Thành Cổ Luy Lâu: Gần Hơn Tới Hiện Thực
Có thể bạn quan tâm
Luy Lâu có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử Việt Nam, là một trong những “mắt xích” quan trọng để hiểu được về thời kỳ Bắc thuộc, cũng như đem lại lát cắt lịch sử - văn hóa nền tảng chứng minh cho sức sống bền bỉ của văn hóa Đông Sơn. Nhưng hiểu biết về Luy Lâu thực sự vẫn còn nhiều khoảng trống để ngỏ cho nhiều tranh luận. Hành trình khai quật khảo cổ học về Luy Lâu góp phần trả lời những câu hỏi đó.
PGS.TS. Đặng Hồng Sơn cùng đoàn khai quật của trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN tại Luy Lâu vào tháng 12/2018 . Ảnh: Thanh An.
Những kết quả mới nhất từ Luy Lâu
Hội trường xã Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh hôm 15/1 chật kín người dân, quan chức địa phương và các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế. Mọi sự chú ý hướng đến bục phát biểu, nơi PGS.TS. Đặng Hồng Sơn và TS. Vi Vĩ Yến đang thuyết trình về các phát hiện mà đoàn khảo cổ từ trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN và trường Đại học Trung Sơn (Quảng Châu, Trung Quốc) đã thực hiện trong suốt tháng 12 năm 2018. Trên mặt bàn lớn, các hiện vật gạch, ngói, bình gốm, dọi xe chỉ, xương động vật… được trưng bày – chúng thuộc về một di tích lâu đời hơn Hoàng thành Thăng Long nghìn năm tuổi, mà đến nay vẫn còn là bí ẩn: Thành cổ Luy Lâu.
Luy Lâu là cái tên sử sách chép lại về một thành cổ có lịch sử trên 2000 năm tuổi, được xây dựng từ thời Đông Hán. Ở vị trí ngày nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, trong khoảng hơn 800 năm (từ thế kỷ II đến thời Đường ở đầu thế kỷ IX sau CN, khi trị sở của chính quyền An Nam đô hộ chuyển về Tống Bình – Đại La) Luy Lâu vừa là trị sở của chính quyền đô hộ phương Bắc, vừa là một trung tâm kinh tế, văn hóa, tôn giáo quan trọng tại Giao Chỉ, nay là miền Bắc Việt Nam và một phần Nam Trung Hoa.
Nhưng thành Luy Lâu ngày nay nằm tại đâu? Nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu coi phế tích thành cổ đắp đất tại thôn Lũng Khê, Thuận Thành, Bắc Ninh – nằm trên khúc giao giữa sông Dâu và sông Đuống, đối diện với chùa Dâu và di tích đền thờ Sĩ Nhiếp (117-226) – Thái thú Giao Chỉ thời Hán được nhân dân tôn làm “Nam Giao học tổ” nhờ công lao của ông trong việc phổ biến Nho học tại nước ta.
Nhưng cũng tương tự như cách cuộc tranh luận trước đây về vị trí thật của Hoàng thành Thăng Long (vốn chỉ chấm dứt sau phát hiện lịch sử tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu năm 2002), nhiều quan điểm đã được đưa ra về tòa thành cổ này. Quan điểm của học giả Pháp Claudius Madrolle (1937), GS. Đào Duy Anh (1964) và GS. Trần Quốc Vượng (1996) dựa vào Đại Việt Sử ký Toàn thư để cho rằng đây chính là thành Luy Lâu. Nhưng cũng có các quan điểm khác cho đây có thể là thành Long Biên.
Bởi vậy, một bằng chứng khảo cổ giúp xác nhận một trong các giả thuyết trên là rất cần thiết. “Đoàn nào cũng mong là đào được một viên gạch trên có ghi chữ “Long Biên thành” hay “Luy Lâu thành”, coi như là xong việc!”, PGS.TS. Đặng Hồng Sơn nói vui. Nhưng, cho đến trước khi đạt được phát hiện như vậy, giới nghiên cứu tạm thời chấp nhận một cách gọi trung tính hơn – dựa theo địa danh nơi có thành cổ – là “thành Lũng Khê”.
Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ bắt đầu có các hiểu biết rõ ràng hơn về Luy Lâu. Cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên tại Luy Lâu diễn ra vào năm 1969-1970, do Viện Khảo cổ học và tỉnh Hà Bắc cũ thực hiện. Sau đó là cuộc khai quật năm 1986 do Viện và Khoa Sử trường ĐH Tổng hợp tổ chức. Các cuộc khai quật từ năm 1999-2001 của trường ĐH KHXH&NV đã bắt đầu đem lại một hình dung về tổ chức không gian của tòa thành.
Một số hiện vật được phát hiện tại cuộc khai quật di tích Luy Lâu 2018. Ảnh: Thanh An.
Lần khai quật gần đây của trường ĐH KHXH&NV– dẫn đầu bởi PGS.TS Đặng Hồng Sơn cùng với một nhóm từ Khoa Nhân loại học, Đại học Trung Sơn (Quảng Đông, Trung Quốc) được tổ chức tại khu vực thành Nội từ năm 2014 đến 2018. Mục tiêu của đoàn là bước đầu khai quật khu vực thành Nội và tìm hiểu về đời sống của cư dân ở trong thành. Kết quả khai quật mới nhất (năm 2018) của đoàn, như kỳ vọng, đã phát hiện ra nhiều dấu tích kiến trúc trải dọc trong nhiều thế kỷ của thời kỳ Bắc thuộc. Bản báo cáo khảo cổ của đoàn đã đưa ra một mô tả đa sắc về các dấu tích và hiện vật khai quật được:
Các tầng hiện vật trải dài trong thời gian hơn 1000 năm, bao gồm 4 giai đoạn, thời Đông Hán, Lục Triều, Tùy-Đường và nhà Trần. Ở lớp văn hóa thuộc thời Đường, phát hiện các kiến trúc móng tường và cống nước. Đồng thời phát hiện được các vật liệu kiến trúc như gạch, ngói và các đồ dùng sinh hoạt như bát, âu, nồi, vò… bằng gốm, cùng công cụ như chì lưới, dọi xe chỉ, đá mài… có niên đại kéo dài từ thời Đông Hán suốt đến đầu thế kỷ IX. Dù chưa tìm thấy dấu tích kiến trúc cụ thể của thời kỳ Đông Hán, các dấu vết tìm thấy chứng tỏ quy mô đáng kể của các dinh thự của quan cai trị và một đời sống thị dân năng động.
Kết hợp cùng kết quả các cuộc khai quật trước đây cũng đem lại nhiều hiểu biết thú vị: một số địa điểm có các lớp than tro, điều có thể gợi ý đến các cuộc đốt phá hay sự biến chính trị – hay là liên quan đến các nghề thủ công. Một phát hiện thú vị khác là một đầu ngói ống in chữ “Vạn tuế”. Việc các đầu ngói ống in các chữ với hàm ý cầu phúc cho chủ nhà không phải chuyện lạ, theo PGS.TS. Sơn, nhưng ngói “Vạn tuế” nổi bật hơn cả vì chữ này – theo điển chế triều đình Trung Hoa – vốn chỉ được dùng cho Hoàng đế. Thế nghĩa là gì? – Điều đó biểu hiện sự lấn vượt của các quan cai trị tại Giao Chỉ: “Nó phù hợp với các nguồn sử liệu Việt Nam (như Đại Việt Sử ký Toàn thư) hay sử Trung Quốc (như Tam Quốc Chí) về Sĩ Nhiếp – đều nói về việc ông sử dụng những nghi thức… vốn chỉ dành cho thiên tử. Đấy là một trong những biểu hiện tiếm quyền của Sĩ Nhiếp.” Nó phù hợp với xu hướng trỗi dậy thường thấy của thế lực địa phương khi chính quyền trung ương suy yếu – “giống như trường hợp ở Liêu Đông, khi một quan cai trị nhân sự suy yếu của nhà Hán tự xưng là Lưu Đông Hầu.”
