Một Nửa Tiếng Anh - Moon ESL

(vnexpress.net: Tiếng Anh kiểu nửa vời) Nhiều cháu phát âm tiếng Anh còn tốt hơn cả các thầy cô giáo của mình. Ở các thành phố lớn, không ít các em có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh với người nước ngoài từ khi còn học cấp 1.

Đầu những năm 2000, khi chúng tôi tốt nghiệp trường Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội (HUFS) – nay là đại học Hà Nội – cánh sinh viên thường tếu táo: sinh viên tiếng Anh tốt nghiệp ở HUFS bị “câm điếc”, có nghĩa là không nghe và nói được tiếng Anh. Là câu đùa thôi, vì ngày đó sinh viên HUFS được đánh giá “hàng đầu” đặc biệt trong mảng dịch nói tiếng Anh. Nhưng câu đùa đó có một phần sự thật.

Thế hệ sinh viên đời đầu của thế kỷ 21, về cơ bản phần lớn chỉ giỏi ngữ pháp. Vào Đại học – dù là trường xịn nhất nhì nước – thì cũng chỉ được học với giáo viên Việt Nam và nghe băng đĩa. Nhà nào khá giả thì có TV xem CNN với Star Movies. Cơ hội giao tiếp với người nước ngoài xấp xỉ bằng 0, trừ những bạn nào chịu khó ra ngoài đi làm tour guide hoặc khách sạn. Cho nên “một bộ phận không nhỏ” sau khi ra trường mà gặp người nước ngoài là “xoắn hết cả lên”.

Thế hệ trẻ ngày nay khác nhiều rồi. Internet cho phép các em tiếp cận với tiếng Anh đa chiều: nhạc, phát âm tiếng Anh, phim… Các trung tâm tiếng Anh cho phép nhiều trẻ em thành phố tiếp xúc với tiếng Anh giao tiếp từ bé. Nhiều cháu phát âm tiếng Anh còn tốt hơn cả các thầy cô giáo của mình. Ở các thành phố lớn, không ít các em có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh với người nước ngoài từ khi còn học cấp 1. Nhưng sự thay đổi đó không phải đến từ hệ thống giáo dục. Đề thi tiếng Anh vào Đại học của các em vẫn giống như của thế hệ cha anh hàng chục năm trước.

Nếu so sánh đề thi đại học khối D năm 2002 – năm đầu tiên tổ chức thi chung – với đề đại học 14 năm sau đó, sự khác biệt duy nhất là phần thi viết: viết về những lợi ích của việc biết bơi (đề thi các năm trước đó cũng có nội dung viết, nhưng là viết lại câu).

Không có một chút nào của kỹ năng NGHE – NÓI được kiểm tra. Nói cách khác, trong 4 kỳ năng cơ bản NGHE – NÓI – ĐỌC – VIẾT, chỉ có 2 kỹ năng – MỘT NỬA – được kiểm tra.

Hai năm trước, tháng 6 năm 2014, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã “đốt cháy” các trang báo với nhận định không thể đúng hơn: “Trong quá trình đổi mới dạy và học, chúng tôi có tính đến đổi mới môn học ngoại ngữ thì thấy rằng cách dạy học và thi môn này không giống ai trên thế giới”. Hậu quả là: “học sinh học hết phổ thông vẫn không nói được tiếng Anh và kể cả nói tiếng Anh thì cũng… không ai hiểu.”

học sinh thi đại học chỉ thi phần đọc viết
Học sinh thi tốt nghiệp chỉ thi phần đọc viết

Và rồi, cơn bão đó tan rất nhanh, mọi việc lại trở về theo vết xe cũ của lịch sử.

Tiếng Anh có câu: “if you always do what you’ve already done, you’ll always get what you’ve already gotten”, có nghĩa là nếu chúng ta vẫn dạy và học tiếng Anh như 20 năm trước, trình độ tiếng Anh của Việt Nam về cơ bản sẽ dậm chân tại chỗ.

