Mềm Sụn Thanh Quản Và Những điều Bạn Cần Biết - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Giải phẫu thanh quản
  • 2. Nguyên nhân
  • 3. Biểu hiện bệnh
  • 4. Diễn tiến của tình trạng này như thế nào?
  • 5. Biến chứng
  • 6. Khi nào bố mẹ nên đưa bé đến bệnh viện lập tức?
  • 7. Có nên phẫu thuật hay không?

Mềm sụn thanh quản là bất thường bẩm sinh của sụn thanh quản khiến cho đường thở bị hẹp lại khi hít vào và gây tắc nghẽn. Đây là nguyên nhân gây thở rít bẩm sinh thường gặp nhất và cũng là bất thường bẩm sinh phổ biến nhất của thanh quản. Vài trường hợp hiếm có thể khiến cho trẻ thiếu oxy và ảnh hưởng đến sự phát triển. Thậm chí, những trường hợp nặng có thể đi kèm trào ngược dạ dày thực quản và các vấn đề về nuôi ăn. Chính vì thế, đây là vấn đề sức khỏe quan trọng ở những bệnh nhi sơ sinh mà bố mẹ nên có các thông tin cơ bản. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những đặc điểm cơ bản của mềm sụn thanh quản qua bài viết sau đây.

1. Giải phẫu thanh quản

Thanh quản nằm phía trước cổ, nối họng với khí quản. Vai trò chủ chốt của thanh quản là bảo vệ đường thở dưới bằng cách đóng lại đột ngột trước các kích thích cơ học. Ngoài ra, thanh quản còn có vai trò tạo ra giọng nói, ho, kiểm soát thông khí…

Cấu tạo của thanh quản bao gồm :

  • 3 sụn lớn, đơn độc: sụn nhẫn, sụn giáp, sụn nắp.
  • 3 cặp sụn nhỏ hơn: sụn phễu, sụn sừng, sụn chêm.
Cấu tạo sụn thanh quản
Cấu tạo sụn thanh quản

2. Nguyên nhân

Tình trạng này được cho là do sự chậm trưởng thành của các cấu trúc chống đỡ ở thanh quản. Các sụn thanh quản bị mềm và sa vào thanh quản trong lúc hít vào. Trong đó, thường gặp là sụn nắp hoặc sụn phễu hoặc cả hai. Điều này dẫn tới việc tắc nghẽn đường thở, gây ra một âm thanh ồn ào lúc hít vào.

Trẻ bị mềm sụn thanh quản dễ mắc trào ngược dạ dày thực quản hơn. Nguyên nhân là do trẻ phải tạo ra áp lực âm hơn trong lồng ngực để vượt qua chỗ tắc nghẽn đường thở. Ngược lại, trẻ bị trào ngược có thể có các đặc điểm giống như mềm sụn thanh quản do tác động của dịch trào ngược.

Hít thở ở trẻ bình thường và trẻ bị mềm sụn thanh quản
Hít thở ở trẻ bình thường và trẻ bị mềm sụn thanh quản

3. Biểu hiện bệnh

Thông thường, trẻ mắc bất thường này bắt đầu tạo ra những âm thanh khi hít vào trong 2 tháng đầu đời, điển hình bắt đầu ở 4 – 6 tuần tuổi, những cũng có thể muộn lúc 2 – 3 tháng. Âm thanh này tăng khi bé nằm ngửa, trong lúc ngủ, trong lúc ăn…Tuy nhiên, tiếng khóc của bé vẫn bình thường. Đa số trường hợp không ghi nhận khó bú, mặc dù đôi khi có thể sặc hay ho khi bú.

Các triệu chứng đi kèm khác bao gồm:

  • Khó cho ăn.
  • Bị sặc khi cho ăn.
  • Tăng cân kém.
  • Ngưng thở.
  • Kéo vào cổ hay ngực với mỗi nhịp thở.
  • Tím tái.
  • Trào ngược dạ dày thực quản: nôn, trớ…

4. Diễn tiến của tình trạng này như thế nào?

Trong hơn 90% trường hợp, việc điều trị cần thời gian và tổn thương này sẽ dần dần cải thiện. Do đó, hầu hết các âm thanh khi hít vào sẽ biến mất khi trẻ lên 2 tuổi. Trong 6 tháng đầu, âm thanh có vẻ sẽ lớn lên do luồng khí hít vào tăng dần theo tuổi. Sau khoảng thời gian này, tiếng ồn dần biến mất. Đôi khi âm thanh có thể sẽ tái phát khi chơi thể thao hoặc nhiễm trùng đường hô hấp.

Nếu đứa trẻ có tiếng khóc bình thường, tăng cân bình thường và tiếng thở rít tăng ít trong 2 tháng đầu thì không cần làm thêm gì để chẩn đoán. Một số trẻ có kèm biểu hiện giảm oxy máu có thể dẫn tới tăng áp phổi. Trẻ nên được cung cấp oxy ở những trường hợp này.

5. Biến chứng

  • Giảm oxy máu, cần được cung cấp oxy.
  • Giảm thông khí phế nang cần phẫu thuật hoặc thông khí áp lực dương.
  • Ngưng thở.
  • Tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản.
  • Tăng áp phổi.

6. Khi nào bố mẹ nên đưa bé đến bệnh viện lập tức?

  • Ngưng thở hơn 10 giây.
  • Môi chuyển sang màu xanh khi trẻ thở ồn ào.
  • Trẻ kéo cổ vào sau khi bị đổi tư thế hoặc đánh thức.
Nếu môi chuyển sang màu xanh khi thở thì nên cho trẻ đi khám
Nếu môi chuyển sang màu xanh khi thở thì nên cho trẻ đi khám

7. Có nên phẫu thuật hay không?

Ở những trường hợp nặng, mềm sụn thanh quản có thể ảnh hưởng đến hô hấp, gây nên khó khăn trong việc ăn, lớn lên và phát triển của trẻ. Can thiệp phẫu thuật ở những bệnh nhi này là cần thiết.

Như đã nói ở trên, còn 10% bệnh nhi nặng cần phải can thiệp, các nguyên nhân có thể là:

  • Không bú được.
  • Tăng CO2 máu hoặc giảm oxy máu đáng kể.
  • Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn nặng.
  • Tăng áp phổi.
  • Bệnh tim phổi.

Mềm sụn thanh quản là bệnh lý có tiên lượng rất tốt trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể dẫn tới những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến bệnh nhi. Bố mẹ cần phải biết diễn tiến và dấu hiệu khi nào nên đưa trẻ đi khám nhằm có thể điều trị hỗ trợ cũng như phẫu thuật kịp thời ở những trường hợp nặng. Khi phát hiện những bất thường ở con thì bố mẹ hãy đưa bé đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả nhé.

Bác sĩ Nguyễn Lê Vũ Hoàng

Từ khóa » Sụn Thanh Quản