Cuộc khai quật năm nay chỉ được thực hiện trên một hố diện tích 16 m2, là một quy mô rất nhỏ với một cuộc khai quật ở một địa điểm như Luy Lâu. Nguyên nhân đến từ việc thiếu kinh phí và thời gian để thực hiện khai quật, khiến đây mới chỉ là “phát hiện nhỏ trên một không gian lớn” mà thôi, theo ông Sơn: “Chúng tôi đang dần dần kết nối các dấu vết kiến trúc này lại với nhau, từ thời Lục Triều đến thời Đường, nhưng vì không gian quá nhỏ nên vẫn chưa có được cái nhìn toàn cảnh về hệ thống kiến trúc ở đây.”
Mắt xích quan trọng để hiểu về thời Bắc thuộc
Các nhà nghiên cứu coi việc nghiên cứu về Luy Lâu là một đối tượng quan trọng hàng đầu với nghiên cứu về lịch sử giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên – giai đoạn được cho là quan trọng nhưng còn mờ tỏ của dân tộc, giai đoạn vốn không chỉ có những cuộc kháng chiến giành độc lập mà còn có những bước phát triển mới về kinh tế và văn hóa, giai đoạn ‘chuẩn bị những điều kiện tiền đề cho bước phát triển huy hoàng của văn hóa, văn minh Đại Việt’.
Tuy nhiên, cho đến nay, khi nghiên cứu về thời kỳ Bắc thuộc ở Việt Nam, các nhà sử học thường phải dựa vào nguồn sử liệu cổ thành văn của Trung Quốc hay của Việt Nam. Nhưng theo PGS.TS. Sơn: “Các tư liệu thành văn rất hạn chế, trong khi các di tích thì ít được khai quật.” Những phát hiện khảo cổ về giai đoạn này rất thiếu. Các di tích được nghiên cứu sâu như Cổ Loa chỉ phản ánh giai đoạn đầu Bắc thuộc, trong khi nghiên cứu về hoàng thành Thăng Long thời Đại La chỉ có thể phản ánh lịch sử của 2 thế kỷ Bắc thuộc cuối cùng dưới triều nhà Đường (sớm nhất từ năm 767, khi Trương Bá Nghi cho đắp thành Đại La lần đầu tiên). Một phần đáng kể sử liệu về thời kỳ Bắc thuộc do vậy sẽ phải đến từ việc nghiên cứu ở các trung tâm như Bắc Ninh hay cụ thể là Luy Lâu. Bởi vậy, “Luy Lâu là di tích quan trọng bậc nhất của thời kỳ Bắc thuộc ở Việt Nam”, theo ông Sơn.
Ông cũng giải thích: “Để chứng minh vai trò [của Luy Lâu] là trung tâm Phật giáo, các nhà khảo cổ đã phát hiện các đầu ngói ống trên đó trang trí hoa sen, hay mặt người, mà có người cho rằng đây là các biểu tượng văn hóa Phật giáo truyền bá trực tiếp vào Việt Nam.” Các hiện vật như gạch ngói, hay hàng trăm khu mộ gạch chứng minh cho đời sống của quan lại cai trị nhà Hán ở Giao Chỉ”.
Luy Lâu cũng là địa điểm quan trọng vì một phát hiện khác. Năm 1999, nhóm khảo cổ của trường ĐH KHXH&NV và nhà khảo cổ Nhật Bản Nishimura đã phát hiện ra 2 mảnh khuôn đúc trống đồng ở địa điểm Luy Lâu. Phát hiện khi đó đã gây chấn động giới nghiên cứu.
Vì sao? Đó là mảnh khuôn đúc trống duy nhất được tìm thấy ở thời điểm đó trên toàn thế giới. Các cuộc tranh luận gay gắt đã diễn ra nhiều năm qua giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam và Trung Quốc về nguồn gốc của trống đồng. Câu hỏi lớn xoay quanh vấn đề: Trống đồng bắt nguồn từ miền Bắc Việt Nam hay là từ vùng Nam Trung Hoa? Dù cuộc tranh luận đó đến nay chưa ngã ngũ, nhưng việc phát hiện khuôn đúc trống đồng là bằng chứng mạnh mẽ cho lập luận bên phía Việt Nam: “Ở khu vực Đông Nam Á và Nam Trung Hoa, trống đồng thì nhiều, nhưng phát hiện khuôn đúc thì chỉ một ở Việt Nam, hai là Indonesia. Ngoài ra theo tôi biết thì không có nơi nào khác, đặc biệt ở Nam Trung Quốc,” PGS.TS Sơn nhấn mạnh.
