Mãng Cầu Xiêm Chết Hàng Loạt - Báo Nông Nghiệp Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Trong khi các khu vườn cây ở huyện Thống Nhất còn đang bị nạn ruồi vàng tấn công mạnh thì tại địa bàn huyện Cẩm Mỹ, cùng tỉnh Đồng Nai người dân lại đang phải đối mặt với tình trạng cây mãng cầu xiêm bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ chết hàng loạt…
Mãng cầu xiêm thời bệnh dịch
Đến xã Xuân Bảo và Bảo Bình của huyện Cẩm Mỹ, chúng tôi chứng kiến hàng loạt diện tích mãng cầu xiêm bị các chủ vườn đốn bỏ vì tình trạng nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ, chết không kịp cứu chữa. Chủ vườn Nguyễn Văn Dũng, ấp Tân Hạnh, xã Xuân Bảo dẫn chúng tôi ra khu vườn phía sau nhà chứng kiến thực tế toàn bộ 1,2 ha vườn mãng cầu xiêm (khoảng 10 năm tuổi) đã bị đốn bỏ để chuyển sang trồng cây cà phê và sầu riêng.
Góc vườn còn duy nhất một gốc mãng cầu xiêm chưa đốn hạ vì anh muốn giữ lại nghiên cứu “chẩn bệnh” để rút kinh nghiệm, Dũng lắc đầu ngao ngán: “Quái lạ thiệt, chẳng biết thứ bệnh gì mà khiến những cây mãng cầu xiêm trong vườn bị chết nhanh đến vậy. Vừa phát hiện cây có hiện tượng lá vàng úa, thì chỉ khoảng một tuần sau đã thấy trái héo rụng và cây chết liền, chẳng kịp cứu chữa…!”.
Theo lời Dũng kể, do liên tiếp trong nhiều năm cà phê thất mùa, rớt giá nên năm 2000 anh quyết định phá hết vườn cà phê chuyển sang trồng cây mãng cầu xiêm. Chỉ sau ba năm vườn cây nhà anh bói trái và cho thu hoạch đợt đầu được khoảng 70 triệu đồng. Đang hí hửng bởi trồng cây đã đến ngày hái quả thì bỗng nhiên những cây mãng cầu xiêm trong vườn nhà anh bắt đầu có hiện tượng đổ bệnh vàng lá rồi chết dần. Lo sợ bệnh sẽ lây lan ra khắp vườn, Dũng vác dao đốn bỏ những cây nào bị nhiễm bệnh, chỉ giữ lại những cây vẫn còn khoẻ, lá xanh, hy vọng tìm mua thuốc về chữa trị kịp thời.
Tuy nhiên, một thời gian sau, khi anh thử bới gốc cây mãng cầu xiêm lên thì thấy bộ rễ đã bị thối, gốc khô mục thâm sì nên đành phải đốn bỏ toàn bộ diện tích để tránh ủ mầm bệnh trong đất. Dũng cho biết, vốn ban đầu gia đình anh bỏ ra hơn 100 triệu đồng, chưa kể tính đến nay tiền phân thuốc chữa trị cho vườn cây đã tăng gấp 5 lần số đó, nhưng gia đình anh cũng đành chịu mất trắng!
Kế bên là vườn mãng cầu xiêm 8.000 m2 (15 năm tuổi) của hộ anh Bùi Đức Hải cũng bị chết đồng loạt. Đến nay gia đình anh Hải đã phải đốn hết cả vườn để chuyển sang trồng cây bơ và măng cụt. Còn hộ ông Nguyễn Ngọc Thạch, ở ấp Tân Hạnh từng nổi tiếng là người “tiên phong” trồng cây mãng cầu xiêm trong toàn vùng. Ấy vậy mà, hiện 1,2 ha vườn mãng cầu xiêm (15 năm tuổi) của gia đình ông Thạch cũng bị đốn không còn một gốc nào.
Hết thời hoàng kim
Nhớ lại thời hoàng kim của cây mãng cầu xiêm nhiều chủ vườn tiếc rẻ, vì nếu không bị dịch bệnh hoành hành thì đời sống của các hộ dân đến nay đã giàu to! Anh Lê Văn Đức, ấp Tân Hạnh tâm sự: “Cách nay khoảng bốn năm về trước đúng thời hoàng kim nhất của cây mãng cầu xiêm, chỉ sau một đợt thu hoạch gia đình tôi đã sắm được xe tay ga, thu nhập cao khiến nhà vườn ai ai cũng phấn khởi.