Nên mới có chuyện hoa hậu Thu Vũ làm trò cười cho dân Phillipines. Cô đã không thể “đọc” được một câu tiếng Anh đơn giản khi làm giám khảo trong một cuộc thi sắc đẹp. Tờ Manila Channel của Phillipines bình luận (đầy thông cảm hoặc “tỉa tót”): “Her English pronunciation was not that good that’s why it was difficult for the listeners to understand what she’s trying to say. But, it is understandable if she doesn’t have the best English pronunciation. Thu Vu is from Vietnam, and English isn’t their country’s first language.” (Phát âm tiếng Anh của cô ấy không tốt, nên người nghe không hiểu được cô ấy nói gì. Nhưng điều các bạn có thể hiểu được về phát âm của cô ấy là cô ấy đến từ Việt Nam, nơi tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính thức).

Và thảm họa tiếng Anh kiểu Thu Vũ thì không hề là ngoại lệ ở dải đất hình chữ S này. Đưa câu hỏi mà Thu Vũ phải đọc cho bất kỳ người Việt Nam có trình độ PTTH nào, dự là 90% sẽ không thể phát âm tiếng Anh đủ tốt cho bất kỳ ai trên thế giới có thể hiểu nổi.

Và Thu Vũ không phải là thảm họa tiếng Anh duy nhất. Rất nhiều người trẻ Việt Nam gặp khó khăn trong giao tiếp tiếng Anh, từ siêu mẫu Xuân Lan, cho tới quán quân Vietnam’s Next top Model 2011 Hoàng Thùy đều gặp khó khăn trong cả nghe và nói tiếng Anh. Và đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Ý thức được tầm quan trọng của giao tiếp tiếng Anh, nhiều người đẹp như Huyền My đã “đầu tư” sang tận Anh để củng cố tiếng Anh; hoặc như Á hậu Hoàng My đã khởi động bằng cách “cày” phát âm tiếng Anh để tạo ra sự khác biệt.

Nhưng ở Việt Nam, có mấy người có đủ kinh tế để sang tân Anh học như Huyền My; và mấy người đủ khôn ngoan để bắt đầu lại với Phát âm tiếng Anh như Hoàng My?

Cho nên, ở Việt Nam, những điều tưởng như rất bình thường, như một bộ trưởng đọc được tiếng Anh; hay một phó thủ tướng giới thiệu hang Sơn-Đoòng bằng tiếng Anh, đều nhận được sự chú ý đặc biệt của báo giới và công luận. Những chuyện tưởng như bình thường lại trở thành phi thường.

ở Việt Nam có mấy người đủ tài chính để sang Anh học như Huyền My
ở Việt Nam có mấy người đủ tài chính để sang Anh học như Huyền My

Cần một sự đổi thay

Để phần đông người Việt Nam có thể giao tiếp tiếng Anh tự tin, đã đến lúc chúng ta phải xây dựng hệ thống đào tạo ngoại ngữ trên cơ sở 4 kỹ năng NGHE – NÓI – ĐỌC – VIẾT của học sinh, chứ không chỉ là MỘT NỬA TIẾNG ANH như bây giờ. Và trong kỳ thi tốt nghiệp, đề thi phải thể hiện đầy đủ 4 kỹ năng ấy, chứ không phải học và thi theo trường phái “MỘT NỬA” như bây giờ. Để, ít nhất, sau 12 năm “cày cụi” tiếng Anh, các em có thể giao tiếp bằng tiếng Anh tự tin với người nước ngoài.

Như thế, cùng với các hiệp định như TPP, khi doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam lực lượng lao động của chúng ta đã có đủ tự tin và chủ động đón nhận các cơ hội việc làm. Khi người Việt Nam ra nước ngoài, chúng ta sẽ ít gặp rào cản về ngôn ngữ… Hoặc chí ít ra, sẽ không còn những “thảm họa” tiếng Anh như những gì đã xảy ra trong thời gian qua.

Xin mượn một bài thơ ưa thích để kết lại bài, bài “Một nửa” của Nguyễn Hoàng Sơn: “Nửa cốc nước đủ làm vơi cơn khát Nửa vầng trăng đủ cho kẻ mộng mơ Nửa sự thật không còn là sự thật Và tiếng Anh không MỘT NỬA bao giờ[*]…

và tình yêu không một nửa bao giờ”

Tác giả: Quang Nguyễn

(Bài đăng trên vnexpress.net: Tiếng Anh kiểu nửa vời)

[*] Xin phép tác giá, bản gốc: “

Lượt xem: 1.509

Từ khóa » Người Nửa Vời Tiếng Anh Là Gì