Hố khai quật của đoàn. Trong ảnh là móng tường và cống nước thời Đường, dưới mảng tường là một mảnh ngói hoa sen. Ảnh: Tuấn Quang.
Một phát hiện lớn hơn từ cuộc khai quật năm 2014 của Bảo tàng Lịch sử (tại khu vực gần với vị trí tìm thấy mảnh khuôn đúc đầu tiên của GS. Nishimura) về một “tổ” khuôn đúc trống đồng – gồm 800-900 mảnh khuôn đủ kích cỡ trên một hố khai quật nhỏ – đi đến một vấn đề mới: tầng niên đại của các hiện vật ở thời Lục Triều, tức là khoảng thế kỷ IV – V sau CN. “Như vậy, giới cầm quyền phương Bắc tại thành Luy Lâu vẫn tiếp tục cho đúc trống đồng,” ông Sơn nói thêm: “Đó là bằng chứng cho thấy sức sống Đông Sơn của người Việt Nam không bị triệt tiêu, vẫn tiếp tục tồn tại, thậm chí là song hành với văn hóa Hán.” Bởi vì vậy, nên đến sau khi giành được độc lập, trống đồng tiếp tục là một biểu tượng trong văn hóa Việt – thể hiện ở việc các triều nhà Lý, Trần đều cho đúc trống đồng và thờ thần Đồng Cổ ở kinh đô Thăng Long.
Những vấn đề đó nói lên tầm quan trọng đặc biệt của di tích Luy Lâu. Nhưng di tích này đang đứng trước những nguy cơ lớn bị xóa sổ bởi tốc độ của nhu cầu kinh tế và làn sóng đô thị hóa. Các mộ gạch người Hán ở bên ngoài thành đang bị phá hủy đi một phần do việc xây dựng các khu công nghiệp – như KCN Khai Sơn (Thuận Thành, Bắc Ninh). “Những khảo sát của nhóm BTLSQG và Đại học Đông Á (Nhật Bản) thống kê thì còn khoảng hơn 30 ngôi mộ.” – và chúng đang càng mất dần theo từng năm. Ngay trong khu vực thành Nội, người dân vẫn xây cất nhà cửa, dựng đặt mồ mả, hay đào ao thả cá ở khu di chỉ – do đó đã “ảnh hưởng tương đối mạnh đến khu vực thành Luy Lâu”.
Mặt khác, người dân và chính quyền địa phương vẫn coi Luy Lâu là một di tích của thời kỳ Bắc thuộc, của người Trung Quốc. “Nhưng trong thời Bắc thuộc đấy vẫn có giá trị của văn hóa Việt,” ông giải thích: “Người Việt chúng ta không phải ngẫu nhiên sau một nghìn năm mà khôi phục lại được độc lập. Rõ ràng, trong thể chế chính trị của người phương Bắc, ông cha ta vẫn âm thầm nuôi dưỡng, bền bỉ kéo dài sức sống Đông Sơn, lấy đó là nền tảng truyền từ đời này sang đời khác. Để rồi ta vẫn liên tục khởi nghĩa, và rồi cuối cùng giành độc lập dân tộc, tiếp tục khôi phục văn hóa Đông Sơn. Tôi rất tâm đắc với điều mà GS Phạm Huy Thông trước đây đã đề cập đến: “Chính nhờ chống Hán-Đường mà ta mới là ta”.”
