Từ Luy Lâu - Long Biên đến Thăng Long - Hà Nội (I)

Chùa Dâu nằm trong trung tâm Phật giáo Luy Lâu xưa.

Các nguồn thư tịch cổ Trung Quốc và Việt Nam cho biết Luy Lâu (hay Liên Lâu) là trị sở của Thái thú Sỹ Nhiếp ở Giao Châu, đóng tại làng Lũng Khê, Phủ Thuận Thành, nay thuộc các xã Thanh Khương, Trí Quả, Gia Đông thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ở đấy vẫn còn di tích thành, đền thờ và Lăng mộ Sỹ Nhiếp.

Theo sự chỉ dẫn trên, từ nhiều thập kỷ nay, nhiều nhà khoa học đã để tâm tìm hiểu Luy Lâu. Đặc biệt từ đầu những năm 1970 trở lại đây, giới sử học và khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành nhiều đợt nghiên cứu, khảo sát, khai quật khảo cổ học tại Luy Lâu. Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy, Luy Lâu là khu di tích khảo cổ học thời Bắc thuộc có quy mô rộng lớn nhất (hàng mấy chục vạn mét vuông) với số lượng di tích phong phú nhất ở nước ta hiện nay.

Tổng thể các nguồn tài liệu và di tích ở Luy Lâu đã cho phép tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của đô thị Luy Lâu - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa cổ xưa có quy mô lớn nhất của nước ta thời Bắc thuộc.

Trước hết, Luy Lâu có nhiều lợi thế về vị trí cảnh quan. Đây là vùng đất cao , thoáng, bao quát được cả khu vực rộng lớn của đồng bằng châu thổ, đồng thời nằm ở vị trí chiến lược về nhiều mặt.

Cảnh quan Luy Lâu xưa gắn liền với sông nước, thông thương với Biển Đông nhưng vẫn cao thoáng, phong quang hơn các vùng xung quanh, nhất là so với miền Hà Nội ở những thế kỷ Tr-S.C.N. Đặc biệt, từ rất sớm, Luy Lâu là nơi gặp gỡ, giao hội của các luồng giao thông thủy, bộ quan trọng.

Với lợi thế địa - cảnh quan đó, Luy Lâu đã sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của người Việt ở những thế kỷ Tr.C.N. Các di tích khảo cổ học ở Luy Lâu và các vùng xung quanh là những chứng tích vật chất khẳng định điều đó.

Đặc biệt mới đây đã tìm thấy di tích khuôn đúc trống đồng bằng đất ở trong Thành Luy Lâu. Đây là di tích khuôn đúc trống đồng Đông Sơn lần đầu tiên tìm thấy ở nước ta, khẳng định Luy Lâu không chỉ là địa bàn cư trú mà còn là trung tâm kinh tế, văn hóa của người Việt ở đồng bằng châu thổ từ những thế kỷ Tr.C.N. Trong khu vực Luy Lâu, cùng các chứng tích khảo cổ học là hàng loạt các di tích như lăng mộ Kinh Dương Vương, đền thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ, đền thờ các tướng thời Hùng Vương, Hai Bà Trưng. Rồi các tài liệu, địa danh, truyền thuyết, tín ngưỡng thờ các tướng thờ “Thạch Quang”, “Tứ Pháp”, lễ hội Dâu với các trò diễn tắm Phật, cướp nước… đã thể hiện cuộc sống và sinh hoạt văn hóa tâm linh rất điển hình của cư dân nông nghiệp vùng Dâu ở những thế kỷ Tr.C.N.

Với các nguồn tài liệu phong phú kể trên, đã cho phép các nhà nghiên cứu xác định: “Luy Lâu là tên phiên âm cổ của Dâu, một trong những bộ lạc lớn và quan trọng, hợp thành nước Văn Lang - Âu Lạc. Bộ lạc Dâu với trung tâm là Đền Bà Dâu, sau là trị sở Quận Giao Chỉ, là bộ lạc vùng đất bãi Sông Dâu, Sông Đuống, vốn làm nông nghiệp, trồng dâu, chăn tằm, dệt vải. Và Dâu trước thời Hán xâm lược có thể đã là trung tâm kinh tế, trung tâm buôn bán như một thị trấn”. Luy Lâu được coi là “Cái ổ từ đó người Việt tràn ra chiếm lĩnh miền trung châu”…

Trung tâm kinh tế - văn hóa Luy Lâu những thế kỷ Tr.C.N phản ánh xu thế tiến xuống đồng bằng châu thổ và chiếm lĩnh vùng ven biển phía Đông của người Việt cổ. Trong xu thế đó, phong kiến Trung Quốc đã nhận thấy Luy Lâu giữ vị trí ưu thế và thuận lợi về nhiều mặt để đặt trị sở thống trị, đồng thời chiếm giữ, khống chế con đường hàng hải quốc tế để tiến xuống chinh phục các nước phương Nam. Từ một trung tâm kinh tế - văn hóa của người Việt, Dâu (tức Luy Lâu) đã nhanh chóng trở thành trị sở thống trị của phong kiến nhà Hán ở Giao Chỉ.

