Một Số Giải Pháp Nâng Cao Vai Trò Của Quần Chúng Nhân Dân Trong ...
Có thể bạn quan tâm
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới việc phát huy dân chủ ở cấp cơ sở với nhiều nghị quyết, quy chế cũng như pháp lệnh được ban hành đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới nhằm phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân để phát triển kinh tế, ổn định chính trị, phát triển xã hội. Phát huy dân chủ ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình dân chủ hóa.
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại các xã là việc bảo đảm cho nhân dân được tham gia vào hoạt động lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, tham gia vào xây dựng cấp ủy và chính quyền. Quần chúng nhân dân thực hiện quyết định những vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống của mình. Trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến vào quyết định của cấp ủy, chính quyền. Kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền, cán bộ.
Vai trò của quần chúng nhân dân trong triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở thể hiện ở khả năng nhận thức và tính chủ động trong việc tiếp nhận của họ về giá trị của dân chủ và ý nghĩa việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Khi quần chúng chủ động, tích cực tìm hiểu, có hiểu biết đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của mình, hiểu biết chính sách, pháp luật của Nhà nước thì trên cơ sở đó sẽ chủ động, tích cực thực hiện một cách hiệu quả các quyền và nghĩa vụ của mình. Thực tiễn triển khai Quy chế và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở cho thấy: Ở địa phương nào quần chúng nhân dân chủ động tìm hiểu, nắm bắt nội dung của Quy chế, Pháp lệnh thực hiện quy chế dân chủ thì ở đó, quần chúng nhân dân nắm được những nội dung nào mình được quyền quyết định trực tiếp, những nội dung nào quần chúng nhân dân có quyền tham gia đóng góp ý kiến mà cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn là nơi có nhiều tiềm năng và hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ đã được thực hiện một cách thường xuyên và đạt được những kết quả nhất định, từng bước bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Nhân dân tích cực, chủ động tìm hiểu chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao hiểu biết về quyền, nghĩa vụ của công dân, góp phần quan trọng vào triển khai dân chủ. Hiện nay, 100% các xã trên địa bàn huyện có tủ sách pháp luật đặt tại trụ sở UBND xã. Trung bình mỗi tủ sách pháp luật có trên 100 đầu sách pháp luật các loại, đảm bảo đúng 4 bộ phận sách theo quy định gồm: văn bản quy phạm pháp luật; sách pháp luật phổ thông; báo chí pháp luật của Trung ương và địa phương; sách hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, công tác tư pháp cơ sở. Hàng năm, các xã đều cập nhật các đầu sách, tài liệu pháp luật, khoảng 15 đến 20 đầu sách/năm. Ý thức và trách nhiệm trong tham gia vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền ở địa phương và chất lượng hoạt động tham gia bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp của nhân dân tại các xã từng bước được nâng cao. Tỷ lệ quần chúng nhân dân tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân tăng lên qua từng kỳ bầu cử, trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tỷ lệ nhân dân tham gia bầu cử toàn huyện đạt 99,99% (90.914/90.919 với 202 tổ bầu cử).
Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại các xã trên địa bàn huyện vẫn còn có mặt hạn chế: vẫn còn cấp ủy, chính quyền xã chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, chưa quan tâm việc sơ kết, tổng kết, chậm đổi mới phương thức hoạt động; chất lượng hoạt động, công tác tham mưu của một số Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cho cấp ủy còn chưa sát với tình hình thực tiễn; một vài thành viên Ban Chỉ đạo chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; việc đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền chất lượng chưa cao, còn hình thức; chưa phát huy được tinh thần làm chủ của nhân dân và những việc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; vai trò giám sát của nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở còn hạn chế.
Để phát huy tốt vai trò của quần chúng nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, phát huy quyền làm chủ và vai trò của quần chúng nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại các xã
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân là một trong những giải pháp quan trọng để người dân thực sự được thực hiện quyền làm chủ của mình. Trên cơ sở đó, thực hiện mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại các xã. Trong những năm tiếp theo, cần tập trung thực hiện những giải pháp cụ thể nhằm phát triển một cách bền vững trong nông nghiệp, nông thôn của huyện tạo điều kiện, tiền đề cần thiết nâng cao đời sống vật chất và trình độ dân trí cho nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, hình thành các chuỗi giá trị hiện có, đồng thời thúc đẩy việc xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh mới trên địa bàn, góp phần từng bước thay đổi tư duy, nâng cao trình độ dân trí cho quần chúng nhân dân ở vùng nông thôn. Từ đó nâng cao nhận thức và khả năng thực hành dân chủ ở cấp xã cho quần chúng nhân dân.
Thứ hai, tiếp tục tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước.
Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” và Thông tư số 01/2016/TT-BNV, ngày 13/01/2016 của Bộ Nội vụ “Hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập”; Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 26/02/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường lãnh đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở và Nghị quyết số 12-NQ/HU, ngày 18/5/2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở thôn, khu phố trong tình hình mới”.
Rà soát và tiếp tục kiện toàn các thành viên Ban chỉ đạo về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp gắn với trách nhiệm của từng cá nhân được phân công phụ trách cơ sở; Tiến hành kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một cách thực chất.
Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trong đó có nội dung về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Gắn việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và trong xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong đối thoại trực tiếp với nhân dân, trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân góp phần ổn định tình hình chính trị, kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Thứ ba, nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quần chúng nhân dân thực hiện quyền làm chủ
Tạo điều kiện để quần chúng nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến vào nội dung các nghị quyết, quyết định, kế hoạch của cấp ủy và chính quyền địa phương. Quá trình xây dựng nghị quyết, chủ chương của cấp ủy các cấp của Lạng Sơn chủ yếu vẫn trong tình trạng khép kín, là công việc nội bộ cấp ủy. Vai trò của nhân dân đối với xây dựng nghị quyết của cấp ủy chỉ dừng lại ở lý luận, chưa được cụ thể hóa thành quy định. Do vậy, để bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân đòi hỏi cấp ủy, chính quyền xã phải bảo đảm quyền quyết định của nhân dân đối với những công việc được quy định trong Quy chế, Pháp lệnh dân chủ. Xây dựng và thực hiện nghiêm túc hoạt động lấy ý kiến của nhân dân trong quá trình xây dựng nghị quyết, quyết định, các chính sách, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền.
Trong những năm tới, cấp ủy cần nghiên cứu để xây dựng quy chế về việc lấy ý kiến của nhân dân đối với nghị quyết và quyết định của cấp ủy, quy định về quy trình tổ chức lấy ý kiến, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân; quy định về việc tổng hợp, xử lý ý kiến đóng góp của nhân dân và việc bảo đảm những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của nhân dân được sử dụng trong xây dựng nghị quyết của cấp ủy. Khắc phục tình trạng khép kín trong quá trình xây dựng nghị quyết, đưa ra các quyết định của cấp ủy đảng về những vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống của nhân dân hay tình trạng hình thức trong tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Điều này không chỉ không đem lại hiệu quả đối với xây dựng nghị quyết của cấp ủy mà còn củng cố niềm tin của nhân dân vào hoạt động lãnh đạo của cấp ủy. Từ đó, tạo điều kiện để nhân dân tin tưởng và thực hiện được vai trò trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Cấp ủy, chính quyền cấp xã cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, ý nghĩa của việc thực hiện Quyết định số 218 - QĐ/TW “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền” giúp nhân dân hiểu được ý nghĩa, nội dung thực hiện cơ chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương; cấp ủy đảng lãnh đạo chính quyền tổ chức triển khai hoạt động bảo đảm cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân thực hiện hiệu quả quyền tham gia đóng góp ý kiến, giám sát và phản biện đối với sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện; tiến hành sơ kết, tổng kết kịp thời việc triển khai, rút kinh nghiệm, phát hiện và uốn nắn những biểu hiện sai lệch trong quá trình thực hiện. Đồng thời, phát hiện sai phạm cản trở hoạt động giám sát và phản biện xã hội của nhân dân đối với hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân đối với cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước. Kiên quyết xử lý đối với những vi phạm của cá nhân, cơ quan nhà nước và chính quyền trong thực hiện quyền giám sát, đóng góp ý kiến đối với cấp ủy và chính quyền. Khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại, ngại khó hoặc thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế, quy định ở các địa phương.
Có thể thấy rằng vai trò của quần chúng nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới đã được Đảng ta xác định, đó là dân chủ hoá mọi mặt đời sống xã hội để xây dựng nền dân chủ XHCN, đúng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn gọi chung là cấp xã đã khẳng định: thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở là một đảm bảo quan trọng để xác lập ổn định chính trị tích cực và phát triển bền vững.
Hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở không chỉ là mục tiêu động lực mà còn trở thành “chìa khóa” tập hợp khối đại đoàn kết và huy động sức mạnh tổng hợp, phát huy sức sáng tạo trong nhân dân. Chỉ có phát huy quyền làm chủ thật sự của nhân dân trong quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” mới huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
ThS. Hoàng Thị Quyên
khoa Lý luận cơ sở
Từ khóa » Giai Phap Phat Huy Quyen Lam Chu Cua Nhan Dan
-
Tiếp Tục Phát Huy Quyền Làm Chủ Của Nhân Dân Theo Cơ Chế “Đảng ...
-
NÂNG CAO NĂNG LỰC LÀM CHỦ CỦA NGƯỜI DÂN TRONG ĐIỀU ...
-
Phát Huy Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa, Bảo đảm Quyền Làm Chủ Của ...
-
Phát Huy Quyền Làm Chủ Và Vai Trò Chủ Thể Của Nhân Dân Trong Xây ...
-
Tạo Không Gian Rộng Mở để Phát Huy Quyền Làm Chủ Của Nhân Dân
-
Bình Thuận: Phát Huy Quyền Làm Chủ Của Nhân Dân
-
Phát Huy Quyền Làm Chủ Của Nhân Dân Trong Kiểm Soát, Giám Sát ...
-
Một Số Giải Pháp: Đảm Bảo Dân Chủ XHCN Và Quyền Làm Chủ Của ...
-
Khái Quát Về Dân Chủ Và Quyền Làm Chủ Của Nhân Dân Trong Quản Lý ...
-
Thực Hiện đầy đủ Các Quyền Dân Chủ Của đảng Viên, Của Nhân Dân ...
-
Một Số Giải Pháp Phát Huy Dân Chủ ở Cơ Sở
-
Phát Huy Quyền Làm Chủ Của Nhân Dân Và Phương Châm “Dân Biết ...
-
Dân Chủ Trong Xây Dựng Nhà Nước Pháp Quyền Xã Hội Chủ Nghĩa ...
-
Một Số Giải Pháp Nâng Cao Hiệu Quả Việc Thực Hiện Dân Chủ Và Phát ...