Hiện tại, chính quyền tỉnh Bắc Ninh đang xây dựng một chiến lược tổng thể để nghiên cứu và bảo tồn cho di tích Luy Lâu. Tuy nhiên, một chiến lược như vậy sẽ đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn, bởi vậy dù các lãnh đạo địa phương rất quan tâm, nhưng đến nay mới tạm dừng ở mặt ý tưởng. Các nhà khoa học, tuy vậy, vẫn có hi vọng dù mong manh để có thể nghiên cứu những bí ẩn mà Luy Lâu để lại: “Chúng tôi đang chạy đua với thời gian”, PGS.TS. Sơn tâm sự: “Qua mỗi một mùa khai quật, có một nhận thức sâu hơn, gần hơn tới mục tiêu khôi phục phần nào bối cảnh xã hội thành Luy Lâu thời Hán-Đường.”□ ——- Thư mục tham khảo: Claude Madrolle, “Le Tonkin ancien. Lei-leou 羸(音連)? et les districts chinois de l’époque des Han. La population. Yue-chang,” BEFEO 37 (1937): 267–271. Đào Duy Anh. Đất nước Việt Nam qua các đời. Huế: NXB Thuận Hóa, 1997. Trần Quốc Vượng. Theo dòng Lịch sử – Những Vùng đất, Thần và Tâm thức Người Việt. Hà Nội: NXB Văn hóa Thông tin, 1996. Nishimura Masanari. “Reexamnination of the Lũng Khê Citadel in the Red River Delta”, Southeast Asia – History and Culture, 2001 (30): 46-71. Đặng Hồng Sơn, Lâm Thị Mỹ Dung, Vi Vĩ Yến & nnc. “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Luy Lâu năm 2018”. Thanh Khương, Bắc Ninh: 2019.
Nghiên cứu Luy Lâu cũng trở thành chủ đề hấp dẫn nhiều nhà nghiên cứu các nước Đông Á. Ở thời điểm hiện tại, cùng đoàn Đại học Trung Sơn tham gia từ năm 2016, từ năm 2014 cũng có sự tham gia của phía Đại học Đông Á (Nhật Bản) với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (BTLSQG); và từ năm 2019 có Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) hợp tác cùng Hội Khảo cổ học Việt Nam. Theo ông Sơn, các chuyên gia các nước và Việt Nam chia sẻ mối quan tâm học thuật chung về Luy Lâu: “Họ tiến hành nghiên cứu để so sánh với nước sở tại của họ (…) vốn cùng là các khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của nhà Hán lúc bấy giờ. Tất cả cùng có quan tâm nghiên cứu về tiếp xúc và giao lưu văn hóa Hán, với các khu vực văn hóa lân cận, trong đó có Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản.” Các nhóm khai quật này sẽ tiếp tục hợp tác trong tương lai.Tác giả
- Tuấn Quang – Thanh An View all posts
Từ khóa » đền Luy Lâu
-
Luy Lâu – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bất Ngờ ở Thành Cổ Nghìn Năm Tuổi Luy Lâu - Du Lịch
-
Thành Cổ Luy Lâu, Bắc Ninh
-
Top 15 đền Luy Lâu
-
THÀNH CỔ LUY LÂU - MINH CHỨNG LỊCH SỬ VIỆT NAM QUA ...
-
Luy Lâu – Vùng đất Cổ Nơi Truyền Bá Phật Giáo Việt Nam đầu Tiên
-
Từ Luy Lâu - Long Biên đến Thăng Long - Hà Nội (I)
-
Luy Lâu Ai Nhớ, Ai Quên - QĐND Cuối Tuần
-
Sức Sống Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Vùng Dâu-Luy Lâu - Báo Bắc Ninh
-
Khởi Nghĩa Thành Luy Lâu Của Hai Bà Trưng - Báo Bắc Ninh
-
Thành Cổ Luy Lâu | Ly Kỳ Tượng Bà Chúa Bằng đồng đen Mất Cắp ...
-
Khai Quật Khảo Cổ Tại Di Tích Thành Cổ Luy Lâu (Bắc Ninh)
-
Du Lịch Thành Cổ Luy Lâu - Huyện Thuận Thành
-
Du Xuân đất Cổ Luy Lâu - Tạp Chí Văn Hóa Nghệ Thuật
-
Thành Cổ Luy Lâu (Bắc Ninh): Lưu Giữ Giá Trị Lịch Sử Và Văn Hóa
-
Bảo Tồn Tối đa Kiến Trúc Gốc Của Di Tích Thành Cổ Luy Lâu