Năm 149 Tr.C.N, Triệu Đà xâm chiếm Âu Lạc và sáp nhập vào Nam Việt. Năm 111 Tr.C.N, nhà Hán chinh phục Nam Việt, thiết lập chế độ quận, huyện. Đất nước ta thời Hán thuộc Quận Giao Chỉ, sau đó là Giao Châu.

Trong các công trình về lịch sử và văn hóa Việt Nam, hầu hết các nhà nghiên cứu đều xác định Luy Lâu (hay Liên Lâu) và Long Biên là hai huyện lớn thuộc Quận Giao Chỉ (sau đổi là Giao Châu) và trị sở của quận đã thay nhau đóng ở hai huyện này, mãi tới nửa đầu Thế kỷ IX, mới chuyển về Tống Bình, Đại La (tức Thăng Long - Hà Nội sau này).

Trị sở Long Biên ở đâu? Nhiều dự đoán, giả thuyết của không ít các nhà khoa học đưa ra ở các vị trí khác nhau thuộc các huyện Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du, Từ Sơn, Thị xã Bắc Ninh thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Các dự đoán giả thuyết đều chưa đủ sức thuyết phục vì thiếu hẳn chứng tích vật chất để khẳng định. Đó là nguồn tài liệu khảo cổ học.

Trong khi đó, trị sở Luy Lâu thì không những được các nguồn thư tịch cổ ghi chép, chỉ dẫn mà còn được khẳng định bằng khu di tích khảo cổ học Luy Lâu với trung tâm là tòa thành cổ ở làng Lũng Khê, xã Thạch Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Phác họa thành Luy Lâu xưa

Luy Lâu là ngôi thành đất, cấu trúc dạng chữ nhật, nằm gọn trong làng Lũng Khê, nay còn dấu tích với quy mô khá lớn, kích thước của các lũy thành đo được như sau: lũy thành phía Tây: 328m; lũy thành phía Đông: 320m; lũy thành phía Bắc: 680m; lũy thành phía Nam: 520m.

Các lũy thành bị san bạt đi nhiều, nhưng những chỗ còn lại vẫn cao khoảng 4 - 5m so với mặt ruộng hiện tại, mặt lũy rộng từ 5 đến 10m, chân rộng từ 25 đến 40m. Thành mở cửa chính ở giữa lũy phía Tây, nhìn ra Sông Dâu, hai bên cửa có dựng lầu gác gọi là “Vọng giang lâu”. Cửa sau mở ra phía Đông, nay còn địa danh xóm Cổng hậu. Trên mặt bốn góc thành là đồn canh, nay còn di tích “đồn quan trấn” (hay còn gọi là “tứ trấn thành quan”. Bao ngoài các thành lũy là hệ thống hào. Con Sông Dâu trở thành hào thiên nhiên ở mặt Tây, còn ba mặt Bắc - Đông - Nam là hào được tạo bởi đào đất đắp lũy thành mà nay còn lại dấu tích là những dãy ao rộng tới 40-50m chạy thành dải. Phía ngoài thành hào là những lũy tre dày đặc; các hào thông với nhau và nhận nước từ Sông Dâu, vừa là chướng ngại hiểm trở, vừa là hệ thống giao thông thuận tiện giữa trong và ngoài thành.

Trải trên diện rộng, trong và ngoài thành là dấu tích cư trú kiến trúc với vô vàn các di vật gạch ngói các loại, các đồ sinh hoạt, công cụ sản xuất… cho thấy trong và ngoài thành có những công trình kiến trúc quy mô to lớn. Giữa thành là Đền thờ Sỹ Nhiếp với tên gọi “Đền Nam Giao” cùng nhiều đồ vật, văn tự. Rồi hệ thống chùa tháp, đình, đền thờ các tướng của Hai Bà Trưng, khu mộ địa và Lăng Sỹ Nhiếp ở phía Đông thành (nay thuộc Làng Tam Á)…

Cho đến nay, ngoài Luy Lâu không có nơi nào trên đất nước ta còn lại một khu di tích phản ánh tập trung thế kỷ lịch sử Bắc thuộc, đặc biệt là về Sỹ Nhiếp trong thời gian làm Thái thú ở Giao Châu và đóng trị sở tại Luy Lâu.

