền khép lại và một mùi hương thơm ngát tỏa ra. Kỷ vật cuối cùng mà Thiền sư trao cho Man Nương là cây thiền trượng. Theo lời dặn của Khâu-đà-la, mỗi khi trời hạn hán, đất đai khô nẻ, mùa màng thất bát, Man Nương cắm cây thiền trượng xuống đất cất lời cầu nguyện, thì phép màu lại hiện ra: trời đổ mưa. Một đêm mưa to gió lớn, cây đa cổ thụ nơi gửi xác đứa con gái của Man Nương bỗng đổ xuống sông và xuôi theo dòng nước trôi về làng Dâu. Dân làng không ai khiêng nổi cây, may có Man Nương dùng dải yếm đào kéo được cây lên bờ. Đêm ấy dân làng được thần nhân báo mộng khuyên nên đem cây tạc tượng thờ…

Từ đó ra đời 4 pho tượng thờ 4 vị nữ thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp: Pháp Vân (tức bà Dâu, thờ ở chùa Thiền Định), Pháp Vũ (tức bà Đậu), thờ ở chùa Thành Đạo), Pháp Lôi (tức bà Tướng, thờ ở chùa Phi Tướng), Pháp Điện (tức bà Dàn, thờ ở chùa Phương Quang)

Từ câu truyện cổ đó, đã tạo nên một hệ thống chùa Tứ Pháp rất đặc biệt của riêng người Việt: Chùa thờ Nữ thần nông nghiệp, thờ người Mẹ Việt, lấy tượng Nữ thần làm trung tâm chứ không phải là tượng Phật. Phật và Nữ thần hòa quyện, bà mẹ của các Nữ thần cũng được tôn là Phật Mẫu Man Nương.

Một trong những hoạt động văn hóa Tôn giáo – Tín ngưỡng liên quan đến trung tâm Phật giáo Dâu – Luy Lâu, đó là Lễ Hội vùng Dâu ( Rước/ Tắm Phật – Cầu mưa) được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 8 - 4 (Âm lịch), cũng là ngày Phật đản theo truyền thống cổ, nhưng lễ hội được tổ chức kéo dài từ mấy ngày trước đó. Vào ngày hội, kiệu của các Nữ thần Pháp Vũ từ chùa Đậu, tượng Pháp Lôi từ chùa Tướng, tượng Pháp Điện từ chùa Dàn tụ về chùa Dâu, rồi cùng kiệu Pháp Vân đi đến chùa Tổ thăm mẹ Man Nương…

Ngoài lễ hội chính mồng 8 tháng 4 âm lịch, còn có hội lễ ngày 7 tháng 1: tương truyền là ngày sinh của Phật Mẫu Man Nương. Tại lễ hội này đã diễn ra nhiều hoạt động diễn xướng dân gian trong đó có thi làm bánh dầy, đây là hội thi bánh dày nổi tiếng ở làng Dâu. Để chuẩn bị, hai giáp Đông và Trung, giành mỗi giáp ba sào ruộng tốt cấy lúa nếp; bắt đầu từ ngày 6 tháng 1 các giáp xay giã, chọn nếp tốt, sau đó là các công việc làm bánh. Sáng sớm ngày 7, chiêng trống nổi lên, các Giáp trưởng điều hành rước bánh ra chùa lễ Phật, rồi dự thi. Bánh dự thi đường kính là 50cm, phủ giấy điều chung quanh. Nhưng lễ Cầu mưa (Sự kết hợp hoàn hảo giữa tín ngưỡng dân gian của người Việt với lễ thức Phật Giáo) vẫn là hội lễ chính của vùng đất này./.

Từ khóa » đền Luy Lâu