Vậy mà, bây giờ cứ nhắc đến cây mãng cầu ai cũng ngao ngán...!”. Theo anh Đức, thời đó với 3 ha khoảng 1.000 gốc (12 năm tuổi) của gia đình anh cho thu hoạch được 80 tấn trái, bán được với giá 9.000-10.000 đ/kg. Nhưng nay vườn cây nhà anh bị nhiễm các loại bệnh nấm hồng, rệp sáp, bọ xít muỗi ăn đọt… khiến cây không thể ra bông, cằn cỗi và chết dần. “Năm ngoái gia đình tôi đã chi phí hết 40 triệu đồng tiền phân, thuốc và từ đầu năm đến nay cũng tiêu tốn thêm cả 20 triệu đồng để trị bệnh cho vườn cây nhưng cũng chẳng ăn thua. Nếu tình trạng này kéo dài chắc tôi cũng đành phải chặt làm củi hết!” - anh Đức rầu rĩ. Tương tự, hộ bà Huỳnh Ngọc Thu cũng cho biết, vườn mãng cầu xiêm 8 sào, vừa đến lúc cho trái nhiều thì cây cũng bị đổ bệnh rồi chết hàng loạt, bị thiệt hại khoảng trên 200 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HND xã Xuân Bảo, bắt đầu từ tháng 12/2007-2008 cây mãng cầu xiêm trong xã bắt đầu bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, thường rơi vào những vườn cây lâu năm. Cây bị nhiễm bệnh và chết rất nhanh, chỉ khoảng 15 ngày sau khi phát hiện thấy lá vàng, nên không kịp chữa trị. Có cả chục hộ dân ở khu vực tập đoàn 5A, 5B trong xã đã bị chết trắng vườn, phải đốn bỏ toàn bộ diện tích để chuyển sang trồng cây khác.
Trao đổi với NNVN, anh Ngô Văn Truyền Lâm, quyền Trưởng trạm BVTV huyện Cẩm Mỹ cho biết: Năm trước diện tích cây bị nhiễm bệnh chết hàng loạt khoảng hơn chục ha, với tỉ lệ bệnh bình quân 8%, có nơi từ 10-15%. Mặc dù, Trạm đã phối hợp cùng Chi cục BVTV tỉnh xuống tập huấn các biện pháp phòng trừ bệnh cho các nhà vườn, nhưng tình trạng bệnh vẫn ngày càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay thực trạng bệnh đang bùng phát trở lại trên cây mãng cầu xiêm với diện tích lên đến 68 ha.
Từ khóa » Cây Mãng Cầu Xiêm Bị Vàng Lá
-
Biện Pháp Quản Lý Bệnh Thối Rễ, Chết Cành Mãng Cầu Xiêm
-
"Thuốc Thần" Cứu Cây Mãng Cầu Xiêm Khỏi Bệnh Cháy Lá | VTC16
-
Bệnh Thối Rễ, Chết Cành Hại Cây Mãng Cầu Xiêm Và Biện Pháp Phòng Trị
-
Khống Chế được Bệnh Trên Mãng Cầu Xiêm - Báo Hậu Giang
-
Phòng Và Trị Bệnh Trên Cây Mãng Cầu Xiêm Archives - Fman
-
Top 20 Mãng Cầu Xiêm Bị Vàng Lá Hay Nhất 2022 - XmdForex
-
Sự Thật Về Lá Mãng Cầu Xiêm Trị Ung Thư - Dược Liệu Thái Sơn
-
Bỏ Tay Vài Biện Pháp Nâng Cao Năng Suất Mãng Cầu Xiêm
-
Bệnh Rụng Lá Non Mãng Cầu, Làm Thế Nào Khắc Phục Hiệu Quả Nhất?
-
BỆNH THỐI RỄ, CHẾT CÀNH GÂY HẠI CÂY MÃNG CẦU XIÊM
-
Vị Thuốc Mãng Cầu Xiêm | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Mãng Cầu Xiêm - Cách Trồng Và Chăm Sóc Cho Năng Suất 40 Kg 1 Cây
-
Hướng Dẫn Trồng Cây Mãng Cầu Xiêm Hiệu Quả