Các nguồn thư tịch cổ Trung Quốc và Việt Nam (Hậu Hán thư, Giao Châu ngoại vực ký, An Nam chí lược, Đại Thanh thống nhất chí…) đã ghi Thành Luy Lâu có từ thời Tây Hán và là trị sở của Quận Giao Chỉ thời thuộc Hán - Ngô. Đặc biệt, sách Đại Việt sử ký toàn thư còn cho biết Luy Lâu (hay Liên Lâu) - Long Uyên - Long Biên chỉ là một.

Sỹ Nhiếp làm Thái thú Giao Châu dưới hai triều Đông Hán và Ngô trong thời gian 40 năm và hai lần được phong tước: Long Bộ Đình Hầu (triều Đông Hán) và Long Biên Hầu (triều Ngô). Suốt thời kỳ làm Thái thú Giao Châu, Sỹ Nhiếp chỉ đóng trị sở tại Luy Lâu mà không có sự chuyển dời nào. Di tích Thành Luy Lâu (còn có tên là Thành Sỹ Vương, Thành Nam Giao), rồi đền thờ ông ở trong thành, lăng mộ ở Tam Á, cùng các nguồn tài liệu bia ký, truyền thuyết, địa danh… ở Luy Lâu đều thống nhất chỉ định trị sở của Sỹ Nhiếp tại Luy Lâu.

Việc Sỹ Nhiếp được phong tước Long Biên hầu thời thuộc Ngô cho thấy, vào thời điểm này (nửa đầu thế kỷ III trở đi), Luy Lâu (hay Liên Lâu) đã mang tên Long Biên. Lý do việc chuyển đổi này có nhiều cách giải thích khác nhau. Theo Thủy kinh chú: “Năm Kiến An thứ 23 đời Hán, lúc bắt đầu lập thành (Long Biên), có giao long lượn đi, lượn lại ở hai bến Nam - Bắc, nhân đó đổi Long Uyên ra Long Biên”. Năm Kiến An thứ 23 đời Hán, tức năm 218 là thời điểm Giao Châu dưới quyền cai quản của Thái thú Sỹ Nhiếp.

Sỹ Nhiếp đã cho xây dựng Luy Lâu thành trị sở cai trị và trung tâm kinh tế, văn hóa ở Giao Châu. Thành Luy Lâu được tu bổ mở rộng với quy mô to lớn, trở thành công trình phòng vệ kiên cố và căn cứ quân sự lợi hại. Chính văn bia ở đền thờ Sỹ Nhiếp trong Thành Luy Lâu đã xác nhận: “Sỹ Nhiếp người nước Lỗ (Trung Quốc), là vị chân Nho, làm Thứ sử Giao Châu, hành đức giữ gìn Phật tượng ở ấp Lũng Chiền, Siêu Loại, Luy Lâu Thành. Lấy Luy Lâu Thành làm nơi ở, phụng sự đền thờ và bốn bên Thành Luy Lâu. Đó chính là nơi trị sở…”.

Tóm lại, các nguồn tài liệu, đặc biệt là tài liệu ở khu di tích Luy Lâu đã thống nhất và bổ sung cho nhau, xác định Luy Lâu chính là Long Biên thủ phủ Giao Chỉ - Giao Châu thời Bắc thuộc. Trị sở này được xây dựng, mở rộng với quy mô lớn, bề thế như kinh đô của một nước dưới thời cai quản của Thái thú Sỹ Nhiếp. Mãi tới nửa đầu thế kỷ IX, trung tâm chính trị Giao Châu mới chuyển dời từ Luy Lâu về Tống Bình (Đại La), chấm dứt vai trò của Luy Lâu gần suốt thời kỳ Bắc thuộc, thời kỳ lịch sử bi hùng của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược và đồng hóa để cuối cùng giành lại quyền độc lập dân tộc, xây dựng quốc gia tự chủ vào đầu Thế kỷ X.

Phần tiếp theo: Luy Lâu - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa cổ xưa nhất

Trích Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long

Từ khóa » đền Luy Lâu